California như ‘tận thế’ giữa cháy rừng và Covid-19
Bầu trời mù mịt khói bao trùm hàng triệu cư dân ở bang California, khi hàng chục đám cháy rừng vượt tầm kiểm soát và tiếp tục lan rộng.
Người dân California trải qua gần một tuần nắng nóng kỷ lục. Ở thung lũng Chết, phía đông bang California, nhiệt độ chiều 16/8 lên tới 54 độ C. Không chỉ vậy, người dân cũng tiếp tục đối mặt nguy cơ mất điện kéo dài vì lưới điện quá tải và cuộc chiến dai dẳng với Covid-19, đại dịch giết chết khoảng 130 người California mỗi ngày.
Ngay cả bang vốn quen thuộc với thảm họa như California, những ngày tháng 8 vẫn thật tồi tệ.
23 đám cháy lớn và hơn 300 đám cháy nhỏ được báo cáo hôm 19/8 trên khắp bang. Khu vực vịnh San Francisco ghi nhận 15 đám cháy, trong đó hầu hết vượt tầm kiểm soát và thiêu rụi nhiều diện tích cây cỏ. Hàng nghìn cư dân được yêu cầu sơ tán khỏi hạt Napa và các ngọn đồi phía trên thung lũng Silicon thuộc hai hạt Santa Cruz và San Mateo.
Tại phía nam California, nhiều đám cháy được báo cáo ở hạt Ventura và Riverside, thiêu rụi hơn 17.000 hecta rừng tại Khu bảo tồn quốc gia Mojave. Hôm 19/8, một phi công trực thăng tham gia chữa cháy ở hạt Fresno đã thiệt mạng vì tai nạn, theo Sở cứu hỏa California.
Khói cháy rừng bao trùm bầu trời ở hạt Santa Cruz, bang California hôm 19/8. Ảnh: AP.
Edie Kansas rời nhà ở ngoại ô Vacaville, phía đông bắc San Francisco, lúc 1h sáng 19/8 khi “bức tường lửa” lan xuống sườn đồi, đe dọa trang trại gia súc của gia đình bà. Những năm trước, khi cháy rừng xảy ra, các đội cứu hỏa với thành viên chủ yếu là tù nhân trong các nhà giam gần đó, thường nhanh chóng tới giúp người dân. Nhưng năm nay, một phần do đại dịch Covid-19, đội ngũ này bị cắt giảm. Một số tù nhân phải cách ly, trong khi nhiều người được thả để giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong tù.
Cháy rừng, mất điện và mối đe dọa từ Covid-19 đã biến 2020 trở thành năm tồi tệ nhất đối với Kansas. “Năm nay thật sự khủng khiếp”, bà nói.
Các đám cháy đe dọa Vacaville được gọi chung là Lightning Complex, đã phá hủy hơn 50 ngôi nhà và đang đe dọa gần 2.000 tòa nhà khác. Tại phía tây Vacaville chiều 19/8, nhiều ngôi nhà dọc theo đường Pleasants Valley bị nhấn chìm trong biển lửa, khói bụi tràn ngập không khí.
Chỉ trong vòng 12 giờ từ đêm 18/8 tới sáng 19/8, các đám cháy ở khu vực này đã khiến ít nhất 4 người bị thương và lan rộng gần 6.000 hecta. Tới giờ, cháy rừng đã bao phủ khu vực rộng hơn 17.000 hecta ở các hạt Napa, Sonoma và Solano, lớn hơn diện tích thủ đô Washington, và hoàn toàn chưa được kiểm soát.
California năm nay báo cáo 6.754 vụ cháy rừng, trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này chỉ hơn 4.000, theo Thống đốc Gavin Newsom. Tuy nhiên, ông Newsom, người ban bố tình trạng khẩn cấp hôm 18/8, nhấn mạnh California đã quen với thách thức của mùa cháy rừng và các quan chức đã sẵn sàng ứng phó trong nhiều tháng.
Video đang HOT
Ông Newsom cũng cảm ơn thống đốc các bang khác, trong đó có Arizona và Texas, khi gửi lực lượng chữa cháy hỗ trợ cho California. “Chúng tôi đang dồn mọi nguồn lực để xử lý các đám cháy này”, ông nói.
Thống đốc Newsom thậm chí đã huy động lực lượng Vệ binh Quốc gia của bang tham gia dập cháy rừng.
Nguyên nhân cháy rừng đang được điều tra, nhưng nhiều khả năng bắt nguồn từ các vụ sét đánh nhiều bất thường vào cuối tuần qua. Jeremy Rahn, người phát ngôn Sở cứu hỏa California, cho biết bang đã hứng chịu “đợt sét đánh lịch sử” trong 72 giờ qua với 11.000 tia sét, gây ra 367 đám cháy mới.
Trước khi vào mùa cháy rừng, Mark Ghilarducci, giám đốc văn phòng dịch vụ khẩn cấp bang California, nói Covid-19 đã “gây ra nhiều vấn đề phức tạp” cho việc lên kế hoạch ứng phó cháy rừng, từ sơ tán đến cắt giảm nhân lực, đặc biệt là đội ngũ tù nhân cứu hỏa. Sở cứu hỏa California cho hay thông thường họ có khoảng 190 đội cứu hỏa tù nhân, nhưng năm nay chỉ còn 90. Tù nhân hiện chiếm khoảng 1.300 trong tổng 6.900 thành viên lực lượng cứu hỏa trên toàn bang.
Dù còn quá sớm để nói liệu có phải biến đổi khí hậu gây ra đợt nắng nóng này hay không, khí hậu nóng lên do con người phát thải khí nhà kính nhìn chung đã khiến cháy rừng trầm trọng thêm ở California. Biến đổi khí hậu đã khiến mùa cháy rừng kéo dài gần như quanh năm, thay vì chỉ tập trung từ tháng 8 đến tháng 11 như trước.
“Chúng tôi giờ phải đối phó với đại dịch toàn cầu, cháy rừng, mất điện. Nếu nó còn chưa đủ tệ, bạn còn muốn điều gì khác nữa?”, Ghilarducci nói.
Cháy rừng thiêu rụi ôtô ở Vacaville, bang California hôm 19/8. Ảnh: NYTimes.
Các biện pháp phòng tránh cháy rừng mới đã được Thống đốc Newsom thông báo hồi tháng 7, như tăng cường nguồn lực cho đội cứu hỏa và ngăn nguy cơ nCoV lây lan trong các trung tâm sơ tán. Các biện pháp mới cũng bao gồm kiểm tra sức khỏe cho người vào khu sơ tán, tăng cường vệ sinh, cách ly người sơ tán có triệu chứng nhiễm nCoV, hay trưng dụng ký túc xá đại học, khách sạn làm nơi sơ tán.
“Chúng tôi phải thay đổi suy nghĩ. Chúng tôi hiểu rằng đưa tất cả vào một căn phòng lớn không phải là biện pháp hiệu quả trong năm nay”, Ghilarducci nói thêm.
Tại các điểm sơ tán, tình nguyện viên đeo khẩu trang phân phát nước uống, đồ ăn và nước rửa tay cho người dân. Rita Mancera, giám đốc điều hành Puente, tổ chức dịch vụ xã hội, cho biết sơ tán mọi người giữa đại dịch là công việc “quá tải”. “Chúng tôi phải yêu cầu mọi người duy trì khoảng cách an toàn”, bà nói.
Mất điện càng khiến tình tình ở California trở nên phức tạp hơn. Thống đốc Newsom trong thư gửi các cơ quan điện lực ngày 17/8 đã chỉ trích việc thiếu kế hoạch ứng phó.
“Các cơ quan quản lý điện đã không lường trước được tình hình và có hành động cần thiết nhằm đảm bảo nguồn điện ổn định cho người dân California. Điều này không thể chấp nhận được”, ông viết.
Lưới điện của California đang trong giai đoạn chuyển đổi từ hệ thống sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Hàng chục nhà máy điện đã bị đóng cửa. Một số đã quá cũ, không hiệu quả và tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho môi trường, không khí và sinh vật biển. Một số khác tỏ ra không có hiệu quả kinh tế khi bang đẩy mạnh sử dụng năng lượng sạch như điện gió và điện mặt trời.
Khi các đám cháy dự đoán tồi tệ hơn vào mùa thu, một số chuyên gia y tế lo ngại ô nhiễm khói sẽ khiến nhiều người dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, như Covid-19.
Cơ quan Thời tiết Quốc gia ở khu vực vịnh San Francisco cảnh báo chất lượng không khí ở đây sẽ “ngày càng xấu hơn” trong thời gian tới. Tại nhiều nơi trong khu vực, chỉ số chất lượng không khí đã cao hơn 200 hôm 19/8. Con số này thậm chí cao hơn một số thành phố ô nhiễm hàng đầu của thế giới như New Delhi, Ấn Độ với chỉ số 154 hay Bắc Kinh, Trung Quốc với mức 150.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra ở các khu vực có chất lượng không khí thấp, người nhiễm nCoV dễ có nguy cơ tử vong hơn. Ho, khó thở và đau đầu là triệu chứng của cả nhiễm nCoV và hít phải khói cháy rừng, do đó khó xác định nguyên nhân gây bệnh hơn.
Hạt Solano, bao gồm thành phố Vacaville và có hơn 450.000 cư dân, ghi nhận thêm trung bình 76 ca nhiễm mỗi ngày trong hai tuần qua.
Ngôi nhà bị thiêu rụi sau cháy rừng ở Vacaville, bang California hôm 19/8. Ảnh: NYTimes.
Đối với một số cư dân Vacaville, mất điện khiến tình hình tồi tệ hơn. Khi cháy rừng tấn công, Philip Galbraith không nhận được bất kỳ cảnh báo nào vì nhà ông bị mất điện từ đêm 18/8. Sau đó, một người hàng xóm phải đập mạnh cửa nhà ông để thúc giục sơ tán gấp.
Galbraith vội vã rời khỏi nhà lúc 2h45 sáng. “Tôi phải rời khỏi căn nhà với nhiều thứ mà tôi đã có. Tôi vội vã đưa con trai chạy đi”, ông nói.
Trong khi đó, tại Pescadero, Lynne Bowman giờ phải ngủ trong chiếc xe moóc. “Đây là nơi mà tôi sống hiện giờ”, Bowman nói.
Bà cùng chồng và con gái chỉ có 45 phút để lấy quần áo, trang sức cùng hai con chó Viggo và Hedy, vào tối 18/8 khi cháy rừng ập đến. Chỉ trước đó vài ngày, bà Bowman vừa tổ chức đám cưới cho con gái chỉ với 20 khách tham dự vì quy định cách biệt cộng đồng do Covid-19.
“Đại dịch rồi đến cháy rừng, có khác nào ngày tận thế không cơ chứ”, bà nói.
Hơn 360 đám cháy rừng tàn phá California
20.000 tia sét liên tục trút xuống California trong 72 giờ, gây ra 367 đám cháy rừng, buộc hàng chục nghìn người phải sơ tán.
Các đám cháy rừng bao phủ diện tích 18.615 hecta gần thành phố Vacaville, phía bắc San Francisco, hôm 19/8, lan khắp vùng đồi núi, phá hủy 50 ngôi nhà và nhiều công trình kiến trúc khác. Thành phố 100.000 dân buộc phải sơ tán một phần sau khi nhiều ngôi nhà cửa và gia súc ở phía tây bị thiêu trong đám cháy.
Xe cứu hỏa lao qua lửa khi đám cháy Hennessey tiếp tục bùng phát dữ dội ngoài tầm kiểm soát gần hồ Berryessa ở Napa, California, hôm 19/8. Ảnh: AFP.
Ở phía nam, cảnh sát đã thông báo sơ tán bắt buộc trong 30 phút cho cộng đồng dân cư ở Fairfield, thành phố 117.000 dân.
"Chúng ta đang trải qua đợt hỏa hoạn chưa từng có trong rất nhiều năm", Thống đốc California Gavin Newsom nói.
Năm 2017, cháy rừng khắp Bắc California đã giết chết 44 người, xóa sổ nhiều nhà máy rượu, phá hủy gần 9.000 ngôi nhà và nhiều công trình kiến trúc.
Thống đốc Newson đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn bang hôm 18/8, đồng thời yêu cầu hỗ trợ 375 xe chữa cháy từ các địa phương khác. Trung tâm Cứu hỏa Liên ngành Quốc gia, nơi điều phối các hoạt động chữa cháy liên bang, đang được đặt trong tình trạng báo động cao nhất.
Cháy rừng càng nghiêm trọng hơn do California đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài. Khói bụi bốc lên từ các đám cháy làm giảm chất lượng không khí.
Tại miền trung California, một trực thăng gặp sự cố khi đang làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở hạt Fresno, khiến phi công thiệt mạng hôm 19/8, theo Sở Lâm nghiệp và Phòng cháy Chữa cháy California.
Các cụm đám cháy ở California hôm 19/8. Ảnh: Latin Times
Các chuyên gia cho hay cháy rừng làm gia tăng khó khăn cho California, bang đang chật vật ngăn chặn số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng trong hai tháng qua.
Y tá chăm bệnh nhân Covid-19 dặn chồng: 'Nếu em mất, anh đừng tới' Nữ y tá người Mỹ không muốn chồng liều lĩnh vào khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Một dải băng đỏ dài bao quanh khu điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus nCoV trong Trung tâm Y tế St. Jude ở thành phố Fullerton (bang California, Mỹ). Đó là ranh giới phân cách rõ ràng. Một bên là "khu lạnh" nơi...