Cái Thùy
Có lẽ, trong suốt cuộc đời này tôi không thể nào quên được cái Thùy – cô bạn cùng khóa, với kỷ niệm buồn, khiến tôi còn ân hận, day dứt đến tận bây giờ.
Năm ấy, tôi học lớp 8B Trường PTCS Rạng Đông, Nghĩa Hưng, Nam Định. Mặc dù đã mười bốn, mười lăm tuổi nhưng đứa nào cũng vẫn còn nghịch ngợm như quỷ. Nhà trường vừa mới xây được hai phòng học mái bằng và ưu ái cho hai lớp 8 chúng tôi vào học. Mặc dù đã được thầy hiệu trưởng nhắc nhở là phải giữ gìn lớp học sạch đẹp nhưng các hình vẽ và những dòng chữ vẫn được chúng tôi vẽ lén lút lên bức tường vôi trắng toát ấy. Nhiều nhất là các hình vẽ về xe tăng, máy bay, tàu chiến, súng ống… với đủ màu sắc.
Khi đã chán vẽ thì tôi chuyển sang… đục tường. Tôi ngồi ở bàn cuối lớp, lưng dựa vào bức tường ngăn cách với lớp bên kia. Vào những giờ ra chơi và cả trong giờ học, tôi dùng một đoạn que tre khoét theo mạch vữa trên bức tường ở ngay sau lưng mình. Chẳng bao lâu tôi đã tạo ra một lỗ thủng bé bằng ngón tay, thông sang lớp bên kia. Ngồi đối xứng với tôi qua bức tường là cái Thuỳ. Mỗi lần tôi ghé mắt nhìn qua lỗ thủng đều bắt gặp những sợi tóc dài óng mượt và đen nhánh, thả dịu dàng dọc theo tấm lưng ong. Những sợi tóc dài ấy cứ mờ tỏ, thoáng ẩn thoáng hiện theo từng hoạt động của Thùy. Điều đó khiến tôi nảy ý định trêu chọc. Tôi bẻ một cành phi lao nhỏ, thỉnh thoảng lại lấy ra luồn vào lỗ thủng để chọc sang mái tóc và tấm lưng của cái Thùy.
Rồi cũng đến lúc Thùy khó chịu với trò đùa dai như đỉa của tôi nên đã ngồi dịch ra một chút khiến tôi không còn được nhìn thấy mái tóc dài ấy nữa. Tôi chuyển sang viết thư. Tôi xé những mảnh giấy nhỏ bằng bàn tay, viết vào đó một hai dòng rồi vo viên lại, dùng que đẩy sang phía bên kia. Hình như cái Thùy thích thú bởi vì nhiều lần tôi thấy nó đưa tay ra đón viên giấy mà tôi đẩy sang…
Video đang HOT
Thế rồi tôi bị cảm, phải nghỉ học gần một tuần. Hôm khỏi ốm, tôi đến lớp và được thằng Tùng – ngồi cạnh tôi ghé tai kể rằng trong những ngày tôi nghỉ học, thỉnh thoảng cái Thùy đi ngang qua lớp tôi và nhìn vào cái lỗ thủng như muốn tìm cái gì đó. Tôi vội vàng xé giấy viết thư cho Thùy. Vì muốn viết nhiều nên thành ra mảnh thư ấy to quá. Tôi vo mãi mà viên giấy cũng chỉ nhét vừa miệng lỗ. Tôi phải chọc thật mạnh để đẩy viên giấy ấy sang. Bỗng nghe tiếng kêu thất thanh ở lớp bên kia.
Ôi thôi, cái Thùy đang ôm mặt khóc. Máu và nước mắt từ mắt phải chảy ra đầm đìa khuôn mặt. Thì ra khi tôi chọc mạnh cái que sang cũng là lúc cái Thùy đang ghé mắt dòm vào cái lỗ thủng. Cái que ấy đã làm rách mi mắt trên rồi chọc vào con ngươi khiến nó rất đau đớn.
Sau một thời gian được điều trị trên Hà Nội, cái Thùy trở lại với chỗ ngồi quen thuộc ở trong lớp học. Cũng may là Thùy vốn học giỏi nên cũng không mấy khó khăn trong việc theo đuổi chương trình. Ai hỏi về vụ tai nạn đó, Thùy đều nói là khi cúi xuống gầm bàn, do sơ ý mà bị chiếc bút máy chọc vào.
Lên cấp 3, Thùy được chọn vào lớp Toán của trường chuyên trên tỉnh. Rồi đường đời muôn ngả và cuộc sống bộn bề khiến chúng tôi không có dịp gặp lại nhau. Thùy bây giờ đã là thạc sĩ, giảng dạy ở trường ĐHSP Hà Nội I.
Còn tôi, run rủi thế nào mà sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm lại được về dạy ở ngay ngôi trường làng mình đã học ngày xưa. Mặc dù hai phòng học mái bằng ngày ấy không còn nữa bởi đã được thay bằng dãy nhà ba tầng khang trang, nhưng nhiều khi đứng trên bục giảng nhìn xuống cuối lớp, tôi vẫn hình dung thấy cái lỗ thủng ấy. Phía bên kia lỗ thủng là ánh mắt của Thùy ngày ngày cứ nhìn xoáy sâu vào miền tâm tưởng của tôi…
Theo Lao động
Cậu học trò nghèo và mấy dây bầu
Nhà tôi nghèo lắm, ở thành thị mà chẳng biết đến ánh đèn điện, vẫn tranh tre như ở quê. Mẹ mua gánh bán bưng độ nhật qua ngày, nên chuyện học hành là cả một cuộc vật lộn ghê gớm. Tôi thường đói lòng đến lớp, và triền miên làm đơn xin miễn giảm học phí, cho dù khi ấy mức đóng góp chẳng là bao.
Thui thủi học rồi về, chẳng có được mấy người bạn. Quần áo cũ mèm, tập vở thiếu thốn. Cái nghèo của hơn 20 năm trước thật khó diễn tả. Nhưng tôi rất cố gắng học, và có kết quả tốt. Trường phổ thông cơ sở của thị trấn rêu phong được xây dựng từ thời thuộc Pháp, tường vách bong tróc. Các dãy phòng học chắn ba phía, dãy nhà tập thể cho giáo viên mới dựng sau ngày giải phóng rất cho đơn sơ, cũng tranh tre nứa lá như nhà của tôi thôi.
Cạnh nhà kho thiết bị, cô trồng mấy dây bầu. Sức sống của loại thực vật này khiến tôi kinh ngạc: bức tường nóng như thế, trơn tru như thế, mà dây bầu vẫn sống vẫn leo tít lên cao, lá to và xanh trông vô cùng khỏe khoắn. Cô tưới nước thường xuyên, và tôi nhớ là cô tưới nhiều lắm. Tôi cũng giúp cô tưới. Dây bầu to gần bằng cổ tay tôi, gân guốc. Trái thì nhiều đến khó tin, và to nữa. Mấy dây bầu bò trên tường đủ cho cô dùng suốt năm.
Cô không có gia đình riêng, cho dù cô khá xinh đẹp và đứng tuổi. Nơi chôn nhau cắt rốn thì rất xa, và cô cứ sống như thế với công việc quản lý một trường học, chăm sóc ngôi nhà tranh nhỏ xíu và tất nhiên là cả mấy dây bầu. Tất cả chỉ có thế.
Những quyển sách văn chương của cô hiệu trưởng đã nuôi tình yêu văn học trong tôi. Ngoài ra, đấy còn là sự chăm sóc một học sinh nghèo hiếu học, theo cách của cô. Ngày tôi vào đội tuyển học sinh giỏi văn dự thi vòng tỉnh, cô rất vui, cho dù chẳng nói gì. Khi ấy, chuyện học trò nghèo nhất trường là tôi được lên tỉnh thi học sinh giỏi là cả một sự kiện.
Đến mãi sau này, khi đã xa cô rồi, nhớ lại mấy dây bầu mà cô và tôi âm thầm vun tưới. Ngẫm nghĩ mãi, tôi vỡ ra: hay đấy là thông điệp mà cô muốn tôi mang vào đời: "Dù khó khổ đến đâu, nghị lực mạnh mẽ sẽ giúp ta vươn lên, ra hoa kết trái như mấy dây bầu đã kiên cường làm được". Thực ra, so sánh thân phận tôi với mấy dây bầu kia cũng khá tương đồng.
Không biết giờ cô đang ở đâu, đã yên bề gia thất chưa, và chắc là vẫn nhớ nhiều về ngôi trường cấp II ngày ấy, cả mấy dây bầu và cậu học trò nghèo rớt mồng tơi mà cô coi như một đứa con, một đứa em.
Viết những dòng này gửi đến cô, như những lời tri ân tận đáy lòng. Mong cô, dù ở đâu, cũng luôn được bình an, hạnh phúc. Cô đáng được như thế, thưa cô!
Theo người lao động
Giấc mơ buồn Em thật sự buồn lắm, cứ ngỡ mọi chuyện đến như một giấc mơ, một giấc mơ buồn. Trong một buổi chiều yên ả, có những cơn gió lạ, bầu trời xuất hiện những cơn mưa phùn bất chợt. Lòng em lại cảm thấy tê tái, nhói buốt khi thấy nhớ về hình bóng của anh. Trong tâm trí của em luôn nhớ...