Cải thiện mất ngủ do Covid-19
Thay đổi các thói quen trước khi ngủ, tập thiền, thư giãn hay tự xoa bóp bấm huyệt… sẽ giúp giảm cơn đau đầu, mất ngủ ở người đang phục hồi hậu Covid-19.
Nhiều người bệnh đang hồi phục sau mắc Covid-19 chia sẻ, giấc ngủ của họ đã thay đổi so với trước khi nhiễm bệnh. Một số trường hợp cảm thấy khó đi vào giấc ngủ hoặc không ngủ được. Một nhóm khác lại thấy họ thức dậy sớm hơn bình thường và không thể ngủ lại, sau khi thức giấc không sảng khoái, giống như chưa ngủ, bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM Cơ sở 3, cho biết.
“Sự căng thẳng và những thay đổi lớn trong thói quen cùng việc giảm hoạt động do Covid-19 đã gây ra khủng hoảng về giấc ngủ”, bác sĩ Vũ nói.
Ông phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến Covid-19 tác động xấu đến giấc ngủ tự nhiên, như khó khăn về kinh tế, sự giãn cách xã hội, cách ly lâu dài dẫn đến cô đơn, trầm cảm, hay việc sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh. Đặc biệt, người bệnh có những trải nghiệm đau khổ về thể xác, hay sự ám ảnh khi từng chứng kiến bệnh nhân bên cạnh trở nặng và tử vong. Hoặc nỗi sợ hãi chính mình sẽ chết vì bệnh tật khiến cơ thể rơi vào trạng thái cảnh giác cao độ. Điều này chuẩn bị cho cơ thể và tâm trí luôn trong trạng thái sẵn sàng “chiến đấu”, không có khoảng nghỉ ngơi, khiến người bệnh gián đoạn chu kỳ sinh học ngày/đêm, mệt mỏi, không thể ngủ ngon.
Hậu quả của mất ngủ kinh niên là cơ thể có xu hướng giảm khả năng miễn dịch và độ nhạy cảm với virus cao hơn. Thiếu ngủ cũng có tác động tiêu cực đến sự điều chỉnh cảm xúc và tâm trạng, khiến trí nhớ và việc ra quyết định kém đi, thậm chí, có thể gây ra các vấn đề về tim mạch và trao đổi chất (nguy cơ tăng cân, tiểu đường), huyết áp cao…
Để cải thiện giấc ngủ hậu Covid-19, bác sĩ Vũ khuyến cáo người bệnh nên thay đổi thói quen sinh hoạt, như ăn uống đầy đủ, tập thể dục đều đặn, phù hợp thể trạng; dành thời gian thư giãn, tập thiền, đi du lịch… giúp làm chủ cảm xúc, xây dựng tinh thần lạc quan, đời sống năng động hơn.
Bên cạnh đó, người bệnh cần vệ sinh giấc ngủ (là các phương pháp được thiết kế để cơ thể chuẩn bị cho giấc ngủ) đúng cách, giúp ngủ ngon vào ban đêm và tỉnh táo vào ban ngày. Cụ thể, như duy trì thời gian đi ngủ và thức dậy đều đặn; giữ phòng ngủ chỉ dành cho giấc ngủ và sự ấm áp gia đình, loại bỏ tivi, máy tính, điện thoại di động… ra khỏi phòng ngủ.
Vào buổi tối nên tránh uống cà phê, rượu, chất kích thích, không ăn thức ăn nặng và không vận động mạnh trong vòng hai giờ trước khi đi ngủ. Tuy nhiên cũng đừng đi ngủ khi đói hoặc khát.
Khi chuẩn bị đi ngủ, người bệnh hãy giảm ánh sáng, nhiệt độ và tiếng ồn trong phòng, thư giãn tinh thần bằng cách đọc sách, nghe nhạc. Trong thời gian ngủ bạn đừng xem đồng hồ để đánh giá giấc ngủ. Nếu thức lâu hơn 20 phút, hãy ra khỏi giường, nằm nghỉ ngơi và quay lại khi mệt, đừng lo lắng về việc không ngủ đươc, bởi bạn càng lo lắng, càng thức tỉnh. Nếu có thể, hãy cố gắng để phòng ngủ ở nhiệt độ mát mẻ.
Bác sĩ Vũ lưu ý, người bệnh nên thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi sáng, kể cả vào cuối tuần và ngày lễ và không nên ngủ trưa quá dài. Đồng thời giữ một cuốn sổ ghi chú bên cạnh giường để ghi lại những điều nghĩ đến. Ghi nhật ký sẽ giúp dừng lại suy nghĩ và trở lại giấc ngủ.
Video đang HOT
Một phương pháp khác giúp bạn dễ ngủ hơn là tự xoa bóp bấm huyệt . Bao gồm:
Xoa đầu, mặt, cổ, gáy: Ngồi tư thế hoa sen, thở tự nhiên. Hai lòng bàn tay úp vào nhau và xát chúng cho mạnh và nhanh để hai bàn tay thật nóng trước khi xoa. Đầu ngửa về sau, hai tay đặt dưới cằm áp vào mặt, xoa mặt từ dưới lên đến đỉnh đầu, đồng thời dần dần cúi đầu về phía trước. Hai tay xoa từ đỉnh xuống vùng chẩm, rồi xoa hai bên cổ, áp vào cằm đầu ngửa hẳn về phía sau. Tiếp tục xoa lại như trước từ 10-20 lần.
Bác sĩ Vũ mô phỏng các động tác xoa đầu, mặt, cổ, gáy. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Xoa bàn chân: Với tư thế này, người bệnh có thể ngồi thòng chân hoặc ngồi thẳng chân, thở tự nhiên. Xoa chân hai ngày mỗi lần, mỗi lần từ 50-60 cái giúp bàn chân ấm, dễ ngủ hơn. Người bệnh có thể xoa hai lòng bàn chân, mu bàn chân hoặc phía trong bàn chân với nhau.
Động tác xoa phía ngoài bàn chân: Mu bàn chân phải chà xát lên mu bàn chân trái khoảng 10-20 lần rồi đổi bên lặp lại. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Ngoài ra, người bệnh có thể xoa bóp, bấm huyệt vùng đầu kết hợp vùng cổ gáy, hai vai, lưng hoặc tay chân tùy trường hợp dưới sự thực hiện của các bác sĩ đông y. Bác sĩ Vũ cho biết, thông thường một liệu trình từ 15-30 ngày, tùy theo mức độ và diễn biến của bệnh có thể điều trị nhiều liệu trình. Theo bác sĩ Vũ, xoa bóp bấm huyệt giúp làm giảm nồng độ cortisol (một loại hormone gây căng thẳng) và tăng serotonin, dopamine (hormone hạnh phúc) và chất dẫn truyền thần kinh giúp ổn định tâm trạng, kiểm soát cơn đau.
“Xoa bóp, bấm huyệt được đánh giá là một trong những cách tốt và đơn giản nhất để có giấc ngủ ngon một cách tự nhiên”, bác sĩ Vũ nhấn mạnh.
Trường hợp dù đã điều chỉnh, thực hiện các phương pháp tâm lý liệu pháp, tự xoa bóp bấm huyệt và xoa bóp bấm huyệt như trên mà vẫn mất ngủ, ngủ không ngon giấc, người bệnh nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa để có sự đánh giá và điều chỉnh giấc ngủ phù hợp, bác sĩ lưu ý.
Kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị COVID-19
Y học cổ truyền có thể kết hợp với y học hiện đại trong việc điều trị COVID-19, giúp làm giảm triệu chứng và tỷ lệ biến chứng nặng...
Y học cổ truyền có lịch sử lâu dài trong việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm
Không giống như y học hiện đại dựa trên bằng chứng, y học cổ truyền là y học thực nghiệm được phát triển dựa trên các quan sát lâm sàng tích lũy được qua nhiều thế kỷ.
Nó không chỉ giải quyết yếu tố căn nguyên để tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh mà còn hỗ trợ chức năng miễn dịch của cơ thể giúp chống lại bệnh tật và khắc phục di chứng.
Thời xưa, khi đối mặt với bệnh truyền nhiễm, không xác định được tác nhân gây bệnh cụ thể, các thầy thuốc có thể quan sát triệu chứng của bệnh nhân, đánh giá tình trạng bệnh và phát triển các pháp phương điều trị cho các giai đoạn khác nhau của bệnh.
Hầu hết các lý thuyết cơ bản của y học cổ truyền được xây dựng dựa trên Hoàng đế nội kinh. Tài liệu này đề cập đến vấn đề phòng ngừa trước khi dịch bệnh xảy ra, các phương pháp phòng ngừa lây truyền bệnh và ngăn ngừa tái phát sau khi phục hồi.
Các biện pháp phòng ngừa trước khi dịch bệnh xảy ra bao gồm: Tránh xa nguồn lây nhiễm, cắt đứt đường lây truyền, giảm thiểu tác động của môi trường đối với nhóm đối tượng nhạy cảm (người cao tuổi, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mãn tính...) và tăng cường khả năng tự bảo vệ của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh.
Sau khi bệnh xảy ra, cần có các biện pháp tích cực để ngăn chặn tình trạng bệnh trở nên nặng và nguy kịch. Điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn tái phát khi phục hồi.
Theo y học cổ truyền, các nguyên tắc thiết yếu để phòng và điều trị bệnh là nâng cao chính khí, loại bỏ tà khí và điều trị bệnh theo nguyên nhân gây bệnh. Để nâng cao chính khí cần phải điều chỉnh các chức năng cơ thể, đạt được cân bằng nội môi và tối đa hóa khả năng tự bảo vệ của cơ thể.
Ngoài thuốc sắc hoặc thuốc chế phẩm có nguồn gốc tự nhiên ra, có thể sử dụng các phương pháp không dùng thuốc khác như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, khí công, thiền định và dinh dưỡng.
Trong Thương hàn luận có ghi chép lại các thảo dược, bài thuốc và cách sử dụng cho các bệnh truyền nhiễm. Các phương thuốc này được gia giảm tùy theo điều kiện riêng vì hầu hết các chúng đều nhằm mục đích điều chỉnh các chức năng của cơ thể, đã được sử dụng rộng rãi ở các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản. Chúng đã tồn tại qua thời gian và vẫn được coi là có sự liên quan lớn trong môi trường ngày nay. Các bài thuốc được đề xuất trong phác đồ điều trị COVID-19 như: Ma hoàng thạch cam thang, Ngân kiều tán... đều đã được chứng minh là có hiệu quả.
Ứng dụng y học cổ truyền trong phòng chống COVID-19
Y học cổ truyền dùng thuốc sắc theo thể bệnh, giai đoạn bệnh và thuốc chế phẩm được thử nghiệm lâm sàng, đánh giá an toàn, hiệu quả và được cấp bằng sáng chế như: Thanh phế bài độc thang, Hóa thấp bài độc phương, Hoắc hương chính khí hoàn, chế phẩm Liên hoa thanh ôn, chế phẩm Sơ phong giải độc nang, chế phẩm Phòng phong thông thánh, Kim hoa thanh cảm... Bên cạnh thuốc uống, còn có một số loại thuốc tiêm như: Xiyanping, Xuebijing, Shenfu Injection và Shengmai.
Các vị thuốc, bài thuốc được nghiên cứu đánh giá tác dụng dược lý, các kết quả cho thấy các tác dụng như kháng virus phổ rộng trong đó có coronavirus, điều hòa miễn dịch, chống viêm, cải thiện chức năng tim, phổi, thần kinh.
Nghiên cứu đánh giá tác dụng chống COVID-19 của Bài tập khí công truyền thống, thở 6 thì chữa bệnh, khí công quy tức (có lợi cho phổi), khí công tăng sức khỏe, daoyin (đạo dẫn), bài tập 8 bước có lợi cho phổi, baduanjin (bát đoạn cẩm), thiền định.
Về các phương pháp tác động huyệt vị, có các nghiên cứu đánh giá tác dụng chống COVID-19 của bấm huyệt, châm kim, đính hạt loa tai, xoa bóp trị liệu vùng phổi để điều hòa khí và làm dịu lồng ngực.
Tại Việt Nam, trong công văn số 1306/BYT - YDCT về việc tăng cường phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 bằng các phương pháp y học cổ truyền do Bộ Y Tế đã ban hành ngày 17/3/2020 có đưa ra các bài thuốc cổ phương có thể áp dụng trong điều trị COVID-19 từng giai đoạn, tùy vào từng trường hợp bệnh nhân cụ thể mà thầy thuốc lựa chọn pháp phương và gia giảm cho thích hợp.
- Giai đoạn khởi phát với pháp điều trị sơ phong thanh nhiệt, tuyên phế chỉ khái. Có thể sử dụng các bài thuốc: Ngân kiều tán, Sâm tô tán, Nhân sâm bại độc tán, Hạnh tô tán...
- Giai đoạn toàn phát với pháp điều trị tuyên phế, thanh nhiệt, định suyễn; có thể sử dụng các bài thuốc: Ma hạnh thạch cam thang. Hoặc dùng pháp điều trị thanh dinh thấu nhiệt với bài thuốc Thanh dinh thang.
- Giai đoạn hồi phục với những bài thuốc bổ âm dương, khí huyết, tạng phủ như: Bảo nguyên thang, Thập toàn đại bổ, Sinh mạch tán, Nhân sâm dưỡng vinh thang, Lục vị địa hoàng hoàn hợp sinh mạch ẩm, Dưỡng âm thanh phế thang...
Cho đến nay đã có hàng trăm nghiên cứu lâm sàng về các phương pháp y học cổ truyền trong điều trị COVID-19. Các kết quả cho thấy y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại có thể giảm tỷ lệ các biến chứng nghiêm trọng hoặc nguy kịch, cải thiện khả năng phục hồi lâm sàng và giúp giảm bớt các triệu chứng như ho, sốt, khó thở. Tác dụng chống COVID-19 của y học cổ truyền được minh chứng qua các nghiên cứu về cây thuốc, bài thuốc và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc...
Mẹo "đánh bay" đau cổ, lưng khi đi tàu xe Di chuyển bằng tàu, xe, máy bay quãng đường xa, chúng ta phải ngồi lâu một chỗ, làm cho các khớp bị cứng, máu kém lưu thông giữa các phần của cơ thể. Dưới đây là một số cách để giảm đau cổ, lưng khi ngồi lâu. Trong lúc ngồi tàu xe: - Đứng dậy và di chuyển: đặt ghế sát lối đi...