Cải thiện chất lượng môi trường – Bài cuối: Hành động mạnh mẽ
Để phát triển đất nước xanh và bền vững, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Người dân Đà Nẵng tham gia dọn vệ sinh môi trường tại các bãi biển Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN
Áp lực đến môi trường ngày càng lớn
Môi trường nước ta vẫn đã và đang chịu áp lực lớn từ các nguồn ô nhiễm môi trường gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, các áp lực đến môi trường sẽ ngày càng lớn. Quá trình đó sẽ tiếp tục tạo ra nhiều áp lực lớn đến môi trường trong khi nhiều vấn đề môi trường bức xúc hiện nay vẫn chưa được giải quyết có hiệu quả.
Theo Báo cáo Tổng kết công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2022 và định hướng giai đoạn 2022-2025 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các nguồn ô nhiễm môi trường gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động xấu lên môi trường, làm cho môi trường đất, nước, không khí nhiều nơi bị ô nhiễm.
Cả nước hiện có 291 khu công nghiệp, 735 cụm công nghiệp đang hoạt động; 869 đô thị; 4.575 làng nghề, 13.752 trang trại chăn nuôi; hơn 4.1 triệu xe ô tô và hàng chục triệu xe mô tô, xe máy đang lưu hành; 13.674 cơ sở y tế; gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp; 30 nhà máy nhiệt điện than; trên 5.000 mỏ và điểm khai thác khoáng sản; hàng chục các khu tổ hợp, liên hợp trong đó tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất về bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực. Vẫn còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, các cơ sở công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nằm xen lẫn trong khu dân cư chậm được di dời.
Các cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc loại hình ô nhiễm cao chiếm tỷ lệ lớn hơn so với cơ sở thuộc loại hình ít ô nhiễm, thân thiện với môi trường. Nguy cơ dịch chuyển, hình thành mới các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường từ đô thị về các khu vực nông thôn. Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thứ phát từ các dự án sản xuất điện năng lượng mặt trời, dự án thủy điện. Hoạt động sản xuất sạch hơn, kiểm toán chất thải mới chỉ bắt đầu. Ô nhiễm ở các làng nghề tồn tại lâu dài, chưa được giải quyết triệt để. Một số kết quả đạt được ban đầu còn mang tính cục bộ, thiếu bền vững.
Bên cạnh đó, nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường vẫn còn tồn tại, tác động xấu nhiều mặt lên môi trường, phát thải hóa chất, các chất độc hại khó phân hủy ra môi trường với chi phí xử lý cao. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, khai khoáng, chế biến, chế tạo gia tăng đáng kể trong giai đoạn vừa qua. Nguy cơ dịch chuyển, hình thành mới các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường từ đô thị về các khu vực nông thôn.
Việc thành lập mới các khu bảo tồn thiên nhiên và mở rộng diện tích bảo tồn thiên nhiên còn chậm. Tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng tự nhiên vẫn còn diễn ra, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước không đúng quy định dẫn đến suy giảm tính đa dạng của hệ sinh thái tự nhiên. Các nguy cơ từ sinh vật ngoại lai xâm hại và rủi ro từ sinh vật biến đổi gen vẫn còn hiện hữu.
Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường là biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, phức tạp hơn so với dự báo, tác động nhiều mặt lên môi trường nước ta, đồng thời đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, là nguy cơ hiện hữu cho các mục tiêu xóa đói giảm nghèo cũng như việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và phát triển bền vững đất nước. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu đồng thời có tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm lớn (hiện đứng thứ 21 trên thế giới và đứng thứ 2 trong ASEAN).
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan trên, những nguyên nhân chủ quan gây ô nhiễm môi trường ở nước ta còn đến từ nhân thức chưa đầy đủ, đúng mức của một số địa phương về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường cũng như vai trò và giá trị của đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái.
Video đang HOT
Các thói quen xấu gây ô nhiễm môi trường, làm mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng như: vứt rác, chất thải, xác súc vật bừa bãi ở nơi công cộng, nguồn nước… chưa được khắc phục triệt để, thậm chí một số nơi còn phổ biến. Cơ chế giám sát của cộng đồng trong phát hiện trong hoạt động xả thải trái pháp luật còn chưa thực sự hiệu quả. Tình trạng săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã tại Việt Nam vẫn còn tiếp diễn. Nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý, khắc phục, cải tạo môi trường” chưa được áp dụng triệt để, mức chi chưa đúng, chưa đủ…
Để môi trường sống có chất lượng
Giai đoạn 2022 – 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định việc hoàn thành mục tiêu xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025. Việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các cam kết quốc tế về môi trường đòi hỏi Việt Nam phải có những hành động mạnh mẽ hơn để đảm bảo đạt được các yêu cầu, cam kết và nghĩa vụ đã ký kết, thỏa thuận; Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ thúc đẩy nhanh việc chuyển dịch từ mô hình kinh tế tuyến tính phát thải lớn sang các mô hình kinh tế carbon thấp, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 13/4/2022 cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2030, môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành và an toàn của nhân dân; đa dạng sinh học được gìn giữ, bảo tồn, bảo đảm cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội hài hòa với thiên nhiên, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp được hình thành và phát triển, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Để phát triển đất nước theo hướng bền vững mà một trong ba trụ cột là bảo vệ môi trường, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, giai đoạn 2022 – 2025 và những năm tiếp theo, ngành môi trường cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên, giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp.
Cùng với đó, ngành môi trường cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách và cơ chế quản lý môi trường và biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo thiên tai, ô nhiễm và sự cố môi trường; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý về bảo vệ môi trường, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong thời kỳ mới.
Ngành môi trường cần tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; chú trọng nâng cao hàm lượng khoa học, giá trị gia tăng, yếu tố môi trường trong cơ cấu giá trị của hàng hóa, dịch vụ; ứng dụng có hiệu quả các thành tựu của khoa học công nghệ, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ thông tin, viễn thám và các công nghệ hiện đại trong quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát, quan trắc và cảnh báo về môi trường; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục hành chính về môi trường; chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường. Đặc biệt, ngành môi trường cần đẩy mạnh việc thực thi pháp luật, tăng cường áp dụng các cơ chế, công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng xác định mục tiêu đến năm 2025, các tác động xấu gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, các sự cố môi trường được chủ động phòng ngừa, kiểm soát. Các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách cơ bản được giải quyết, chất lượng môi trường từng bước được cải thiện, phục hồi. Bảo đảm 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, 95% chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định; trên 30% nước thải đô thị loại II trở lên và trên 10% nước thải đối với đô thị còn lại được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; 30% diện tích các khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng được xử lý, cải tạo và phục hồi; tỷ lệ số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức tốt và trung bình ở các đô thị đặc biệt duy trì ở mức 70 – 75%.
Cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động công an thành phố dọn vệ sinh môi trường tại các bãi biển ở Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN
Năng lực quản lý, hạ tầng kỹ thuật về môi trường từng bước được tăng cường. Bảo đảm tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%; tỷ lệ cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung vận hành đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 60%; tỷ lệ các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương đạt 100%.
Bảo vệ các di sản thiên nhiên, phục hồi các hệ sinh thái; ngăn chặn xu hướng suy giảm đa dạng sinh học, bảo đảm đến năm 2025, diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên đạt 2,7 triệu ha; thành lập và công nhận 13 khu Ramsar; diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 1,5 – 2% trên tổng diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, trong giai đoạn 2022 – 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường; hướng tới đề xuất sửa đổi Luật Đa dạng sinh học; tăng cường năng lực tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường, sắp xếp tinh gọn bộ máy cơ quan quản lý nhà nước; chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường; quản lý chất thải rắn, trọng tâm là quản lý tốt chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa, chất thải nguy hại; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng môi trường; đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, thúc đẩy các mô hình, điển hình về bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, để môi trường sống thực sự trong lành, cần phát huy vai trò, thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội, cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường; phát hiện, nêu gương, tạo được phong trào, nhân rộng các điển hình, khu vực, mô hình, cách làm hay, tốt về môi trường; thúc đẩy các nhân tố tích cực, điểm sáng, khu vực, địa bàn, lĩnh vực điển hình về môi trường nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, giảm dần, thu hẹp các địa bàn, loại hình, đối tượng gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường. Trong đó, vai trò của mỗi cá nhân là đặc biệt quan trọng, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định “Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân”.
Giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại nguồn
Quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số diễn ra mạnh mẽ đã tạo ra áp lực lớn tới môi trường khi lượng chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng đang phát sinh ngày càng nhiều.
Trong khi đó, việc kiểm soát, quản lý loại chất thải này còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người.
Cần thống nhất đầu mối quản lý
Công nhân môi trường vệ sinh, dọn rác thải vương vãi ra đường tại đường Khúc Thừa Dụ (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh (minh họa): Thành Đạt/TTXVN
Bàn về quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và vai trò của cộng đồng dân cư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng, Viện Chiến lược Chính sách Tài Nguyên và Môi trường cho rằng, những Quy định, Nghị định và Thông tư về Quản lý chất thải rắn đã nêu rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại nguồn.
Để đạt được hiệu quả cao trong việc thực thi Luật, cần nâng cao năng lực thực hiện của địa phương; vai trò đồng thuận của người dân và xã hội trong việc cùng thực hiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật; tăng cường hạ tầng kỹ thuật và công nghệ đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, nhất là công tác giám sát, thanh tra... Hàng năm, cơ quan quản lý môi trường của Nhà nước nên có đánh giá về thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường đối với quản lý chất thải rắn sinh hoạt, từ đó có những điều chỉnh phù hợp, nhất là đối với quy định trong các nghị định, thông tư.
Ngoài ra, để khắc phục những bất cập về cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Tiến sỹ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đề nghị thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp như: Các cơ quan chức năng cần thống nhất đầu mối trong chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Trung ương và địa phương xây dựng chính sách cần tham vấn nhân dân, đối thoại với nhân dân và đảm bảo công tác phản biện, kiểm tra và giám sát của cộng đồng dân cư.
Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xác định lộ trình từ nay đến năm 2024 tổ chức thực hiện phân loại rác tại nguồn, thu tiền theo khối lượng hoặc trọng lượng rác và xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm không phân loại rác; tăng cường truyền thông phổ biến cho người dân biết về những chính sách mới về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân trong tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và người dân thực hiện thu gom, phân loại rác tại nguồn, sử dụng bao bì đúng quy định và chuyển giao rác cho đơn vị dịch vụ.
Các đơn vị, địa phương tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, nhắc nhở người dân; quy hoạch xây dựng các điểm thu gom rác hợp lý, thuận tiện và đảm bảo cảnh quan môi trường; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp xã làm nhiệm vụ theo dõi việc phân loại rác và xử phạt các hành vi vi phạm.
Người gây ô nhiễm phải trả tiền
Đối với bất kỳ một hệ thống quản lý chất thải rắn nào thì phí chất thải là một hợp phần rất quan trọng. Phí chất thải không chỉ là vấn đề tài chính của một hệ thống mà còn tạo chức năng khuyến khích kinh tế nhằm định hướng người xả rác có những sự thay đổi trong hành vi, hướng tới thải những chất thải với thành phần và khối lượng phù hợp. Một trong những mô hình thu phí chất thải được các nước triển khai để đạt được mục đích kép trên đó là mô hình thu phí chất thải rắn dựa trên lượng thải.
Tại Việt Nam đã có các quy định về nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền", Việt Nam cần có lộ trình cụ thể để tăng nguồn thu từ dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt, giảm dần gánh nặng trợ giá từ ngân sách nhà nước. Việc thu phí xử lý chất thải theo khối lượng được xác định là công cụ để phát triển thị trường thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt được tổ chức đấu thầu công khai cho các nhà thầu.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trịnh Thị Thanh, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức quản lý nhà nước, phát triển thị trường dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt nên tập trung vào một đầu mối từ cấp Trung ương đến các địa phương.
Ở Việt Nam hiện nay, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đang giao cho nhiều bộ, ngành (sở, ngành tại các địa phương) quản lý:
Chính phủ đã có Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn, một số địa phương đã bắt đầu định hướng giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn giúp việc. Tuy nhiên, các địa phương đều đề nghị để thực hiện tốt việc này cần sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của các bộ và sửa đổi Nghị định quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
Đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt, cần từng bước áp dụng các công nghệ, thiết bị hiện đại đáp ứng các yêu cầu về chất lượng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt và chất lượng sản phẩm tái chế từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nên tránh việc phát triển quá nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt mà cần nâng cao năng lực, quy mô, sức cạnh tranh của đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trịnh Thị Thanh cho rằng, Việt Nam nên sớm tiến hành thu phí vệ sinh theo khối lượng chất thải rắn sinh hoạt, việc này sẽ đẩy nhanh tiến độ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và khuyến khích người dân giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt, thúc đẩy tái chế chất thải rắn sinh hoạt.
Trong khu vực dân cư, phí vệ sinh cần được tính làm nhiều mức khác nhau tùy thuộc vào phương thức phục vụ, tránh việc thay đổi giá dịch vụ một cách đột ngột; cần có lộ trình cụ thể, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, có thực hiện thí điểm để tạo sự đồng thuận, rút kinh nghiệm kịp thời, tránh gây bức xúc trong nhân dân; cần công khai, minh bạch thông tin về thị trường dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt trên cơ sở thông tin về thị trường dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt được xây dựng, cập nhật và tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia và của địa phương để cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng dân cư cùng theo dõi.
Ngoài ra, cần có kênh thông tin tiếp nhận ý kiến về chất lượng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt; cần công khai, minh bạch trong công tác đấu thầu, lựa chọn doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt, theo đó dần hạn chế hình thức đặt hàng, giao kế hoạch cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt cho các doanh nghiệp nhà nước, tiến tới để giá đấu thầu quyết định đơn vị trúng thầu.
Đối với các chủ nguồn thải phát sinh chất thải rắn sinh hoạt, cần phổ biến, tuyên truyền, giáo dục cùng nâng cao ý thức, hành vi bảo vệ môi trường trên nguyên tắc mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và người gây ô nhiễm cùng người hưởng lợi đều phải trả tiền. Hoạt động này phải tiến hành thường xuyên, liên tục, đổi mới các hình thức tuyên truyền trên phạm vi cả nước và được lồng ghép trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, không nên làm theo kiểu hô hào, khẩu hiệu.
Đồng thời, các cơ quan quản lý cần tăng cường chế độ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các chủ thể thị trường dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt để phòng ngừa cũng như kịp thời phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo đó, xem xét xử phạt các chủ thể của thị trường dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức lũy tiến, tăng nặng dần sau mỗi lần vi phạm. Đối với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt cần xem xét bổ sung việc đình chỉ hoạt động nếu để xảy ra vi phạm nhiều lần.
Nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, gây ô nhiễm môi trường Người dân có thể sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để ghi dữ liệu, cung cấp cho cơ quan chức năng để "phạt nguội" đối với những hành vi gây ô nhiễm môi trường nơi công cộng. Đây là một trong những quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực...