Cái kết đắng của ‘ông già Noel’ cướp ngân hàng
Ngày 23/12/1927, Woodrow “Woody” Harris đang chở gia đình trên chiếc xe Oldsmobile ở tây Texas thì gặp một “ông già Noel” lăm le khẩu súng.
Khi Wood đang dừng đèn đỏ, “ông già Noel” cùng hai người khác dùng súng uy hiếp, ra lệnh cho gia đình Harris rời khỏi xe rồi nhanh chóng chất đồ đạc từ một chiếc xe Buick gần đó lên chiếc Oldsmobile. Trên đường, hàng chục người đàn ông đang chạy về phía họ, hầu hết mang súng. Đó có vẻ không phải là một Giáng sinh an lành đối với gia đình Harris.
Tên cướp Marshall Ratliff. Ảnh: Fort Worth Weekly.
Người đàn ông trong bộ đồ ông già Noel là Marshall Ratliff, 24 tuổi, sống ở Texas. Ratliff thích trộm cướp hơn tìm công việc ổn định. Vài năm trước, anh ta và em trai, Lee Ratliff, đã cướp một ngân hàng ở Valera, Texas và sau đó bị bắt. Hai anh em bị kết án tù nhưng được Thống đốc Miriam Ferguson ân xá một năm sau đó.
Gần đến ngày Giáng sinh năm 1927, hai anh em quyết định thực hiện một vụ cướp ngân hàng khác ở Cisco, Texas, thị trấn nhỏ với khoảng 7.000 dân.
Marshall từng có thời gian sống ở Cisco nên anh ta sợ mình sẽ bị nhận ra. Anh ta nghĩ ra cách ngụy trang là mượn bộ đồ ông già Noel mà bà chủ nhà trọ may cho chồng. Kế hoạch của Marshall là anh ta sẽ vào Ngân hàng Quốc gia Số 1 cùng với Lee và đồng phạm để cuỗm tiền mặt.
Marshall Ratliff đã tuyển mộ hai người đàn ông là Henry Helms, 31 tuổi và Robert Hill, 21 tuổi, cả hai đều sẵn sàng thực hiện vụ cướp có vũ trang. Ratliff cũng tìm đến một thợ phá khóa két sắt nhưng anh này ngã bệnh. Điều tồi tệ hơn là Lee Ratliff không thể tham gia. Anh ta đã bị bỏ tù vì thực hiện một vụ trộm khác.
Để lấp chỗ trống, Ratliff mời một người họ hàng của Helms, Louis Davis, 22 tuổi, gia nhập. Gặp khó khăn về tài chính, Davis đồng ý hỗ trợ, với điều kiện là băng cướp không nổ súng. Nhưng mong muốn của Louis Davis không thành hiện thực.
4 người đàn ông lái xe hơn 300 km từ Wichita Falls đến Cisco. Họ đến đích vào gần trưa 23/12. Ratliff mặc trang phục ông già Noel, xuống xe cách ngân hàng vài bước chân. Hill lái xe đến một con hẻm gần cửa sau của ngân hàng và đỗ xe.
Ratliff bước xuống đường, vẫy tay chào những đứa trẻ hào hứng đến gần anh ta. Anh ta làm vậy có thể nhằm khiến mọi người không chú ý đến chiếc xe Buick – phương tiện thoát thân sau khi họ cướp ngân hàng – khi nó đi vào hẻm. Cô bé 6 tuổi Frances Blassengame kéo tay mẹ, đòi đi theo “ông già Noel” khi Ratliff tiến về phía ngân hàng.
Ratliff gặp đồng bọn trong hẻm và băng cướp vào bên trong. Ngân hàng lúc đó có 16 người, bao gồm cả giao dịch viên và khách hàng. Khi “ông già Noel” bước vào, anh được chào đón bằng những nụ cười. Nhưng Ratliff không tiếp tục đóng kịch nữa.
“Giơ hai tay lên!”, Ratliff hét lên, rút ra một khẩu súng.
Video đang HOT
Ngân hàng Quốc gia Số một ở Cisco, Texas vào những năm 1920. Ảnh: Fort Worth Weekly.
Ratcliff yêu cầu các giao dịch viên trút tiền vào chiếc bao tải anh ta mang theo. Tổng số tiền được bỏ vào là 12.000 USD. Anh ta cũng bắt một nhân viên mở kho, lấy thêm séc, trái phiếu trị giá 150.000 USD và một số vật có giá trị.
Khi Ratliff đang điên cuồng lấp đầy bao tải, Frances Blassengame và mẹ cô bé vào ngân hàng. Họ thấy ông già Noel đang lăm le khẩu súng, xung quanh là những tờ tiền nhăn nhúm. Frances và mẹ cố gắng chạy ra cửa trước nhưng một tên cướp đã chặn nó. Tuy nhiên, không tên cướp nào gác cửa sau – lối đi chúng định dùng để thoát thân.
Hai mẹ con Blassengame chạy thoát qua lối đó và đến thẳng đồn cảnh sát, thông báo cho cảnh sát trưởng G.E. Bedford. Bedford cùng hai sĩ quan George Carmichael và R.T. Redies lao đi.
Thực tế, cảnh sát không phải là nỗi lo lớn nhất của những tên cướp. Khi hai mẹ con Blassengames chạy ra khỏi ngân hàng hô hoán, tin tức được lan truyền và đám đông bắt đầu tụ tập bên ngoài ngân hàng. Vào thời điểm đó, nhiều vụ cướp ngân hàng xảy ra ở Texas đến mức Hiệp hội Ngân hàng Texas quyết định treo thưởng theo phong cách “miền Tây hoang dã”: bất kỳ thường dân nào giết một tên cướp ngân hàng sẽ được thưởng 5.000 USD nhưng “không được xu nào nếu tên tội phạm còn sống”.
Hill phát hiện một người đang nhìn chăm chú vào trong từ bên ngoài cửa sổ. Anh ta nổ súng để răn đe. Nhưng điều làm Hill bất ngờ là người ở bên ngoài bắn trả. Hill bắn lên trần nhà để chứng minh với đám đông rằng họ có vũ khí. Đám đông cũng làm vậy và chẳng mấy chốc ngân hàng chìm trong tiếng súng nổ. Cảnh sát sau này ước tính đã có 200 phát đạn được bắn vào tòa nhà.
Ở bên ngoài, khoảng 100 người tụ tập, nhiều người mang theo súng. Với phần thưởng 5.000 USD, tương đương 73.000 USD theo thời giá hiện nay, đám đông muốn lấy mạng “ông già Noel”.
Để ra chỗ đỗ xe, Ratliff yêu cầu 16 con tin đi theo họ ra cửa sau nhằm tạo thành “lá chắn sống” trước đám đông giận dữ. Khi hai bên đấu súng, Davis trúng đạn và bị thương nặng. Ratliff cũng bị bắn vào chân và hàm. Ít nhất 6 con tin bị bắn nhưng không rõ họ trúng đạn của phe nào, vì đám đông dường như xả súng không kiêng dè vào “lá chắn sống” Ratliff đã thiết lập.
Khi ra được đến xe, băng cướp đưa hai cô bé Laverne Comer, 12 tuổi và Emma May Robertson, 10 tuổi theo làm con tin. Trong lúc hỗn loạn, băng cướp nổ súng vào cảnh sát Bedford và Carmichael, làm cả hai thiệt mạng.
Chiếc xe bị thủng lốp do trúng đạn. Tồi tệ hơn, do thực hiện hành trình hơn 300 km trước đó, chiếc Buick sắp hết xăng. Họ cần một chiếc xe mới trong khi đám đông vẫn chạy bộ đuổi theo sau.
Đó là khi Ratliff nhìn thấy chiếc Oldsmobile của gia đình Harris. Sau khi đuổi họ ra khỏi xe, băng cướp đưa Davis, lúc này đã bất tỉnh, vào ghế sau xe và chất tiền ở ghế trước. Hai cô bé tiếp tục phải đi theo.
Nhưng khi một người trong nhóm khởi động xe, họ nhận ra Woody Harris đã bỏ đi mà không giao cho họ chìa khóa xe. Tức giận, Ratliff, Hill và Helms bỏ chiếc Oldsmobile và lên lại chiếc Buick. Đám đông đuổi theo đã cận kề và một cuộc đấu súng khác bắt đầu, khiến Hill bị bắn vào tay. Davis bị bỏ lại trong chiếc Oldsmobile và chết vào tối hôm đó. Trong cơn hoảng loạn, băng cướp cũng để lại tiền trên chiếc Oldsmobile. “Chiến lợi phẩm” duy nhất họ có thể giành được giờ đây là thoát án tù.
Họ chỉ chạy thêm được vài km trước khi chiếc xe Buick hết xăng và buộc phải chạy bộ. Ratliff cởi bỏ bộ đồ ông già Noel trên đường chạy trốn. Hai bé gái bị bỏ lại trong xe và được giới chức tìm thấy.
Ba tên cướp tạm thời cắt đuôi được những người truy đuổi, họ trộm một chiếc xe vào sáng hôm sau vào trốn trong khu rừng bên ngoài Cisco. Nhưng những người dân thị trấn vẫn cố gắng tìm kiếm họ. Họ dùng chó đánh hơi và thậm chí cả máy bay để truy lùng.
Vài ngày sau, giới chức phát hiện ba tên này ở gần sông Brazos và đấu súng tiếp tục xảy ra, khiến Ratliff lại bị thương. Anh ta bị bắt trong khi Helms và Hill trốn thoát trước khi bị tóm tại thị trấn Graham ngày 30/12/1927. Theo đại úy Tom Hickman, trên người những người đàn ông này “chi chít vết đạn”.
Vì họ bị bắt sống và có quá nhiều người săn tiền thưởng nổ súng tại ngân hàng, không thể xác định ai đã giết Davis. Không ai nhận được tiền thưởng.
Khi ba tên cướp hầu tòa, Helms được xác định là kẻ bắn cảnh sát Bedford cùng Carmichael và bị kết án tử hình. Anh ta bị xử tử vào ngày 6/9/1929 mặc dù đã cố giả điên. Hill nhận tội cướp có vũ trang và nhận bản án 99 năm tù, sau đó vượt ngục ít nhất hai lần trước khi được thả sớm vào giữa những năm 1940.
Henry Helms bị xử tử ở Texas tháng 9/1929. Ảnh: Texas State Library and Archives Commission.
Số phận của Ratliff, “ông già Noel” của băng cướp, giật gân hơn nhiều. Anh ta bị buộc tội cướp và bắt cóc con tin, lĩnh án 99 năm tù vào ngày 27/1/1928. Anh ta còn bị buộc tội giết Bedford trong một phiên tòa khác vào ngày 30/3/1928, mặc dù không ai có thể xác định anh ta là người nổ súng. Ratliff bị kết án tử hình.
Giống như Helms, Ratliff dùng lý do bị bệnh tâm thần để kháng cáo. Trong khi bị giam ở nhà tù hạt Eastland để chờ phán quyết, anh ta tuyệt thực và ngừng nói chuyện, khiến hai quản ngục Tom Jones và “Pack” Kilborn phải cố gắng khuyên nhủ. Một buổi tối, sau khi mang đồ ăn cho Ratliff, hai người quên khóa buồng giam. Ratliff vồ lấy khẩu súng trên bàn gần đó và bắn Jones nhiều lần trước khi bị Kilborn khống chế.
Người dân hạt Eastland rất phẫn nộ về hành vi của Ratcliff. Khoảng 1000-2000 người tụ tập bên ngoài trại giam. Đến tối, họ quyết định rằng công lý đã bị trì hoãn quá lâu. Họ xông vào nhà tù, khống chế quản ngục Kilborn và lấy chìa khóa phòng giam.
Họ trói tay chân Ratliff, lôi anh ta ra khỏi buồng giam rồi treo cổ anh ta trên một chiếc cột điện. Ratliff chết vào tối 19/11/1929. Không ai bị truy tố vì vụ treo cổ.
Ngày nay, Ngân hàng Quốc gia Số một vẫn hoạt động, dù đã đổi tên và chuyển địa điểm. Ủy ban Khảo sát Lịch sử Texas năm 1967 gắn một bảng thông tin tại địa điểm ban đầu của ngân hàng, thuật lại vụ cướp và số phận của Ratliff. “Sau cùng, đám đông đã hành hình hội đồng ‘ông già Noel’”, tấm bảng có đoạn viết.
Vụ cướp ngân hàng BIDV: Đối tượng tiêu hết bao nhiêu tiền trong vòng 36 tiếng?
Sau khi cướp ngân hàng, Ngọc chia cho Mạnh 200 triệu đồng và giữ lại 742 triệu đồng. Trong thời gian 36 tiếng chạy trốn, cựu Tổng giám đốc GNN Express tiêu gần hết số tiền trên.
Ngày 31/7, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết đơn vị vẫn đang tiếp tục công tác điều tra, thu hồi các tang vật liên quan cùng với số tiền hai đối tượng Hoàng Ngọc (SN 1978, trú tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa) và Phùng Hữu Mạnh (SN 1997, trú tại phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) đã cướp được ở ngân hàng BIDV chi ngánh Ngọc Khánh (số 27 Huỳnh Thúc Kháng) ngày 27/7.
Trong vụ án này, các đối tượng đã dùng súng uy hiếp nhân viên ngân hàng cướp đi số tiền hơn 900 triệu đồng. Trên đường bỏ chạy, Ngọc thấy có người đuổi theo nên vứt 52 tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng xuống đường, tương đương 5,2 triệu đồng, với mục đích để người dân dừng lại nhặt tiền, không đuổi theo nữa.
Khi đến huyện Thạch Thất (cách hiện trường khoảng 30 km), Ngọc và Mạnh thay quần áo, phi tang xe máy. Trước khi bỏ trốn về TP Hải Phòng, Ngọc đưa cho Mạnh 200 triệu đồng, còn Ngọc giữ lại 742 triệu đồng.
Sau khi gây án, Mạnh về nhà còn Ngọc bỏ trốn xuống quê cũ ở Hải Phòng, phi tang khẩu súng sử dụng trong quá trình gây án tại một hồ nước ở đường Lạch Tray, TP Hải Phòng.
Số tiền cướp được, Mạnh rút ra một phần để chi tiêu cá nhân, còn Ngọc đã xé lẻ đưa cho nhiều người và trả nợ. Thời điểm bắt giữ, trong người Ngọc chỉ còn lại một phần tiền rất nhỏ. Đến thời điểm này, Cơ quan công an đã thu hồi gần 154 triệu đồng.
Hai đối tượng Mạnh và Ngọc tại cơ quan công an.
Như Dân Việt đã thông tin, vào đêm 28, rạng sáng ngày 29/7 công an quận Đống Đa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của CATP Hà Nội và Bộ Công an đã phát hiện, bắt giữ Hoàng Ngọc và Phùng Hữu Mạnh - 2 đối tượng gây ra vụ cướp tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Ngọc Khánh.
Các đối tượng khai sau khi gây án, đã sử dụng chiếc xe máy cướp được của hai thanh niên tại phố Huỳnh Thúc Kháng, chạy đến một nhà nghỉ ở khu vực gần Đại lộ Thăng Long và chia tiền cướp được.
Về chiếc xe máy mà các đối tượng đã cướp của người dân tại hiện trường, Ngọc khai đã vứt tại hầm chui dân sinh số 12, Đại lộ Thăng Long. Đến hết ngày 30/7, chiếc xe máy này vẫn chưa tìm được.
Chiếc xe máy có nhãn hiệu Dream, loại xe nữ, màu mận chín, yếm trắng, có 2 gương, BKS: 29 - 137.X2, SM: 0030163, SK: 0030163.
Cơ quan CSĐT - CAQ Đống Đa yêu cầu ai biết chiếc xe máy có đặc điểm trên ở đâu, báo ngay cho Cơ quan CSĐT - CAQ Đống Đa theo số điện thoại: 0.912.221.992 (gặp đồng chí Nguyễn Giang Long, Đội phó Đội Cảnh sát hình sự, CAQ Đống Đa) để phối hợp giải quyết. Ai biết thông tin mà không báo, hoặc cố tình che dấu, sử dụng chiếc xe máy trên sẽ bị pháp luật nghiêm trị.
Tổng giám đốc cướp ngân hàng để... được đi tù? Nghi can chủ mưu trong vụ cướp Ngân hàng BIDV ở Hà Nội là Tổng giám đốc Công ty chuyển phát nhanh GNN Express, từng xin "được đi ở tù" khi công ty phá sản. Đêm 28/7 và rạng sáng 29/7, Công an Hà Nội đã lần lượt bắt hai nghi phạm gây ra vụ nổ súng cướp ngân hàng BIDV chi nhánh...