Cái gì cũng tăng giá: Nhà đất bắt đầu sốt
Nhiều yếu tố đang khiến cho bất động sản sẽ tăng giá vào cuối năm. Điều này làm dấy lên một lo ngại lớn liệu sắp xảy ra bong bóng bất động sản?
Tiếp tục tăng giá
Từ đầu năm tới nay, thị trường BĐS có những dấu hiệu tăng giá trở lại. Theo khảo sát của các công ty tư vấn BĐS, mặt bằng giá ở nhiều phân khúc đã tăng so với thời điểm của năm 2015, đồng thời xuất hiện tình trạng đầu cơ gom hàng tại nhiều dự án.
Ông Marc Townsend, Giám đốc Công ty CBRE Việt Nam, cho biết, giá bán các khu căn hộ cao cấp tại hai thành phố Hà Nội và TP.HCM có sự tăng trưởng mạnh, giá đất tăng. Nhiều người mua đất hiện nay để đầu tư dài hạn, do vậy, nhà đầu cơ sẽ có một mùa hè bận rộn.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, PGĐ Bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội, riêng trong 2015, thị trường Hà Nội có lượng giao dịch khoảng 30.000 căn hộ. Mặc dù trong quý 1/2016, thị trường đã đón nhận nhiều các thông tin liên quan đến dự thảo sửa đổi thông tư 36, nhưng chưa ảnh hưởng nhiều bởi rất nhiều dự án vẫn mở bán theo kế hoạch. Người mua đang có khá nhiều sự lựa chọn trên thị trường.
Thị trường BĐS đang nóng trở lại
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận định,”nóng” là nghĩa rất rộng, bong bóng có xuất hiện hay không cũng còn nhiều việc để bàn. “Tôi nghĩ, “nóng” trước hết thể hiện ở phần giao dịch. Chỉ so sánh với thời kỳ trầm lắng, năm 2015, đã có sự mua bán, tăng trưởng đến 75%. Đặc điểm của sự tăng trưởng này là tập trung ở nhà ở xã hội và nhà thương mại diện tích nhỏ, giá thấp”, ông Nam nói.
Đại diện cơ quan quản lý, ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản chia sẻ, lúc thị trường nóng nhất (2008-2009), giá bất động sản được đẩy lên rất cao, thế nhưng khi thị trường trầm lắng (2010 – 2011 – 2012), giá nhà đất đã giảm 30-40% so với lúc thời kỳ nóng. Cho đến nay, giá bất động sản mới tăng khoảng 5-10% và cũng chỉ xảy ra ở một số dự án, không phải trên bình diện rộng. Đây là mức giá còn xa so với thời kỳ nóng nhất.
Dưới góc độ phân tích kinh tế, ông Nguyễn Đức Thành, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng, khi lạm phát tăng sẽ kéo theo lãi suất ngân hàng tăng, đồng nghĩa với việc tác động tới nhiều thành phần kinh tế trong đó có bất động sản sẽ bị ảnh hưởng bởi lãi suất.
Theo ông Thành, thị trường đang có sự cân nhắc nhất định vì các yếu tố vĩ mô đang biến đổi như lãi suất tiếp tục tăng từ nay tới cuối năm, giá bất động sản chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng theo hướng sẽ chững lại hoặc đang đà tăng nhanh sẽ chững – những người khôn ngoan nhất sẽ hiểu điều đấy. Đồng thời, thị trường có thể có kích cầu, có những cách phát triển nhanh hơn, tuy nhiên người mua nhỏ lẻ cần thận trọng.
Bong bóng có quay trở lại?
Theo nhận định của JLL Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong 2-3 tới cả về cung và cầu đối với nhà ở, văn phòng và khách sạn nghỉ dưỡng. Giá bán của phân khúc nhà ở được dự báo sẽ tăng 1-2% mỗi quý. Đối với phân khúc văn phòng cao cấp, mức giá thuê được dự báo sẽ tiếp tục tăng, từ 5% đến 10% trong những quý tới.
Trước việc giá nhà đất tăng trở lại, nhiều lo ngại thị trường sẽ có bong bóng trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo ông Nam, điều này là khó xảy ra. Ông Nam phân tích, chỉ khi xuất hiện cầu ảo, chênh lệch giá cả thì mới nói đến bong bóng. Trong vài năm tới có thể loại bỏ mỗi lo ngại này.
Video đang HOT
Bong bóng nhà đất vân khó xảy ra trong thời gian tới
Còn dự báo 2018, khi hàng tồn kho hết, cầu tăng thì giá có thể tăng. Lúc đó có bong bóng hay không phụ thuộc vào 2 yếu tố: Chính phủ phải dự báo và có chính sách ổn định, coi trọng thị trường bất động sản, đưa ra các chính sách có tác động đến thị trường, đặc biệt là chính sách về tiền tệ, dòng tiền, dòng vốn, quan điểm của ngân hàng nhà nước.
Yếu tố thứ hai, ông Nam cho rằng, phụ thuộc vào DN. Các DN có rút được bài học trước đây hay không để đưa ra được chiến lược và cơ cấu hàng hóa, giá cả phù hợp. “Gần đây tôi có cảm giác các DN lại chạy theo các dự án quy mô lớn, cao cấp mà thiếu dự án nhà ở thương mại quy mô nhỏ, giá thấp”, ông Nam nói.
Mặc dù vây, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group, “tỷ số P/E” – hiệu quả sinh lời của bất động sản trên giá giao dịch được đánh giá là rất tốt. Hiệu quả khai thác khá tuyệt vời trên trị giá giao dịch hiện nay đã đạt 5-6% ở Hà Nội, ở T. HCM là 6-7%, đối với bất động sản nghỉ dưỡng và du lịch có thể đạt 10-12%. Hơn 20 năm qua ông Hưng chưa bao giờ thấy hiệu quả khai thác tốt đến như vậy. Đây là thời điểm tuyệt vời để người mua nhà để ở hay người đầu tư dài hạn tham gia thị trường.
Ông Michael Piro, Giám đốc Điều hành Indochina Land, ở thời điểm từ 2007 đến 2009, có rất nhiều công ty, tổ chức mà lĩnh vực kinh doanh chính của họ không phải là BĐS đã nhìn thấy những cơ hội hấp dẫn tại thị trường này, bắt đầu “lấn sân”. Tuy nhiên sau một thời gian cạnh tranh khốc liệt có lẽ họ đã nhận ra BĐS không phải là lĩnh vực dễ thu lời như họ nhận định.
Ngoài ra, số lượng dự án, số lượng nhà đang triển khai rất nhiều, nguồn cung dồi dào. Ông Phấn, đại diện Cục nhà và thị trường BĐS, cho rằng khả năng xảy ra bong bóng trong thời gian tới là rất khó. Tuy nhiên, ông khẳng định giai đoạn 2015-2016, thị trường đã và sẽ có dấu hiệu ấm lên.
Duy Anh
Theo_VietNamNet
Mua cổ phiếu ngân hàng phải chấp nhận thực tế "không cổ tức"
Trao đổi với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng, ông Lê Anh Tuấn, Kinh tế trưởng, Giám đốc Khối nghiên cứu Dragon Capital nhận định, dù còn những khó khăn nhất định, song việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm nay.
Bức tranh hoạt động của ngành ngân hàng năm nay sẽ sáng hơn
Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các ngân hàng và không loại trừ việc một số nhà băng nhỏ, nợ xấu tăng khó có thể vượt qua làn sóng M&A trong thời gian tới, do không đủ khả năng trích lập dự phòng.
Nợ xấu ngành ngân hàng Việt Nam đã được kéo giảm về dưới 3%, con số này liệu đã thấp?
Quả thực, nợ xấu của ngành ngân hàng đã được kiểm soát về mức dưới 3% là con số khá thấp. Trong 4.580.000 tỷ đồng tổng dư nợ (tương đương 205 tỷ USD) toàn ngành ngân hàng, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đã gom lại khoảng 200.000 tỷ đồng (gần 10 tỷ USD). Như vậy, tỷ lệ 3% nợ xấu của toàn ngành ngân hàng là không tính con số nợ xấu VAMC đã mua về.
Thực tế, nợ xấu của Việt Nam trong những năm trở lại đây đã được các ngân hàng thương mại đẩy mạnh xử lý khá nhiều, đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới một con số. Một phần, do thị trường bất động sản hồi phục đã tạo tác động tích cực đối với quá trình xử lý nợ.
Thị trường bất động sản được đánh giá là sẽ bị tác động bởi Dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN trong thời gian tới khi tín dụng bị "siết". Điều này có tạo nên rào cản trong xử lý nợ xấu?
Các điều khoản của Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 tuy đã được thị trường nhắc đến nhiều, song đến thời điểm này, NHNN vẫn chưa chính thức ban hành. Theo tôi, khi Dự thảo được ban hành, thị trường bất động sản có thể chậm lại, nhưng không quá "đen tối" cho các ngân hàng trong quá trình xử lý nợ xấu. Vì thực tế, ngân hàng luôn phải cân đối nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn, cũng như thận trọng trong cho vay bất động sản. Đối với xử lý nợ xấu, nếu thị trường bất động sản tăng sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng trong phát mãi tài sản, song để xử lý được nợ xấu đòi hỏi phải có thời gian, không nên kỳ vọng sớm.
ông Lê Anh Tuấn,
Nói vậy, theo ông, việc xử lý nợ xấu của ngân hàng sẽ có triển vọng trong thời gian tới?
Các ngân hàng sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu, cho dù có khó khăn nhất định. Việc xử lý nợ xấu trong thời gian tới cũng sẽ tốt hơn so với hiện nay. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu hiện nay đã có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các ngân hàng. Trong số đó, có ngân hàng xử lý được phần lớn và có thể gần "sạch" nợ xấu kể từ năm 2016. Nhưng ngược lại, còn nhiều ngân hàng gặp khó hoặc không thể xử lý được khoản nợ xấu lớn trong thời gian tới, nên đành phải tính đến phương án sáp nhập, bán lại mới có thể tái cơ cấu thành công.
... và với VAMC thì triển vọng sẽ như thế nào?
Khối lượng nợ xấu VAMC gom lại từ các ngân hàng khá lớn, nhưng đến nay tỷ lệ xử lý mới đạt hơn 10%, đây là mức quá thấp. Nhiều người đã đề cập đến việc thành lập thị trường mua-bán nợ nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng xem ra không khả thi. Tôi cho rằng, nếu có quyết tâm thực hiện, Việt Nam vẫn có thể thành lập được thị trường này.
Nhiều người lo ngại nợ xấu sẽ quay lại các ngân hàng, nếu sau 5 năm khoản nợ đã bán cho VAMC, nhưng ngân hàng chưa thể xử lý được. Điều này có đúng với thực tế, thưa ông?
Tôi cho rằng, điều này hoàn toàn không chính xác. Bởi khi ngân hàng đã bán nợ cho VAMC, mỗi năm họ đều phải trích lập dự phòng 20%, hoặc thấp nhất là 10%, cho trái phiếu đặc biệt nhận lại từ VAMC. Vì thế, sau 5 năm, khoản dự phòng cho món nợ xấu đó đã đủ 100% và xem như xóa sạch nợ xấu. Như vậy, các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, nhưng sau 5 năm chưa xử lý được sẽ không quá đáng ngại cho ngân hàng. Điều đáng quan tâm hơn đó là liệu các ngân hàng có đủ khả năng để trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC hay không, nhất là những ngân hàng nhỏ, yếu kém, nợ xấu cao, bán nhiều cho VAMC, trong khi hoạt động kinh doanh và lợi nhuận thấp không đủ để trích dự phòng.
Xử lý nợ xấu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lợi nhuận của các ngân hàng năm nay, thưa ông?
Lợi nhuận của các ngân hàng thương mại đã giảm mạnh trong 3 năm gần đây do ảnh hưởng bởi nợ xấu của ngành tăng cao, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, hàng tồn kho tăng, sức mua yếu, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN suy giảm. Trong khi đó, các nhà băng phải tăng trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC. Điều này đồng nghĩa, các ngân hàng thương mại khó có lợi nhuận cao khi trích lập dự phòng rủi ro ngày một lớn.
Bên cạnh đó, nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận ngân hàng chủ yếu đến từ tín dụng, mà tăng trưởng tín dụng hiện chưa thể kỳ vọng tăng mạnh. Nhiều ngân hàng thương mại từng công bố lợi nhuận 6-9 tháng đầu năm đạt hơn 50% kế hoạch cả năm, nhưng cuối năm sụt giảm mạnh, do dự phòng rủi ro tăng "ăn" hết lợi nhuận.
Các ngân hàng đặt chỉ tiêu lợi nhuận cho năm nay khá thận trọng, khi việc xử lý nợ xấu chưa đẩy nhanh như mong muốn. Hiện tại, ngay cả một số ngân hàng hoạt động tốt, lợi nhuận cũng đã giảm mạnh, song điều này được đánh giá là lợi nhuận của các ngân hàng đã thực chất hơn trước và kỳ vọng lợi nhuận cao lúc này là không dễ với nhiều ngân hàng.
Lợi nhuận làm ra hàng năm đều được ngân hàng ưu tiên trích dự phòng rủi ro, cũng có nghĩa cổ đông phải hy sinh lợi nhuận và khó có được cổ tức trong thời gian dài?
Điều này hoàn toàn đúng. Các nhà đầu tư đã rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng phải chấp nhận thực tế "không cổ tức", vì các ngân hàng không thể không tăng trích dự phòng rủi ro để đảm bảo an toàn trong hoạt động.
Đánh giá của ông về hoạt động ngành ngân hàng trong năm 2016?
So với những năm qua, bức tranh hoạt động của ngành ngân hàng năm nay có vẻ "sáng" hơn. Trong đó, phải kể đến tín dụng tăng trưởng trở lại, lãi suất bắt đầu có dấu hiệu tăng lên, nhưng không chỉ là chi phí đầu vào, mà ngân hàng cũng cân nhắc trong việc lựa chọn khách hàng vay vốn để tăng lãi suất. Lúc này, khách hàng có nhu cầu vốn sẽ được ngân hàng đáp ứng, song với sự lựa chọn kỹ càng hơn. Điều này khiến biên lợi nhuận trong cho vay của ngân hàng có thể tăng lên, thay vì giảm đi như nhiều người nghĩ.
Mặt khác, nợ xấu đang được các ngân hàng đẩy mạnh xử lý và phần nào đã xử lý được trong những năm qua sẽ là điều kiện tốt để đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ trong thời gian tới, kể cả khi tín dụng bất động sản được cho là sẽ bị "siết" lại. Khi nợ xấu đã được kiểm soát tốt, nguồn vốn tín dụng được khơi thông, DN sẽ không còn quá khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Lãi suất đầu vào đã tăng nhẹ trong những tháng đầu năm sẽ kéo theo lãi suất đầu ra tăng, thưa ông?
Có thể lạm phát trong năm nay sẽ cao hơn năm trước, song khả năng lãi suất sẽ không tăng nhiều, mà chỉ biến động nhẹ. Một trong những nguyên nhân khiến lãi suất đầu vào tăng nhẹ thời gian qua là bởi ngân hàng tăng huy động để cơ cấu lại nguồn vốn trước Dự thảo sửa đổi Thông tư 36. Thực tế, các ngân hàng đã tăng huy động tiết kiệm kỳ hạn trung, dài ngày. Lãi suất đầu vào tăng, theo nguyên lý, đầu ra sẽ tăng theo. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay, theo tôi, lãi suất cho vay chưa thể điều chỉnh tăng mà chỉ nhích nhẹ đối với vốn cho vay trung-dài hạn, bởi tăng lãi suất sẽ làm giảm nhu cầu tín dụng. Mặc dù vậy, chúng ta không thể kỳ vọng lãi suất giảm xuống nữa so với mặt bằng hiện nay.
Áp lực từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lên tỷ giá và lãi suất tiền đồng trong năm nay có lớn?
Theo tôi, các thông điệp từ Fed đưa ra phần nào cung cấp thông tin khá rõ ràng cho thị trường. Việc nâng lãi suất đã được thị trường dự liệu trước và Fed cho biết, lộ trình thắt chặt sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh tế. Một khi Fed tăng lãi suất cơ bản đồng USD, tỷ giá tiền đồng sẽ khó tránh được áp lực, nhưng thực tế cuối năm 2015, khi lần đầu tiên sau một thập kỷ Fed nâng lãi suất, NHNN Việt Nam đã linh hoạt kiểm soát tỷ giá tốt, vì vậy, khả năng tỷ giá sẽ không biến động lớn trong năm nay.
Lãi suất tiền đồng cũng sẽ không có quá nhiều áp lực từ Fed. Tuy nhiên, các DN không nên chủ quan, mà phải theo dõi thị trường để có các biện pháp phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá, cũng như tính toán được chi phí hoạt động khi sử dụng vốn vay ngân hàng.
Thùy Vinh thực hiện.
Đặc san Toàn cảnh ngân hàng 2016
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Doanh nghiệp UPCoM hé lộ kế hoạch niêm yết Là sàn tập dượt, bệ phóng lên niêm yết cho các công ty đại chúng, thị trường UPCoM sẽ cung cấp "hàng mới" cho HNX và HOSE trong thời gian tới, khi một số doanh nghiệp UPCoM đang lên kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn cao hơn. Một số DN trên UPCoM đang dự kiến trình ĐHCĐ kế hoạch lên niêm yết...