Cái chết tức tưởi của người đàn ông nhận rắn độc là… con trai
Từ ngày con mất, chẳng hiểu sao rắn học trò thường xuyên bò vào nhà. Đứt ruột nhớ con, hễ thấy rắn quanh quẩn trong nhà, ông bà lại nghĩ đứa con trai tuổi Tỵ về thăm.
Cái chết tức tưởi của người đàn ông nhận rắn độc là… con trai (Ảnh minh họa)
Sau cơn bạo bệnh, đứa con trai mới hơn 10 tuổi bỏ ông Nguyễn Văn Phú (54 tuổi) và bà Trần Thị Lan (47 tuổi, ngụ thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) mà đi. Từ ngày con mất, chẳng hiểu sao rắn học trò thường xuyên bò vào nhà. Đứt ruột nhớ con, hễ thấy rắn quanh quẩn trong nhà, ông bà lại nghĩ đứa con trai tuổi Tỵ về thăm. Trong một lần thấy rắn nằm trong ụ thóc, ông Phú bắt mồi mang cho “con” ăn, bị rắn cắn chết tức tưởi.
Cho “con” ăn, bị cắn chết
Người phụ nữ ngồi bó gối trong căn nhà ba gian cũ kỹ, tường bờ lô đã chuyển màu mốc meo theo thời gian. Từng cơn mưa tạt vào hiên như thể ném từng nắm đá cuội. Gió rít từng hồi, lạnh lẽo lùa qua khe cửa nhỏ. Nhìn đám ngô nằm lăn lóc nơi góc nhà, bà nói giọng rầu rầu:”Mưa miết ri, ngô không phơi được, chắc hư hết. Mùa sau lại không có giống để trồng”.
Bà Lan kể về cái chết oan nghiệt của chồng bằng giọng rưng rưng. Chiều hôm đó, chồng bà đi đám giỗ người bà con về thì trời đã dần tắt nắng. Thấy vợ đang lui cui hốt lúa trước sân, ông cũng xắn tay áo, phụ một tay. Trong lúc xúc lúa vào bao, ông phát hiện con rắn học trò quấn mình nằm buồn thiu trong ụ lúa. Cạnh đó, chú nhái bén cứ nhảy loi choi bên gốc chanh đã trụi lá. Nghĩ đứa con trai “nhập” vào rắn, bò về thăm cha, ông hớn hở đi kiếm thức ăn, mang đến cho “con”. “Ông nói “để tau cho con trai tau ăn”, rồi một tay cầm con rắn, một tay đút con nhái bén cho nó ăn. Trong lúc con rắn đớp mồi, mấy lần mổ trúng tay ông ấy, nhưng vì không đau nên ông cứ để yên”, người vợ nói. Cho “con” ăn no, người đàn ông tiếp tục xúc lúa gọn trong góc nhà, sau đó đi tắm rửa nghĩ ngơi, quên luôn chuyện “con trai” “xơi” mấy miếng vào tay.
Sáng hôm sau, thấy chồng nằm trên giường không chịu dậy, người vợ nấu cháo để sẵn trên bàn, rồi ra đồng làm lụng bình thường. Cứ nghĩ nằm một ngày, men rượu tan hết, ông lại trở dậy như bao lần. “Mọi khi nhậu về, ông nằm một ngày là tỉnh. Vậy mà hôm đó, nằm đến hai ngày, ông vẫn không chịu nhúc nhích. Tui còn cằn nhằn, “ăn uống chi mà về cứ nằm miết rứa?”. Rồi thấy ông ói mửa, có chất bầm đen, tui lo quá nên một hai bắt ông đi viện, mà ông mô có chịu nghe. Tui phải nhờ người hàng xóm cạnh nhà chở đi. Tui cứ nghĩ chắc chồng bị trúng gió, chứ có ai ngờ…”, bà Lan sụt sùi.
Video đang HOT
Thấy bệnh tình ông Phú quá nặng, Trung tâm y tế thị xã Hương Trà tức tốc chuyển ông vào Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu. Tại đây, sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết, ông Phú bị trúng độc rắn cắn. Do cấp cứu muộn, độc rắn đã phá hủy hoàn toàn các hồng cầu và lục phủ ngủ tạng. Sau khi nằm điều trị hai ngày, ông Phú trút hơi thở cuối cùng.
Xem rắn là con
Người đàn ông đã cõng ông Phú đi cấp cứu kể lại trong tiếc nuối, ông Phú vốn nhanh mồm nhanh miệng. Nhưng chẳng hiểu sao, chuyện bị rắn cắn lại không nghe ông hé răng. “Xưa nay ở làng này, ai bị rắn cắn, dù rắn độc mấy nhưng chỉ cần làm “thuốc dấu” (Người làm “thuốc dấu” dùng một loại lá cây đắp lên vết rắn cắn để khử độc – PV) là lành ngay. Nếu ông ấy nói sớm, chắc đã không phải chết oan ức như rứa”, nhân chứng này nói.
Nằm cấp cứu ở bệnh viện, ông Phú không còn khả năng nói chuyện. Ai đến thăm, ông chỉ biết nặng nhọc đưa tay ra bắt. Nước mắt người đàn ông cứ ứa ra chua chát. Người thân ông Phú kể, những ngày nằm ở nhà, vết rắn cắn trên tay ông Phú cứ rỉ máu liên tục. Vậy mà người đàn ông không một chút nghi ngờ con rắn chính là thủ phạm khiến ông phải nằm liệt giường. Một người địa phương giải thích, giống rắn đầu đen cổ đỏ thuộc loại rắn hiền, không có độc, gọi là rắn học trò. Xưa nay xứ Huế vốn trọng việc học và quý học trò, nên cả loại rắn mang tên học trò cũng được “cưng”. Nếu gặp rắn học trò bò vào nhà, người ta chỉ lấy chổi đuổi ra chứ không bao giờ đánh đập. “Nghe ông Phú bị rắn học trò cắn chết, ai cũng bất ngờ. Trước giờ cứ nghĩ loài rắn vô hại, chứ có ai ngờ cũng độc như thế. Sau này mới biết, bình thường rắn học trò cắn sẽ không có độc. Nhưng khi chúng đang ăn mồi, sẽ tiết ra nọc độc. Nếu bị cắn trong lúc này sẽ rất nguy hiểm”.
Vợ ông Phú nói trong nước mắt, hai lần bà mang người thân đi viện, đều phải chịu cảnh sinh ly tử biệt. Hơn 10 năm trước, đứa con trai của bà sau cơn sốt vì bệnh viêm não, đã lìa đời sau mấy ngày nằm viện. Bởi con trai tuổi Tỵ, vì quá nhớ con, vợ chồng bà hễ thấy rắn học trò quanh quẩn trong nhà, lại nghĩ con trai về thăm. “Ông ấy khi mô cũng nói “Rắn học trò là con tau. Đừng đập chết nó”. Mỗi lần ngồi nấu ăn trong bếp, thấy nó bò đến, tui hay nói: “Con về thăm đó hả con?”. Rứa mà không ngờ, ông ấy lại chết oan nghiệt chỉ vì tin “hắn” là con mình”.
Gia cảnh bần hàn
Chồng mất, bà mất luôn cả trụ cột gia đình. Trên bà là người mẹ già hơn 90 tuổi quanh năm đau yếu, lẫn thẩn. Sau lưng bà là đàn con nheo nhóc. Nhắc đến gia cảnh, bà lại nghẹn ngào. Năm người con, một đứa đã ra đi vì bệnh tật. Người con trai lớn bị bệnh tâm thần, nên gia đình phải chăm lo, quanh năm tốn tiền thuốc thang. “Hồi nhỏ, tui cũng cho thằng con đầu đi học. Nhưng học mãi mà nó không biết chi. Tui lên xin thầy cho con ở lại lớp học “cho kỹ”, nhưng thầy lắc đầu, cứ cho lên lớp. Có bữa đi học, vì nghịch phá, thầy bắt nó quỳ nơi góc lớp. Thằng bé cứ quỳ miết, tan học vẫn không chịu đứng dậy đi về. Sau này thầy biết con trai tui không bình thường, nên thôi không phạt. Tui cũng không ép con học nữa. Leo đến lớp 5 thì nó đành nghỉ học”, bà tâm sự. Đứa con kế của bà được cho ăn học đàng hoàng. Nhưng ra trường, loay hoay mãi vẫn không có việc làm. Cô gái đành cất bằng cấp trong đáy tủ rồi về khu công nghiệp “đầu quân” . “Làm công nhân, lương ba cọc ba đồng, chẳng biết khi nào nó mới trả hết số tiền vay hồi đi học”, bà than thở. Bà kể, thương đứa con gái kế út, học lớp 9 nhưng suốt ngày đội nắng đội mưa ra tiệm nét để giải bài tập trên mạng, vợ chồng bà vay nợ được mấy triệu, mua cho con cái máy tính cũ. Giờ ông không còn, bà chẳng biết xoay sở ra sao với đống nợ trên đầu.
Câu chuyện dường như ảm đạm hơn trong một sáng ướt át vì mưa. Bà kể, nhà đã xuống cấp, địa phương có chính sách hỗ trợ giúp gia đình sửa sang lại. Nhưng khi có quyết định của chính quyền, cũng là lúc chồng bà xuôi tay. Một mình bà với gánh nặng gia đình trên vai, đành gác lại chuyện nhà cửa. Hồi vợ chồng mới cưới, nhà tranh vách đất, chắp vá tứ tung, chỗ này nứa, chỗ kia gỗ, nền nhà lồi lõm, chi chít ổ gà. Gần chục năm lầm lũi mưu sinh, đôi vợ chồng mới “bê tông hóa” được ngôi nhà. “Do không có tiền, nên chỉ dựng nhà tạm bợ bằng bờ lô, không có sắt thép. Mỗi lần mưa gió, tui lại lo nhà sập. Ngày trước còn có ông để che chắn. Chừ ông mất, tui không biết làm răng”, người phụ nữ nước mắt vòng quanh.
Vợ nạn nhân kể, chồng bà đã qua tuổi 53, cái tuổi thường hay gặp “hạn”(quan niệm dân gian: “49 chưa qua, 53 đã đến”). Cứ nghĩ “tai kiếp” đã hết, vậy mà cũng không thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Nhiều người bảo, do ông Phú “hết duyên” với cõi trần, nên “bị rắn học trò cắn, mà cũng chết”. Nhưng người khác lại bảo, chỉ vì niềm tin mù quáng mới rước họa vào thân. Nếu người đàn ông không vì quá thương nhớ con, đâm ra nghĩ quẩn, cho rắn là con mình, thì ông đã không có hành động “lạ đời”, khiến bản thân phải đoản mạng.
Theo Xa Lộ Pháp Luật
Người dân đòi lại rắn hổ mang chúa dài 3,1 m để... làm thịt
Nhiều ngày qua, hàng trăm người hiếu kỳ kéo đến xem và chụp hình rắn hổ mang chúa nặng 6,3 kg ở Đồng Tháp. Đề phòng nguy hiểm, người dân dùng dây may miệng con rắn lại.
Người dân đòi lại rắn hổ mang chúa dài 3,1 m để... làm thịt
Ngày 13/10, Công an xã Phú Đức (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, đơn vị sẽ kiến nghị ngành chức năng có biện pháp xử lý rắn hổ mang chúa đang được giữ tại trụ sở, được người dân mang đến nộp vào 9/10. Con rắn này nặng 6,3 kg, dài khoảng 3,1 m, toàn thân có màu đen khoang vàng, vẩy ánh bạc xanh, dưới bụng màu vàng.
Ông Nguyễn Thanh Bình (ngụ xã Phú Đức) - người trực tiếp bắt rắn - cho hay sáng 9/10, trong lúc ông cùng với một số nông dân phát hiện con rắn khoanh tròn, nằm dưới các bao phân. Lúc này, người dân vây lưới bắt rồi mang đến nộp cho công an xã xử lý.
Ngay sau đó, Hạt kiểm lâm liên huyện Tam Nông và Tân Hồng đã đến hiện trường, lập biên bản xác nhận đây là hổ mang chúa (còn gọi là hổ mây), là loài động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo vệ.
Rất đông người hiếu kì đến xem và chụp hình rắn độc.
Tuy nhiên, nhiều ngày qua, con rắn "khủng" này vẫn chưa được trả về tự nhiên bởi những người vây bắt đề nghị ngành chức năng hỗ trợ họ 1 triệu đồng, vì công bắt rất cực khổ, nguy hiểm. Trong khi đó, đại diện Hạt kiểm lâm huyện cho rằng hổ mang chúa là động vật quý hiếm, cấm săn bắt nên không đồng ý hỗ trợ. Người dân đã dùng dây sắt xuyên miệng, khép mỏ rắn vào bao lưới để không cho nó phun nọc độc hoặc cắn người. Mỗi ngày rất đông người dân đến trụ sở công an xã để xem rắn, chụp hình, trong đó có nhiều em nhỏ hay lấy cây chọc phá rất nguy hiểm.
Hổ mang chúa bị may miệng để không cắn người.
Dù nhiều ngày không ăn uống, nhưng con hổ mang "khủng" này vẫn rất khỏe, thường xuyên ngóc đầy dậy với vẻ hung tợn. "Chúng tôi phải cử công an viên túc trực, canh chừng suốt ngày, không cho người dân đến gần xem cũng như đề phòng có kẻ trộm. Điều lo ngại nhất là chẳng may rắn thoát ra ngoài, lúc đó vô cùng nguy hiểm", ông Vũ - công an xã Phú Đức - nói. Theo ông Vũ, do không thống nhất được tiền hỗ trợ nên người dân có ý đòi rắn lại để... làm thịt.
Hổ mang chúa là loài rắn có trọng lượng, kích cỡ lớn nhất thế giới. Chúng có chiều dài lên đến 6 m và nặng tới 20 kg. Đầu, lưng rắn hổ mang chúa có màu nâu xám, vàng lục hay màu chì. Những vảy thân từ giữa cơ thể tới hết đuôi có viền xám đen. Nọc độc của chúng đầu độc thần kinh, do đó, có thể tước mạng sống con người chỉ bằng một cú mổ.
Nguồn Zing.vn
Thực hư lời đồn về "rắn thành tinh" ở Hà Giang Những lời đồn thổi về "rắn thành tinh", trên đầu có chữ "thiên", khiến gia đình anh Bình không ngày nào ngủ yên. Để tìm hiểu thực hư câu chuyện huyền bí này, PV đã đi tìm lời giải từ phía chính quyền và các ngành chức năng. Đối với một thợ săn thiện nghệ, từ nhỏ đã được cha dạy dỗ cách...