Cái chết của tàu Vikram trên Mặt Trăng: Chỉ một câu nói, Thủ tướng Ấn Độ xóa tan bi kịch
“Thật không dễ dàng để chấp nhận kết cục đau buồn này. ISRO đã lao động miệt mài 10 năm chỉ để dành cho khoảnh khắc Vikram chạm tới Mặt Trăng…”
Hai thập niên đầu thế kỷ 21 chứng kiến sự sôi động trong cuộc đua lên Mặt Trăng của các cường quốc vũ trụ trên thế giới. Sự kiện Trung Quốc lần đầu tiên đưa tàu Chang’e-4 đổ bộ thành công nửa tối Mặt Trăng (ngày 3/1/2019, đọc chi tiết) chính thức mở màn hành trình chinh phục Mặt Trăng trong thế kỷ 21 của nhân loại.
Nếu như Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đặt mục tiêu xây dựng Làng Mặt Trăng trong những thập kỷ tiếp theo; Cơ quan vũ trụ Liên Bang Nga Roscosmos khẩn trương triển khai kế hoạch xây căn cứ địa Mặt Trăng vào năm 2040; trong khi đó, NASA của Mỹ dĩ nhiên đặt quyết tâm đưa người tái đổ bộ Mặt Trăng năm 2024 thì Ấn Độ bắt đầu nước cờ đầu tiên trong hành trình chinh phục Mặt Trăng bằng sứ mệnh Chandrayaan-1 năm 2008.
Sau hơn một thập kỷ thu thập bằng chứng quan trọng của nước trên Mặt Trăng, Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) triển khai sứ mệnh Chandrayaan-2, nhằm mục tiêu phóng tàu đổ bộ và rover tại vĩ độ cao nhất của Mặt Trăng năm 2019.
Tuy nhiên, ngành vũ trụ của quốc gia châu Á nhanh chóng nhận tin buồn: Tàu đổ bộ Vikram(thuộc sứ mệnh Chandrayaan-2) mất tín hiệu với trung tâm điều khiển Trái Đất.
Cụ thể, tai nạn đáng tiếc này diễn ra như thế nào?
Theo kế hoạch, tổng thời gian phóng và đổ bộ Mặt Trăng của sứ mệnh Chandrayaan-2 sẽ kéo dài 48 ngày, tuần tự như sau:
- Ngày 22/7/2019: Tên lửa GSLV MkIII-M1 của Ấn Độ phóng tàu thành công vũ trụ Chandrayaan-2 vào 2:43 phút chiều (giờ địa phương) từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan, bang Andhra Pradesh.
Ảnh: ISRO
- Ngày 13/8: Tàu Chandrayaan-2 rời khỏi quỹ đạo Trái Đất, bắt đầu hành trình dài 384.399 km đến Mặt Trăng.
Video đang HOT
- Ngày 20/8: Chandrayaan-2 tiến vào vùng quỹ đạo Mặt Trăng.
- Ngày 2/9: Tàu đổ bộ Vikram tách khỏi tàu vũ trụ Chandrayaan-2 (lúc này đang ở quỹ đạo Mặt Trăng).
- Ngày 6/9: Vikram tiếp cận cực nam của Mặt Trăng (chuẩn bị quá trình hạ cánh).
- Sau đó, Vikram sẽ thực hiện nhiệm vụ định sẵn trên bề mặt Mặt Trăng trong thời gian 1 ngày Mặt Trăng (tương đương 14 ngày Trái Đất).
- Địa điểm hạ cánh (dự kiến) của tàu đổ bộ Vikram là 70 độ Nam, vùng cao nguyên rộng lớn nằm giữa 2 hố va chạm Manzinus C và Simpelius N, thuộc cực Nam Mặt Trăng tại nửa sáng.
Tuy nhiên, khi cách bề mặt Mặt Trăng chỉ 2,1 km, tàu đổ bộ Vikram đột ngột mất tín hiệu với trung tâm điều khiển mặt đất của ISRO đặt tại thành phố Bengaluru, Ấn Độ.
“Vikram đã mất tích trên Mặt Trăng.” Đó là thông báo chính thức của ông Kailasavadivoo Sivan, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) với tất cả các chuyên gia thuộc sứ mệnh Chandrayaan-2 có mặt tại trung tâm điều khiển ISRO, nửa giờ sau khi mọi nỗ lực liên lạc với Vikram từ Trái Đất đều bất thành.
Sự mất mát hiện lên trong đôi mắt của chuyên gia làm việc tại trung tâm điều khiển của ISRO. Photograph: Jagadeesh Nv/EPA
Ảnh: Aijaz Rahi/Associated Press
Thông báo của Kailasavadivoo Sivan đồng nghĩa với việc ISRO phải chấp nhận sự thất bại của Vikram, chấp nhận thất bại trong nỗ lực lần đầu tiên của Ấn Độ nhằm đưa tàu không người lái đổ bộ bề mặt Mặt Trăng.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người có mặt tại trung tâm điều khiển của ISRO để trực tiếp theo dõi quá trình đổ bộ (theo kế hoạch) của Vikram, trước khi rời đi đã đưa ra lời đề nghị tiếp tục hỗ trợ các nhà khoa học trong các sứ mệnh tiếp theo.
“Thật không dễ dàng để chấp nhận kết cục đau buồn này. ISRO đã lao động miệt mài 10 năm chỉ để dành cho khoảnh khắc Vikram chạm tới Mặt Trăng. Lịch sử sắp gọi tên chúng ta…
Nhưng Ấn Độ sẽ tiếp tục hy vọng và không ngừng cố gắng hơn nữa cho chương trình vũ trụ quốc gia. Dù là 20 năm, 50 năm, thậm chí có là 100 năm nữa, Ấn Độ sẽ xây dựng thành công căn cứ cho người ở trên Mặt Trăng.
Ấn Độ tự hào về các nhà khoa học ISRO. Họ đã, đang và sẽ nỗ lực hết sức để đưa đất nước bước tiếp chặng đường chinh phục vũ trụ trong tương lai. Thời khắc này, chúng ta cần can đảm. Can đảm để đối mặt và can đảm để tiến lên phía trước.” – Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khích lệ các nhà khoa học và lạc quan thể hiện quyết tâm của quốc gia.
Trên thực tế, dù sứ mệnh của tàu đổ bộ Vikram thất bại, nhưng sứ mệnh của tàu vũ trụ Chandrayaan-2 vẫn chưa kết thúc. Chandrayaan-2 hiện vẫn di chuyển an toàn trong vùng quỹ đạo Mặt Trăng ở khoảng cách cách bề mặt vệ tinh này 100 km với nhiệm vụ khoa học kéo dài một năm tại đây.
Nếu sứ mệnh của Vikram thành công, Ấn Độ sẽ là quốc gia thứ tư trên thế giới đưa tàu đổ bộ bề mặt Mặt Trăng (sau Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc).
Địa điểm dự kiến hạ cánh của sứ mệnh Chandrayaan-2 trên Mặt Trăng (màu hồng). Đồ họa: USGS, NASA, National Geographic
Chandrayaan-2 là nỗ lực không mệt mỏi của ISRO trong hành trình khám phá về nguồn gốc cũng như sự tiến hóa của Mặt Trăng, thông qua việc nghiên cứu chi tiết về địa hình, địa chấn, thành phần hóa học bề mặt, tìm nước (dạng băng), nhận dạng và phân phối khoáng sản, đặc tính vật lý nhiệt của đất trên cùng, cũng như thành phấn của bầu khí quyển Mặt Trăng.
Chandrayaan-2 cho đến nay là sứ mệnh phức tạp nhất trong lịch sử của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ. Chương trình Chandrayaan-2 tiêu tốn của Ấn Độ 140 triệu USD. Tàu đổ bộ, rover, tên lửa đẩy và tàu quỹ đạo Mặt Trăng… tất cả đều do Ấn Độ phát triển và chế tạo.
Cùng với sứ mệnh Mặt Trăng Chandrayaan-2, quốc gia châu Á này cũng tiết lộ kế hoạch đưa 3 phi hành gia vào không gian năm 2022.
Mọi sứ mệnh đổ bộ lên một thế giới ngoài Trái Đất đều khó khăn và mạo hiểm. Khoảnh khắc cho tàu hạ cánh lên một thiên thể là khoảnh khắc nghẹt thở và kinh hoàng.
Dù chúng ta có những phi thuyền Apollo (Mỹ) có người lái, dù chúng ta từng có những còn tàu Luna (Liên Xô) không người lái đổ bộ thành công bề mặt Mặt Trăng trong lịch sử nhưng sứ mệnh chạm vào Mặt Trăng đó chưa bao giờ ngừng thử thách con người.
Mô hình tàu đổ bộ Vikram trên Mặt Trăng. Ảnh: ISRO
Tàu Vikram của Ấn Độ phải đối mặt với những khó khăn như thế. Trước khi đổ bộ, Vikram phải tự giảm tốc đến mức như đứng yên ở khoảng cách nhất định, tự động rà quét các chướng ngại vật trên bề mặt rồi sau đó thực hiện các bước loại bỏ chúng khỏi vị trí đổ bộ.
“Đưa tàu đổ bộ Mặt Trăng là sứ mệnh một mất-một còn!” – Dana Hurley, nhà khoa học hành tinh tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết.
Ngày 9/9, The Guardian (Anh) dẫn thông tin chính thức từ Giám đốc của Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO): Hệ thống camera của tàu vũ trụ Chandrayaan-2 (đang di chuyển tại vùng quỹ đạo Mặt Trăng) đã phát hiện “xác” tàu đổ bộ Vikram trên bề mặt Mặt Trăng. “Vikram chắc hẳn đã hạ cánh rất khó khăn.”, Giám đốc ISRO không bình luận gì thêm.
Không chỉ có Ấn Độ, nhiều quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang nỗ lực xây dựng chương trình khám phá Mặt Trăng của mình trong tương lai.
Bài viết sử dụng các nguồn: The Guardian, National Geographic, ISRO
Theo Helino