Cái chết của nhà báo Ả Rập Saudi: Vết rạn lớn gây chấn động dư luận
Cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi bên trong lãnh sự quán Ả Rập Saudi tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo nên cơn chấn động trên toàn thế giới theo cách ít ai ngờ tới và cho đến nay vẫn là chủ đề “ nóng” trên truyền thông quốc tế.
Việc nhà báo xuất sắc của Ả Rập Saudi bị sát hại bên trong lãnh sự quán nước này ở Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ đã gây chấn động một cách lạ thường. Trong hơn 3 tuần sau khi ông biến mất, vụ án trở thành tiêu điểm hàng đầu trên mặt báo và ngày càng đẩy cao làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới.
Sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vụ mất tích bí ẩn của ông Jamal Khashoggi đã đặt ra câu hỏi rằng, tại sao cái chết của một nhà báo lại “rùm beng” hơn mọi động thái khác của Ả Rập Saudi, chẳng hạn cuộc chiến ở Yemen hay cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia Trung Đông này.
Theo New York Times, câu trả lời nằm ở bản chất cái chết của ông Khashoggi cũng như cách vụ việc được đưa ra ánh sáng, cùng với đó là tầm ảnh hưởng của nhà báo này.
Không chỉ là nhà báo nổi tiếng, người từng làm việc cho tờ Washington Post của Mỹ trước khi chết, ông Khashoggi còn từng thân cận với giới tinh hoa chính trị trong khu vực. Ông là bạn của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và từng gần gũi nhiều nhân vật trong Hoàng gia Ả Rập Saudi.
Ông Khashoggi đã xây dựng được chỗ đứng hàng đầu trong giới truyền thông Ả Rập Saudi rồi đảm đương vị trí như người phát ngôn không chính thức cho gia đình hoàng gia nước này.
Nhưng sự nghiệp của vị nhà báo 59 tuổi ở Ả Rập Saudi chính thức đứt đoạn khi bị Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) chặn ngòi bút trong chiến dịch đàn áp bất đồng ý kiến. Thái tử Mohammed bin Salman đã cấm ông viết bài tại quốc gia Trung Đông này.
Sau đó, ông Khashoggi sống lưu vong ở Mỹ, trở thành cây bút chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Ả rập Saudi tại mục bình luận thường kỳ của Washington Post. Thái tử bin Salman thường xuyên trở thành mục tiêu công kích của nhà báo Khashoggi. Những bài viết gần đây của ông Khashoggi đã chỉ trích thái tử vì bỏ tù các nhà hoạt động nữ quyền và kiểm soát tự do ngôn luận.
Cái chết bí ẩn của nhà báo Khashoggi tạo nên sự chấn động trên toàn thế giới
Chính vì vậy, cái chết bí ẩn của một nhân vật nổi trội như Khashoggi tạo nên sự chấn động là dễ hiểu. Sốc hơn nữa, án mạng xảy ra ngay bên trong lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Istanbul. Lâu nay, nơi đây vẫn được xem là nơi an toàn cho công dân nước mình. Trớ trêu thay, ông Khashoggi chỉ ghé qua cơ quan ngoại giao này để hoàn tất thủ tục kết hôn nhưng lại không có đường về. Do vậy vụ việc của nhà báo Khashoggi càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Hiện, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận diện 15 nghi phạm, trong đó có một số người được cho là có liên hệ với thái tử Mohammed, tham gia vào vụ sát hại ông Khashoggi. Các quan chức Ả Rập Saudi ban đầu khẳng định cái chết của nhà báo Khashoggi không liên quan tới hoàng gia, sau đó lại nói rằng vụ việc này đã được lên kế hoạch từ trước.
Video đang HOT
Nếu các đặc vụ Ả Rập Saudi thực sự sát hại nhà báo Khashoggi trên đất Thổ Nhĩ Kỳ như nghi vấn của Ankara, điều này không chỉ vi phạm luật quốc tế mà còn bị xem là thách thức đối với thẩm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ. Công ước Vienna về Quan hệ Lãnh sự năm 1963, một văn kiện cả Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ đều tham gia, quy định luật quốc tế giám sát hoạt động của các lãnh sự quán và đại sứ quán, đồng thời bảo vệ các cơ sở và quan chức ngoại giao.
Ngoài ra, trên trang nhất nhiều tờ báo suốt nhiều tuần, sự rò rỉ nhỏ giọt các thông tin giật gân về vụ án từ phía chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng “giữ nhiệt” cho vụ việc vốn đe dọa nghiêm trọng hình ảnh của Riyadh này.
Giới chuyên gia cho rằng, đây là chiến thuật được tính toán kỹ lưỡng từ Ankara để có những mặc cả hòng thay đổi tương quan vị thế với Ả Rập Saudi, trong khi “kỳ phùng địch thủ” của họ đang rơi vào tình thế chỉ muốn nhanh chóng dập tắt cuộc khủng hoảng uy tín này. Có thể, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ coi vụ việc của nhà báo Khashoggi là cơ hội để kiểm soát quyền năng của thái tử Ả Rập Saudi và hạn chế tầm ảnh hưởng của một đối thủ trong khu vực.
Mới đây, dư luận lại tiếp tục sửng sốt trước tiết lộ mới nhất về những nhận xét của Thái tử Saudi Arabia Salman dành cho nhà báo Khashoggi vừa bị thủ tiêu.
Theo đó, tờ Washington Post của Mỹ đã dẫn một số nguồn tin khẳng định Thái tử Saudi Mohammed bin Salman khi điện đàm riêng với các quan chức Mỹ đã gọi nhà báo Khashoggi mới bị sát hại là phần tử Hồi giáo chủ nghĩa nguy hiểm, trái ngược hoàn toàn với các tuyên bố công khai mà vị thái tử này dành cho nhà báo quá cố.
Giới phân tích cho rằng, thông tin về các nỗ lực của Thái tử Saudi Salman trong việc hạ bệ hình ảnh của nhà báo Khashoggi, thể hiện trong vụ điện đàm riêng với quan chức Mỹ, cho thấy cách ứng phó của vị thái tử này trong việc kiểm soát các thiệt hại đối với chính quyền Saudi và cá nhân ông từ sau biến cố Khashoggi.
Bruce Riedel, một cựu quan chức tình báo CIA và hiện là học giả tại Viện Brookings nói: “Đây là cách ám sát hình ảnh, bổ sung vào vụ mưu sát đã lên kế hoạch từ trước”.
Trong khi đó, giới chức tình báo Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ tin người đứng sau cái chết của nhà báo Khashoggi có liên quan tới Thái tử bin Salman. Mặc dù Ả Rập Saudi đã phủ nhận mọi cáo buộc, song những thông tin được hé lộ khiến dư luận vẫn hoài nghi về hành động của thái tử.
Madawi Al-Rasheed, chuyên gia về Ả Rập Saudi và là giáo sư tại Trung tâm Trung Đông thuộc Trường Kinh tế London cho rằng, cái chết của nhà báo Khashoggi đã lôi kéo sự chú ý của phương Tây theo một cách đặc biệt. Bà Madawi cho rằng về bản chất, những tình tiết liên quan tới cái chết của nhà báo này cũng đủ để làm dấy lên cơn giận dữ từ dư luận.
Hà Kim
Theo congly
Đằng sau cái chết bí ẩn của nhà báo Jamal Khashoggi
Cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi đang khiến cả thế giới chú ý - một thảm kịch hội tụ đầy đủ những màu sắc trinh thám gián điệp, đối đầu tôn giáo, sự giằng xé về lợi ích trong các mối quan hệ quốc tế đan xen...
Jamal Khashoggi, nhà báo thuộc hàng xuất sắc nhất Ả Rập Saudi, đã sống lưu vong ở Virginia - Mỹ sau khi rời khỏi quê hương năm ngoái. Sau khi bước vào Lãnh sự quán Ả Rập Saudi tại Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) hôm 2-10, ông đã biến mất.
Gia đình quyền lực
Giới chức TNK khẳng định ông Khashoggi đã bị giết hại trong tòa lãnh sự tại quận Levent ở Istanbul. Sau nhiều lần bác bỏ điều này, tới ngày 19-10, chính phủ Ả Rập Saudi đã thừa nhận nhà báo Khashoggi chết tại đây.
Ít nhất 18 người đã bị bắt giữ trong vụ án chấn động này, trong khi Riyadh nói rằng vị nhà báo 59 tuổi đã bị giết sau khi "thảo luận biến thành ẩu đả" - một lời giải thích khiến giới chức châu Âu và nhiều nhà lập pháp Mỹ khó thể không nghi ngờ.
Nhà báo Jamal Khashoggi là một cây viết nổi tiếng của Ả Rập Saudi Ảnh: AP
Xuất thân từ một gia đình quyền lực ở Ả Rập Saudi, ông Khashoggi trở thành ngòi bút chỉ trích hàng đầu đối với bộ máy lãnh đạo hiện tại ở quê nhà. Quan điểm của ông được chia sẻ thông qua nhiều nền tảng, trong đó có một mục trên báo Washington Post (Mỹ) từ 1 năm trước. Những bài viết của ông được dịch cả sang tiếng Ả Rập.
Sự nghiệp báo chí của Khashoggi một phần nằm ở Afghanistan - nơi ông đã gặp và theo dõi trùm khủng bố Osama bin Laden vào những năm 1980. Theo Le Figaro (Pháp), Khashoggi từng 3 lần dùng cơm tối với kẻ chủ mưu vụ tấn công 11-9-2001 nhằm vào Mỹ.
Hai gia đình bin Laden và Khashoggi biết nhau rất rõ. Dòng họ bin Laden làm giàu trong ngành xây dựng, còn chú ruột Khashoggi là một nhà môi giới mua bán vũ khí giữa Ả Rập Saudi với Mỹ.
Vào thời điểm nổ ra vụ tấn công khủng bố 11-9-2001, Khashoggi là phó tổng biên tập báo Arab News (Ả Rập Saudi). Ông trở thành nguồn tin giá trị cho các nhà báo nước ngoài tìm cách lý giải động cơ nào đã thúc đẩy một số phần tử Hồi giáo tới hành động cực đoan tàn khốc như vậy.
Vào những năm 2000, Khashoggi 2 lần bị sa thải khỏi vị trí tổng biên tập tờ Al-Watan. Nhật báo đóng ở tỉnh Asir, phía Tây Nam Ả Rập Saudi này dưới thời ông Khashoggi lãnh đạo đã đăng tải nhiều câu chuyện, bài xã luận, biếm họa chỉ trích các phần tử cực đoan và cách thức mà Riyadh cưỡng ép các giá trị tôn giáo của mình (các tờ báo ở Ả Rập Saudi vốn thuộc sở hữu tư nhân nhưng do chính phủ định hướng cũng như phê duyệt và sa thải các lãnh đạo cấp cao).
Giữa 2 lần "cầm lái" Al-Watan, ông Khashoggi đảm trách vị trí cố vấn cho Đại sứ Ả Rập Saudi ở Anh - Hoàng tử Turki al-Faisal, một giám đốc tình báo lâu năm. Tới năm 2005, khi vị hoàng tử này được bổ nhiệm làm phái viên của Ả Rập Saudi ở Mỹ, ông Khashoggi là trợ lý truyền thông. Gần nhất, ông trở thành nhà bình luận trước khi rời Ả Rập Saudi tới sống lưu vong ở Mỹ vào tháng 6-2017.
"Không muốn bị bắt giữ"
Theo Washington Post, Khashoggi từng nói với bạn bè và các đồng nghiệp rằng không gian cho tự do ngôn luận dưới thời Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) bị thu hẹp và ông rất lo sợ cho sự an toàn của bản thân.
Xuất hiện trên chương trình "Upfront" của đài Al Jazeera TV (Qatar) hồi tháng 3-2018, nhà báo lưu vong nói rằng ông rời khỏi quê hương bởi "không muốn bị bắt giữ". Theo ông, môi trường ngày càng tồi tệ đối với nhà báo kể từ khi Hoàng tử MBS tiếp quản vị trí thừa kế ngai vàng. Nhà báo Khashoggi không xem bản thân là người bất đồng chính kiến mà là một nhà phê bình lo ngại về hướng đi của nước nhà dưới sự lèo lái của vị thái tử 33 tuổi.
Trong bài viết đầu tiên trên Washington Post ngày 18-9-2017, nhà báo này giải thích về sự ra đi của ông: "Tôi rời bỏ ngôi nhà, gia đình, công việc của mình và tôi sẽ lên tiếng. Nếu không, tôi sẽ phản bội những người mòn mỏi chờ đợi trong tù. Tôi có thể nói khi quá nhiều người không thể. Tôi muốn mọi người biết rằng Ả Rập Saudi không phải lúc nào cũng (đáng buồn) như lúc này. Chúng tôi - những người Ả Rập Saudi - xứng đáng với những điều tốt hơn như vậy".
Hồi tháng 2-2018, ông Khashoggi viết: "Thái tử MBS có lẽ nên học hỏi từ Hoàng gia Anh - những người đã đạt được tầm vóc thực sự, sự tôn kính và thành công bằng nỗ lực tự khiêm nhường. Nếu MBS có thể lắng nghe những người chỉ trích mình và thừa nhận rằng họ cũng yêu nước, ông ta thực sự có thể nâng cao sức mạnh bản thân".
Một trong những bài viết cuối cùng, nhà báo Khashoggi đã hối thúc Thái tử MBS chấm dứt cuộc chiến tranh mà ông đã bắt đầu ở Yemen hơn 3 năm rưỡi trước. Ông viết: "Thái tử phải kết thúc bạo lực vào khôi phục chân giá trị của nơi khai sinh đạo Hồi (Ả Rập Saudi)".
Khó ngờ
Mối quan hệ của gia đình ông Khashoggi với TNK cũng rất đáng chú ý. Tại TNK, họ được gọi là gia đình Kasikci. Thành viên nổi tiếng nhất của gia đình này là ông Adnan Khashoggi - nhà buôn vũ khí giàu có. Những năm 1980, tỉ phú Adnan từng bán du thuyền Nabila cho ông chủ Nhà Trắng hiện nay. Cha của ông Adnan là người TNK, kết hôn với một phụ nữ Ả Rập Saudi và trở thành bác sĩ riêng của Nhà vua Abdelaziz al Saoud - người sáng lập Vương quốc Ả Rập Saudi hiện đại.
Với mối liên hệ gần gũi như vậy, không khó hiểu khi nhà báo Khashoggi vẫn qua lại TNK thường xuyên sau khi đã sang Mỹ lưu vong. Khó ngờ có chăng là việc cây viết được cho là "cái gai" trong mắt nhà cầm quyền Ả Rập Saudi lại "vô tư" đi vào lãnh sự quán nước này ở Istanbul. Theo báo giới địa phương, ông tới đây để hoàn tất giấy tờ cho đám cưới với một phụ nữ TNK 36 tuổi đang theo học tiến sĩ. Ông đã mua một căn hộ ở Istanbul để khi kết hôn, vợ chồng ông có thể ở bên nhau tại cả TNK và Mỹ.
ĐỖ QUYÊN
Theo nld.com.vn
Thổ Nhĩ Kỳ được phép khám xét nơi nghi giấu xác nhà báo Khashoggi Ngày 24/10, đài NTV cho biết cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã được phép khám xét một chiếc giếng ở trong vườn của lãnh sự quán Saudi Arabia tại thành phố Istanbul để phục vụ công tác điều tra vụ hạ sát nhà báo Jamal Khashoggi. Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nơi nhà báo Jamal Khashoggi bị hạ...