Cái chết của “khách làng chơi” và bước ngoặt đời sơn nữ
Tuổi 16, cái tuổi đẹp nhất thời con gái, lại là bước ngoặt đen tối của cuộc đời Vi Thị T khi thiếu nữ miền sơn cước xứ Thanh bị sa chân vào “động quỷ”. Sau khi bị chủ chứa ép bán trinh với giá 15 triệu đồng, có lẽ T đã phải sống mãi với kiếp “bán hoa” nếu không có… cái chết bất ngờ của một vị khách già hám của lạ khiến cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. T đã được giải cứu và đưa vào Trung tâm giáo dục lao động xã hội 1 (tỉnh Nghệ An) để làm lại cuộc đời.
Chuyến đi định mệnh
Được một cán bộ ngành công an giới thiệu, chúng tôi đã gặp Vi Thị T tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội 1. Sau phút đầu tiếp xúc đầy vẻ e ngại, dần dần T đã cởi mở tâm sự về những ký ức hãi hùng trong những tháng ngày em bị đọa đày thân xác chốn địa ngục trần gian.
Vi Thị T kể lại cuộc đời đầy bi kịch của mình.
Vi Thị T sinh ra, lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo khó, đông con ở một xã miền núi của huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Do gia cảnh quá khó khăn, T phải bỏ học từ sớm để đi làm thêm phụ giúp gia đình.
Năm 16 tuổi, T được bố mẹ gửi đi làm ôsin giữ trẻ cho một gia đình ở xã bên với mức lương 1 triệu đồng/tháng. Tại đây, T tình cờ gặp và làm quen với một người tên Lương, cũng làm nghề trông trẻ. Hai con người có cùng cảnh ngộ nhanh chóng kết thân với nhau sau những lần tâm sự rủ rỉ.
Không lâu sau đó, Lương lân la rủ T “về miền xuôi” bán hàng. Theo quảng cáo của “chị Lương”, đó là một công việc nhàn nhã nhưng có thu nhập cao gấp nhiều lần, lại giúp T được tiếp xúc với “người thành phố”, được sống trong điều kiện “rất hiện đại”. Tin theo những lời đường mật đó, nàng sơn nữ lập tức hí hửng rời thôn bản để theo chân người đàn bà xa lạ về nơi phố thị mưu sinh.
Sau nhiều giờ vật vã trên chuyến xe khách liên tỉnh, T được Lương đưa đến quán nhậu Hưng Trung tại bãi biển Diễn Hải (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) – vùng đất “nổi tiếng” với tệ nạn mại dâm. Ban đầu, T được chủ quán Hưng Trung nhận vào làm với công việc chính là trông trẻ và phụ giúp việc nhà. Gần 1 tháng sau, T bị ốm và em được chủ quán đưa vào bệnh viện để điều trị căn bệnh viêm gan B. Lúc T khỏe lại, bộ mặt thật của chủ quán mới hiện nguyên hình khi chúng bắt em phải bán dâm để lấy tiền trả viện phí, thuốc thang trong những ngày đau ốm.
Bị ép bán “Cái ngàn vàng” với giá 15 triệu
Biết T vẫn còn là trinh nữ, vợ chồng chủ quán Hưng Trung đã móc nối với một đại gia để tước đoạt “cái ngàn vàng” của em với giá 15 triệu đồng. Sau khi bị tước đoạt “đời con gái”, T nằng nặc đòi về quê thăm gia đình. Vợ chồng chủ quán Hưng Trung cũng cho T tiền bắt xe về Thanh Hóa, nhưng lại ngấm ngầm cho người theo dõi. Niềm vui đoàn tụ với gia đình của T ngắn chẳng tày gang vì ngay sau đó, hai tên côn đồ đã bất ngờ xuất hiện, khống chế, đe dọa và áp tải T quay lại quán Hưng Trung.
Từ đây, T bị ép bán dâm và đành chấp nhận đi khách như thể số phận đã an bài. Ý định bỏ trốn hoàn toàn tiêu tan trong tâm tưởng của T vì em sợ liên lụy đến người thân trong gia đình mình vì chủ chứa và đám côn đồ dưới trướng đã biết rõ về nơi cư trú của T.
Video đang HOT
Rưng rưng nước mắt, T kể lại những tháng ngày tủi nhục đó: “Em tuy không nhan sắc nhưng lại ít tuổi nên bị nhiều khách làng chơi chọn. Bình thường, mỗi ngày em bị ép tiếp 10-12 lượt khách. Mỗi lần như thế, khách trả 100.000 đồng, trong đó chủ lấy 50%, em được 50%. Gọi là có thu nhập nhưng em chẳng bao giờ cầm được một xu trong hơn năm trời hành nghề tại đây vì tiền phần trăm hay “bo” của em đều do chủ nắm giữ”. Theo nhẩm tính của T, số tiền mà chủ quán Hưng Trung “giữ hộ” em là không dưới 25 triệu đồng.
Thoát “động quỷ” nhờ một lần… “đi khách”
Cho đến bây giờ, khi nghĩ lại, T cũng không ngờ mình lại thoát khỏi “động quỷ” nhờ… cái chết của một vị khách già ham “của lạ” tên là D, làm nghề giữ xe.
Theo lời T, ông D là khách quen của cô. Sau một thời gian phải nằm nhà vì bị tai nạn giao thông, ông D đã tìm đến “vui vẻ” với T trong tình trạng sức khỏe chưa hồi phục. Tan cuộc “mây mưa”, ông D vừa cúi xuống xỏ giầy thì ngã lăn ra nền nhà, bất tỉnh. Quá hoảng sợ, T cũng ngất theo. Được đưa vào bệnh viện để cấp cứu, T đã tỉnh lại còn ông già nọ thì mãi mãi ra đi.
Cái chết bất ngờ của ông già hám gái đó hóa ra lại trở thành bước ngoặt cuộc đời thứ hai của cô sơn nữ, đưa cô thoát khỏi địa ngục trần gian. Trong hành trình điều tra về cái chết của ông D, cơ quan công an đã phát hiện ra rằng T cũng là một nạn nhân nên đã giải cứu và đưa em vào cải tạo tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội 1.
Trước khi rời “tổ quỷ” Hưng Trung, T vẫn nhớ như in lời bà chủ dặn với theo: Nếu công an có hỏi, phải khai sinh năm 1990 (thay vì 1994 như trong giấy khai sinh) và lúc vào phòng, em với ông D chưa làm gì với nhau.
8 tháng sống trong mái ấm của Trung tâm Giáo dục lao động xã hội 1, Vi Thị T đã được các thầy cô giáo giang tay giúp đỡ, động viên, chia sẻ. Tính đến nay, T đã học thạo nghề làm mi mắt giả. Chia tay chúng tôi, T nói về ước mơ của mình: “Em mong được về nhà, mở một quán trang điểm để làm đẹp cho các cô gái trong vùng. Em muốn những đồng tiền mình kiếm ra phải thật chân chính, trong sạch…”
Theo Pháp Luật VN
Thân phận ê chề của sơn nữ 'vượt biên' mong đổi đời
Bị bán như món hàng rồi 10 năm đằng đẵng sống tủi nhục trong "địa ngục" trần gian ở nơi đất khách, quê người. Giờ đây khi trở về Việt Nam, Hằng vẫn phải sống "chui lủi" để trốn án phạt treo lơ lửng trên đầu...
Mảnh đất Đồng Cốc, một xã biên giới nghèo thuộc tỉnh Bắc Giang từ lâu đã được gọi một cái tên chua chát là "làng vượt biên".
Khi cánh đồng quê nghèo trơ gốc rạ, vài trăm gốc vải năm được năm mất chưa đơm hoa, những người dân nghèo nơi đây lại khăn gói đi tứ xứ làm thuê làm mướn mưu sinh. Có người ra thành phố, người xuống Hà Nội, người vượt biên trái phép sang Trung Quốc, tất cả họ đều rời quê hương với ước vọng có một cuộc sống tươi sáng hơn.
Một trong số những người ôm khao khát đổi đời nơi đất khách quê người là những sơn nữ trẻ. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, không ít người trong số họ bị lừa bán như món hàng, chịu cảnh sống ê chề, đầy nước mắt...
Tan vỡ giấc mơ đổi đời
Chúng tôi tìm đến nhà Nguyễn Thị Hằng, thôn Phúc Kiến, xã Đồng Cốc, người được xem là "bị cắt hộ khẩu" ở xã do vượt biên trái phép.
Hằng không có nhà, theo lời chị Hà Thị Dung, chị dâu Hằng thì hiện tại người nhà cũng không biết Hằng đi đâu, làm gì, hơn một năm nay vẫn "bặt vô âm tín". "Tội nghiệp nó lắm các cô ạ", chị Dung rơm rớm mở lời về cuộc đời đầy nước mắt của người đàn bà vừa mới bước sang tuổi 25 ấy.
Chị Hà Thị Dung kể cho tôi nghe câu chuyện đầy nước mắt của cô em chồng.
Nguyễn Thị Hằng, sinh năm 1986 trong một gia đình dân tộc Tày nghèo. Bố mẹ mất sớm, Hằng và anh trai chỉ dựa vào 2 sào ruộng, vài mảnh vườn sống lay lắt qua ngày. Năm 2000, cũng giống như nhiều người con gái trong làng lúc bấy giờ: khao khát thoát khỏi vùng quê nghèo lam lũ, có cái ăn, cái mặc, được sống sung sướng như những câu chuyện người ta vẫn kể về chốn phồn hoa đất người mà Hằng chưa từng đặt chân đến.
Và thế là khi có người làng đánh tiếng rủ Hằng sang Trung Quốc làm may, lương tháng cao, công việc nhàn hạ, lại có cả ô tô về đón Hằng đã không ngần ngại đồng ý. Chuẩn bị ba lô, quần áo, Hằng lên đường với bao hy vọng.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, vừa lên xe, sau khi uống chai nước người đàn bà nọ đưa cho Hằng, cô bất tỉnh nhân sự. Khi tỉnh dậy cô mới biết mình đã bị lừa bán sang Trung Quốc với giá 3000 tệ. Cô khóc lóc thảm thiết đòi về nhà thì người tự nhận là chủ mới của cô hết dỗ ngon, dỗ ngọt, lại dọa đánh đập, chửi mắng...
Cô bị nhốt trong một phòng kín, nhưng ngày nào cũng có dăm bảy vị khách ghé qua nhòm qua khe cửa rồi xì xào điều gì đó mà cô không rõ. Được khoảng 1 tuần, thì cô lại bị một người đàn bà dẫn đi nơi khác. Người này thẳng thắn cho cô biết rằng, bà ta là kẻ buôn người và vừa mua lại cô của người chủ cũ. Đau đớn ê chề, nước mắt lã chã, cô chỉ biết khóc lóc tủi nhục khi thấy thân phận mình chỉ như mớ rau, mớ cỏ mà người ta trao qua đổi lại.
Ở nhà "chủ mới" được 1 tháng, thì Hằng bị bán làm vợ cho một người đàn ông ở Quảng Tây, Trung Quốc.
Không có thiên đường
Anh chồng "hờ" của Hằng nom cũng ngót 50 tuổi, hơn cả tuổi bố Hằng. Gương mặt có phần gì đó cục mịch, đần độn, hắn bị thọt một chân, bận một bộ đồ nhàu nhĩ, sau này Hằng mới biết anh ta đã có "thâm niên" hơn 30 năm làm nghề bốc vác. Tủi nhục lắm, nhưng Hằng vẫn tự nhủ, thà bị bán làm vợ người ta còn hơn bị đày đọa trong thân phận gái bán hoa...
Anh ta đưa Hằng lòng vòng qua mấy chuyến xe rồi dừng chân ở một ngôi nhà mái ngói, lụp xụp. Căn nhà nhỏ trống huếch trống hoác, không đồ đạc giá trị. Nhìn mấy chiếc cuốc, xẻng vứt chỏng chơ bên hiên nhà, Hằng biết rằng gia đình cũng làm ruộng như nhà Hằng ở quê, một chút hy vọng nhỏ nhoi vừa nhen nhóm ngay lập tức đã bị dập túi bụi.
Cũng kể từ giây phút bước vào căn nhà ấy, cô gái 16 tuổi đã phải bắt đầu quãng thời gian sống tủi nhục, đau đớn nhất.
Nhà chồng Hằng có cả thảy 9 người, người nào cũng lầm lầm lì lì ít nói, nhưng Hằng sợ nhất là ánh mắt sắc như dao của bà mẹ chồng. Làm quần quật như trâu ngựa từ sáng sớm đến tối mịt, nhưng bất cứ khi nào chạm mặt là mẹ chồng Hằng lại rủa xả, mắng chửi, mạt sát không thương tiếc.
Người chồng đần độn đã không bênh vực mà ngược lại, nghe lời xúi bẩy của mẹ, hắn thường xuyên đánh đập Hằng bằng những trận đòn nhừ tử.
Đến 2003, Hằng sinh một cô con gái. Những tưởng có con nhà chồng sẽ đối xử tử tế với mình hơn, nhưng không, vừa sinh con được 1 tháng, mẹ chồng đã bắt cô đi làm thuê ở xưởng nhựa tái chế và cứ mỗi khi nhác thấy bóng Hằng về là bà ta lại cất giọng chửi rủa. những lời mạt sát, Hằng đoán chừng bà ta căm giận và ghét Hằng đến thế vì số tiền mà bà ta đã phải vay mượn để "mua" Hằng về... Nghe mẹ xúi, gã chồng bạc nhược lại lôi xềnh xệch Hằng mà đấm, mà đá. Không thể chịu nổi cảnh sống không bằng chết, năm 2008, Hằng quyết tâm bỏ đi.
Vơ vội mấy bộ quần áo và số tiền 300 tệ dành dụm sau 8 năm trời, Hằng nuốt nước mắt từ biệt đứa con thơ để tìm đường trở về quê hương. Tự nhủ, nếu chuyến này bị bắt lại thì Hằng sẽ dùng cái chết để quyên sinh, chứ không chịu mãi mãi làm thân trâu chó...
Nước mắt ngày trở về
Thuê xe bỏ trốn đến cửa khẩu Chi Ma thì Hằng bị Công An bắt lại. Số tiền nhỏ dành dụm và ít quần áo tư trang cũng bị tạm giữ. Hằng bị nhốt 1 tháng chờ anh trai đến nộp phạt rồi tay trắng trở về sau 8 năm biền biệt.
16 tuổi ôm ước vọng đổi đời để rồi bị vùi dập ê chề. Giờ đây Hằng trở thành người đàn bà 25 tuổi "không chốn dung thân"... Ảnh minh họa
Trở về nhà, Hằng lại bị cái án phạt "treo lơ lửng trên đầu" do vượt biên trái phép và bị cắt hộ khẩu tại địa phương. 4 tháng sống "chui lủi", một lần nữa Hằng lại rời quê hương.
"Ngày nó đi, chỉ cầm tay chúng tôi mà khóc hết nước mắt, nó bảo: đời nó, ngay từ khi bước sang cái xứ người kia là đã kết thúc rồi, bây giờ không thể trở về quê hương nó sẽ khăn gói đi. Hơn một năm nay nó cũng không thư từ, gọi điện gì về cho gia đình, giờ chúng tôi cũng không biết Hằng đang sống ở đâu? Làm gì?...", giọng chị Dung lạc đi, mắt hấp háy đỏ.
Lê Trang
Theo Bưu Điện Việt Nam
Sapa vào hạ Đến với Sapa, người ta thường đi vào mùa đông, để chiêm ngưỡng tuyết rơi, để được khám phá cái lạnh âm độ như các nước châu Âu... Tuy nhiên, nếu có dịp đi vào mùa hạ, nơi đây cũng sẽ mang đến cho bạn nhiều điều thú vị. Tiết trời Sapa vào hạ chỉ hơi lạnh hơn Đà Lạt một chút nên...