Cải cách hành chính mạnh, ngành chăn nuôi bứt phá
Đẩy mạnh tinh giản thủ tục hành chính, áp dụng các phương thức điện tử vào thực hiện thủ tục hành chính đã góp phần giúp ngành chăn nuôi phát triển mạnh trong 10 năm qua.
Quy mô chăn nuôi tăng
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), trong hơn 10 năm qua (2008 – 2018), Cục đã triển khai có hiệu quả việc tinh giản, áp dụng phương thức điện tử, trực tuyến vào thực hiện thủ tục hành chính, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian cho các tổ chức, cá nhân, từ đó thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển mạnh mẽ.
Cải cách hành chính tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành chăn nuôi phát triển. Ảnh: tư liệu
Thực hiện chỉ đạo của Bộ NNPTNT về việc rà soát thủ tục hành chính để sửa đổi, bổ sung và trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính trong chăn nuôi theo hướng đơn giản hóa, bãi bỏ thủ tục hành chính không phát sinh hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết, từ tháng 10/2015, ngành chăn nuôi đã thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia đối với nhóm 3 thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.
Đến tháng 2/2017, ngành đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với nhóm 3 thủ tục đăng ký thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước và hoàn thành thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với nhóm 3 thủ tục thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vào tháng 7/2019.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đã góp phần giúp ngành chăn nuôi thực hiện tốt chiến lược phát triển ngành chăn nuôi trong 10 năm qua, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn.
Cụ thể, trong giai đoạn 2008 – 2018, sản lượng thịt các loại tăng trên 1,5 lần (từ 3,6 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn), trứng tăng 2,3 lần (từ gần 5 tỷ quả lên 11,6 tỷ quả), sữa tươi tăng 3,6 lần (từ 262.200 tấn lên 936.700 tấn), thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 2,4 lần (từ 8,5 triệu tấn lên 20,2 triệu tấn).
Video đang HOT
Quy mô chăn nuôi đã chuyển từ nông hộ sang trang trại. Năm 2018, cả nước chỉ còn khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn và khoảng 4,5 triệu hộ chăn nuôi gia cầm, trong khi số lượng trang trại tăng lên là 19.639, chăn nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 45% về quy mô và trên 60% về sản lượng. Ngành chăn nuôi còn thu hút khối lượng lớn nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển chăn nuôi, nhất là đầu tư nước ngoài.
Tiếp tục cải cách
Đứng trước áp lực hội nhập, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục thực hiện cải cách hành chính triệt để và áp dụng công nghệ thông tin. Sản phẩm chăn nuôi phải hướng đến xuất khẩu, vì nhu cầu trong nước đã đáp ứng đủ. Do vậy, phải thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Ông Dương cho biết, Quốc hội thông qua Luật Chăn nuôi trong đó quy định việc quản lý theo chuỗi, từ khâu giống đầu vào tới khâu thị trường, tổ chức theo các chuỗi liên kết, phát huy vai trò của hợp tác xã để nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi.
Theo đánh giá, so với các văn bản quy phạm pháp luật về chăn nuôi đã được ban hành, Luật Chăn nuôi đã có những thay đổi cơ bản về phương thức quản lý theo hướng tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các hoạt động về lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, môi trường và điều kiện chăn nuôi… Do đó, các hành vi được xác định là hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi có sự thay đổi, cần thiết phải có quy định mới phù hợp với luật.
Ông Dương cho biết, để thực hiện nghiêm Luật Chăn nuôi, các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính về giống vật nuôi, về thức ăn chăn nuôi, về điều kiện chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi, về nhập khẩu vật nuôi sống làm thực phẩm, sản phẩm chăn nuôi… cũng phải được quy định theo hướng đảm bảo tính răn đe.
Theo đó, Bộ NNPTNT đề xuất mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi đối với cá nhân vi phạm là 100 triệu đồng, đối với tổ chức vi phạm là 200 triệu đồng.
“Bên cạnh việc quy định rõ các hành vi vi phạm, mức xử phạt, để tạo không gian cho doanh nghiệp, người chăn nuôi phát triển sản xuất, cải cách hành chính sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, áp dụng công nghệ thông tin trong kê khai chăn nuôi để minh bạch, hiệu quả trong quản lý, từ đó có những kế hoạch, giải pháp thực hiện cho phù hợp với từng giai đoạn” – ông Dương nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, hội nhập là cả một quá trình cần có thời gian để có sự tương đồng. Thực tế, việc áp dụng hồ sơ giấy thì có thể biết được ngay đây là giấy tờ thật hay giả, còn bản điện tử thì khó phân biệt ngay. Do vậy, cần tăng cường hoạt động kiểm tra, đánh giá sự thừa nhận lẫn nhau và tránh kiểm tra hai lần để tiết kiệm chi phí, hạn chế bất cập.
Theo Danviet
Dư địa cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh còn nhiều
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, việc cắt giảm các thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện kinh doanh đã khó, việc thực hiện còn khó hơn nhiều, cần quyết tâm cao của các đơn vị chức năng và dư địa để cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh còn nhiều.
Cải cách hành chính tiết kiệm 310 tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, đến nay, việc rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp được coi là một trong những nhiệm vụ được Bộ NNPTNT ưu tiên hàng đầu. Theo đó, lĩnh vực nông nghiệp hiện có 272 điều kiện kinh doanh; đã bãi bỏ, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa 251 điều kiện kinh doanh, trong đó bãi bỏ 115 điều kiện kinh doanh; đơn giản hóa 136 điều kiện kinh doanh.
Bộ NNPTNT khai trương cổng dịch vụ công trực tuyến vào tháng 3/2017. Ảnh: H.V
Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục rà soát tổng thể việc ban hành TTHC đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và pháp luật về kiểm soát TTHC. Theo đó, trong năm 2019, Bộ NNPTNT đã thực hiện đánh giá tác động đối với 55 TTHC được quy định trong 9 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, thực hiện đánh giá 31 TTHC đối với 3 dự thảo nghị định thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ; 24 TTHC đối với 6 dự thảo thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng.
Quý I/2019, Bộ NNPTNT đã thực hiện việc thẩm định, thẩm tra các nội dung quy định TTHC tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đối với 5 văn bản và 20 TTHC, không có TTHC nào được ban hành trái thẩm quyền. Bộ NNPTNT cũng cập nhật mới, sửa đổi, bổ sung đầy đủ, kịp thời công khai 147 TTHC, hủy công khai đối với 30 TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia, rà soát, cập nhật lại 393 TTHC vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.
Đánh giá về công tác cải cách hành chính, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết, chưa bao giờ công tác cải cách hành chính được Bộ triển khai mạnh mẽ đến thế và đã đạt được nhiều điểm nhấn quan trọng, đặc biệt trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.
"Chỉ trong một thời gian ngắn, các đơn vị đã rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa 50% TTHC phải kiểm tra chuyên ngành và 70% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; thay đổi phương thức kiểm tra từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với nhiều dòng hàng" - ông Tuấn nói.
Thống kê của Văn phòng Thường trực cải cách hành chính Bộ NNPTNT cho thấy, tổng chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa là gần 1.500 tỷ đồng, sau khi đơn giản hóa còn trên 1.174 tỷ đồng, tổng chi phí tiết kiệm được là trên 310 tỷ đồng/năm, đạt tỷ lệ cắt giảm chi phí 20,79%.
Tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn
Trước câu hỏi của phóng viên về việc số lượng TTHC có thể cắt giảm nhiều nhưng đánh giá của VCCI lại cho rằng, các bộ ngành cắt giảm những thủ tục mà doanh nghiệp thực sự không cần thiết, ông Hà Công Tuấn cho rằng, trong một năm qua, Bộ NNPTNT đã nỗ lực triển khai mạnh mẽ trong cải cách TTHC, cắt giảm đến 73% điều kiện thủ tục kinh doanh, cắt giảm 71% danh mục kiểm tra chuyên ngành, TTHC để chuẩn hóa công bố lại, đã có 2/3 TTHC được cắt giảm. Đó là nỗ lực của của các đơn vị thuộc Bộ trong suốt thời gian qua.
"Tuy nhiên, cắt giảm đã khó, việc thực hiện còn khó hơn nhiều. Vì vậy, thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện nghiêm các thủ tục, quy định đã được cắt giảm, thực hiện nghiêm chỉ đạo của người đứng đầu. Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để đạt mục đích, yêu cầu đặt ra" - ông Tuấn nói.
Đối với một số đơn vị tăng TTHC, ông Tuấn cho rằng, về tổng thể, TTHC lĩnh vực năm 2019 đã được cắt giảm hơn 100 thủ tục so với năm 2017, đó là con số ấn tượng; nếu như năm 2017 lĩnh vực nông nghiệp có tới 508 TTHC thì con số này đến giữa năm 2019 là 390, về tổng thể là giảm, có những đơn vị giảm sâu như Tổng cục Lâm nghiệp giảm tới 85% TTHC. Tuy nhiên, đối với một số TTHC tăng là do yêu cầu mới về quản lý để đáp ứng nhu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
"Tuy nhiên, dư địa để cắt giảm các TTHC còn nhiều, nhất là điều kiện kinh doanh con, cháu vẫn còn, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, giám sát việc thực hiện những văn bản quy phạm pháp luật, nhất là những luật mới như: Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, dứt khoát không tăng điều kiện đăng ký kinh doanh, TTHC, không được tăng yêu cầu giải trình không cần thiết" - ông Tuấn nói.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, trong thời gian tới, Bộ tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành các nghị định, thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt có quy định TTHC, điều kiện đầu tư kinh doanh, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành đảm bảo rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, không tạo ràn cản gia nhập thị trường, không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành: Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá, phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hóa; chuyển mạnh sang hậu kiểm, chủ yếu thực hiện tại giai đoạn lưu thông hàng hóa tại thị trường nội địa.
Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định TTHC, đảm bảo các nguyên tắc đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC; đồng thời cũng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả các quy định về TTHC; bảo đảm tính liên thông giữa các TTHC liên quan, thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng, minh bạch, hợp lý.
Theo Danviet
Giá heo hơi vừa tăng, lại lo giảm thuế nhập khẩu thịt heo, gà Thông tin Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu thịt lợn, gà đang khiến nhiều người tỏ ra băn khoăn, lo lắng khi lượng thịt nhập khẩu có thể tăng đột biến, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước. Thực tế, theo các hiệp định thương mại, việc này bắt buộc phải làm. Nhập khẩu tăng đột biến Dịch tả...