Cách xử lý những vết chai xấu xí
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn cách xử lý những vết chai cứng đầu trả lại sự mềm mịn cho làn da kể cả ở những khu vực đặc biệt.
Bình thường chúng ta hay nghĩ rằng chỉ làm lụng vất vả nặng nhọc tay chân mới hay bị chai. Tuy nhiên có những người có cơ địa dễ bị chai và những vết chai xấu xí xuất hiện ở nhiều nơi vô tình khiến nhiều bạn gái mất tự tin.
Các vết chai thường xuất hiện ở đâu?
Hiện tượng da bị chai rất dễ nhìn thấy ở lòng bàn tay, khớp ngón tay, khóe quanh móng, lòng bàn chân hoặc vùng da tiếp xúc nhiều với giày, dép… Đó là các nhóm sừng dày, màu ngà, cứng nổi lên trên nền da. Da bị chai tức là vùng da đã bị sừng hóa, đặc biệt là lớp sừng sản sinh quá nhiều ở lớp thượng bì, còn ở tổ chức đệm (các khớp xương) là một khối xơ do tổ chức xơ quá phát triển. Bạn có thể bị chai do bệnh lý hoặc do tay cầm xe máy, dùng các dụng cụ làm việc như quốc, xẻng hoặc do đi giày dép chật, mũi nhọn hẹp, gót quá cao… Sau đây là những bí quyết chia sẻ cách xử lý vết chai cứng đầu:
Thư giãn với nước ấm
Để hạn chế vết chai chân, bạn không nên mang giày quá cao hay giày chật thường xuyên. Ngoài việc gây ra những nốt chai ở bàn chân, giày cao và chật còn có thể gây dị dạng bàn chân (ngón cái bị xòe ra hoặc sưng to và chai…). Nên mang găng tay khi điều khiển xe máy cũng như khi làm việc tay chân thường xuyên. Hãy dùng nước muối ấm để sát trùng và làm mềm vùng da bị chai. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng nước cốt chanh, nước ép đu đủ massage lên vùng da sần, vùng bị chai trong khoảng 15 phút rồi rửa lại với nước ấm. Sau đó thoa kem dưỡng làm mềm tay, chân. Thực hiện đều đặn trong khoảng 2 – 3 tuần, bạn sẽ thấy những phương pháp chăm sóc da này mang lại hiệu quả rất tốt.
Tẩy da chết và dùng kem dưỡng
Với vùng da gót chân bị nứt nẻ nhiều và sần cứng dày, bạn không nên cắt đi như nhiều người vẫn làm vì nó chỉ khiến da bị tổn thương thêm. Cách tốt nhất là ngâm chân làm mềm da sau đó dùng cát mịn, vỏ cây hoặc đá nhám để massage tẩy tế bào chết sau đó bạn lau khô và thoa kem dưỡng đặc trị nứt gót chân mỗi ngày.
Làm sáng vùng da thâm sần
Ngoài vết chai ở bàn tay, gót chân hay bàn chân thì những vùng da thường bị thâm sần như khuỷu tay, đầu gối, mắt cá chân cũng cần được quan tâm chăm sóc. Vùng da tối màu xuất hiện ở những khu vực này thường là do sự tích tụ của các tế bào chết không được tẩy định kỳ. Vì vậy, làm sáng da đầu gối hay khuỷu tay cũng rất đơn giản. Massage bằng đá nhám hoặc hỗn hợp gồm bột cà phê, đường nâu và dầu ô liu 2 lần/tuần, sau đó tắm sạch với sữa tắm dịu nhẹ. Thoa ít nước cốt chanh và massage nhẹ nhàng khoảng 20 phút rồi rửa lại bằng nước sạch để kháng khuẩn đồng thời giúp da sáng dần lên. Để hoàn tất việc chăm sóc, đừng quên thoa kem dưỡng ẩm hoặc massage với chút dầu ô liu nguyên chất để làm mềm và ngăn mất nước cho da.
Theo Xinhxinh