Cách Trung Quốc nuôi sống chục triệu dân trong thành phố phong tỏa
Trung Quốc đảm bảo các thành phố lớn có thể tự đảm bảo nguồn cung lương thực khi áp lệnh phong tỏa và nhanh chóng chuyển sang hình thức bán hàng trực tuyến.
Khi Covid-19 lây lan mạnh mẽ tại Trung Quốc vào các tháng đầu năm 2020, nước này áp đặt nhiều biện pháp phong tỏa các thành phố lớn, nơi sinh sống của hàng chục triệu dân, hạn chế nghiêm ngặt việc ra vào các địa phương này.
Một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quan chức chính phủ và người dân khi áp lệnh phong tỏa là khả năng đảm bảo thực phẩm cho người dân trong thành phố. Mặc dù một số thông tin về tình trạng người dân đổ xô đi tích trữ, giá thực phẩm tăng vọt và lo ngại về độ tươi của thực phẩm xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc, nhìn chung nguồn cung và giá cả lương thực tại các thành phố Trung Quốc bị phong tỏa vẫn ổn định.
Giới chuyên gia cho rằng đây có thể là bài học kinh nghiệm để các nước áp dụng các biện pháp an ninh lương thực cho những thành phố phải phong tỏa để chống dịch, trong bối cảnh tình trạng thiếu lương thực có thể trở thành thách thức nghiêm trọng đối với nhiều quốc gia khi Covid-19 diễn biến phức tạp.
Nhân viên cộng đồng và tình nguyện viên phân loại, đóng gói hàng tạp hóa từ một siêu thị ở Vũ Hán đầu năm 2020. Ảnh: Reuters .
Một yếu tố quan trọng trong việc duy trì an ninh lương thực là hình thức bán thực phẩm đa dạng ở các thành phố Trung Quốc. Dịch bệnh đã tạo ra một cú hích bất ngờ cho các thị trường thực phẩm trực tuyến do khu vực tư nhân vận hành.
Trong khi hàng triệu người mắc kẹt ở nhà, các khu chợ truyền thống bị đóng cửa, chợ thực phẩm trực tuyến trở thành hình thức bán lẻ phổ biến. Ở các thành phố nơi thương mại điện tử phát triển mạnh, các cửa hàng và nhà hàng nhanh chóng chuyển từ bán trực tiếp sang trực tuyến.
Video đang HOT
Ước tính lượng người dưới 25 tuổi ở Trung Quốc mua rau tươi từ các chợ trực tuyến tăng hơn 250%, trong khi lượng khách quen trên 55 tuổi của các cửa hàng trực tuyến tăng gần 400%.
Một số chợ thực phẩm trực tuyến nổi tiếng nhất có doanh số tăng 470% so với cùng kỳ năm trước. Hàng triệu đơn đặt hàng được ghi nhận mỗi ngày và được giao đến tận cửa nhà hoặc điểm tập kết cạnh các khu nhà bị phong tỏa để người dân nhận.
Các chợ thực phẩm trực tuyến ở Trung Quốc sẽ không thể thành công nếu Bắc Kinh không áp dụng chính sách an ninh lương thực đô thị có tên gọi “chương trình rổ rau”.
Được đề xuất vào năm 1988, chương trình yêu cầu các thị trưởng thành phố chịu trách nhiệm cung cấp, đảm bảo mức giá phải chăng và độ an toàn của thực phẩm không phải ngũ cốc, chủ yếu là rau, thịt.
Vũ Hán, tâm chấn Covid-19 ở Trung Quốc đầu năm 2020, nằm trong số 35 thành phố lớn được chính quyền trung ương đánh giá hai năm một lần về hiệu quả thực hiện chương trình.
Các thành phố sẽ được chấm điểm cao nếu có những cải tiến về cơ sở vật chất giao hàng trong các khu dân cư, như tủ có mật mã để giao và lấy thực phẩm, đảm bảo có nhiều điểm tiêu thụ thực phẩm như siêu thị, cửa hàng thực phẩm nhỏ và quan trọng nhất là chợ đồ tươi sống.
Việc đánh giá nghiêm ngặt đảm bảo mọi khu vực đều có mạng lưới cung cấp rau, thịt đa dạng và rộng lớn. Khi Covid-19 xảy ra, các thành phố được chấm điểm cao đã có thể thích ứng và đảm bảo an ninh lương thực cho người dân.
Chính quyền địa phương đặt ra các mục tiêu cụ thể về tỷ lệ tự cung tự cấp các loại thực phẩm khác nhau để thể hiện cam kết đối với chương trình rổ rau. Thành phố Nam Kinh, với dân số 8 triệu người, đặt mục tiêu tự cung tự cấp 90% rau ăn lá trong giai đoạn 2008-2012.
Mục tiêu sản xuất lương thực địa phương này đi kèm với các kế hoạch duy trì đất nông nghiệp nghiêm ngặt. Các thành phố của Trung Quốc thường có các khu vực thị trấn lớn bên ngoài các quận nội thành. Đất nông nghiệp ở các thị trấn này được bảo vệ để thực hiện chương trình rổ rau.
An ninh lương thực ở Trung Quốc cũng được củng cố bởi hệ thống dự trữ lương thực. Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã vận hành hệ thống thu mua ngũ cốc và thịt lợn dư thừa với giá thu mua tối thiểu. Họ giải phóng lượng dự trữ ra thị trường trong trường hợp thiếu lương thực và giá tăng.
Năm 2018, tổng dự trữ ngũ cốc của Trung Quốc được ước tính là 120 triệu tấn ngô, 100 triệu tấn gạo, 74 triệu tấn lúa mì và 8 triệu tấn đậu nành. Dự trữ ngũ cốc khẩn cấp đảm bảo có thể cung cấp ngũ cốc đã qua tinh chế trong 10-15 ngày tại các thành phố lớn.
Để đảm bảo quá trình vận chuyển hàng hóa thuận lợi, Trung Quốc thiết lập “luồng xanh”, cho phép phương tiện chở nông sản đi qua trạm kiểm dịch hoặc trạm thu phí bằng giấy thông hành do chính quyền cấp tỉnh cấp. Giấy thông hành cho phép họ không bị yêu cầu đỗ xe, trả phí hoặc bị kiểm tra mất nhiều thời gian. Các nhân viên tại trạm kiểm soát cũng hỗ trợ khử trùng phương tiện. Khi xe đến đích, giới chức đo thân nhiệt tài xế, ghi lại lịch trình, khử trùng phương tiện một lần nữa trước khi cho phép nó tiến vào cơ sở.
Tháng 1/2020, Cục Thuế Nhà nước Trung Quốc thông báo bất kỳ khoản thu nhập nào từ việc vận chuyển mặt hàng trọng yếu trong khủng hoảng, bao gồm nông sản, đều được miễn thuế giá trị gia tăng. Chính quyền cũng hỗ trợ tài chính để cải thiện các cơ sở lưu trữ và bảo quản lạnh cho các trang trại gia đình và hợp tác xã.
Khi thành phố Vũ Hán bị phong tỏa hồi đầu năm ngoái, chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã làm việc với các nhà bán lẻ ở các địa phương khác, kể cả những nơi rất xa như Vân Nam hay Hải Nam, để cung cấp thực phẩm cho thành phố. Họ cũng mạnh tay trấn áp các thương nhân có hành vi tích trữ hoặc đầu cơ để ngăn vật giá leo thang.
Kết quả là dù bị phong tỏa trong thời gian dài, gần chục triệu dân ở Vũ Hán vẫn không bị thiếu lương thực thực phẩm, khi các siêu thị, cửa hàng vẫn đảm bảo nguồn cung. “Các cơ sở này đều đáp ứng được nhu cầu của chúng tôi”, Cai, một người dân 40 tuổi ở Vũ Hán, cho biết hồi năm ngoái.
Zhenzhong Si, chuyên gia từ Đại học Waterloo ở Canada, cho rằng để thích ứng với đại dịch, chính quyền các quốc gia nên “cơ cấu lại chuỗi cung ứng thực phẩm vốn quá phụ thuộc vào hệ thống siêu thị và thực phẩm nhập khẩu từ các nước ở xa”.
Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đa dạng thông qua quy hoạch hệ thống thực phẩm đô thị sẽ cải thiện khả năng ứng phó trong khủng hoảng và hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà sản xuất thực phẩm trong nước và địa phương hơn là các tập đoàn thực phẩm xuyên quốc gia.
“Chúng là những tấm lưới an toàn mà chúng ta hướng tới trong một thế giới ngày càng bất định”, Si viết.
Lào tiếp tục phong tỏa thủ đô Vientiane do Covid-19 đến hết ngày 19/7
Lào tiếp tục phong tỏa thủ đô Vientiane đến hết ngày 19/7. Đây là lần thứ 5 liên tiếp, Lào quyết định gia hạn phong tỏa thủ đô, được thực hiện từ ngày 22/4 đến nay.
Tại cuộc họp báo ngày 4/7, người phát ngôn Chính phủ Lào, bà Thipphakone Chanthavongsa cho biết, dịch Covid-19 tại nước này có xu hướng giảm, đặc biệt là ở thủ đô Vientiane trong 5 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Những trường hợp mắc mới ở các tỉnh chủ yếu là lao động nhập cảnh, nhưng tình hình lây nhiễm ở các nước láng giềng vẫn ở mức cao, nhiều chủng virus mới có tốc độ lây lan nhanh cũng khiến chính phủ Lào lo lắng và quyết định tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa thủ đô đến ngày 19/7.
Thủ đô Vientiane tiếp tục phong tỏa đến hết ngày 19-7. Ảnh KT.
Một số nước láng giềng có số ca mắc và tử vong do Covid-19 tăng cao, nhiều lao động Lào phải trở về nước do không có việc làm vì Covid-19, trong đó đã ghi nhận một số trường hơp mắc biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn. Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phong tỏa lúc này là rất cần thiết, nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tới nền kinh tế và đặt mục tiêu ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 một cách hiệu quả, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường mới.
Chính phủ Lào cũng yêu cầu cơ quan chức năng và các địa phương, đặc biệt là các tỉnh giáp biên tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, ngăn chặn nhập cảnh trái phép, đồng thời kêu gọi người dân cần tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống dịch để sớm có thể ngăn chặn các nguy cơ bùng phát dịch mới đang là một trong những mục tiêu hàng đầu của nước này. Ngoài 3 ca tử vong trong tổng cộng 2.244 ca mắc Covid-19 trên cả nước, chỉ còn 210 người đang điều trị.
Trung Quốc đóng cửa tháp chọc trời sau sự cố rung lắc SEG Plaza, tòa nhà chọc trời cao thứ năm ở Thâm Quyến, bị đóng cửa để điều tra nguyên nhân sự cố rung lắc khiến hàng nghìn người hoảng loạn. Cuộc điều tra ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy tháp SEG Plaza ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, an toàn, nhưng đến 19/5, vẫn chỉ có bảo vệ...