Cách phòng chống Covid-19 hiệu quả tại Australia
Người dân Australia không quá hoang mang mà theo dõi tin tức hàng ngày để nắm bắt tình hình trong lúc vẫn thực hiện công việc, học tập như thông thường.
Australia là một trong những quốc gia có người bị Covid-19 và số lượng ca nhiễm lên đến 22 người và gia tăng nhanh những ngày qua do những người vừa trở về từ du thuyền Diamond Princess. Tuy vậy, người dân Australia không quá hoang mang mà theo dõi tin tức hàng ngày để nắm bắt tình hình trong lúc vẫn thực hiện công việc, học tập như thông thường. Bởi điều cần làm nhất là cách ly những người đến từ vùng dịch được người dân và chính quyền thực hiện nghiêm ngặt.
Học sinh tại thành phố Sydney, Australia đi học mà không đeo khẩu trang.
Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, Australia đã theo dõi và thông tin kịp thời tới người dân. Vào giai đoạn Covid-19 chưa xuất hiện tại đất nước này, cơ quan chức năng đã yêu cầu người dân ngay lập tức đi khám bệnh khi có triệu chứng đồng thời tự cách ly để tránh lây lan sang cho người khác.
Khi có người bị Covid-19, cơ quan chức năng Australia nhanh chóng cho cách ly và điều trị kịp thời. Lịch trình đi lại và khu vực người nhiễm virrus từng sống cũng được ngay lập tức được thông báo, khoanh vùng và khử trùng để hạn chế sự lây lan. Bản thân những người vừa đi từ vùng dịch về cũng tự hạn chế đi lại và tránh tiếp xúc với người khác. Khi có triệu chứng, những người này đã ngay lập tức đến cơ sở y tế để khám và cách ly nên hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh.
Khi dịch Covid-19 lan rộng tại Trung Quốc, chính quyền Australia buộc phải ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Trung Quốc hoặc quá cảnh tại Trung Quốc để chặn nguồn lây lan của dịch bệnh. Kể từ khi có lệnh cấm này, Australia đã kiểm soát được dịch bệnh. Cho đến lúc này các ca bị Covid-19 tại Australia đều từ những người đến từ Trung Quốc, có tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc trở về từ du thuyền Diamond Princess, một trong những ổ bệnh lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc.
Từ khi dịch bệnh xuất hiện tại Australia, hai mặt hàng là khẩu trang y tế và nước rửa tay diệt khuẩn luôn trong tình trạng khan hiếm. Vitamin C cũng là một mặt hàng được bán chạy của các cửa hàng bán thuốc. Tuy vậy, theo chị Amy Nguyễn, người làm việc trong một cửa hàng bán thuốc phục vụ cộng đồng, khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Australia, người dân nước này đã tăng lượng mua nước rửa tay diệt khuẩn song đối với khẩu trang, mặt hàng vốn đã thiếu nguồn cung tạm thời từ đợt cháy rừng nên đến giai đoạn này vẫn chưa có nhiều hàng. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt này cũng không xuất phát từ việc người dân lo ngại dịch Covid-19 nên mua khẩu trang tích trữ bởi thực tế khi đi trên đường, có rất ít người đeo khẩu trang.
Đối với các em học sinh, việc đeo khẩu trang đi học cũng là rất hiếm bởi các trường học đều khẳng định không có nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 trong trường.
Bạn Anna Hồ, học sinh lớp 8 trường Trung học nữ sinh Sydney chia sẻ: “Những ngày mới quay trở lại trường sau kỳ nghỉ hè, ở trường có khoảng 15 bạn trong tổng số khoảng 900 học sinh đeo khẩu trang đi học. Tuy vậy cho đến bây giờ, tức là khoảng tuần thứ 3 của năm học thì chỉ có 1-2 học sinh đeo khẩu trang khi học”.
“Lúc đầu mọi người cũng lo lắng nhưng giờ đây mọi thứ đã ổn và sự lo lắng thái quá không giúp được gì. Đồng thời bác sỹ cũng nói rằng đeo khẩu trang không phải là sự đảm bảo cho việc không lây nhiễm. Khẩu trang chỉ có tác dụng giúp những người bị bệnh không lây nhiễm sang cho người khác vì thế chỉ những người bị bệnh mới cần đeo khẩu trang”, Anna Hồ cho biết.
Ann Hồ, học sinh lớp 8 trường Trung học Nữ sinh Sydney, Australia.
Video đang HOT
Giám đốc y tế Australia Brendan Murphy cũng khẳng định, việc người dân đeo khẩu trang hàng ngày là không cần thiết. Chỉ có 2 đối tượng cần đeo khẩu trang y tế đó là những người không khỏe và các bác sỹ cũng như nhân viên y tế khi tiếp xúc với những người có dấu hiệu bị Covid-19.
Trường học là một trong những nơi có khả năng dịch Covid-19 có thể lây lan nhanh chóng song ngay từ khi dịch bệnh bùng phát mạnh tại Trung Quốc mà chưa có trường hợp nào tại Australia, các trường học tại nước này đã gửi thư tới các phụ huynh để thông tin về dịch bệnh và yêu cầu cách ly các trường hợp vừa đi về từ vùng dịch hoặc có dấu hiệu bị Covid-19.
Bạn Lê Hà Linh, học sinh lớp 8 trường Trung học nữ sinh Burwood cho biết, “Ở trường, các thầy cô khuyên học sinh thường xuyên rửa tay bằng nước xà phòng và nước ấm, hạn chế đến nơi đông người. Đồng thời các thày cô cũng nhắc nhở học sinh nếu có biểu hiện như ốm, sốt đau họng thì có thể nghỉ và thông báo ngay cho nhà trường”.
Lê Hà Linh, học sinh lớp 8 trường Trung học Nữ sinh Burwood, Sydney, Australia.
Trên các trang web của Bộ y tế, Bộ an ninh nội địa, chính quyền các bang và các sở giáo dục của các bang… đều đưa các thông tin về dịch Covid-19lên trang chủ để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận. Thông tin bao gồm tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng ngừa, nêu cụ thể các triệu chứng và nguy cơ có thể lây nhiễm để người dân nắm được thông tin và biết cách ứng xử khi cần thiết.
Để các chính sách được nhất quán, các biện pháp đưa ra được đồng bộ và toàn diện, các quyết định liên quan đến dịch Covid-19 tại Australia đều được thực hiện theo 1 quy trình rõ ràng. Đầu tiên là nhóm chuyên gia y tế của chính phủ sẽ đánh giá tình hình và đưa ra các đề xuất mang tính chính sách cũng như chuyên môn. Sau đó, Hội đồng an ninh quốc gia thuộc Chính phủ bao gồm Thủ tướng, Phó Thủ tướng, một số Bộ trưởng chủ chốt gồm Bộ trưởng Ngân khố, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Tư pháp, Bộ trưởng An ninh nội địa và Bộ trưởng Quốc phòng sẽ họp để phân tích các đề xuất của chuyên gia y tế trước khi quyết định các bước đi phù hợp với tình hình.
Mọi quyết định được Hội đồng an ninh quốc gia đưa ra dựa trên sự tính toán kỹ lưỡng về lợi ích của đất nước và người dân Australia chứ không phải là quyết định của một cá nhân, một ngành hay một địa phương nào.
Do đặc thù Australia không chỉ là một quốc gia mà còn là một lục địa bao quanh là biển nên nước này rất coi trong việc bảo vệ người dân và môi trường trước dịch bệnh và an toàn sinh học. Việc sớm đưa ra các chính sách nhất quán, toàn diện và cương quyết đang làm cho Australia chủ động và kiểm soát tốt các ca bệnh.
Cho đến lúc này, Australia đã điều trị thành công cho 10 người và cũng không có các nhiễm chéo. Số lượng người bị Covid-19 tăng trong những ngày qua có nguồn gốc từ du thuyền Diamond Princess đều nằm trong dự báo và được chính quyền áp dụng các biện pháp xử tương tự như với các trường hợp trước đó. Vì vậy có thể thấy, cho đến lúc này khi mà dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và trở nên khó kiểm soát tại một số quốc gia khác thì Australia lại là một trong không nhiều quốc gia trên thế giới đang kiểm soát hiệu quả dịch bệnh này./.
Theo VOV
Vì sao vợ chồng Mỹ từ chối rời khỏi du thuyền bị cách ly tại Nhật?
Trong khi một số người Mỹ đã nhanh chóng lên máy bay rời khỏi du thuyền Diamond Princess đang bị cách ly do dịch corona tại cảng Nhật Bản, một số hành khách vẫn quyết tâm ở lại.
Xe buýt che kín rèm rời khỏi nơi tàu Diamond Princess neo đậu tại Yokohama, Nhật Bản ngày 14/2. (Ảnh: EPA)
Một trong những hành khách quyết định ở lại du thuyền Diamond Princess là Matthew Smith. Thay vì lên máy bay do chính phủ chuẩn bị để về nước giống như các hành khách người Mỹ khác, Smith cho rằng việc vợ chồng ông ở lại du thuyền đang bị cách ly tại cảng Yokohama, Nhật Bản sẽ an toàn hơn.
Theo Smith, việc chính phủ Mỹ thay đổi chính sách khi quyết định sơ tán công dân khỏi du thuyền có người nhiễm virus corona chủng mới (COVID-19) có thể sẽ gây thiệt hại cho chương trình cách ly mà chính phủ Nhật Bản đang thực hiện với con tàu chở 3.700 hành khách và thủy thủ đoàn. Trước khi sơ tán, tổng số người Mỹ trên du thuyền bị cách ly ở Nhật Bản gần 400 người.
Dựa vào số ghế ngồi trên các xe buýt vận chuyển hành khách khỏi du thuyền, Smith ước đoán còn khoảng từ 50-60 người Mỹ vẫn ở lại trên tàu Diamond Princess. Các xe buýt này sẽ chở công dân Mỹ rời tàu để ra sân bay sơ tán về nước.
"Tôi và vợ tôi hài lòng với biện pháp cách ly đang được áp dụng với tàu. Thực tế, chúng tôi vẫn nhận được thông tin từ đại sứ quán Mỹ rằng họ ủng hộ việc đó, và nói với chúng tôi rằng nơi tốt nhất bây giờ là ở trong cabin (của tàu)", Smith chia sẻ với hãng tin Japan Times (Nhật Bản) qua điện thoại.
Điều khiến Smith cảm thấy bất an là sự thay đổi về chính sách của chính phủ Mỹ. Mỹ cuối tuần trước thông báo sẽ đưa các công dân của nước này trên du thuyền ở Nhật Bản về nước bằng máy bay. Sau khi đặt chân tới đất Mỹ, những người này sẽ bị cách ly thêm 14 ngày để đảm bảo họ không còn bị nhiễm virus.
"Họ nói rằng họ sẽ điều một số máy bay tới để đưa chúng tôi về, họ sẽ đưa chúng tôi ra khỏi vùng cách ly trước khi thời hạn qua đi, cho chúng tôi lên xe buýt, trộn lẫn chúng tôi vào với nhau, sau đó đưa chúng tôi lên máy bay, rồi lại trộn lẫn chúng tôi vào nhau và mang chúng tôi về Mỹ. Chúng tôi sẽ không làm như vậy", Smith cho biết thêm.
Bộ Y tế Nhật Bản ngày 17/2 xác nhận thêm 99 ca nhiễm virus COVID-19 trên du thuyền Diamond Princess, nâng tổng số ca nhiễm lên 454 người. Bộ này cho biết đã xét nghiệm 1.723 trong tổng số khoange 3.700 người trên tàu.
Mối lo ngại của Smith càng được củng cố thêm sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 17/2 ra thông cáo cho biết, 14 công dân Mỹ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus COVID-19 sau khi rời khỏi tàu Diamond Princess. Thông cáo tiết lộ thêm rằng, 14 người này được phép lên cùng chuyến bay sơ tán với các hành khách bình thường khác, mặc dù họ được ở khu vực cách ly đặc biệt.
"Bộ Ngoại giao đã quyết định cho phép 14 công dân, những người được cách ly, tách khỏi những hành khách khác và chưa có triệu chứng phát bệnh, vẫn ở lại máy bay để hoàn tất quá trình sơ tán", thông cáo nêu rõ.
Smith tin rằng thông cáo trên cho thấy ông đã đưa ra quyết định hoàn toàn đúng đắn.
"Chính phủ Mỹ từng nói rằng họ sẽ không đưa lên máy bay bất kỳ ai có triệu chứng, nhưng rốt cuộc họ lại cố tình và có chủ đích đưa 14 người có virus lên. Quyết định không sơ tán là quyết định đúng đắn nhất từ trước đến nay!", Smith viết trên mạng xã hội Twitter.
Trả lời phỏng vấn qua Skype với Fox News ngày 17/2, luật sư Smith cho biết cả ông và vợ hiện vẫn khỏe mạnh, và hai vợ chồng ông đều đã được xét nghiệm virus corona. Những hành khách trước đó được xét nghiệm nhiễm virus corona đều đã nhập viện tại Nhật Bản.
"Chúng tôi không có triệu chứng nhiễm virus, không ho, không sốt, và cả hai đều ổn. Chúng tôi vẫn chưa nhận được kết quả xét nghiệm, nhưng không có lý do gì khiến chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đang bị nhiễm bệnh", Smith xác nhận.
Nói về quyết định sơ tán của chính phủ Mỹ, Smith cho biết: "Chúng tôi không tin rằng mọi điều kiện (sơ tán) sẽ an toàn khi phá vỡ biện pháp cách ly của Nhật Bản, và đưa tất cả chúng tôi cùng vào chung các điều kiện như vậy. Bây giờ, chúng tôi còn biết rằng họ đã đưa cả 14 người nhiễm virus lên máy bay, chúng tôi càng an tâm hơn khi quyết định ở lại".
Lý do rời đi
Hành khách Mỹ vẫy tay chào phóng viên khi lên xe buýt rời khỏi du thuyền Diamond Princess. (Ảnh: AFP)
Mặc dù quyết tâm ở lại du thuyền Diamond Princess, song Smith cho biết ông hiểu lý do một số người muốn rời đi và về sơ tán về nước. Trong khi Smith và vợ ở trong phòng hạng sang trên tàu, một số hành khách khác bị nhồi nhét trong những căn phòng nhỏ hơn - nơi không có cửa sổ và có cảm giác "tù túng".
"Đó là sự khác biệt về trải nghiệm mà chúng tôi đang có, và tôi hiểu mọi người cảm thấy mệt mỏi với tình cảnh như vậy", Smith nói thêm.
Một hành khách 43 tuổi từ Hong Kong trên du thuyền Diamond Princess cũng chia sẻ tâm lý không thoải mái khi bị "nhốt" trong một căn phòng không đầy đủ tiện nghi như phòng của Smith.
Tương tự Mỹ, Hong Kong, Canada, Australia, Italy cũng thông báo kế hoạch đưa máy bay tới Nhật Bản để hồi hương công dân từ du thuyền Diamond Princess. Hong Kong dự kiến sẽ cách ly bắt buộc những người được sơ tán thêm 14 ngày sau khi họ trở về đặc khu.
Do phải ở trong một phòng không có cửa sổ trên du thuyền, hành khách Hong Kong cho biết anh muốn được giải thoát trước khi bắt đầu một quy trình cách ly khác, thay vì ở lại và cách ly trên tàu. Người đàn ông này vẫn thắc mắc liệu hành khách có được cho phép cách ly ở nhà khi họ trở về Hong Kong hay không, "đặc biệt là những người có con nhỏ và những người già".
Khi được hỏi về điều kiện cách ly hiện nay trên du thuyền Diamond Princess, Smith cho biết: "Tàu Princess đã thực hiện nhiệm vụ tuyệt vời khi cung cấp các điều kiện cách ly".
"Chúng tôi ở trong cabin suốt 2 tuần, nhưng chúng tôi được cung cấp 3 bữa ăn mỗi ngày và các phần ăn bổ sung. Họ cũng cung cấp khăn mới theo yêu cầu. Do vậy, điều kiện trong cabin bây giờ thực sự không khác gì so với lúc du thuyền đang hoạt động, chỉ có điều không được ra khỏi cabin", Smith cho biết thêm.
Thành Đạt Tổng hợp
Theo Dân trí
Australia kéo dài lệnh cấm nhập cảnh đối với khách đến từ Trung Quốc Chiều 13/2, chính phủ Australia thông báo cho biết tiếp tục kéo dài lệnh cấm nhập cảnh đối với những người từ Trung Quốc hoặc quá cảnh tại Trung Quốc. Trong bối sự hiểu biết cúa các nhà khoa học về virus covid-19 là không nhiều, quyết định của chính phủ Australia là sự cẩn trọng cần thiết trong bối cảnh hiện tại....