Cách phân biệt rau sạch, rau an toàn và rau hữu cơ
Thế nào là rau sạch? Rau an toàn? Rau hữu cơ? Cách phân biệt rau an toàn và rau hữu cơ ra sao?
Rau sạch muốn rẻ nhưng cực khó
Theo Thạc sĩ Trần Mạnh Chiến – Chủ chuỗi cửa hàng rau, thực phẩm sạch Bác Tôm, hiện nay các bà nội trợ vẫn băn khoăn thế nào là rau sạch, rau an toàn và rau hữu cơ. Rau sạch là rau phải hội tụ 3 sạch gồm: đất sạch, phân bón sạch và thuốc bảo vệ thực vật cũng phải sạch. Rau sạch là rau có nguồn gốc đất đai rõ ràng, có hàm lượng các hoá chất độc và mức độ nhiễm các sinh vật gây hại ở dưới mức tiêu chuẩn cho phép, sử dụng các loại phân bón được giao dịch chính thức. Sản phẩm được phun đúng quy định, cách ly đúng thời gian.
Thạc sĩ Trần Mạnh Chiến – Chủ chuỗi cửa hàng rau, thực phẩm sạch Bác Tôm.
Những rau này sẽ được coi là rau đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gọi tắt là “rau an toàn”. “Nói một cách nôm na, bón phân, chăm sóc cho cây cũng giống như cho nó ăn. Nếu dùng nhiều quá sẽ bị “bội thực”, dư lượng đạm nhiều, cây không hấp thụ được sẽ sinh ra chất độc ảnh hưởng tới con người. Do phải hạn chế phân bón và cần thời gian cách ly nên năng suất sẽ thấp hơn, mất nhiều công sức để diệt sâu bọ. Đương nhiên giá thành sẽ cao hơn so với rau người ta sản xuất thông thường” – anh Chiến chia sẻ.
Video đang HOT
Rau hữu cơ là rau không bón phân hoá học; không phun thuốc bảo vệ thực vật hoá học; không sử dụng thuốc trừ sâu; không phun thuốc kích thích sinh trưởng; phân bón hoàn toàn là phân hữu cơ (bón gốc và bón qua lá); không dùng hóa chất bảo quản. Nếu vườn rau xuất hiện sâu bệnh phải dùng côn trùng có ích diệt sâu, hoặc con người phải trực tiếp bắt sâu. Ngoài ra, không tưới rau bằng nước thải của thành phố, vì nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt có chứa nhiều hóa chất ô nhiễm và vi trùng gây bệnh.
Anh Chiến nêu ví dụ: “Ở nhiều cửa hàng bán rau sạch, nhưng khi rau bị héo, người ta dùng nước để tưới cho rau tươi. Nước đấy nhiều khi là nước máy, ngấm vào sản phẩm làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Nước đó là cũng chưa qua kiểm nghiệm nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới độ sạch của sản phẩm. Như ở cửa hàng chúng tôi, chỉ phun nước ở bên ngoài, không phun trực tiếp, và cũng chỉ nhúng nước ở gốc”.
“Đợt rồi, ca sĩ Mỹ Linh có chia sẻ: Muốn rẻ đừng hỏi thực phẩm sạch là đúng thực tế. Do trồng tự nhiên nên năng suất của rau hữu cơ sẽ thấp hơn nhiều, chi phí cũng đội lên cao, giá rau hữu cơ luôn cao hơn gấp 2 lần so với bên ngoài”.
Cách để phân biệt rau an toàn và rau hữu cơ
Để khẳng định chắc chắn nhất sản phẩm rau có an toàn hay không, người tiêu dùng nên xem xét kĩ về nguồn gốc xuất xứ. Như cửa hàng chúng tôi thường đưa người mua về tham quan quy trình sản xuất ở các nông trại của mình. Còn về cảm quan, chỉ đúng 70 – 80% là rau hữu cơ khác biệt so với rau an toàn ở chỗ đa phần các loại rau hữu cơ đều có màu xanh hơi vàng (xanh hữu cơ, xanh trung thực với bảng màu chuẩn đối với màu lá từng loại rau), nó không xanh đậm như các loại rau trồng bằng phân bón hóa học (đặc biệt là sử dụng phân bón lá hóa học, lá có màu xanh đậm). Lá có màu xanh đậm là màu xanh dư đạm, mày xanh đậm thu hút sâu bệnh gây hại cho cây và gây hại sức khỏe người sử dụng (dư lượng nitrat).
Rau hữu cơ cũng có thân cứng cáp, lá dày hơn, do qua trình tích nước ít hơn, bóp cũng ra rất nước. Rau hữu cơ chế biến tốt nhất là đem luộc. So với rau thông thường, thời gian luộc cũng lâu hơn do rau cứng hơn. Ngược lại rau an toàn không nhất thiết phải cằn khô hay bị sâu cắn mà vẫn có thể đẹp mắt, tuy không đến mức láng mượt như rau thông thường.
Theo_Kiến Thức
Cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch: Trang bị sơ sài, thật giả bất phân
Theo quy định, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch phải đáp ứng các điều kiện về địa điểm, giấy chứng nhận kinh doanh, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và hệ thống bảo quản để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị bảo quản như tủ cấp đông, tủ mát, kệ để rau, củ quả... có chi phí lớn nên hầu hết các cửa hàng còn sơ sài, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thiếu kinh phí, trang bị sơ sài
Theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT), các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch phải bảo đảm đủ các điều kiện như: Được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có hợp đồng cung ứng với cơ sở sản xuất rau, thịt, cá đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, quan sát thực tế ở nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố cho thấy, cơ sở vật chất tại các cửa hàng còn khá sơ sài, đầu tư chắp vá, không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về điểm kinh doanh thực phẩm an toàn.
Ông Trần Trung Chính, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại quốc tế Vicrory Asian với thương hiệu Mr Sạch cho biết, chi phí đầu tư cho hệ thống cửa hàng là rất lớn. Mỗi cửa hàng phải có hệ thống bảo quản rau, thịt và hoa quả tươi với kinh phí đầu tư khoảng 1 tỷ đồng, chưa kể các khoản chi phí cố định khác. Chi phí đầu tư cơ sở vật chất lớn đã làm đội giá nông sản, thực phẩm từ 10 đến 20% so với các loại sản phẩm nông nghiệp bán ngoài chợ, dẫn tới số lượng tiêu thụ hạn chế...
Còn ông Trần Mạnh Chiến, chủ thương hiệu chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch "Bác Tôm" cho biết, do kinh phí đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm nên nhiều cửa hàng, vẫn còn hiện tượng để lẫn sản phẩm khô với sản phẩm tươi sống. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn không có khu sơ chế thịt, cá riêng mà làm trực tiếp trên bàn inox ở phía ngoài cửa hàng, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo ông Đặng Đình Tiên - Giám đốc Công ty cổ phần trứng sạch Tiên Viên (Chương Mỹ), Công ty dự kiến sẽ mở thêm hệ thống cửa hàng bán trứng sạch ở khu vực nội thành, nhưng để đáp ứng đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất theo quy định của Ngành Nông nghiệp là rất khó khăn.
Hiện nay, chi phí đầu tư cơ sở vật chất cửa hàng thực phẩm sạch khá lớn nên nhiều cơ sở không đáp ứng được yêu cầu.
Chỉ cấp phép cho cửa hàng đạt yêu cầu
Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Chủ cửa hàng thực phẩm sạch Thanh Hằng cho rằng: Một cửa hàng thực phẩm sạch mở ra, người tiêu dùng sẽ tò mò dùng thử sản phẩm để xem chất lượng, giá cả rồi so sánh sản phẩm cửa hàng với các nhà cung cấp khác. Do đó, nếu chất lượng ổn, dịch vụ tốt, giá cả hợp lý, cửa hàng sẽ thành công. Tuy nhiên, muốn chất lượng nông sản, thực phẩm tốt, không chỉ lấy được sản phẩm bảo đảm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, các cửa hàng còn phải đầu tư cơ sở vật chất để bảo quản sản phẩm mới phát triển được, bởi kinh doanh thực phẩm an toàn "chữ tín" được đặt lên hàng đầu.
"Trong khi người tiêu dùng đang mất niềm tin về thực phẩm an toàn, Nhà nước chỉ nên cấp phép cho các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định, không nên cấp ồ ạt để tránh tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh", vì hiện tại vẫn còn tình trạng một số cửa hàng vì lợi nhuận đã trà trộn các mặt hàng không rõ nguồn gốc vào cùng với sản phẩm an toàn" - bà Hằng nhận định.
Thực tế nhiều người đã nhận định, khởi nghiệp trong nông nghiệp khó khăn gấp 2 lần so với các ngành nghề khác vì rủi ro cao. Để kinh doanh thực phẩm an toàn, các doanh nghiệp, chủ cơ sở phải nghiên cứu địa điểm, mặt bằng, đầu tư trang thiết bị nên cần nguồn kinh phí lớn. Vì vậy, để ngày càng có nhiều cửa hàng bán nông sản, thực phẩm an toàn, cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này vay vốn ưu đãi, giảm thuế... trong thời gian đầu hoạt động. Các cá nhân kinh doanh cần liên kết thành lập hợp tác xã hoặc doanh nghiệp để có thể huy động nguồn vốn đầu tư bài bản, đồng thời trực tiếp mua sản phẩm từ nhà sản xuất, tránh qua khâu trung gian nhằm giảm giá bán để cạnh tranh thành công với sản phẩm thông thường. Làm được như vậy mới từng bước giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng thực phẩm sạch, an toàn cho bữa cơm gia đình.
Theo_Hà Nội Mới
Top đồ gia dụng bằng gỗ cực tiện lợi và an toàn Đồ gia dụng bằng gỗ vẫn rất được các bà nội trợ Việt ưa chuộng với thiết kế cùng công dụng ngày càng phong phú. Một chiếc kệ hai tầng như trong hình sẽ giúp bạn thuận tiện hơn trong việc đặt các loại thực phẩm khi nấu nướng. Bộ muỗng gỗ rất độc đáo. Những chiếc hộp làm bằng tre sẽ tiện...