Cách nấu món: Súp cua thập cẩm
Bí quyết nấu súp cua thập cẩm vừa bắt mắt thơm ngon vừa bổ dưỡng, có thể dùng để làm món khai vị cho những bữa tiệc lớn hoặc tiệc gia đình, làm món ăn sáng đổi khẩu vị cho cả nhà vào những ngày mệt mỏi kén ăn. Ngoài ra các mẹ cũng có thể nấu món súp cua này cho bé nhà mình để bổ sung thêm canxi có trong thịt cua và các chất dinh dưỡng từ rau củ nữa đấy. Thử ngay cách nấu súp cua bạn nhé.
Nguyên liệu
6 Phần ăn
Thịt cua 200 gr (Chín)
Xương ống 500 gr (Heo)
Ức gà 150 gr
Nấm tuyết 1 cái (Dạng khô)
Nấm đông cô 30 gr (Dạng khô)
Bắp Mỹ 100 gr (Hạt bắp)
Trứng gà 2 quả
Muối 1/2 muỗng canh
Hạt nêm 1 muỗng canh
Hành lá 20 gr
Ngò rí 20 gr
Bột năng 120 gr
Thêm 1 ít: Dầu mè, nước tương, tiêu, hành phi (tùy khẩu vị).
Thực hiện
Bước 1
Bắc một nồi nước sôi, cho xương ống đã rửa sạch vào trụng để loại bỏ mùi hôi và giúp cho nước dùng được thơm ngon hơn. Chờ đến khi nước sôi lại thì vớt xương ra, cho vào nồi cùng với 2.5 lít nước lạnh. Đun lửa lớn đến khi nước sôi, vớt hết bọt cho nước dùng trong rồi hạ nhỏ lửa, đun liu riu khoảng 30 phút để lấy nước ngọt từ xương.
Khi đun nước dùng không nên đậy nắp vì điều này sẽ làm nước bị đục. Nếu như bạn có thời gian, nên đun nước dùng khoảng từ 4 đến 6 tiếng để lấy hết chất ngọt từ xương ống. Nước dùng này bạn có thể chuẩn bị từ trước, chia thành từng phần nhỏ bảo quản trong ngăn đông để khi nào muốn sử dụng chỉ cần đun lại là được.
Bước 2
Video đang HOT
Ức gà luộc chín xé nhỏ. Nấm tuyết và nấm đông cô ngâm nước ấm cho nở, nấm tuyết cắt bỏ phần gốc vàng rồi cắt nhỏ, nấm đông cô cắt sợi.
Trong lúc chờ đun nước dùng, bạn chuẩn bị các nguyên liệu trên để tiết kiệm thời gian nhé!
Bước 3
Sau khi đã hầm xương xong, bạn gắp xương ra, cho lần lượt gà xé sợi và hạt bắp Mỹ vào.
Phần xương heo này bạn có thể dùng để nấu các món canh rau củ hoặc xé thịt ra cho vào nồi súp luôn.
Bước 4
Tiếp theo cho nấm đông cô, thịt cua đã luộc vào khuấy đều. Để đến khi nước súp sôi lên, bạn nêm nếm với 1/2 muỗng canh muối và 1 muỗng canh hạt nêm (nêm tùy khẩu vị). Lúc này bạn mới cho nấm tuyết cắt nhỏ vào vì nấm tuyết rất nhanh chín, nấu nhanh để vẫn giữ được độ giòn sừng sực cho nấm khi nhai.
Bước 5
Pha 120gr bột năng với 80ml nước lọc, đổ từ từ bột năng vào nồi súp, vừa đổ vừa khuấy đều để tạo độ sánh cho súp. Đun liu riu trên bếp 2 phút cho bột năng chín. Sau đó bạn đổ 2 quả trứng gà đánh tan vào, nhớ đổ nhẹ tay và khuấy đều thành vòng để tạo vân trứng giúp món súp nhìn đẹp mắt hơn.
Bước 6
Múc chén súp ra tô, cho thêm trứng bắc thảo và trứng cút nếu thích. Rắc tiêu, hành ngò và một ít hành phi, nêm thêm 1 ít dầu mè và nước tương tùy khẩu vị, vậy là bạn đã có một chén súp cua chất lượng không thua kém gì nhà hàng rồi. Súp cua nấu theo cách này vừa ngon vừa bổ dưỡng, có thể dùng để làm món khai vị cho những bữa tiệc lớn hoặc tiệc gia đình, làm món ăn sáng đổi khẩu vị cho cả nhà thì còn gì ngon hơn nữa phải không.
Theo cooky.vn
Loạt món ăn ấm sực, thơm nức mùi cua cho ngày lạnh tê người ở Hà Nội
Dù có thịt cua đậm đà hay gạch cua chưng thơm phức, những món cua nóng hổi vẫn khiến người ta không khỏi lưu luyến ngày Hà Nội rét mướt.
Để bù lại những ngày "đi muộn" hồi đầu mùa, mùa đông năm nay dường như có nhiều hơn những đợt lạnh tê cóng đôi bàn tay. Nếu đã ăn quá nhiều lẩu cùng nướng trong những ngày trước và muốn tìm loạt món mới để đổi vị trong đợt lạnh này, hãy thử nghĩ về những món cua nóng hôi hổi xem sao nhé! Mùi thịt cua hay gạch cua chưng vừa khéo quyện cùng hành phi thơm dậy lên, khiến cho mọi chiếc bụng thèm ăn đều phải lưu luyến.
Bún riêu cua
Bún riêu cua ăn vào mùa nào cũng hợp, nhưng cứ phải vào những ngày lạnh nhất, bê trên tay bát bún nóng hổi dậy mùi gạch cua phi thơm mới hiểu thế nào là thèm "chảy nước miếng". Nước dùng chua chua thanh thanh, đỏ au màu cà chua, thêm tí ớt chưng cho tăng phần ấm nồng rồi xì xụp từng thìa một là đủ thích thú. Chưa kể đến đủ thứ topping ăn kèm "no đủ" từ thịt bò, giò, đậu rán đến trứng vịt lộn, nghĩ tới là "rạo rực". Vừa ăn vừa xuýt xoa đến cạn bát, cảm thấy mùa đông thực ra cũng không hề khó vượt qua đến vậy.
Có lẽ không cần phải nói nhiều về độ phổ biến của món ăn này ở Hà Nội nữa. Ngoài các hàng bún nổi tiếng như bún riêu Quang Trung hay ngõ Đình Đại, bạn cũng có thể ghé chợ Trời ăn bún riêu cô Lúa hay qua Hàng Khoai ăn bún riêu gánh cô Yến.
Bánh đa cua
Trời gió rét thế này, hiếm có ai lỡ đi ngang qua một hàng bánh đa cua nào đó mà lại có thể không vòng lại. Bởi hình ảnh nồi nước nóng hổi bốc hơi nghi ngút, quyện cùng mùi cần nước nhúng, cua thơm ngọt cùng hành phi đủ sức khiến cho bất cứ chiếc bụng nào cũng phải "lạc lối". Riêu beo béo, nước dùng ngòn ngọt, thịt bò mềm, giò tai sần sật cứ như hài hòa khó cưỡng cùng với sợi bánh đa mềm dai, dù là bánh đa nước hay trộn thì cũng đều ngon cả.
Bánh đa cua chợ Châu Long hay 87 Lý Thường Kiệt là vài gợi ý cho bạn khi muốn tìm một bát bánh đa cho ấm bụng ngày mưa.
Canh bún
Canh bún có vẻ ngoài mộc mạc và giản dị hơn rất nhiều so với bún riêu hay bánh đa cua. Nguyên liệu chẳng có gì xa xỉ, toàn những thứ giản dị như rau rút, bún, thịt cua chưng với tóp mỡ, hành khô nhưng chính vì thế lại tạo ra hương vị giản đơn tinh tế khó quên. Tóp mỡ còn dính cả chút thịt nạc, vừa thơm giòn lại vừa ngậy béo, thu hút bao thế hệ người Hà Nội. Mùa đông dễ ăn, xì xụp một bát canh bún cho bữa chiều là đủ thỏa mãn chiếc bụng đói rồi đó!
Loanh quanh Hà Nội vẫn còn tồn tại vài hàng canh bún cua nổi tiếng như canh bún ở Nguyễn Siêu, phố Thanh Hà, Yên Phụ hay 51 Hàng Bồ.
Lẩu riêu cua
Thời tiết này ăn lẩu đã là quá hợp, nếu là lẩu riêu cua để lai rai thì lại càng tuyệt vời hơn. Chỉ cần bên cạnh là nồi lẩu nghi ngút khói, cùng chúng bạn chuyện trò í ới thì những cơn mưa bất chợt cũng chẳng là vấn đề gì lớn lắm. Vị nồng của cua đồng, vị thơm ngậy của hành hoa chưng gạch cua lại càng làm tăng thêm cái mềm ngọt của sườn sụn, bắp bò nhúng cùng. Thêm dần chút rau nấm rồi ăn kèm bún tươi thì có thể lai rai đến tận tối muộn mới thôi.
Lẩu riêu cua sườn sụn được phục vụ ở khắp các cửa hàng từ bình dân đến cao cấp ở Hà Nội như Lẩu Hít, Lẩu Thìn Béo, Lẩu Nguyệt. Tùy theo nhu cầu mà bạn có thể chọn cho mình những địa chỉ phù hợp nhất.
Súp cua
Cứ đến những ngày đông lạnh là các món súp lại được "tíu tít" săn lùng. Và ngoài súp gà ngô nấm quen thuộc, súp lươn cay cay thì "em bé" súp cua du nhập từ Sài Gòn vẫn được ưa chuộng nhất. Súp sền sệt, thơm mùi cua bể, phảng phất hương thơm đặc trưng của trứng và nấm hương. Bát súp nhìn tuy đơn giản, nhưng để chế biến ngon đòi hỏi người đầu bếp phải thật khéo léo phối hợp các loại nguyên liệu sao cho súp không quá loãng cũng không quá đặc, vừa khéo sóng sánh đầy thịt cua. Súp cua ngon phải ăn khi còn nóng, mọi thứ đều ấm áp hài hòa chẳng vương chút mùi tanh nào, đậm đà lại ngon miệng.
Súp cua Hoa Ô Chợ Dừa, súp cua Bà Thảo Đường Thành hay nhà hàng Bánh tôm Hồ Tây là những địa chỉ hiếm hoi bạn có thể tìm đến khi lỡ thèm món ăn này.
Miến xào cua
Nếu cảm thấy các món nước phía trên vẫn chưa "đủ đô" để nạp năng lượng trong ngày lạnh tê thế này, hãy thử ngay một đĩa miến xào cua đầy đặn quyến rũ. Từng sợi miến săn lại, vàng óng ánh mỡ ngậy ngậy, thêm đủ màu sắc từ cà rốt, mộc nhĩ hay hành vừa nhìn đã thấy bắt mắt. Đặc biệt nhất phải kể đến phần thịt và gạch cua đo đỏ bùi thơm đậm đà, chỉ nghĩ thôi cũng đã thấy không thể chối từ rồi!
Quán súp cua Hoa hay Hải sản Hương Lan số 42 ngõ 12 Nghĩa Dũng là một vài địa chỉ có bán miến xào cua gợi ý cho bạn.
Theo Trí Thức Trẻ
Sài Gòn: Tổng hợp các món "dư đạm" nhiều thịt cho hội cần nạp năng lượng chạy deadline mùa Tết Tiêu chí của "dư đạm" là các món đầy ứ hai ba loại thịt khác nhau, ai dạo này thấy mình thiếu năng lượng quá thì xem qua list này nha! Đối với những người bận rộn đi làm, việc đuổi deadline đến mức quên cả ăn là chuyện bình thường. Tuy nhiên trong một thời gian dài mà cứ để vấn đề...