Cách nào giúp người mua ô tô cũ không bị lừa?
Thị trường xe cũ hiện nay rất lớn, nếu được quản lý tốt sẽ đảm bảo được việc minh bạch trong mua bán, giá thành phù hợp với nhiều người dân…
Dữ liệu thông tin phương tiện là chìa khóa quan trọng giúp quản lý thị trường ô tô cũ, giảm thiểu rủi ro cho khách hàng
Trước sự bát nháo, lộn xộn diễn ra trên thị trường ô tô cũ như: Giấu lịch sử tai nạn, định giá bất hợp lý hay tình trạng tua công-tơ-mét (Báo Giao thông đã có bài phản ánh)… liệu có cách nào giúp thị trường này minh bạch hơn để đảm bảo quyền lợi người mua xe?
Dữ liệu thông tin – “chìa khóa” vạn năng?
Anh Phạm Luân, một chuyên gia ô tô đang sinh sống tại Mỹ cho biết, cũng giống như Việt Nam, tại Mỹ, việc mua ô tô cũ khá phức tạp. Tuy đã có hệ thống kiểm tra lịch sử của xe nhưng nếu chủ xe mang đi sửa tại những gara “chui”, không được cấp phép kinh doanh thì cũng không thể kiểm tra được hết và chính xác lịch sử xe.
Nhưng theo anh Luân, tại Mỹ có các website để kiểm tra lịch sử của xe như Carfax, Autocheck mà người dùng phải trả phí khoảng 39 USD để lấy được thông tin của chiếc xe muốn mua.
Những thông tin trên các trang web này được các đại lý bảo hiểm và các trung tâm dịch vụ sửa chữa (bao gồm cả trung tâm dịch vụ chính hãng và ngoài hãng nhưng được cấp phép kinh doanh) cập nhật thường xuyên. Đây là quy định bắt buộc và nếu không tìm được bất kỳ thông tin nào của chiếc xe mà khách hàng muốn mua trên những trang web này, tức là không nên giao dịch mua bán xe.
Anh Luân chia sẻ thêm: “Tại Việt Nam chưa có các trang web này. Thậm chí, một số hãng bảo hiểm, nhân viên bảo hiểm còn “lèo lái” các chủ xe đưa xe bị tai nạn ra các gara ngoài để sửa nhằm không bị lưu lại thông tin như khi sửa tại các đại lý chính hãng nhưng thực chất để giảm chi phí sửa chữa theo hướng có lợi cho bảo hiểm”.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, khi mua ô tô cũ, khách hàng không nên nhìn qua nước sơn và tự tin vào hiểu biết của mình vì kỹ thuật xe hơi rất phức tạp, cần đưa xe vào gara chính hãng để kiểm tra. Vì trong hệ thống sửa chữa chính hãng có lưu lại số máy xe đã từng sửa chữa những gì.
Trường hợp, chủ xe không đưa xe đến gara chính hãng sửa khi xe bị tai nạn, thủy kích, tuy không kiểm tra được chính xác lịch sử sửa chữa của xe nhưng kỹ thuật viên tại gara chính hãng bằng kinh nghiệm và “cặp mắt chuyên nghiệp” có thể sẽ phát hiện được những lỗi sửa “bậy” bên ngoài”, ông Đồng cho biết.
Video đang HOT
Theo ông Đồng, người mua cũng cần thỏa thuận trước, nếu đưa xe vào gara chính hãng kiểm tra phát hiện ra lỗi tai nạn hoặc không như những gì chủ cũ nói thì chi phí kiểm tra người bán phải chi trả.
Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, cơ quan quản lý ở nước ngoài có hệ thống dữ liệu chung, có tất cả các thông tin về bảo hiểm, tai nạn giao thông, vi phạm trật tự ATGT… Nếu doanh nghiệp cần có thể tiếp cận để dùng và bán lại cho người dân dưới dạng dịch vụ. Tất cả người dùng nếu muốn đều có thể kiểm tra được thông tin liên quan đến đăng kiểm, bảo hiểm, vi phạm… Một người có cố gắng nói dối cũng rất khó.
Giải pháp nào?
Theo ông Trần Hữu Minh, thị trường xe cũ hiện nay rất lớn, nếu được quản lý tốt sẽ đảm bảo được việc minh bạch trong mua bán, giá thành phù hợp với nhiều người dân, tiết kiệm chi phí xã hội.
Tuy nhiên, các quy định liên quan đến trách nhiệm của các bên có liên quan nếu can thiệp vào an toàn kỹ thuật phương tiện, thay đổi thông tin thông số, cấu tạo phụ tùng phương tiện hiện chưa rõ ràng. Bởi vậy tuy pháp luật đã cấm nhưng lại chưa được cụ thể hóa để quản lý chặt hơn.
“Tại các nước phát triển, nếu như đưa chiếc xe ô tô ra mà yêu cầu xưởng sửa chữa bảo dưỡng theo ý mình mà không đảm bảo an toàn thì người ta không làm. Bởi nếu làm thì trách nhiệm rất lớn, thậm chí là đóng cửa xưởng bảo dưỡng sửa chữa, những người liên quan có thể bị truy tố hoặc phạt tiền, cấm hành nghề vĩnh viễn. Chẳng hạn việc tua công-tơ-mét là sai. Nếu quy định pháp luật cấm điều đó, thanh tra kiểm tra, quản lý chặt, xử phạt nghiêm minh thì sẽ không còn vi phạm”, ông Minh chia sẻ.
Về tình trạng người bán cung cấp thông tin không chính xác cho người mua, theo ông Minh, trách nhiệm này lại thuộc về cơ quan quản lý bởi chưa cung cấp đầy đủ thông tin và người bán phải chịu rủi ro rất lớn.
Liên quan đến vấn đề đảm bảo chất lượng phương tiện, ông Minh cho biết, một trong các giải pháp được chứng minh là làm sao hình thành hệ dữ liệu phương tiện và chia sẻ phân quyền sao cho phù hợp.
Chất lượng phương tiện như phương tiện vào đăng kiểm sẽ lưu trữ những thông tin cần thiết, đặc biệt thông tin về công-tơ-mét. Khi được lưu trữ rồi có thể chia sẻ cho một số doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan quản lý và thậm chí một số doanh nghiệp làm dịch vụ có thể mua dữ liệu đó và người dân có nhu cầu có thể trả phí để có được thông tin kiểm tra phương tiện trước khi quyết định mua.
“Hiện nay việc kiểm soát chất lượng ô tô cũ trên thị trường đang dồn hết trách nhiệm lên người đi mua. Nếu có kiến thức, thông tin, quan hệ… thì may mới mua được chiếc xe cũ tốt. Điều này là không đúng trong khi có rất nhiều cơ quan có thể điều tiết trách nhiệm của 2 bên như: Trách nhiệm của người bán, tính minh bạch thông tin cung cấp với khách hàng, sai thì xử lý như thế nào? Những vấn đề như vậy thì cơ quan quản lý phải vào cuộc để làm sao người dân đã có tiền, đi mua chiếc xe không phải rước cục nợ vào người”, ông Minh nhấn mạnh.
Mua ô tô cũ, làm thế nào để biết xe đã bị ngập nước?
Đối với người tìm mua ô tô cũ, điều cần chú ý nhất là làm sao để tránh mua phải những chiếc xe đã từng bị ngập nước.
Hậu quả của thủy kích thường rất nặng nề do hư hỏng nằm ở động cơ và hệ thống điện của xe
Xe ngập nước dù đẹp tới đâu cũng mất rất nhiều giá trị
Thủy kích là hiện tượng xe bị nước tràn vào đường hút gió của máy, làm xe chết máy đột ngột. Trong trường hợp này, nếu người lái xe cố tình đề máy, nước sẽ bị hút sâu vào động cơ khiến các piston không thể di chuyển dọc xy lanh nhưng vẫn chịu lực đẩy của trục cam làm cong cần piston, các te và ổ đỡ trục khuỷu bị hư hỏng; nặng hơn khi tay biên cong quá sẽ bị gãy, đoạn gãy này sẽ chọc thủng thành động cơ...
Hậu quả của thủy kích thường rất nặng nề do hư hỏng nằm ở động cơ - trái tim của xe. Chi phí sửa chữa trong trường hợp bị thủy kích thường rất lớn, ít cũng vài chục triệu đồng khi chỉ phải thay tay biên, nhiều có thể lên tới vài trăm triệu đồng nếu chẳng may phải thay cả cụm động cơ mới và toàn bộ hệ thống điện.
Khi bị ngập nước, hệ thống điện trong xe có thể bị chập cháy, gỉ sét
Sau động cơ, hệ thống điện là thành phần tiếp theo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Khi bị ngâm nước hệ thống điện có thể bị chập cháy, gỉ sét các mối nối hay ảnh hưởng tới tín hiệu, các nút hay bộ điều khiển những trang bị như đèn, hệ thống giải trí, ghế chỉnh điện, loa... Thông thường, khi bị ngập hệ thống điện thì buộc phải thay thế hết các dây dẫn lẫn bộ phận quan trọng để tránh những trường hợp đáng tiếc như chập cháy sau này. Tuy nhiên, biện pháp này cũng chưa thực sự triệt để.
Bên cạnh đó, các chi tiết mềm của xe như tấm lót, đệm ghế ngồi cũng là những thành phần chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nó hút và giữ nước rất mạnh. Để khắc phục phải tháo rời toàn bộ sấy khô thật kỹ tuy nhiên độ bền sau đó sẽ không còn được như trước chưa kể nếu ngâm nước quá lâu thường phải thay mới.
Những xe bị ngập nước thường được các gara mua với giá rất rẻ. Xe mua về được thợ xe tháo hết các bộ phận ra để tút tát lại nhằm xóa dấu vết xe đã từng bị ngập nước rồi mới trưng bày để bán.
Ngửi mùi trong xe và nhìn vào thảm sàn để nhận biết xe đã từng bị thủy kích hay chưa
Dấu hiệu để nhận biết xe đã từng bị thủy kích
Quan sát toàn bộ ốc, bu-lông bắt máy: Đê xem máy đã bị tháo mang ra ngoài để sủa chữa hay chưa, ban co thê quan sat toan bô ôc va bu lông băt may. Nếu ốc mà sáng loáng, xước hoặc có hiện tượng bị tháo ra xong vặn vào thì có thể nghi vấn và có thể hỏi chủ xe ngay. Thường thì xe bị thủy kích phải dỡ toàn bộ máy ra ngoài để làm. Để ý tiếp toàn bộ ốc trên máy, các jack cắm, các đường ống dẫn nhiên liệu, nước làm mát, dây điện xem đã bị tháo ra chưa vì khi lắp vào bao giờ cũng sẽ vẫn còn vết dầu mỡ trên đó, hoặc thợ đã lau chùi thật cẩn thận nhưng vẫn còn vết tích trên đó.
Chú ý nấm mốc thảm sàn: Một chiếc xe đã từng bị ngập sẽ luôn bị dính theo nước vào trong xe theo các kẽ hở và đương nhiên, thảm sàn sẽ là nơi dính nhiều nước nhất. Vì khi bị ngập, nước sẽ ngấm vào trong xe khá lâu nên việc hong khô sẽ mất khá nhiều thời gian và gây nên nấm mốc.
Hãy bỏ ra một chút thời gian để ngửi mùi trong xe và nhìn vào thảm sàn cũng như phần đệm ghế và các vùng xung quanh đó. Nhấc các tấm thảm lên để kiểm tra xem phía dưới có bị bẩn hay có cát đọng lại không. Quan sát bất kỳ bề mặt bằng vải nào (gồm các miếng ốp cửa trong xe, nệm và dây đai an toàn) và kiểm tra các vết bẩn và các hình đáng ngờ bị in lại trên đó.
Người bán cũng có thể sẽ che lấp mùi hôi đó bằng cách dùng nước hoa hoặc chất khử mùi
Chú ý ngửi kỹ các mùi bất thường: Đôi khi các xe bị ngập nước có thể không bị phát hiện nhờ vào việc người đánh lừa rằng xe chưa phải gọi cứu hộ lần nào. Chiếc xe đó trông có thể còn nguyên bản và không đáng ngờ nhưng hãy ngửi qua nội thất chiếc xe một chút và bạn sẽ thấy mùi bất thường xuất hiện. Mùi đó không hẳn quá đậm nhưng nó sẽ không tự nhiên và có vẻ hơi hôi.
Người bán cũng có thể sẽ che lấp mùi hôi đó bằng cách dùng nước hoa hoặc chất khử mùi đậm, đó là tín hiệu cho thấy bạn cần tránh mua chiếc xe đó ngay. Một mẹo khác là hãy đi cùng với một người bạn hoặc đồng nghiệp có khả năng nhận biết mùi tốt.
Bộ phận kiểm tra tiếp theo là dây đai an toàn của xe: Nếu thấy phần cuối dây an toàn bị mốc, ố màu, có màu khác lạ so với phần còn lại hoặc có ngấn thì nhiều khả năng xe đã từng bị ngập nước.
Kiểm tra ngoại thất của xe, đặc biệt là chú ý tới bộ phận cụm đèn pha của xe: Đây là nơi khó xóa dấu vết nhất của chiếc xe đã từng bị ngập nước. Trong trường hợp thấy đèn có dấu hiệu bị cậy ra để lau chùi, hoặc mờ thì chứng tỏ nó đã bị vào nước. Một trong những bộ phận khác, chi tiết khác của xe cũng nói lên tất cả. Kiểm tra ở cốp xe, các con ốc vít ở những vị trí kín. Nếu thấy có dấu hiệu han rỉ thì nhiều khả năng xe đã từng bị ngập nước. Sờ thử và lật thảm trải sàn lên xem có bùn không.
Bước sau cùng cần đề nghị chạy thử xe: Nhằm cảm nhận đầy đủ và có thể nhận ra những vấn đề phát sinh khi xe vận hành. Bạn nên khởi động nguội động cơ, nhờ người khác xem có khói từ ống xả hay không, nghe âm thanh từ tiếng nổ của động cơ có gì bất thường hay không. Nên tăng tốc và cảm nhận về những yếu tố quan trọng như chân ga, hệ thống phanh, hệ thống lái, sự ổn định của thân xe khi vào cua tốc độ cao. Bên cạnh đó cũng không nên bỏ qua việc theo dõi mức tiêu hao nhiên liệu của xe..
Những việc cần làm ngay sau khi mua ô tô cũ Để giúp chiếc xe cũ vừa mua hoạt động trơn tru và hiệu quả nhất, ngay sau khi mua xe, người dùng cần thực hiện một số công việc dưới đây. Công việc đầu tiên sau khi mua ô tô cũ là thay dầu máy 1. Thay dầu Điều đầu tiên, sau khi mua một chiếc xe cũ về bạn nên thay dầu...