Cách ly xã hội: Khổ với karaoke xóm ‘Đắp mộ cuộc tình’… từ sáng đến tối
Những ngày TP.HCM nắng nóng, những âm thanh lớn từ chiếc loa kẹo kéo hát karaoke hàng xóm cứ ‘ Vùng lá me bay’ rồi ‘Đắp mộ cuộc tình’ từ 10 giờ sáng tới tối mịt khiến nhiều người ở nhà thực hiện cách ly xã hội để chống dịch bức xúc.
6 giờ chiều, một người đàn ông hát karaoke vang khắp xóm ở P.5, Q.8 – Ảnh Bảo Vy
Karaoke xóm nhưng không tôn trọng hàng xóm
Thời gian cách ly xã hội phòng tránh Covid-19, làm việc ở nhà với chị Trần Thị Thủy, 29 tuổi, trú đường 107, phường 9, quận 8, TP.HCM không phải ngày nào cũng suôn sẻ khi mà tiếng karaoke xóm, cách đó vài căn nhà phát ra những tiếng hát đủ các thể loại, bolero, nhạc trẻ.
Sáng 6.4, chị Thủy đã báo cáo vấn đề lên tổ trưởng tổ dân phố, nhờ tổ trưởng tổ dân phố báo lên trưởng khu phố để thông tin tới cán bộ công an khu vực để can thiệp.
Karaoke từ một nhà vang trên đường 107, P.9, Q.8 lúc 18 giờ chiều 5.4 – Bảo Vy
Cũng đang cách ly xã hội, phải ở nhà làm việc 24/24 anh Nguyễn Quang Thạch, 39 tuổi, trú khu dân cư Phú Định, phường An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM cũng cho biết không thể chịu nổi khi bị tra tấn bởi karaoke từ những nhà gần đó. Anh Thạch cho biết, giọng hát hay tới mấy mà hát cả ngày, hát không để không gian yên tĩnh cho người khác làm việc, nghỉ ngơi thì rất dễ nổi khùng.
Ở trọ tại hẻm 283 Bông Sao, P.5, Q.8, TP.HCM, chị Nguyễn Thị Liễu, 32 tuổi, làm công việc nhà theo giờ cho biết có những chiều đi làm về, chừng 5 giờ đã thấy nhà hàng xóm ở giữa hẻm khui bia ra ăn uống rồi hát ầm ĩ với loa kẹo kéo. Chị Liễu cho hay, biết quy định không được làm ồn sau 22 giờ nên nhiều người không bao giờ hát tới quá 22 giờ, mà chỉ hát có thể tới chiều, tới 21 giờ tối, điều này cũng đủ khiến cho mọi người xung quanh thấy bị làm phiền.
Lý do mà chị Liễu cho biết không dám tới nhắc nhở hay gọi cơ quan chức năng tới là vì nể nang hàng xóm láng giềng, rồi ngại nhắc nhở khi nhà hàng xóm đang uống bia rượu sợ va chạm. “Không ai cấm người khác giải trí nhưng nếu gia đình có đủ điều kiện cách âm không lọt âm thanh tiếng ồn ra bên ngoài thì hãy hát. Những ngày cách ly xã hội mọi người ở nhà nhiều hơn, nên không gây ồn ào trong thời gian dài cũng là tôn trọng bà con hàng xóm”, chị Liễu nói.
Sợ đụng chạm với người đang vừa hát vừa có uống rượu bia
Anh Lê Văn Dương, nguyên cán bộ Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM, hiện là nhà khởi nghiệp với các giải chạy Vietrace365, cho biết trước đây anh cũng là nạn nhân của karaoke xóm. Nhiều người không dám ra mặt nhắc nhở, bởi thứ nhất tế nhị là hàng xóm, thứ hai rất sợ đụng chạm với người đang vừa hát vừa có uống rượu bia, dễ gây va chạm.
Trong khi đó, luật sư Lê Trung Phát – Thành viên Đoàn luật sư TP.HCM – cho hay anh cũng là nạn nhân của karaoke xóm, từng gọi điện lên phản ảnh lên đường dây nóng lên công an phường.
Karaoke hàng xóm gây ức chế cho nhiều người dân – Ảnh minh hoạ Ngọc Thắng
“Tôi nghĩ rằng trước những vụ việc như karaoke xóm làm phiền người dân xung quanh, cần sự can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng. Người dân khi thấy âm thanh tiếng ồn lớn ảnh hưởng tới cuộc sống của mọi người, nên thông báo với tổ dân phố, khu phố. Mặt khác, người dân cũng rất trông chờ cơ quan chức năng kịp thời xuống làm việc”, anh Lê Văn Dương nói.
Cần phải quyết liệt xử phạt với vấn nạn karaoke xóm
Đã có nhiều án mạng liên quan tới hát karaoke làm phiền hàng xóm, nhiều vụ xô xát dẫn tới giết người cũng từ cự cãi, chửi bới nhau khi hàng xóm hát karaoke quá lớn. Điều này, càng cho thấy rằng phải quyết liệt trong việc xử lý những trường hợp hát karaoke tại nhà gây tiếng ồn ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của bà con xung quanh.
Trả lời phóng viên Báo Thanh Niên, luật sư Lê Trung Phát cho biết: “Theo tôi, vấn nạn hát karaoke tại nhà, hát nhạc bằng các loại loa mà người ta gọi là loa kẹo kéo nó xuất phát từ ý thức kém của người có hành vi vi phạm, họ không tôn trọng lợi ích của những người xung quanh. Sở dĩ vấn nạn này vẫn mặc nhiên xảy ra là do lực lượng chức năng chưa xử lý thật nghiêm, không kịp thời xử lý các thông tin trình báo của người dân, dẫn đến người vi phạm coi thường pháp luật”.
“Bản thân tôi cũng đã từng là nạn nhân, cũng từng gọi điện phản ảnh lên đường dây nóng lên công an phường, nhưng vẫn không nhận được sự hỗ trợ của lực lượng công an phường. Và vì thế, theo tôi chúng ta chưa cần nâng mức xử phạt, bởi đơn giản với mức phạt hiện nay, nếu thực hiện quyết liệt, chắc chắn sẽ giảm tình trạng này…”, luật sư Phát nhấn mạnh.
Ông Phan Minh Trung, Phó Chủ tịch UBND Phường 9, Quận 8, TP.HCM, cho biết ngày hôm qua, 6.4 đã xuống lập biên bản xử phạt với một gia đình kinh doanh tiệm cà phê trên đường Hưng Phú khi trong thời gian cách ly xã hội vẫn tập trung đông người. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây cũng là tiệm trước đó theo phản ánh của người dân có tập trung hát karaoke gây ồn ào trong xóm.
Ông Trung cho biết, người dân khi có bức xúc về một hộ gia đình nào hát karaoke gây ồn ào, có thể phản ánh tới ngay UBND phường, hoặc công an khu vực. Trước khi cách ly xã hội vì Covid-19, phường 9 quận 8 cũng đã xuống nhắc nhở, xử phạt hành chính một số trường hợp gây mất trật tự.
Ca hát cũng nên tôn trọng người xung quanh – Ảnh minh hoạ Ngọc Dương
Thấy hàng xóm gây ồn với karaoke, nên báo cho ai?
Theo luật sư Lê Trung Phát, người là nạn nhân của karaoke xóm bị người khác gây ồn, ảnh hưởng đến đời sống thường ngày, có thể gọi điện phản ảnh lên công an phường hoặc khi phản ánh lên đường dây điện thoại của UBND cấp phường, huyện hoặc người dân có thể gửi đơn, trực tiếp phản ánh vụ việc tại các cơ quan nêu trên. Bởi theo quy định tại Điều 48 đến Điều 52 của ND 155/2016 thì các lực lượng như: Công an nhân dân, Chủ tịch UBND các cấp, Thanh tra chuyên ngành… đều có thẩm quyền xử phạt, tùy thuộc vào mức độ vi phạm.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Lê Trung Phát cho hay: “Hiện có 2 văn bản xử phạt vi phạm hành chính với những trường hợp hát karaoke xóm, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân xung quanh. “Cụ thể: Nếu hành vi này làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, thì có thể bị xử phạt số tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6, ND 167/2013 – xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự… Nếu hành vi này diễn ra không thuộc khoảng thời gian nêu trên, gây tiếng ồn lớn, có thể bị xử phạt do vi phạm quy định tiếng ồn, theo quy định tại Điều 17 ND155/2016 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, lúc này tùy vào mức ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật mà hành vi này có thể bị xử phạt tiền từ 1 triệu đến 160 triệu đồng”.
Bảo Vy
Tại sao không khí Hà Nội vẫn xấu đi dù đang cách ly xã hội vì dịch Covid-19?
Những ngày đầu thực hiện cách ly xã hội vì dịch Covid-19, chất lượng không khí Hà Nội được cải thiện đang kể, tuy nhiên, gần đây lại đang xấu dần đi.
Chất lượng không khí Hà Nội trên PAM Air lúc 10h sáng 7/4 ở ngưỡng 85-140, trung bình đến kém. Ảnh chụp màn hình.
Mấy ngày gần đây, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội được cải thiện đáng kể, có những ngày ở mức tốt hoặc trung bình. Tuy nhiên, hôm nay (7/4), một số điểm đã ghi nhận AQI ở mức trung bình đến kém.
Lúc 10h sáng 7/4, trên hệ thống PAM Air, nhiều điểm ghi nhận AQI từ khoảng 85-140, đây là ngưỡng trung bình đến kém. Ở ngưỡng này, nhóm người nhạy cảm như trẻ em, người già, người mắc bệnh đường hô hấp được khuyến cáo hạn chế ra ngoài.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho hay: "Hôm nay (7/4), chất lượng không khí tại Hà Nội ở mức trung bình. Nếu so sánh với khoảng 2-3 ngày trước thì không khí đang xấu dần đi. Tuy nhiên, trong tháng 3 vừa qua so với trung bình tháng 3 của nhiều năm thì vẫn ở mức tốt hơn".
Ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam. Ảnh Tổng cục môi trường.
Ông Tùng giải thích, những ngày trước, chất lượng không khí tốt là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cách ly xã hội nên lượng người và phương tiện giao thông ra đường giảm đáng kể, do đó, lượng khí thải CO2 cũng giảm. Thêm nữa, mấy ngày trước, miền Bắc có không khí lạnh, kèm mưa nên chất lượng không khí tốt hơn.
"Hôm nay, tôi thấy lượng người và phương tiện ra đường đã có chút đông hơn so với những ngày đầu thực hiện cách ly xã hội, có những người vẫn phải đi làm nhưng dường như có những người tỏ vẻ không sợ dịch khi dịch bắt đầu có dấu hiệu chững lại", ông Tùng chia sẻ.
Bảng quy đổi giá trị AQI với những con số tương ứng để mọi người so sánh.
Thêm vào đó, theo ông Tùng, không khí lạnh suy yếu, mưa giảm cũng là một nguyên nhân khiến chất lượng không khí tại Hà Nội xấu dần đi.
Ngoài ra, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, còn một nguyên nhân khác cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng không khí Hà Nội, đó là một số xưởng, lò thủ công tại một số vùng, tỉnh quanh Hà Nội vẫn hoạt động và xả khí thải.
Ông Tùng lấy ví dụ, hôm qua (6/4), một số thông tin truyền thông đưa tin, có cả trăm chiếc lò đốt rác ở Thái Bình vẫn hoạt động, một số lò hỏng nên người ta đốt lộ thiên...
Với nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, ông Tùng dự đoán rằng, trong những ngày sắp tới, chất lượng không khí ở Hà Nội sẽ vẫn xấu dần đi. Tuy nhiên, xen kẽ những ngày không khí xấu, sẽ có những ngày không khí ở ngưỡng tốt.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Triệu Quang
Những suất ăn đêm thức cùng trạm chốt Nhiều ngày qua từ khi Đà Nẵng lập các chốt làm nhiệm vụ kiểm soát dịch COVID-19 ở những cửa ngõ ra vào thành phố, hai chiếc xe dán dòng chữ 0 đồng đã quá quen với cán bộ chiến sĩ ở đây. Những bát cháo đêm, chai nước mát được gửi đến các chiến sĩ chốt chống dịch lúc 0h - Ảnh:...