Cách ly là biện pháp quyết liệt kiểm soát tốt dịch Covid-19
11/16 ca tại Vĩnh Phúc dương tính với Covid-19. Sơn Lôi, Vĩnh Phúc đã bị cách ly trong 21 ngày để ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Chưa lúc nào, chính quyền và ngành y tế căng mình chống dịch như thế này. Thế nhưng, còn đó những kỳ thị về Vĩnh Phúc vì hai từ “cách ly”.
Và ngay cả những người dân trong vùng cách ly, họ cũng chưa ý thức hết được tầm quan trọng của việc cách ly tại địa phương là góp phần cùng cả nước chống dịch.
Bệnh viện Phổi Trung ương hỗ trợ một xe chụp X-quang lưu động cho người dân xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc.
Kỳ thị người dân tại khu cách ly là sai lầm
Những ngày này, chỉ cần nghe một ai nói quê Vĩnh Phúc, ăn Tết tại Vĩnh Phúc hay từng đi qua tỉnh này, những người chung quanh đều có cái nhìn ái ngại. Thậm chí, không ít người còn yêu cầu những đối tượng này cần phải cách ly. Có những người trở nên sợ hãi khi phải đi qua tỉnh Vĩnh Phúc.
PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho biết, việc thực hiện cách ly địa phương có nhiều ca bệnh là biện pháp quyết liệt để tăng cường kiểm soát dịch bệnh, để hạn chế tốt nhất sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng. Cách ly tại địa phương có những ca nghi ngờ hoặc đang trong thời gian ủ bệnh sẽ hạn chế thấp nhất sự phát tán virus Covid-19, lây cho những người khác.
Ông Phu nhấn mạnh: “Xã Sơn Lôi có vài ca bệnh, hầu hết là ca bệnh xâm nhập, nếu kiểm soát tốt như hiện nay thì dịch bệnh sẽ không lây lan nữa. Hiện đang là “thời kỳ vàng” để các ca bệnh xâm nhập có thể lây lan sang những người khác, nếu chúng ta không kiểm soát tốt những ca tiếp xúc gần đó thì sẽ lây lan cho những người khác nữa. Việc cách ly xã Sơn Lôi để phòng, chống dịch dẫn tới sự kỳ thị người dân Vĩnh Phúc là rất sai lầm, không hiểu gì về dịch bệnh”.
Sau thời gian cách ly khoảng 21 ngày, nếu thời gian này không có các ca bệnh mới thì sẽ không có vấn đề gì, sẽ dừng cách ly.
“Đối với dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã có những hiểu biết nhất định về căn bệnh này, nguyên nhân, lây lan của bệnh là do tiếp xúc gần… thì hoàn toàn có thể đề phòng bằng nhiều biện pháp như rửa tay xà phòng, đeo khẩu trang, vệ sinh sạch sẽ… Về điều trị bệnh nhân Covid-19, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm”, ông Phu cho hay.
Từ tâm dịch Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Minh Trung – Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên cho biết, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Bình Xuyên xác định, người dân phải tự phòng, chống dịch. Những trường hợp nghi nhiễm hoặc tiếp xúc người người nghi nhiễm, UBND huyện cách ly những đối tượng đó ngay. Những trường hợp dương tính với Covid-19 đều nằm trong tầm kiểm soát của tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh đang rất quyết liệt thực hiện các công tác phòng, chống dịch.
Video đang HOT
Theo PGS, TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, trách nhiệm của người nghi nhiễm bệnh là phải tuân thủ cách ly để tránh lây lan ra cộng đồng. Tuy nhiên, nếu cộng đồng kỳ thị người nghi ngờ, người bệnh, người dân vùng có dịch thì sẽ vô tình cản trở công tác phòng, chống dịch, hạn chế công tác tự giác khai báo bệnh.
Ông nhấn mạnh, kỳ thị người bệnh, kỳ thị vùng miền sẽ làm gia tăng bùng phát dịch mạnh hơn. Vì vậy cần chung tay chia sẻ cùng với cộng đồng và đây cũng là trách nhiệm của chúng ta. Điều trị, ngăn chặn và cắt nguồn lây chính là biện pháp đề phòng cho chúng ta. Và cuối cùng là tình người, người bệnh cần sự thương yêu, chia sẻ, đoàn kết của những người chung quanh và cả cộng đồng.
Tự cách ly là thể hiện trách nhiệm với cộng đồng
Để bảo đảm việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện tổng thể các biện pháp, trong đó biện pháp cách ly y tế trong vòng 14 ngày là đặc biệt quan trọng đối với những người có tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh, trường hợp nghi ngờ, các trường hợp về từ vùng có dịch của 31/31 địa phương của Trung Quốc, nhất là với những trường hợp về từ Trung Quốc.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh, với bệnh truyền nhiễm, nguyên tắc số một phải cách ly thật tốt, đặc biệt trong khu vực bệnh viện. Khi tiếp nhận người bệnh tại bệnh viện, dù nghi ngờ hay dương tính ở mức độ nhẹ – nặng, các thầy thuốc phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc cách ly của Bộ Y tế. Trong công tác bảo đảm chất lượng điều trị chuyên môn, an toàn cho người bệnh, cộng đồng và thầy thuốc, Bộ Y tế đã có có văn bản nhắc nhở Giám đốc các Sở Y tế, các cơ sở y tế, các ngành hết sức quan tâm đến việc tổ chức cách ly, quản lý người bệnh tại cơ sở y tế của mình.
“Những bệnh dịch lây qua hô hấp thì nguồn bệnh rất dễ phát tán. Từ bài học của Trung Quốc, chúng tôi thấy nhiều thầy thuốc tại đây bị nhiễm bệnh. Do đó, mục tiêu của Bộ Y tế cố gắng phấn đấu không để nguồn lây đó từ bệnh nhân cho các thầy thuốc và từ bệnh viện không để lây ra cộng đồng”, ông Khuê cho hay.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, việc cách ly phải được triển khai bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ về pháp luật như công an, chính quyền địa phương. “Có ba khu vực chúng tôi nêu ra gồm: những người có nghi ngờ nhưng chưa dương tính với Covid-19; người bị bệnh nhưng nhẹ vẫn sinh hoạt được; người bệnh nặng. Với người bệnh nặng, chúng ta phải quản lý một cách khác như tất cả quần áo, chất thải của người bệnh, đặc biệt các nguồn vi sinh vật (nguồn lây virus) phải quản lý theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế về an toàn sinh học, an toàn kiểm soát nhiễm khuẩn”, ông Khuê nói.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid -19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng từng khẳng định vai trò quan trọng của công tác thực hiện cách ly tại cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh, vận động mỗi người dân hiểu rõ tự cách ly là điều tối quan trọng nhằm mục tiêu dập dịch ngay và không tràn lan.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong phòng, chống dịch bệnh, người dân tự cách ly là nêu cao trách nhiệm với bản thân và xã hội. Vượt qua những bất tiện, những khó khăn trong thời gian được cách ly chính là sự đóng góp quan trọng, là nghĩa cử cao đẹp của người cần được cách ly trong công tác chống dịch. Cộng đồng ủng hộ người được cách ly chính là tham gia chống dịch tốt. Lúc khó khăn, những nghĩa cử cao đẹp, điều tốt càng đáng quý và cần được nhân rộng.
Theo Nhân dân
Dịch Covid-19: Cần phát hiện sớm để cách ly
Những người trong cùng gia đình với người bệnh dương tính đều được xử lý như một ca bệnh, đưa đến cơ sở y tế cách ly ngay
Sáng 15-2, đoàn công tác của Bộ Y tế đã tới Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc làm việc và kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Phát hiện sớm, cách ly nhanh
PGS-TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế - cho biết tại vùng tâm dịch của Vĩnh Phúc, ngành y tế đang theo dõi sức khỏe cho 10.600 dân tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên. Mỗi người dân có bảng theo dõi sức khỏe, cán bộ ngày đến 2 lần, theo dõi tình trạng ốm, sốt ho, gai người...
Theo ông Dương, trong phòng chống dịch Covid-19, cần phát hiện sớm ca nghi ngờ để cách ly, bởi tại Trung Quốc cho thấy có tới 86% số ca lây trong hộ gia đình. Những người trong cùng gia đình với người bệnh dương tính đều được xử lý như một ca bệnh, đưa đến cơ sở y tế cách ly ngay.
Vòng cách ly thứ 2 là những người tiếp xúc gần với những người nghi ngờ, nhóm đối tượng này không cách ly tại nhà mà tập trung cách ly tại cơ sở của quân đội. Hiện bất cứ người dân nào ở xã Sơn Lôi có dấu hiệu ho, sốt, đau họng, mệt mỏi, đau người, gai người, ớn lạnh, lừ khừ... đã khai báo và đưa ngay đi cách ly, lấy bệnh phẩm xét nghiệm. "Cần phải xác định tại huyện Bình Xuyên dịch bệnh do virus corona mới đã lây lan trong cộng đồng, tiếp xúc lẫn nhau, có thể có người mang mầm bệnh nhưng chưa phát bệnh.
Vì thế, tới đây có thể tiếp tục ghi nhận ca nhiễm mới trong số nhóm người đang được theo dõi sức khỏe. Điều này là bình thường nhưng phải giám sát, phát hiện sớm, cách ly nhanh, khoanh vùng dịch không để lan sang các vùng khác" - ông Dương nhấn mạnh.
Lực lượng chức năng lập chốt khoanh vùng cách ly xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết tại Vĩnh Phúc, đã có lây đến thế hệ F3 trong cộng đồng. Tuy nhiên, hiện các ca bệnh chưa có dấu hiệu bất thường. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng nhấn mạnh ưu tiên lúc này là giám sát phát hiện sớm, cách ly triệt để và giám sát chặt chẽ các ca có tiếp xúc ca bệnh.
Theo Bộ Y tế, huyện Bình Xuyên đang là tâm dịch của tỉnh Vĩnh Phúc và cũng là nơi có ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước. Tại huyện này, có trường hợp bệnh nhân nữ (là công nhân mắc bệnh sau khi trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc) đã lây trực tiếp cho 5 người (hàng xóm, dì, mẹ, em gái và bố); người dì sau khi bị lây bệnh đã lây sang cho cháu ngoại là bé gái 3 tháng tuổi. Đến cuối ngày 15-2, tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng như trên cả nước chưa ghi nhận thêm ca bệnh Covid-19.
Cách ly theo chuẩn 14 ngày ủ bệnh
Theo các chuyên gia ngành nhiễm, kể từ ngày 15-2, TP HCM coi như bớt lo về Covid-19. Trong vòng 14 ngày kể từ khi một bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhập viện, tất cả những người có tiếp xúc với bệnh nhân và người có tiếp xúc với nhóm "có tiếp xúc" đều phải được giám sát, cách ly với cộng đồng vì thời gian ủ bệnh tối đa là 14 ngày.
Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - thần kinh BV Nhi Đồng 1, từ ngày 6-2, tức ngày thứ 15 sau khi 2 cha con ông Li Ding (người Trung Quốc) nhập viện và vẫn không có ca nhiễm mới, tức họ chưa hề lây cho ai ở TP HCM và Long An. Tương tự, ngày 15-2, tức ngày thứ 15 sau khi ca thứ 3 của TP HCM (ca thứ 7 của Việt Nam) là ông T.K.H (Việt kiều Mỹ) nhập viện và vẫn không có ca mới, có thể khẳng định bệnh nhân này cũng không lây cho ai.
Theo quy định, những người về từ vùng có dịch, dù không có dấu hiệu bệnh, đều phải bị cách ly, giám sát trong vòng 14 ngày. Trong quá trình giám sát, nếu có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào thì sẽ được coi như người nghi nhiễm, phải lấy mẫu xét nghiệm. Hiện Việt Nam vẫn dựa theo tiêu chuẩn 14 ngày ủ bệnh nhưng đa số bệnh nhân phát bệnh trong 3-7 ngày, 14 ngày chỉ là con số tối đa.
Đó cũng là tiêu chuẩn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo và được các quốc gia khác áp dụng. Theo hướng dẫn, "Những cân nhắc chính về hồi hương và cách ly khách du lịch liên quan đến sự bùng nổ của Covid-19" của WHO nêu rõ: "Những người không có triệu chứng, sẽ cách ly". Thời gian cách ly tối đa là 14 ngày "tương ứng với thời gian ủ bệnh đã biết của virus".
Về thông tin "thời gian ủ bệnh có thể lên tới 24 ngày", BS Trương Hữu Khanh cho biết đó chỉ là một công trình nhỏ dạng quan sát của Trung Quốc, với số mẫu nhỏ so với số ca bệnh tại nước này và chưa được xác nhận.
Về từ vùng dịch nhưng không được giám sát y tế
Ngày 15-2, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam xác nhận đã gửi văn bản đến Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP Đà Nẵng về việc đề nghị tăng cường chỉ đạo kiểm soát người nhập cảnh từ vùng dịch Covid-19 về Việt Nam.
Trước đó, Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước có báo cáo với UBND tỉnh về trường hợp một cô gái 28 tuổi trở về từ Tứ Xuyên (Trung Quốc) nhưng không có bất cứ biện pháp giám sát y tế nào tại sân bay Đà Nẵng. Theo thông tin cô gái trên cung cấp, 2 giờ sáng 9-2, chị này bay từ sân bay Thành Đô (Trung Quốc) đến Thái Lan (không được kiểm tra thân nhiệt). Lúc 5 giờ cùng ngày, chị đến sân bay Bangkok (Thái Lan) và đi máy bay về Đà Nẵng lúc 12 giờ trưa. Cô gái này ở lại khách sạn tại TP Đà Nẵng rồi trở về quê ở huyện Tiên Phước bằng xe dịch vụ vào sáng hôm sau (10-2).
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu ngành y tế vào cuộc, cách ly cô gái, xác minh những người mà cô này tiếp xúc để cách ly. Kết quả xét nghiệm mẫu máu của cô gái này là âm tính với Covid-19.
B.Vân - Tr.Thường
Ngọc Dung - Anh Thư
Theo Người lao động
Tặng người dân vùng dịch Sơn Lôi 500 lít dung dịch sát khuẩn 500 lít dung dịch khử khuẩn do các chuyên gia trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội sản xuất đã được trao tặng cho người dân vùng dịch xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã trao tặng người dân xã Sơn Lôi 500 lít dung dịch sát khuẩn. Ảnh: Kim Chi. Để đảm...