Cách lựa chọn các loại rau an toàn theo mùa
Bữa ăn hằng ngày của chúng ta không thể thiếu rau quả nhưng làm thế nào để chọn được rau sạch? Các chị em hãy tham khảo những bí kíp dưới đây nhé!
Nhận biết rau xanh an toàn
Vẻ bề ngoài rau sạch thường không bóng bẩy láng mướt như loại vẫn được phun thuốc kích thích. Lá và thân hơi cứng, ít có vẻ mơn mởn. Điều này không chỉ đúng với các loại rau muống, ngót, cải mà còn thấy cả ở cải bắp. Lớp vỏ ngoài có vẻ khô cứng hơn, ít độ bóng. Củ quả sạch thường không được ngâm thuốc để bảo quản trong thời gian dài nên phần cuống vẫn còn tươi, trong khi những loại khác có thể quả vẫn đẹp nhưng phần cuống không còn hoặc quá “cũ kỹ”. Các loại rau cải thường vẫn có những cái lỗ do sâu gây ra.
Quy trình trồng rau an toàn vẫn được phép dùng thuốc bảo vệ thực vật miễn là loại nằm trong danh mục cho phép, dùng đúng cách và đảm bảo thời gian cách ly. Do đó, rau an toàn không nhất thiết phải cằn khô hay bị sâu cắn mà vẫn có thể đẹp mắt, tuy không đến mức láng mượt như rau không sạch. Vì vậy, ngoài việc phân biệt bằng mắt còn cần tìm đến những điểm bán rau an toàn có giấy phép.
Ngoài ra, các bạn không nên mua rau củ trái vụ vì cây trái mùa năng suất thấp, dễ sâu bệnh, khiến người trồng sử dụng thuốc kích thích và trừ sâu với hàm lượng lớn hơn.
Cách lựa chọn một số loại rau quả thông dụng cho gia đình
Bắp cải
Bắp cải đầu mùa thường có vào khoảng tháng 11, bạn nên chọn những cây bắp cải lá cuộn chặt, lá dày đầu và khép kín, không xòe, cuống nhỏ, nặng tay, không bơm nước, nên cắt đôi bắp cải để kiểm tra trước khi mua.
Rau ngót
Mùa rau ngót bắt đầu từ tháng 7 và kéo dài đến tháng 3 năm sau. Nên tránh những bó rau ngót có lá quá non, to, mỏng, mà chọn những bó có lá dày vừa phải, sẫm màu.
Rau bí (ngọn và lá của cây bí ngô)
Khi nhìn thấy ngọn dài và non, khoảng cách giữa các lóng xa nhau, tay cuốn mập và ngắn, ít lông tơ, ngọn bí mầu xanh nhạt, lá mầu xanh đen… là những loại rau bí bón thừa đạm, phun nhiều phân bón lá và chưa đủ thời gian cách ly.
Cà chua
Chọn những quả đỏ hồng, chắc tay, rắn, không dập ủng, cuống tươi non, nhất là cà chua hồng vì nó có ruột đặc, ít bột, nhiều sinh tố.
Rau cải xanh
Rau cải xanh đúng vụ là vào tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Rau cải xanh ngon là loại cải non, lá xanh, mỏng, cuống to.
Video đang HOT
Rau muống
Tháng 4 – 5 – 6 thường là mùa của rau muống. Nhưng không phải vì thế mà bạn có thể lơ là việc chọn rau. Bạn nên tránh những mớ rau có ngọn non, vươn dài mỡ màng vì rau đó thường đã bị phụ thuốc kích thích. Những mớ rau ngọn nhỏ, nhìn hơi cứng hơn nhưng ăn lại rất giòn, ngon và an toàn hơn hẳn.
Mướp đắng
Những quả to, màu xanh đậm, mướt mát, thân phình to, da láng bóng là những quả hái từ cây bón nhiều đạm, chất kích thích sinh trưởng nên chất lượng sẽ kém và thường bị nhiễm độc khi ăn. Bạn nên chọn những quả có kích thước vừa phải, mặt vỏ có nhiều gân nhỏ li ti sẽ an toàn và chất lượng.
Đậu cô ve
Những quả dài, bóng, ít lông tơ, phân đốt rõ, hầu như không có quả nào có vết sâu bệnh thì đó là đậu có bón nhiều phân bón lá, các chất vô cơ thấm vào quả chưa được chuyển hóa thành hữu cơ, có phun thuốc hóa học trừ sâu vào thời gian sát khi thu hoạch, ăn loại đậu này dễ bị độc hại.
Giá đỗ
Người tiêu dùng thường thích mầm giá to, trắng, giòn và ít rễ. Để làm được giá đỗ như vậy một phần rất ít do kinh nghiệm của người làm giá nhưng chủ yếu khi hạt đỗ nảy mầm, người sản xuất đã dùng phân bón lá trộn với các loài thuốc trừ cỏ có tính hướng gốc (để diệt phần rễ cây mà phần mầm cây không bị ảnh hưởng) pha loãng, sau đó tưới lên giá đỗ và ủ lại. Những loại giá đỗ này khi làm nộm hoặc xào tái ta thấy nước mầu nhờ đục từ giá đỗ chảy ra đĩa.
Rau cần
Không nên dùng những cây rau thân phình to, thân và ngó có màu trắng nõn bất thường vì loại cần này đã được bón quá nhiều phân (phân chuồng, phân hóa học, phân bón qua lá) và phun nhiều thuốc trừ sâu bệnh. Loại cần này rất nhanh héo và cũng dễ bị độc hại khi ăn.
Cách rửa sạch rau quả
Muốn loại trừ tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật, cách tốt nhất là rửa trôi: rửa dưới vòi nước sạch nhiều lần. Bằng cách rửa 2 lần dưới vòi nước chảy và 2 lần trong chậu nhiều nước thì từ 40 – 90% tồn dư hóa chất độc hại trên rau cải đã mất đi. Đặc tính của thuốc bảo vệ thực vật gốc lân hữu cơ là tan nhiều trong nước. Vì vậy, bằng cách ngâm và rửa trôi, chúng ta hoàn toàn có thể loại bỏ được tồn dư của chúng lên bề mặt lá rau. Đối với các loại đậu quả việc ngâm, rửa trôi trước khi nấu đạt hiệu quả khá cao. Đối với quả chín, động tác rửa trước khi bóc vỏ đơn giản nhưng có tác dụng tốt loại trừ độc tố tồn dư.
Khi thấy có bất cứ hiện tượng bất thường nào đối với các thực phẩm nói chung và rau quả nói riêng: có mùi vị lạ, màu sắc khác thường, thực phẩm mua cùng một chỗ mà đã có người ăn bị ngộ độc… mọi người cần dừng lại ngay, không ăn tiếp.
Theo VNE
7 loại rau quả giàu chất chống oxy hóa, tốt cho chị em
Dưới đây là 7 loại trái cây và rau củ rất giàu chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa, có lợi cho sức khỏe mà bạn nên chú ý để bổ sung hàng ngày.
Chất chống oxy hóa rất cần thiết cho cơ thể vì nó giúp cơ thể chống lại các gốc tự do gây tổn hại các tế bào. Các chất chống oxy hóa còn có nhiều chức năng trong việc duy trì sức khỏe, ví dụ như ngăn ngừa lão hóa, phòng chống bệnh ung thư, giúp chị em trẻ lâu...
Cách bổ sung chất chống oxy hóa tốt nhất là từ thực phẩm.
1. Quả việt quất
Bộ Nông nghiệp Mỹ xếp hạng quả việt quất là loại quả chứa nhiều chất chống oxy hóa nhất trong số các loại trái cây có chứa chất này. Một số các chất chống oxy hóa có trong quả việt quất là anthocyanins, phenol, axit ellagic, vitamin C và vitamin E.
Quả việt quất có chứa anthocyanin, đây chính là sắc tố tạo nên màu xanh đậm cho quả. Loại chất này có tác dụng vô hiệu hóa các gốc tự do dẫn đến bệnh ung thư và các bệnh liên quan đến tuổi. Ngoài ra, các chất dinh dưỡng chứa trong quả việt quất được chứng minh là có tác dụng duy trì và tăng cường thị lực, cải thiện trí nhớ, ngăn ngừa bệnh tim, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và làm chậm quá trình lão hóa...
Ảnh minh họa
2. Cải xoăn
Cải xoăn cũng là loại rau có chứa nhiều chất chống oxy hóa có lợi cho cơ thể. Các chất chống oxy hóa có trong cải xoăn bao gồm beta-carotene, lutein, selen, vitamin A, vitamin C và vitamin E.
Cải xoăn là một trong những nguồn tốt nhất của lutein - một chất giúp ngăn ngừa ung thư và phòng chống thoái hóa điểm vàng. Cải xoăn chứa rất nhiều lutein và beta-carotene, vì vậy thường xuyên ăn loại rau này có thể tránh được mù lòa và đục thủy tinh thể do tia UV gây ra.
Ảnh minh họa
3. Khoai lang
Khoai lang rất giàu beta-carotene, selenium, anthocyanins, vitamin A, vitamin C và vitamin E. Do đó, nếu bạn muốn cơ thể mình có nhiều chất chống oxy hóa để tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, chống lão hóa thì không nên bỏ qua loại thực phẩm này.
Vitamin C, vitamin B6, beta carotene và mangan trong khoai lang giúp khoai lang có tính kháng viêm rất cao, làm mờ vết thâm, phòng chống bệnh mãn tính không lây. Ăn khoai lang 1-2 lần/tuần sẽ giúp cung cấp nhiều sinh tố có lợi, chất khoáng, chất xơ... nên không những làm căng da mà còn giảm nếp nhăn trên mặt, ngăn ngừa các bệnh về da như viêm da...
Ảnh minh họa
4. Rau xà lách
Trong rau xà lách chứa nhiều beta-carotene, lutein, selen, vitamin A, vitamin E, và vitamin C. Loại rau này thường được chế biến cho món salad hoặc bạn có thể tự chế biến theo ý thích của mình.
Chất magie trong xà lách có tác dụng hồi phục các mô cơ, tăng cường chức năng não. Do có chứa nhiều beta-carotene nên xà lách được coi là có thể ngăn ngừa ung thư, bệnh tim mạch, thấp khớp, đục thủy tinh thể... Một nghiên cứu đã được thực hiện tại ĐH Y khoa Utah (Mỹ) cho thấy xà lách có thể làm giảm rủi ro bị ung thư ruột kết ở cả nam lẫn nữ, do trong cải xà lách có chứa một tác nhân kháng ung thư là lutein.
Ảnh minh họa
5. Nấm đông cô
Trong nấm đông cô (còn gọi là nấm hương), hàm lượng selen và vitamin C là nhiều nhất. Đây cũng là hai dưỡng chất có tác dụng như các chất chống oxy hóa giúp tăng cường collagen cho cơ thể, giúp bạn phòng chống lão hóa và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Nấm đông cô có chứa chất polysaccharide có phân tử lượng cao (HNWP), và chất này đã được một vài cuộc nghiên cứu chứng minh rằng, nó có thể cải thiện chức năng miễn dịch ở người. Nấm đông cô mọc ở những khúc gỗ cây sồi màu đỏ và trắng có lượng HMWP cao hơn nấm mọc ở những khúc gỗ có nhựa cây.
Ảnh minh họa
6. Cà rốt
Cà rốt là một nguồn phong phú của beta-carotene, selenium, lutein, vitamin A, vitamin C và vitamin E.
Cà rốt có rất nhiều màu như đỏ, vàng, tía, cam... và cả màu trắng. Cà rốt đỏ có chứa lucopen, một dạng caroten có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim và ung thư. Cà rốt vàng giàu xantofin, bổ cho mắt. Cà rốt tía có chứa một loại sắc tố hoàn toàn khác là antoxian có tác dụng như chất chống oxy hoá mạnh. Lutein có nhiều trong cà rốt màu cam, một trong những sắc tố hoàn thành sắc màu của điểm đen trong võng mạc người.
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo không nên ăn quá nhiều cà rốt vì lượng carorten có trong cà rốt sẽ không thể chuyển hoá thành Vitmin A, gây ứ đọng ở gan, gây ra những chứng bệnh vàng da, ăn không tiêu, mệt mỏi...
Ảnh minh họa
7. Ớt chuông
Ớt chuông chứa rất nhiều chất beta carotene, flavenoids, selen, cystein, lutein và vitamin A và C.
Chất carotenoids trong cà rốt có tác dụng kháng viêm hiệu quả, kể cả viêm khớp. Trong ớt chuông cũng có nhiều vitamin C nên nó không những tốt cho làn da của chị em mà còn có thể ngăn ngừa nguy cơ phát triển một số loại viêm khớp cao hơn những người khác.
Các hợp chất capsaicin trong ớt chuông có khả năng điều trị ung thư bằng cách ngăn chặn chất gây ung thư kết nối với ADN. Ớt chuông có khả năng ngăn chặn các tế bào ung thư và tiêu diệt chúng.
Theo VNE
Bất ngờ bài thuốc chữa ho từ rau diếp cá Bé nhà mình áp dụng cách này, uống nước rau diếp cá đun với nước vo gạo, đúng 3 lần uống là bé khỏi hẳn, không còn ho nhiều đến xót ruột như trước... Rau diếp cá chữa bệnh hiệu quả. Ảnh minh họa Chào cả nhà, hôm nay mình xin chia sẻ với mọi người 1 bài thuốc chữa ho rất hiệu...