Cách khử trùng nơi có nCoV
Việc khử trùng và xử lý môi trường phải được thực hiện sớm sau khi phát hiện có ca Covid-19, nhằm ngăn chặn virus lây lan ra cộng đồng.
Hướng dẫn của Bộ Y tế ngày 25/3, nguyên tắc là phải làm sạch bề mặt, đồ dùng, vật dụng trước khi tiến hành khử trùng. Đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh lây nhiễm chéo cho những người tham gia khử trùng và xử lý môi trường.
Khi khử trùng, cần bảo vệ cá nhân bằng cách đeo khẩu trang y tế, kính bảo hộ che mắt, quần áo phòng dịch, găng tay cao su dài, ủng hoặc bao che giày chống thấm. Hóa chất, dung dịch khử trùng là loại có chứa Clo; cồn 70 độ; xà phòng rửa tay hoặc dung dịch sát khuẩn tay có chứa ít nhất 60% cồn.
Khu vực trong nhà/phòng ở/căn hộ của bệnh nhân và trong nhà các phòng ở/căn hộ liền kề xung quanh cần làm sạch và khử trùng.
Áp dụng quy trình lau 2 xô: một xô nước sạch, một xô dung dịch khử trùng chứa 0,05-0,1% Clo hoạt tính. Mỗi lần lau dùng một khăn sạch, không giặt lại khăn trong các xô, mỗi khăn lau không quá 20 m2.
Lau các bề mặt thường xuyên tiếp xúc (bàn, ghế, thành giường, tủ quần áo, tủ lạnh, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo, vòi nước, kệ/tủ bếp, tường nhà, cửa sổ, cửa ra vào…): Dùng khăn lau thấm nước sạch lau sạch các bề mặt cần lau. Dùng khăn lau thấm dung dịch khử trùng lau các bề mặt cần lau theo nguyên tắc từ chỗ sạch đến chỗ bẩn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới.
Lau nền nhà (phòng ngủ, phòng khách, phòng tắm, khu bếp, nhà vệ sinh, phòng bếp, cầu thang, ban công,…): Lau bằng nước sạch trước. Nếu nền nhà có rác thì vừa lau sàn vừa dồn rác lại.
Lau khử trùng: Dùng cây lau nhà thấm dung dịch khử trùng để lau từ nơi sạch đến nơi bẩn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới.
Chú ý sử dụng cồn 70 độ để lau bề mặt các thiết bị điện, điện tử như công tắc đèn, điều khiển, tivi, điện thoại…Trước khi lau phải tắt nguồn điện. Khi xô nước hoặc xô dung dịch lau bẩn, cần phải thay nước hoặc dung dịch khử trùng mới.
Tất cả rác thải phát sinh của nhà bệnh nhân phải được coi là chất thải lây nhiễm. Rác thải được thu gom vào túi màu vàng, buộc chặt miệng túi và cho vào một túi màu vàng khác, tiếp tục buộc chặt miệng túi. Các túi màu vàng đều phải dán nhãn “chất thải có nguy cơ chứa nCoV”.
Xử lý đồ dùng vật dụng cá nhân sử dụng lại (quần áo, chăn màn, bát đũa, cốc chén…) của bệnh nhân cũng cần chú ý. Đồ vải như quần áo, chăn màn, ga gối đã sử dụng cần được ngâm ngập hoàn toàn dung dịch khử trùng chứa 0,05% Clo hoạt tính trong thời gian tối thiểu 20 phút trước khi giặt sạch.
Video đang HOT
Đồ dùng đựng thức ăn, nước uống của bệnh nhân phải được ngâm ngập hoàn toàn trong dung dịch khử trùng chứa 0,05% Clo hoạt tính trong 10-20 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Trong trường hợp không có hóa chất khử trùng thì có thể đun sôi trong 10-15 phút.
Phun khử trùng tại khu cách ly tập trung. Ảnh: Ngọc Thành.
Khu vực bên ngoài nhà/phòng ở/căn hộ của bệnh nhân và bên ngoài các phòng ở/căn hộ/nhà liền kề xung quanh cần sử dụng dung dịch khử trùng có chứa 0,1% Clo hoạt tính để phun đều lên bề mặt được khử trùng với liều lượng 0,3-0,5 lít/m2.
Nếu nơi ở của người bệnh là nhà chung cư, tập thể, ký túc xá, khách sạn, nhà trọ, nhà nghỉ, cơ sở cách ly tập trung… thì cần phun ở phòng ở/căn hộ của bệnh nhân. Các căn hộ/phòng liền kế với phòng ở/căn hộ của bệnh nhân.
Ngoài ra cần phun các khu vực sử dụng chung gồm: Hành lang, lối đi chung cùng tầng hoặc cùng dãy với phòng ở/căn hộ của bệnh nhân. Cầu thang bộ, thang máy, sảnh chờ của tòa nhà. Các khu vực sử dụng chung khác của tòa nhà.
Nếu nơi ở của bệnh nhân là nhà riêng cần phun tường bên ngoài, mặt ngoài cửa sổ, cửa ra vào của nhà bệnh nhân. Phun toàn bộ sân, vườn, nhà bếp, không gian chung của nhà bệnh nhân, nếu có.
Đối với nhà liền kề xung quanh với nhà bệnh nhân cần phun tường bên ngoài, mặt ngoài cửa sổ, cửa ra vào. Phun sân, vườn, nhà bếp, khu vực chung, nếu có; Phun vỉa hè, đường đi, lối đi chung của nhà bệnh nhân với các nhà liền kề xung quanh. Phun các khu vực công cộng tiếp giáp với nhà bệnh nhân như sân chơi, khu tập thể dục thể thao ngoài trời…
Chú ý, sau khi phun các khu vực sử dụng chung, yêu cầu cư dân/người lưu trú không đi lại trong vòng 30 phút để đảm bảo hiệu quả khử trùng. Căn cứ vào tình hình thực tế tiếp xúc của bệnh nhân với môi trường tại nơi ở, nơi cư trú để điều chỉnh, bổ sung vị trí phun khử khuẩn cho phù hợp.
Sau khi phun cần gom các túi đựng chất thải lây nhiễm, phương tiện bảo vệ cá nhân đã sử dụng vào thùng đựng chất thải lây nhiễm và đưa đi xử lý theo quy định. Vệ sinh tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn ngay sau khi kết thúc công việc khử trùng, xử lý môi trường.
Lê Nga
Khẩu trang mùa dịch Covid-19: Chỉ cần làm "điều nhỏ" sẽ có ý nghĩa lớn với nhân viên y tế
Đó là lời kêu gọi của rất nhiều người về việc người dân trong tình huống không cần thiết có thể dùng khẩu trang vải thông thường còn khẩu trang y tế ưu tiên cho nhân viên y tế.
Cần tiết kiệm khẩu trang y tế
Khi dịch Covid-19 xảy ra ở Vũ Hán với số ca mắc, ca tử vong tăng lên hàng ngày, người dân đổ xô mua khẩu trang y tế phòng bệnh vì được các chuyên gia khuyến cáo sử dụng khẩu trang y tế phòng được bệnh. Điều này đã khiến tình trạng khẩu trang y tế tăng giá phi mã, nguồn hàng ngày càng khan hiếm.
Nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng không có khẩu trang y tế dùng cho nhân viên. Nhân viên bệnh viện phải sử dụng khẩu trang vải kháng khuẩn vì không mua được khẩu trang y tế.
GS Nguyễn Gia Bình - Nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi nhân viên y tế rơi vào tình trạng thiếu khẩu trang thì rất nguy hiểm vì nguy cơ lây chéo mọi loại bệnh truyền nhiễm ở bệnh viện lúc nào cũng cao không riêng gì với dịch Covid-19.
Các bác sĩ làm việc trong bệnh viện nhưng cũng chỉ được cấp khẩu trang kháng khuẩn bằng vải và tự giặt.
GS Bình khuyến cáo người dân nếu không đi vào các khu vực như bệnh viện, khu đông người, nơi có nguy cơ cao như sân bay thì có thể dùng khẩu trang vải thông thường thay vì khẩu trang y tế.
Về nguyên tắc lây nhiễm Covid-19 là các virur Sars-CoV-2 lây qua các giọt bắn chứa protein. Những giọt bắn này từ người mang virus phát ra qua ho, hắt hơi hoặc nói quá to. Nếu đeo khẩu trang vải cũng có thể ngăn được giọt bắn tiếp xúc với chính mình. Vì thế, những người không đi lại ở khu vực nguy hiểm thì dùng khẩu trang vải là đủ phòng bệnh.
Nhiều nhân viên y tế ở Hà Nội tâm sự với GS Bình họ không còn khẩu trang y tế để dùng mà phải tự mua hoặc chờ được tặng nhưng cũng chỉ dùng tiết kiệm ngày 1 cái. Khẩu trang khuyến cáo dùng 1 lần còn họ phải học cách tháo khẩu trang an toàn để tái sử dụng. Một số người được bệnh viện cấp cho 5 khẩu trang vải kháng khuẩn và phải tự giặt.
Việc người dân mua ào ạt khẩu trang N95 trong thời gian qua cũng có thể làm giảm khả năng cung cấp cho các bệnh viện và dẫn đến khả năng có thể không đủ N95 khi bệnh nhân tiếp tục tăng lên, mà dịch thì còn diễn biến phức tạp.
Bảo vệ nhân viên y tế
Theo bác sĩ Trần Ánh Dương - Bệnh viện Việt Nam Cu Ba, Đồng Hới, Quảng Bình, trong tình hình dịch bệnh trên toàn cầu như hiện nay, nhân viên y tế được xem là nguồn tài nguyên quý giá của mỗi quốc gia. Do vậy, họ là đối tượng cần được ưu tiên bảo vệ hàng đầu.
Theo số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho thấy hơn 3.300 nhân viên y tế đã bị nhiễm Covid-19 và ít nhất 22 người đã chết.
Bác sĩ Dương cho rằng nên bảo vệ nhân viên y tế từ việc nhỏ nhất đó là ưu tiên nguồn cung khẩu trang y tế cho họ.
Italy có 20% nhân viên y tế nhiễm bệnh và có nhiều bác sĩ đã chết. Họ kiệt sức về thể chất lẫn tinh thần. Họ bị dằn vặt về lương tâm khi đưa ra các quyết định trong những tình huống khó khăn như sẽ cứu ai, ai sẽ chết vì thiếu thiết bị y tế. Ngoài ra, họ rất đau đớn khi đồng nghiệp ra đi trong tay mình.
Làm việc trong môi trường thiếu thiết bị bảo vệ cá nhân (personal protective equipment -PPE) dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế. Ở mọi quốc gia, khi dịch bệnh xảy ra, nhân viên y tế được ưu tiên hàng đầu để tiếp cận với PPE. Vì nếu, nhân viên y tế nhiễm bệnh thì sẽ dẫn đến thiếu nhân lực y tế điều trị cho người bệnh.
"Nhân viên y tế, không giống như máy thở hoạt động liên tục 24/24h mà không ngơi nghỉ. Máy móc thiết bị y tế thiếu thì có thể sản xuất lấp đầy trong vài tuần hoặc vài tháng. Nhưng thời gian để đào tạo ra một bác sĩ lành nghề lên đến 10 năm" - bác sĩ Dương nhấn mạnh.
Hiện nay ở nước ta, rất nhiều bệnh viện đang xảy ra tình trạng thiếu PPE cho các nhân viên y tế tuyến đầu, đặc biệt là khẩu trang y tế. Nhiều nơi, nhân viên y tế chỉ được dùng khẩu trang vải để cấp cứu và khám bệnh hàng ngày. Nhiều bệnh viện đặt hàng cho các công ty sản xuất khẩu trang y tế trong nước với giá cao hơn bình thường nhưng vẫn không có.
Trong mấy ngày qua, đã có 2 nữ điều dưỡng thuộc Trung tâm Lâm sàng các bệnh Nhiệt đới- Bệnh viện Bạch Mai đã nhiễm Covid-19. Một nam bác sĩ 29 tuổi, thuộc khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh đã nhiễm bệnh. Là một bác sĩ, anh Dương khẳng định "chúng tôi đang rất cần khẩu trang y tế".
Bảo Lâm
Vì sao cách ly tập trung xong cần bắt buộc cách ly tại nhà thêm 14 ngày? Nguy cơ lây nhiễm chéo trong các nơi cách ly tập trung rất cần được quan tâm, nhất là khi người được cách ly không tuân thủ các quy tắc an toàn trong tiếp xúc với nhau (cách 2 m, mang khẩu trang). Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm- thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 vừa đăng tải cảnh báo...