Các loại thực phẩm chức năng giúp tăng sức đề kháng trong mùa dịch
Một số thực phẩm chức năng có thể giúp cải thiện sức khỏe, tăng sức đề kháng, giảm lo âu, căng thẳng. Tuy nhiên, điều quan trọng là mọi người nên duy trì lối sống khỏe mạnh.
Zing.vn xin đăng tải bài viết của TS.DS Phạm Đức Hùng (từng thực tập ở Đại học Harvard, Mỹ; tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Leuven, Vương quốc Bỉ; hiện làm việc tại Bệnh viện Nhi Cincinnati, Ohio, Mỹ) về các loại thực phẩm chức năng giúp nâng cao sức khỏe trong mùa dịch Covid-19.
Thực phẩm chức năng được quản lý bởi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Mỗi năm, khoảng 50% số người lớn sử dụng các thực phẩm chức năng, chi gần 30 tỷ USD.
Trong tình hình dịch Covid-19, một số thực phẩm chức năng có thể giúp cải thiện sức khỏe, tăng cường chức năng hệ miễn dịch, giảm lo âu, căng thẳng sẽ có lợi ích. Đa số vitamin dưới đây đều có thể được hấp thu thông qua thức ăn sạch sẽ. Việc bổ sung chỉ nên cho người cao tuổi hoặc người bị rối loạn tiêu hoá dẫn đến khó hấp thu.
Một số loại có khả năng chống virus gây bệnh hô hấp, nhưng không có sản phẩm nào chống Covid-19 đã được chấp nhận bởi FDA.
Vitamin C
Bệnh nhân Covid-19 thường có các triệu chứng như mệt mỏi, đau nhức, sốt, ho và sổ mũi. Vitamin C là chất chống oxy hoá tự nhiên bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân có hại, ảnh hưởng quá trình chuyển hoá, làm giảm mệt mỏi, căng thẳng. Nhiều nghiên cứu lâm sàng cho thấy bổ sung vitamin C làm giảm viêm do cảm. Ngoài ra, trị liệu liều cao của vitamin C giúp giảm triệu chứng trong nhiễm trùng và hội chứng stress hô hấp do virus.
Một số sản phẩm có khả năng chống virus gây bệnh hô hấp. Ảnh: Terrytalksnutrition.
Gần đây, nhiều dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy tiêm vitamin C giúp chống lại Covid-19 trên nhiều bệnh nhân. Nhiều bác sĩ ở New York sử dụng vitamin C cho bệnh nhân Covid-19 nặng theo chế độ trị liệu nhân ái. Lưu ý rằng, dùng vitamin C trị Covid-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng hoặc điều trị theo chế độ nhân ái, vẫn chưa có khuyến cáo chính thức của các cơ quan y tế. Vì vậy, người dân nên sử dụng Vitamin C như một thực phẩm chức năng hoặc có thể bổ sung dễ dàng thông qua thực phẩm.
Vitamin D
Vitamin D tăng cường khả năng chống vi sinh gây bệnh của tế bào miễn dịch, tăng cường phản ứng miễn dịch. Nhiều nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin D đầy đủ giúp giảm nguy cơ viêm phổi và tỷ lệ bị trầm cảm, lo âu.
Video đang HOT
Vitamin D cũng giúp cải thiện khả năng chống virus của những bệnh nhân viêm gan C hay HIV đang được điều trị với trị liệu chuẩn. Ngược lại, thiếu vitamin D tăng nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp trên, bao gồm cảm cúm và hen suyễn dị ứng.
Người khỏe mạnh trưởng thành có thể nạp vitamin D dễ dàng qua việc tiếp xúc ánh sáng mặt trời. Những người cao tuổi có thể bổ sung vitamin D thông qua các viên multivitamin bổ sung. Các thực phẩm có nhiều vitamin D như nấm, cá và trứng.
Omega-3 (dầu cá)
Sản phẩm bổ sung Omega-3 cần chứa ít nhất một trong ba thành phần sau: DHA (docosahexaenoic acid), EPA (Eicosapentaenoic acic) và ALA (Alpha-linolenic acid).
Omega-3 nói chung làm tăng cường khả năng kháng viêm và làm giảm căng thẳng, tạo cảm giác sảng khoái. Ảnh: Sibenski.
Omega-3 nói chung làm tăng cường khả năng kháng viêm và làm giảm căng thẳng, tạo cảm giác sảng khoái. Nhiều thử nghiệm lâm sàng chứng minh lợi ích của việc bổ sung thực phẩm có Omega-3 trong các bệnh viêm và tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, đa xơ cứng, viêm đường ruột và giúp giảm lệ thuộc vào các thuốc kháng viêm. DHA và EPA có tác dụng tốt hơn ALA.
Kẽm
Kẽm thường được thêm vào nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe hay thực phẩm chức năng vì khả năng tăng cường đề kháng. Kẽm có vai trò rất quan trọng cho sự phát triển tế bào, truyền tín hiệu và làm giảm phản ứng viêm.
Những người thiếu kẽm thường có nhiều nguy cơ bị viêm đường hô hấp hơn. Bệnh thiếu kẽm ảnh hưởng gần 2 tỷ người trên thế giới. Khoảng 30% người lớn tuổi được coi là thiếu lượng kẽm cần thiết. Nhiều nghiên cứu cho thấy, bổ sung kẽm giúp bảo vệ đường hô hấp khỏi viêm và cảm lạnh. Đồng thời, chúng cũng giúp cho trẻ em bị bệnh viêm hô hấp cấp khoẻ mạnh nhanh hơn.
Việc sử dụng kẽm lâu dài tương đối an toàn cho người trưởng thành, tuy nhiên liều dùng mỗi ngày không vượt quá 40 mg. Vì kẽm có trong nhiều viên đa vitamin khác nhau, nên tính toán liều dùng cẩn thận. Sử dụng kẽm quá liều ngăn cản hấp thu đồng, tăng nguy cơ bị viêm.
TS.DS.Phạm Đức Hùng. Ảnh: NVCC.
Prebiotics
Prebiotics là những thành phần mà ruột non của ta không tiêu hóa. Vì vậy, chúng sẽ được lưu thông trong đường tiêu hoá và tác động tốt đến các vi khuẩn có lợi (như Lactobacilli và Bifidobacteria), tăng cường hệ tiêu hoá.Hệ tiêu hoá được xem như bộ não thứ hai của cơ thể vì chúng có nhiều kết nối với tế bào thần kinh và não. Ngoài ra, rất nhiều tế bào và cơ quan miễn dịch nằm ở hệ tiêu hoá. Nếu ruột và bao tử không khoẻ mạnh sẽ tiết ra nhiều chất gây viêm, gây lo âu và tăng nguy cơ trầm cảm.
Việc sử dụng prebiotics tăng cường bảo vệ ruột và hệ miễn dịch tại ruột. Prebiotics có thể được tìm thấy trong nhiều thực phẩm chức năng, hoặc trong các loại thực phẩm hàng ngày như tỏi, hành tây, măng tây, chuối, và yến mạch.
Các thực phẩm chức năng khác với tiềm lực tăng cường hệ miễn dịch
Các vitamin nhóm B đặc biệt là B6: Giúp tăng đáp ứng chống virus, đẩy mạnh năng lượng trong tế bào để tăng cường tín hiệu và chức năng. B6 kích hoạt sản xuất hồng cầu và giảm viêm.
Dịch chiết từ cây cơm cháy đen (Sambucus nigra): Tiềm năng chống virus và vi khuẩn, giảm thời gian và độ nặng của cảm, giảm triệu chứng viêm đường hô hấp trên.
Selenium và Magnesium: Cùng với kẽm là những nguyên tố vi lượng rất cần cho sự đề kháng, tăng khả năng chống virus như cúm mùa.
Các sản phẩm trên đã được nghiên cứu và cho thấy tiềm năng tăng cường thể trạng và đề kháng của hệ miễn dịch, nhưng tác dụng của chúng chỉ rất nhỏ, mang ý nghĩa bổ sung. Quan trọng, mọi người nên duy trì lối sống khoẻ mạnh, tập thể dục điều độ, ăn uống sạch sẽ, ngủ đủ giấc, bỏ hút thuốc và rượu. Chính lối sống lành mạnh là cách tốt nhất để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
Tài liệu tham khảo:
Prietl B et al. Vitamin D and Immune Function. Nutrients 2013.
Martinaeu et al. Vitamin D Supplementation to Prevent Acute Respiratory Infections: Individual Participant Data Meta-Analysis.
Simopoulos AP. Omega-3 fatty acids in inflammation and autoimmune diseases. J Am Coll Nutr. 2002.
Wessels et al. Zinc as a Gatekeeper of Immune Function. Nutrients 2017.
Rerksuppaphol et al. A randomized controlled trial of zinc supplementation in the treatment of acute respiratory tract infection in Thai children. Pediatr Rep 2019.
Klaenhammer et al. The impact of probiotics and prebiotics on the immune system. Nature Review Immunology 2012.
Lii et al. Intravenous Vitamin C as Adjunctive Therapy for Enterovirus/Rhinovirus Induced Acute Respiratory Distress Syndrome. World J Crit Care Med 2017.
Li et al. Evidence is stronger than you think: a meta-analysis of vitamin C use in patients with sepsis. Crit Care 2018.
Tại sao có người nhiễm Covid-19 thì bị bệnh, có người không bị bệnh?
Khi bị nhiễm mầm bệnh, một người có bị bệnh hay không sẽ phụ thuộc vào các yếu tố từ mầm bệnh và các yếu tố từ người bị nhiễm mầm bệnh.
Bị bệnh hay không là kết quả của cuộc chiến giữa mầm bệnh và con người, nếu mầm bệnh thắng thì người đó sẽ bị bệnh.
Cùng một người nhưng nếu bị nhiễm với số lượng virus ít và độc lực của virus thấp có thể sẽ không phát thành bệnh; cùng lượng virus nhưng khả năng đề kháng chống virus của mỗi người khác nhau, trong đó người có sức đề kháng tốt có thể không bị bệnh. Vì vậy, bên cạnh việc bảo vệ bản thân hạn chế lây nhiễm mầm bệnh, luyện tập làm tăng sức đề kháng chung cũng góp phần phòng, chống bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng.
Trung tâm bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng An ninh tỉnh Khánh Hòa, nơi cách ly 120 trường hợp. Ảnh: qdnd.vn.
Người bị bệnh do Covid-19 một lần đã khỏi có thể có hoặc không bị lại bệnh này, tùy theo từng điều kiện nhất định. Nếu Covid-19 tạo được miễn dịch bền vững như virus sởi hoặc quai bị thì không bị lại; tuy nhiên điều này chưa thể khẳng định được vì còn quá sớm. Nếu miễn dịch không bền vững, trong giai đoạn đầu mới khỏi bệnh, lượng kháng thể đủ mạnh thì có thể không bị lại, nhưng đến giai đoạn sau, lượng kháng thể đặc hiệu mất dần đi thì vẫn có thể bị lại. Trong trường hợp này thì cần sử dụng vắc-xin để khôi phục lại khả năng đề kháng chống virus.
NGỌC ANH (theo Sổ tay "100 câu hỏi - đáp về dịch bệnh Covid-19" của Học viện Quân y)
5 cách cần làm ngay để tăng cường sức đề kháng Bên cạnh việc tập luyện thể thao, chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh, thì việc bổ sung vitamin C mỗi ngày giúp tăng cường sức đề kháng phòng chống các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể là "phương thuốc" hữu hiệu hiện nay. Sức đề kháng là gì? Theo các chuyên gia y tế,...