Cách Disney kiếm tiền từ thảm họa phòng vé
Thành công rực rỡ của “ Finding Dory” và “ Incredibles 2″ đều có phần đóng góp từ những bộ phim đáng quên.
Với 251 triệu USD doanh thu toàn cầu tính tới cuối tuần vừa qua, Tenet của Christopher Nolan đang trên đà vượt qua Tomorrowland (thu về 209 triệu USD năm 2015) và John Carter (ra mắt năm 2012 với doanh thu toàn cầu 285 triệu USD) – những “bom xịt” đóng vai trò quan trọng bất ngờ với sự phát triển của Disney.
Theo Scott Mendelson của Forbes, dù đều là thảm họa phòng vé, thành tích đáng thất vọng của T omorrowland và John Carter đã mở đường cho sự ra đời của hai tựa phim hoạt hình nổi tiếng, giúp “nhà chuột” duy trì được vị thế bất di bất dịch giữa nền văn hóa đại chúng trong 5 năm trở lại đây.
Britt Robertson trong Tomorrowland. Ảnh: Disney.
Nói một cách đơn giản, khi phân tích thành công mặt thương mại cũng như ảnh hưởng văn hóa của Finding Dory và Incredibles 2, dễ dàng nhận ra vai trò của hai tựa phim John Carter và Tomorrowland như những sự đầu tư đường dài vững chắc.
Thảm họa phòng vé của Disney
Bộ phim John Carter của Andrew Staton có nội dung dựa trên cuốn sách A Princess of Mars của Edgar Rice Burroughs. Từ trước khi ra mắt, tác phẩm đã nhận được sự quan tâm của khán giả và giới phê bình.
Bộ phim tiêu tốn kinh phí sản xuất 250 triệu USD, với gương mặt nam chính kém tên tuổi (Taylor Kitsch). Theo tính toán, John Carter cần kiếm được 1 tỷ USD từ phòng vé toàn cầu (tương đương doanh thu Alice in Wonderland (2010) của Tim Burton) mới mong thành công.
John Carter ra rạp từ đầu tháng 3/2012 và lập tức hứng chịu những bình luận trái chiều kèm sự thờ ơ từ khán giả. Phim thu về 72 triệu USD từ thị trường Bắc Mỹ và 284 triệu USD từ phòng vé toàn cầu.
John Carter khiến Disney thua lỗ 200 triệu USD trong năm 2012. Ảnh: Disney.
Cuộc phiêu lưu xuyên hành tinh trên màn ảnh rộng của John Carter mang theo tham vọng tạo ra thêm một series ăn khách khác theo mô-típ Pirates of the Caribbean của Disney sau chùm phim The Sorcerer’s Apprentice, Tron: Legacy hay Prince of Persia: The Sands of Time không mấy thành công năm 2010.
Tuy nhiên, việc ngay lập tức cho ra đời thêm một series với mức độ nổi tiếng ngang ngửa Pirates of the Caribbean là một nhiệm vụ bất khả thi, ngay cả với Disney. “Nhà chuột” chưa hề tính đến việc danh tiếng và tầm ảnh hưởng của Pirates of the Caribbean vào những năm đầu thập niên 2010 có thể sánh ngang với thương hiệu Harry Potter.
Bên cạnh đó, khán giả nhận xét phiên bản điện ảnh của John Carter trông giống một bản sao chắp vá ý tưởng từ nhiều bộ phim khác nhau ( Star Wars, Avatar…) thay vì một bộ phim được truyền cảm hứng từ nguyên tác A Princess of Mars.
Ba năm sau, Tomorrowland ra mắt vào nửa cuối tháng 5/2015, lấp chỗ trống mà Star Wars: The Force Awakens để lại sau khi dời lịch phát hành tới tháng 12. Disney vội vã phát hành bộ phim với sự góp mặt của Britt Robertson, George Clooney và Raffey Cassidy khi việc truyền thông cho bộ phim vẫn chưa đạt tới độ “chín”.
Trailer và các đoạn giới thiệu phát trên truyền hình của Tomorrowland tiết lộ bộ phim là tác phẩm phiêu lưu giả tưởng lấy cảm hứng từ một trò chơi trong công viên giải trí Disney. Còn lại, nội dung phim đơn thuần là một bí ẩn gây bất ngờ.
Một phần thất bại của Tomorrowland đến từ kế hoạch truyền thông nhiều thiếu sót. Ảnh: Disney.
Sau khi Tomorrowland phát hành và yêu cầu ẩn bình luận phim được gỡ bỏ, làn sóng phản hồi tiêu cực từ phía khán giả và người phê bình đã đặt dấu chấm hết cho bộ phim. Động thái lèo lái truyền thông của Disney chính là khẳng định hùng hồn nhất cho chất lượng nghèo nàn của Tomorrowland.
Tomorrowland là ví dụ cho bình luận giết chết tương lai của một tác phẩm. Tranh cãi xoay quanh bộ phim nhấn mạnh việc chuyện phim đầu voi đuôi chuột, không tương xứng với mức kinh phí 190 triệu USD, quá bạo lực để trở thành phim cho mọi lứa tuổi… Quan trọng nhất, chiến dịch quảng bá cho bộ phim đã vô tình để lộ nội dung tác phẩm.
Phim thu về 42 triệu USD trong tuần đầu tiên và 209 triệu USD doanh thu toàn cầu. Thất bại của Tomorrowland (cùng Pete’s Dragon, Queen of Katwe và A Wrinkle in Time) giữa thời điểm loạt hậu truyện như Avengers: Age of Ultron, Pitch Perfect 2 hay Mad Max: Fury Road thành công tại phòng vé đã cho Disney thêm quyết tâm theo đuổi kế hoạch chuyển thể các tác phẩm văn học cổ điển hoặc sản xuất bản làm lại của các bộ phim kinh điển.
Tiền đề của các bom tấn tỷ USD
John Carter ra mắt chỉ hai tuần trước khi The Avengers của Marvel Studios phát hành và mở ra trang sử mới cho dòng phim siêu anh hùng tại Hollywood với 623 triệu USD doanh thu tại Bắc Mỹ và 1,519 tỷ USD toàn cầu. Một tháng sau đó, Brave của Pixar thu về 540 triệu USD toàn cầu. Tomorrowland cũng rơi vào thảm cảnh tương tự khi mắc kẹt giữa Avengers: Age of Ultron (1,405 tỷ USD toàn cầu) của Marvel Studios và Inside Out (856 triệu USD) của Pixar.
Về tổng thể, Disney dễ dàng vượt qua những thất bại nghiêm trọng tại phòng vé khi sắp xếp những tựa phim nhiều khả năng thua lỗ đi kèm một bom tấn thành công rực rỡ.
The Good Dinosaur (thu về 327 triệu USD) phát hành chỉ một tháng trước Star Wars: The Force Awakens (doanh thu 2,068 tỷ USD) và Solo: A Star Wars Story (doanh thu 394 triệu USD) phát hành giữa Avengers: Infinity War (2,048 tỷ USD) và Incredibles 2 (1,243 tỷ USD).
Từng có thông tin Disney phê duyệt kế hoạch thực hiện John Carter vì muốn níu chân nhà làm phim Andrew Stanton. Kế hoạch sản xuất hậu truyện Finding Nemo được “nhà chuột” công bố ngày 17/7/2012, chỉ một tháng sau khi John Carter ra rạp và thua lỗ khoảng 200 triệu USD. Stanton là đạo diễn của cả ba tựa phim: Finding Nemo (2003), John Carter và Finding Dory (2016).
Năm 2018, bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết A Wrinkle in Time cũng không thể hòa vốn. Ảnh: Disney.
Tương tự, thông tin phim hoạt hình Incredibles 2 do Brad Bird viết kịch bản và đạo diễn được Disney chính thức công bố chỉ hai ngày trước khi yêu cầu ẩn các bình luận liên quan tới Tomorrowland được gỡ bỏ. Cả hai trường hợp kể trên đều không thể là trùng hợp.
Tại sao phim lỗ nhưng Disney vẫn lãi?
Finding Dory (doanh thu 1,028 tỷ, kinh phí 200 triệu USD) và Incredibles 2 (thu về 1,243 tỷ USD từ 200 triệu USD vốn ban đầu) ít nhiều đã bù lại khoản lỗ mà John Carter (284 triệu USD doanh thu trên 200 triệu USD tiền vốn) và Tomorrowland (thu về 209 triệu USD từ 190 triệu USD chi phí) tạo ra. Tổng số vốn đầu tư Disney chi ra để sản xuất bốn tựa phim vào khoảng 840 triệu USD trong khi tổng doanh thu toàn cầu là 2,764 tỷ USD.
Một điều quan trọng cần phải lưu ý trong tính toàn này là chi phí quảng bá cho các tựa phim không được Disney công bố. Phép tính trên cũng chưa bao gồm doanh thu bán đĩa DVD/Blu-ray của phim cũng như tiền bản quyền phát hành tác phẩm trên các nền tảng trực tuyến và truyền hình. Nó cũng chưa bao gồm đóng góp của Pixar cho sự pháp triển chung của Disney.
Finding Dory là một trong bốn bộ phim mang về cho Disney trên 1 tỷ USD trong năm 2016 bên cạnh Captain America: Civil War (1,153 tỷ USD), Rogue One: A Star Wars Story (1,056 tỷ USD), Finding Dory (1,028 tỷ USD), Zootopia (1,023 tỷ USD).
Năm 2018, Incredibles 2 giúp Disney bù đắp thua lỗ của Solo: A Star Wars Story và The Nutcracker and the Four Realms cũng như trở thành siêu bom tấn của Disney không đến từ Marvel Studios.
Thất bại của John Carter và Tomorrowland cho thấy năng lực thống trị thị trường của Disney. Phim cũng khiến “nhà chuột” sa chân sâu hơn vào vũng lầy mang tên “vắt sữa từ các thương hiệu cũ”.
Dù không thể sánh bằng thành công thương mại của Finding Dory và Incredibles 2, cả John Carter và Tomorrowland vẫn đóng vai trò quan trọng giúp Disney duy trì vị thế thống trị nền văn hóa đại chúng.
Bom tấn siêu anh hùng 'Black Widow' bị xem xét dời lịch
Disney hiện cân nhắc phương án dời lịch chiếu bom tấn tiếp theo từ Vũ trụ Điện ảnh Marvel - "Black Widow" - thay vì cho khởi chiếu bộ phim từ 6/11 như kế hoạch gần nhất.
Tại Mỹ, tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát khiến không ít khán giả đắn đo trong việc ra rạp xem phim. Thực trạng phản ánh qua việc bom tấn Tenet của Christopher Nolan chỉ thu 6,7 triệu USD tại phòng vé Bắc Mỹ trong kỳ nghỉ cuối tuần thứ hai trụ rạp.
Theo Deadline, một nguồn tin cho biết Disney đang xem xét phương án điều chỉnh lịch phát hành Black Widow thay vì giữ nguyên kế hoạch khởi chiếu bộ phim từ 6/11 như đã công bố. Chưa rõ bom tấn siêu anh hùng tiếp tục lùi lịch tới tháng 12 hay sẽ thế chỗ Eternals ra mắt vào 12/2/2021.
Số phận bom tấn Black Widow vẫn chưa được định đoạt. Ảnh: Marvel Studios.
Ngày 15/9, một nguồn tin khác từ Disney bác tin phim hoạt hình Soul sẽ được phát hành trên Disney . Tác phẩm mới đến từ xưởng Pixar hiện được sắp lịch ra rạp từ 20/11, tức trùng ngày với bom tấn về điệp viên 007 mang tên No Time to Die của MGM.
Không lâu trước đây, Disney đã phát hành bom tấn Mulan trên Disney song song với rạp chiếu phim tại những quốc gia và vùng lãnh thổ mà dịch vụ xem phim trực tuyến chưa hoạt động. Hiện Disney vẫn chưa công bố thống kê doanh thu chính thức của Mulan.
Mulan đã thu về 23,2 triệu USD từ thị trường Trung Quốc trên tổng số 37,6 triệu USD doanh thu phòng vé quốc tế. Kết quả này là quá thấp xét trên thực tế Trung Quốc được kỳ vọng là thị trường tiềm năng giúp bom tấn của đạo diễn Niki Caro có thể hòa vốn.
Tương lai của ngành chiếu phim tại Mỹ nói riêng và thế giới nói chung vẫn bao trùm trong sắc xám khi các rạp phải hoạt động cầm chừng và nhiều hãng phim liên tục thay đổi lịch phát hành.
Đầu tháng 9, khi Tenet phát hành tại Bắc Mỹ, rạp chiếu phim tại New York và Los Angeles vẫn chưa mở cửa trở lại. Warner Bros. sau đó đã lùi lịch chiếu Wonder Woman 1984 từ 2/10 tới tháng 12. STX mới dời ngày phát hành Greenland tới quý IV. Hãng Universal cũng đẩy phim kinh dị Candyman sang năm 2021.
Hãng Warner Bros. mới dời lịch Candyman sang 2021. Ảnh: Warner Bros.
Theo kết quả khảo sát mới đây của NRG, 51% khán giả cảm thấy thoải mái ở một mức độ nào đó khi tới rạp xem phim giữa mùa dịch. Con số đã tăng đáng kể so với mức 20%-30% vào những tuần trước đó.
Tuy nhiên, 49% còn lại vẫn cảm thấy không an tâm. Thông tin khác gây bất ngờ không kém là chỉ 41% trong số khán giả sẵn sàng tới rạp nắm được thông tin rạp chiếu phim tại địa phương mình đã mở cửa trở lại.
'Tenet' - phép thử gây thất vọng của Warner Bros. Bom tấn "Tenet" phần nào cho thấy khán giả Mỹ chưa sẵn sàng trở lại rạp chiếu phim. Theo đó, hãng Warner Bros. đã sớm đẩy lịch "Wonder Woman 1984" xuống dịp Giáng Sinh. Hồi đầu tuần, nhà phát hành Warner Bros. thông báo Tenet thu 20,2 triệu USD sau ba ngày đầu khởi chiếu tại gần 2.000 rạp khu vực Bắc Mỹ....