Các vị Bộ trưởng cần có những “cánh tay” nối dài
“Có những việc ông bộ trưởng không thể làm hết được mà phải có những cánh tay nối dài tại địa phương. Cho nên, Chính phủ phải có đề án quy trách nhiệm ngành dọc, ngành ngang cụ thể”, đại biểu Nguyễn Thị Khá nhấn mạnh.
Tại hành lang Quốc hội chiều nay 18/11, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đã trao đổi với báo chí xung quanh việc Bộ trưởng có nên “vi hành” hay “ngồi nhà làm chính sách”.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá.
Đại biểu đánh giá như thế nào về một vị bộ trưởng “vi hành” và một vị bộ trưởng “ngồi nhà làm chính sách”?
Làm chính sách thì cũng phải nghiên cứu và đưa ra đề xuất. Nhưng nghiên cứu không đi thực địa thì không sát cơ sở, không biết dân cần gì, muốn gì; thực tế diễn ra như thế nào. Cho nên làm chính sách phải vừa kết hợp đi thực địa và sau đó mới tổng hợp đa chiều từng lĩnh vực, từng địa phương vùng miền mới ban hành chính sách cho phù hợp.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu bộ trưởng có bộ máy giúp việc tốt thì bộ trưởng không phải ra đường, bởi khi bộ trưởng rời đi thì vụ việc lại vẫn y nguyên như cũ?
Đúng vậy, tôi cũng lo ngại chuyện này. Như ngành giao thông, bộ trưởng vi hành tới điểm nóng nào thì chỗ đó được giải quyết, thế nhưng bộ trưởng không đủ khả năng đi hết các vùng, miền mà phải có các cánh tay của mình như thứ trưởng, giám đốc sở để chỉ đạo, phối hợp, nhịp nhàng, đồng bộ. Nghĩa là khi bộ trưởng đưa ra yêu cầu thì các cấp dưới tuân thủ nghiêm ngặt, theo yêu cầu chứ một mình bộ trưởng thì không làm được.
Nhưng Giám đốc Sở thì lại do UBND tỉnh quản lý, nên dẫn tới tình trạng Bộ trưởng muốn nhưng cũng không thể cắt chức được ông Giám đốc đó. Như tình trạng ở Hải Phòng trước đây, Bộ trưởng Giao thông Vận tải muốn cách chức Giám đốc sở nhưng không thể. Chính điều này đã dẫn tới hiệu lực chỉ đạo điều hành của bộ trưởng không cao?
Chính phủ phải làm rõ quản lý ngành, quản lý theo lãnh thổ, quản lý theo ngành dọc thế nào, theo ngành ngang ra sao. Ông giám đốc sở do chính quyền bổ nhiệm, hội đồng nhân dân phê chuẩn. Nên phải quy định rõ trách nhiệm ngành dọc, ngành ngang, không được lẫn lộn.
Tôi đơn cử như quản lý trong ngành y tế rất khó nếu không có sự chỉ đạo của hệ thống dọc về chuyên môn. Còn vấn đề con người, kiểm điểm, trách nhiệm thì là vấn đề của địa phương. Tức là phải có 1 đề án phân rõ, không lẫn lộn, làm nghiêm minh. Không thể đổ lỗi cho trách nhiệm của địa phương, không chấp nhận mệnh lệnh của ngành dọc. Nhưng cũng có những việc ông bộ trưởng không thể làm hết được mà phải có những cánh tay nối dài tại địa phương. Cho nên Chính phủ phải có đề án quy trách nhiệm ngành dọc, ngành ngang cụ thể như thế nào, quy trách nhiệm rõ ràng ra sao. Khi sai phạm chuyên môn trách nhiệm ngành dọc thì cơ quan địa phương phải xử lý.
Video đang HOT
Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực chuyên môn; còn dưới chính quyền địa phương phải có sự gắn kết. Ví dụ khi Bộ trưởng có văn bản chỉ đạo thì ông Giám đốc Sở chịu sự chỉ đạo của UBND cấp tỉnh; UBND tỉnh phải có văn bản chỉ đạo Giám đốc Sở tuân theo chỉ đạo chuyên môn ngành dọc của bộ trưởng. Muốn xử lý sai phạm nào đó thì phải kết hợp giữa kiểm điểm về chuyên môn và quản lý.
Xin cho biết đánh giá của bà trước tình trạng gần 330 hàm cấp vụ trưởng, vụ phó ở cơ quan trung ương, trong khi trong luật lại không quy định?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã giải thích trong phần trả lời chất vấn của mình. Đúng là vẫn còn có cơ chế chưa rõ ràng. Ví dụ bộ trưởng đề nghị quy định cứng, chứ không thì còn đi xin. Bộ trưởng chỉ với tư cách làm tham mưu chứ không thể quyết định. Có vấn đề thuộc cấp cao hơn, nhưng cũng có vấn đề thuộc cấp tỉnh. Đã phân cấp mạnh mẽ rồi thì phải tuân thủ rõ ràng hơn, quy trách nhiệm rõ ràng. Nếu trách nhiệm đó của bộ quản lý hay chủ quản hay UBND tỉnh thì phải quy rõ ràng, không nhầm lẫn. Không thể để “quýt ăn, rồi cam chịu”.
Ví dụ, Chính phủ chỉ có thể quản lý cấp thứ trưởng thôi, còn cấp trưởng phòng, vụ trưởng thì bộ chủ quản quản lý. Bộ chủ quản làm sai thì phải bị xử lý.
Theo bà, luật chưa có nên tổ chức nhiều hội nghị “Diên Hồng” để nghiên cứu?
Tôi cho rằng nếu bộ trưởng có ý kiến và Quốc hội cũng lên tiếng thì các cơ quan có thẩm quyền các cấp Đảng, Nhà nước, đoàn thể đang tràn lan phải xử lý vấn đề này. Chức danh này không nằm trong luật nào hết. Bộ Nội vụ làm tham mưu cho Chính phủ, Bộ Chính trị để có chỉ đạo chung. Cái gì không nằm trong luật, cá nhân nào làm sai thì phải xử lý không thì người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm.
Liệu bà có chất vấn Thủ tướng về nội dung này, vì hiện tại nhiều cơ quan Chính phủ cấp hàm khá nhiều?
Tới giờ này đại biểu vẫn chưa nhận được văn bản báo cáo của Chính phủ gửi tới “khoanh vùng” những nội dung có thể chất vấn Thủ tướng, xem ngày mai Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn những lĩnh vực nào. Nếu gửi sớm thì đại biểu sẽ có thời gian nghiên cứu và đặt vấn đề chất vấn vào đúng trọng tâm, trọng điểm, không lạc đề.
Tôi cũng nghĩ hỏi trực tiếp Thủ tướng thì cũng được, nhưng chức danh này không chỉ tồn tại ở cơ quan Chính phủ, mà ngay cả ở cơ quan Quốc hội, Đảng cũng có. Chức danh này chưa quy định trong luật, nhưng áp dụng để tính các chế độ, quyền lợi để đáp ứng giải quyết phần nào khó khăn hay gỡ khó … thì cũng cần làm rõ. Nếu rà soát thì phải thực hiện tổng thể trong phạm vi cả nước, ở tất cả các cấp, ngành, ở cả cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thì mới có hiệu lực. Nếu cơ quan hành pháp rà soát mà cơ quan lập pháp, tư pháp không làm sẽ dẫn tới sự so sánh, so bì không đáng có.
- Xin cảm ơn bà!
Nguyễn Hiền
Lương Bộ trưởng khoảng 14,4 triệu đồng mỗi tháng
Tính cả 25% phụ cấp công vụ thì mức tiền lương của người tốt nghiệp đại học tháng tập sự khoảng 3,36 triệu đồng, Bộ trưởng khoảng 14,4 triệu đồng mỗi tháng.
Tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đầu giờ chiều 18/11, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình giải trình về thực trạng tiền lương của cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, chế độ tiền lương thực hiện từ năm 2003 đến nay đã đạt được một số kết quả. Qua 9 lần điều chỉnh tăng lương tối thiểu chung (lương cơ sở) từ 210.000 đồng lên 1.150.000 đồng mỗi tháng, tăng 447,6%, cao hơn chỉ số giá tiêu dùng do Tổng cục Thống kê công bố là 186,6%.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình.
Trong 10 năm qua, chế độ tiền lương hiện hành phát sinh một số bất hợp lý. Mức lương cơ sở thực hiện từ 1/7/2013 là 1.150.000 đồng tháng - đạt 50,5% bình quân mức lương tối thiểu vùng năm 2014 của khu vực doanh nghiệp dẫn đến các mức lương ngạch, bậc thấp hơn. Tính cả 25% phụ cấp công vụ thì mức tiền lương của người tốt nghiệp đại học tập sự khoảng 3,36 triệu đồng mỗi tháng, bộ trưởng khoảng 14,4 triệu đồng.
"Do thu nhập thấp nên đời sống của người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn khó khăn. Hệ thống thang bậc lương còn bình quân, đổi mới cơ chế với sự nghiệp công lập còn chậm, chưa đạt mục tiêu yêu cầu đề ra", ông Bình nhận xét.
Nguyên nhân của thực trạng trên theo Bộ trưởng Nội vụ là do tốc độ tăng trưởng GDP thấp so với mục tiêu đề ra. Thu ngân sách nhà nước tăng chậm trong khi nhu cầu tăng chi đầu tư phát triển để đảm bảo phát triển kinh tế và tăng chi cho quốc phòng an ninh, an sinh xã hội cùng áp lực giảm bội chi ngân sách nhà nước nên khó bố trí nguồn cho cải cách tiền lương.
Mặt khác, đối tượng hưởng lương và trợ cấp hàng tháng gắn với tiền lương từ ngân sách nhà nước khoảng 7 triệu người, chưa bao gồm quân đội và công an. Do mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ còn thấp nên cơ quan thẩm quyền có mở rộng chế độ phụ cấp đặc thù, ngành nghề, từ đó phát sinh bất hợp lý giữa các ngành nghề.
Bộ Nội vụ đang có kế hoạch thực hiện lộ trình tăng lương thích hợp để đảm bảo cuộc sống của cán bộ, lực lượng công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có thu nhập thấp. Bộ phối hợp với các bộ, cơ quan, thành viên ban chỉ đạo tiền lương nhà nước nghiên cứu, xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Trong đó, định hướng mức lương tối thiểu, khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo lộ trình tiến tới đảm bảo nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương gắn với nhu cầu đổi mới hoạt động sự nghiệp công và phù hợp khả năng của nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bình, do việc triển khai thực hiện giải pháp tạo nguồn và đổi mới cơ chế với các đơn vị sự nghiệp công lập và đổi mới cơ chế sắp xếp, tổ chức bộ máy mới được hơn một năm nên chưa có nhiều kết quả, kinh tế còn nhiều khó khăn chưa thể tăng trưởng cao trong 1 - 2 năm tới nên khó bố trí nguồn cho cải cách tiền lương. Vì vậy, Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương theo các kết luận của trung ương để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét thông qua khi có đủ điều kiện thực hiện.
"Trong thời gian trung ương chưa thông qua đề án, sẽ không bổ sung các phụ cấp theo ưu đãi, trách nhiệm, đặc thù ngành nghề. Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ tài chính căn cứ tình hình kinh tế, xã hội, khả năng ngân sách để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội từng bước điều chỉnh tiền lương cho phù hợp", ông Bình cho hay.
Theo Tờ trình của Ban cán sự Đảng, Chính phủ về triển khai thực hiện kết luận 63 của hội nghị Trung ương 7 khóa 11 về một số vấn đề cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, người có công và định hướng 2020, ban cán sự Đảng, Chính phủ đã dự kiến 3 phương án điều chỉnh tiền lương năm 2015.
Đó là điều chỉnh lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công từ 1/1/2015 tăng thêm 12% (140.000 đồng/ tháng) thì tổng nhu cầu kinh phí quỹ lương tăng thêm là 48.000 tỷ đồng. Thứ hai là điều chỉnh tăng 10% (115.000 đồng/tháng), tổng nhu cầu kinh phí tăng 40.000 tỷ đồng. Và phương án ba là tăng 8% (90.000 đồng mỗi tháng) thì nhu cầu tăng 32.000 tỷ đồng.
Do khả năng ngân sách năm 2015 không bố trí đủ nguồn để thực hiện 1 trong 3 phương án nên Chính phủ trình Quốc hội, phương án tăng thêm 8% từ 1/1/2015 đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống. Dự kiến ngân sách nhà nước phải bố trí 11.000 tỷ đồng.
Để tạo nguồn điều chỉnh tiền lương, theo Bộ trưởng Nội vụ cần thúc đầy sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, chống thất thu ngân sách, thực hành tiết kiệm, đặc biệt là tiết kiệm tối đa chi thường xuyên ngoài lương để bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức.
Một giải pháp nữa là thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện biện pháp tạo nguồn cơ cấu lại nguồn chi ngân sách, điều chỉnh lại chính sách, quan điểm ưu tiên, chi cải cách tiền lương, đầu tư phát triển, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ nhân lực, tài chính, đối với các đv sự nghiệp công lập, xã hội hóa một số loại hình sự nghiệp công.
"Đây là giải pháp đột phá cho việc cải cách tiền lương", ông Bình nhận định và lý giải, số lượng viên chức khoảng 2 triệu người, nếu thực hiện tự chủ trong đơn vị sự nghiệp, tự trả lương thì sẽ giảm được quỹ tiền lương, từ đó giảm biên chế.
Về điều chỉnh lương hưu, nhất là những người về hưu trước năm 1995, Bộ trưởng cho rằng họ tuổi đã cao, sức khỏe yếu, đời sống còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, đặc thù riêng ở miền Nam, đó là những người có tham gia cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, chịu nhiều khó khăn, vào sinh ra tử. Khi giải phóng, thời kỳ đầu chế độ đãi ngộ lại thấp. Ở miền Bắc, những người này cũng là hậu phương lớn của miền Nam, sau giải phóng cũng phải đối mặt với nhiều thiếu thốn.
"Đối tượng này đáng được giải quyết, điều chỉnh lương hưu đã bất hợp lý. Tuổi cao sức yếu lại có nhiều cống hiến, hi sinh, thời gian của họ không còn dài, nên tôi thiết tha đề nghị cần có quan tâm sớm. Đó là đạo lý mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc", Bộ trưởng Nội vụ đề xuất.
Hoàng Thùy
Theo VNE
Nhiều bộ ngành tự "đẻ" ra cấp "hàm" Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, dù văn bản không quy định nhưng nhiều Bộ ngành, cơ quan tự vận dụng cho cán bộ hưởng chế độ theo cấp "hàm". Cá nhân ông Bình nhận thấy đây là vấn đề cần phải quan tâm giải quyết. Chiều ngày 18/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ...