Các ứng dụng gọi xe, gọi đồ ăn “làm hư” người Việt
Đi làm về trễ, chỉ kịp chiên cơm với trứng, chị Uyên (Tân Bình, TP.HCM) lập tức mở ứng dụng trên điện thoại ra đặt thêm 3 phần canh của tiệm ăn gần nhà.
Mặc dù trời mưa nhẹ, ứng dụng mất một chút thời gian mới có tài xế nhận đơn nhưng sau khi chiên cơm xong, hai vợ chồng và đứa con nhỏ nhà chị cũng kịp nhận được canh từ người giao hàng.
“Đang có khuyến mại free ship (miễn phí giao hàng), chị Uyên nói với chồng vì anh có vẻ tiếc tiền. Trên công ty, hầu như ngày nào tầm cuối giờ chiều chị Uyên và các đồng nghiệp cùng phòng đều đặt các món ăn nhẹ hoặc trà sữa để ăn vặt, có sức làm việc tới quá giờ tan tầm.
Tài xế công nghệ đang xếp hàng chờ mua trà sữa cho khách trong một dịp khuyến mại
Chị Uyên làm việc 5 ngày mỗi tuần, 10 buổi đi về thì gần nửa trong số đó đi xe qua các ứng dụng gọi xe. Gia đình chị về quê cách đó 50km cũng sẽ “book” xe 4 chỗ qua ứng dụng.
“Ngày nào đi họp ở mấy chỗ khó tìm thì chị sẽ book xe máy cho tiện. Có những lúc kẹt xe, thấy mấy em tài xế len lỏi thấy thương, chị toàn phải “bo” thêm”, chị Đông – phóng viên chuyên viết về công nghệ – nói.
Khi nhu cầu gọi đồ ăn lên cao, rất dễ bắt gặp hình ảnh các tài xế của nhiều ứng dụng xếp hàng ở các quán trà sữa, quán cà phê, quán ăn tại các thành phố lớn, nhất là TP.HCM.
Chứng kiến cảnh tài xế xếp hàng này, một người từng nêu ý kiến, rằng chẳng mấy chốc người Việt sẽ không biết đi xe máy, lười di chuyển, không biết nấu ăn. Tuy vậy xu hướng này không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà khắp Đông Nam Á, gồm Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia,… Và việc không biết đi xe máy là tốt hay xấu? Rõ ràng một trong những mục tiêu ban đầu của các ứng dụng gọi xe là nhằm hạn chế xe cá nhân, góp phần giảm kẹt xe.
Từ gọi xe đến gọi thức ăn, rồi “ghiền” lúc nào không hay
Là một người đàn ông trưởng thành, tôi quen với việc tự chạy xe máy chở người yêu, rồi chở vợ, đến giờ chở cả gia đình trên chiếc xe hai bánh. Hoạ hoằn lắm tôi mới ra đầu ngõ gọi chú xe ôm quen để đi đâu đó. Bình thường, nếu phải gọi xe ôm ở mấy chỗ xa lạ thì tôi thường bị “chém” vì không biết mặc cả giá, hoặc rất khó mặc cả với những chú xe ôm lớn tuổi.
Một khách hàng chờ tài xế công nghệ trả lại tiền sau chuyến đi
Chỉ đến một ngày khi vào tình thế buộc phải thử gọi xe máy qua ứng dụng, tôi mới thấy mọi thứ thật dễ dàng, và rẻ (ở thời điểm đó). Chỉ cần bấm vài nút trên điện thoại, sau đó chờ xe đến rước, tôi chẳng cần phải mặc cả giá, cũng không lo bị chở đi lòng vòng, và giá đi xe máy thì vẫn thấy rẻ. Nếu có một từ để diễn tả ưu điểm của các ứng dụng gọi xe thì từ đó có thể là “tiện dụng”.
Ngày nay, ở Sài Gòn, có lẽ hiếm ai chưa từng di chuyển một lần trên những chiếc xe công nghệ, đặc biệt là nữ giới. Đi uống cà phê, họp hành, đi làm, đi học… đều có thể gọi xe, dễ nhất và rẻ nhất là book xe máy. Không cần phải loay hoay kiếm chỗ giữ xe, không cần nghĩ đến chuyện dắt xe ra vào công ty hay trường học, nhất là việc phải chạy xe dưới cái nắng Sài Gòn, chính là những ưu điểm mà các ứng dụng gọi xe mang lại.
Trên đường phố Sài Gòn và Hà Nội, tài xế công nghệ mặc đồng phục chạy đầy đường, lúc nào cũng đang chở khách. Gần đây, một ứng dụng gọi xe còn ra tính năng cho phép người dùng đến bắt xe trực tiếp một tài xế công nghệ gặp trên đường mà không cần book trước. Với tính năng này, các tài xế xe ôm truyền thống càng mất khách.
Nói tới đây, tôi mới nhớ chú tài xế xe ôm hay đứng dưới cổng chung cư nhà tôi nay không còn đứng chờ xe ở góc đường quen thuộc nữa.
Video đang HOT
Sự tiện dụng giúp các ứng dụng gọi xe bùng nổ toàn thế giới, luôn được nêu trong các ví dụ khi nói về nền kinh tế chia sẻ. Sau khi xâm chiếm thị phần mảng gọi xe, các ứng dụng này, với sự hỗ trợ tài chính từ những tập đoàn công nghệ lớn nhất toàn cầu, tung ra các dịch vụ mới để trở thành “siêu ứng dụng”.
Một trong những tính năng bùng nổ ngay sau gọi xe chính là gọi đồ ăn. Giới trẻ và cả giới không còn trẻ làm việc văn phòng bắt đầu quen với việc gọi đồ ăn trưa, đồ ăn xế, thức uống trong giờ hành chính. Những bà nội trợ sau đó bắt đầu gọi đồ ăn vào giờ ăn tối, hình thành nên một thói quen gọi đồ ăn bất kể thời gian, giờ giấc.
Ban đầu, người Sài Gòn chứng kiến các tài xế xếp hàng ở quán trà sữa, quán cà phê để mua và giao cho khách. Giờ đây, người ta bắt gặp các tài xế trong đồng phục đó chờ ở quán bánh cuốn nho nhỏ trên đường, tiệm miến lươn chủ yếu phục vụ khách truyền thống, hay kể cả tiệm bánh mì đầu ngõ cũng đã có tài xế đến mua hàng giao cho khách. Cho thấy mạng lưới phủ của ứng dụng gọi thức ăn là không có điểm dừng, đối tượng khách hàng của mảng này không giới hạn độ tuổi.
Các tài xế đang chờ lấy thức uống tại một quán cà phê để giao cho khách
Sau tính năng gọi xe, gọi đồ ăn sẽ là gì? Trên đường trở thành các siêu ứng dụng, các công ty công nghệ đứng sau các phần mềm đã triển khai vận chuyển nhiều thứ, và chắc chắn còn nghĩ đến nhiều thứ khác, dựa trên hai điểm mạnh của họ: tài xế và ứng dụng.
Trưa nắng, vợ tôi than nhức đầu và không muốn ra khỏi công ty, liền nhắn tin cho tôi nhờ mua thuốc dùm. Tôi đề xuất cho nàng một ứng dụng, rồi ngay sau đó quên luôn không hỏi lại. Mấy ngày gần đây, tôi được biết vợ đã mua vài loại thuốc khác nhau từ ứng dụng đó, và đang nghĩ đến việc thuê giúp việc theo giờ trên ứng dụng này. Vợ tôi nói gọi giúp việc trên ứng dụng có thể thay đổi người này người kia, đánh giá xếp hạng họ.
“Thế bà giúp việc theo giờ vẫn làm cho mình thì sao?” Tôi hỏi, nhưng vợ không trả lời.
Không nhận khách, tăng giá, và gì nữa?
Vấn đề của bất kỳ thói quen nào là bạn khó dứt bỏ khỏi nó. Ban đầu, bạn hào hứng với sự tiện dụng của dịch vụ và giá cả cũng rẻ, tuy nhiên lâu dần mức giá hẳn phải tăng lên vì ngành kinh doanh nào cũng cần lợi nhuận. Nhưng các công ty rất khéo léo trong việc tăng giá, để bạn quen với mức giá mới từ từ và khi nhận ra giá bán đã trở về giá trị thực thì đành tặc lưỡi, vì đã dùng dịch vụ rồi và quá quen với nó.
Các tài xế công nghệ đang chờ khách phía dưới một trung tâm mua sắm
Khi tung ra các dịch vụ mới, những nhà tư bản nước ngoài thường hay dùng từ “educate thị trường”, tức dạy cho người dùng hiểu về sản phẩm hay dịch vụ họ cung cấp. Những ngày đầu ra dịch vụ gọi xe, các ứng dụng thường miễn phí chuyến đi, sau đó giảm 50% cước phí, đến giờ thì các khuyến mại hiếm khi giảm 30% sau khi khách hàng đã hiểu sự tiện dụng của việc gọi xe qua ứng dụng, sẵn sàng trả cước phí theo tính toán của các công ty để sử dụng dịch vụ. Đây là lúc các “thượng đế” sẽ không còn được hưởng chế độ giảm giá như mơ nữa.
Tương tự, đối với các dịch vụ như gọi thức ăn, hầu hết các công ty vận hành ứng dụng vẫn đang chạy các chương trình khuyến mại, như giảm giá hoặc miễn cước vận chuyển cho người dùng nhằm lôi kéo họ sử dụng dịch vụ. Một khi người dùng đã quá quen thuộc với sự tiện dụng do các công ty cung cấp mang lại, mức giá sẽ về với thực tế của nó. Điều này khá dễ hiểu khi bên cạnh việc phải trả đủ tiền cho món thức ăn mình “order”, người dùng phải trả thêm phí vận chuyển cho các công ty, khi đó việc kinh doanh của các công ty này mới phát sinh lãi. Hiện nay chưa có ứng dụng gọi xe nào ở Đông Nam Á có lời dù doanh thu lớn.
Hiện nay, vấn đề chủ yếu nhất của một vài ứng dụng gọi xe chính là mức giá tăng chóng mặt trong giờ cao điểm, và cực kỳ khó bắt xe do tài xế ngại di chuyển trong giờ xe đông. Việc tăng giá cước khá dễ hiểu khi các công ty cần kích thích tài xế đi đón khách bằng cách gia tăng thù lao cho họ, nhưng về phía người dùng sẽ phải trả mức cước cao một khi đã không còn sự lựa chọn khác, hoặc quá quen với việc dùng một ứng dụng nào đó.
Chuyện tương tự cũng xảy đến với việc giao đồ ăn hay các dịch vụ giao hàng khác, rằng khách hàng phải trả đúng số tiền của dịch vụ mà họ được hưởng. Và trong giờ cao điểm, họ sẽ phải chờ giống như nhiều người phải xếp hàng trong quán, và phải trả thêm tiền cho dịch vụ giao hàng, chỉ khác là họ sẽ ngồi chờ ở nhà hay văn phòng công ty.
Kinh tế chia sẻ và các loại hình dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ khác đang mang đến sự tiện dụng chưa bao giờ có trước đó. Những điều lợi trước mắt thật khó cãi, tuy nhiên các tác động phía sau những xu hướng này đến thói quen người dùng và ảnh hưởng của chúng đến những ngành nghề khác thì chưa thể thấy hết.
Theo ICT Ne
Hướng đi nào cho ứng dụng công nghệ AI ở Việt Nam?
Ngày 26/12, Zalo tổ chức sự kiện Zalo AI Summit 2018 tại TP.HCM. Sự kiện có các diễn giả trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang làm việc ở Mỹ và Nhật Bản.
Ngày 26/12, tại sự kiện Zalo AI Summit 2018, nhiều chuyên gia người Việt có ảnh hưởng trong cộng đồng AI trên thế giới, đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ như Alibaba (Mỹ), Line (Nhật) và Viện công nghệ JAIST (Nhật Bản),...cũng về Việt Nam tham dự sự kiện và chia sẻ với các kĩ sư Việt Nam về hướng đi cho trí tuệ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Sự kiện thu hút sự quan tâm của 200 kỹ sư máy tính, lập trình viên, nhà phát triển ứng dụng đang làm việc trong nước.
Zalo AI Summit 2018 có sự góp mặt với vai trò diễn giả của ông Nguyễn Vũ Thanh Tùng đến từ tập đoàn LINE, ông Nguyễn Lê Minh - Viện Khoa học Công nghệ cao Nhật Bản, ông Bạch Hưng Nguyên từ Alibaba, ông Nguyễn Thọ Chương của Zalo AI Lab và ông Phạm Kim Long - người đứng đầu Zalo AI Labs.
4 chủ đề được chia sẻ ở sự kiện là Xử lý và nhận dạng giọng nói bằng máy học sâu; quy trình xây dựng một dự án trí tuệ nhân tạo; phát triển nền tảng AI cho loa thông minh và Explainable AI, một dạng nâng cao của AI, giải thích được cho người dùng vì sao AI hoạt động và vì sao nên tin tưởng vào kết quả từ AI.
Khai mạc Zalo AI Summit 2018, ông Vương Quang Khải, lãnh đạo Zalo chia sẻ trong năm qua, thành công lớn nhất của đơn vị này là đã xác định được hướng đi cho AI gồm 2 mũi nhọn chính là trợ lý ảo và big data.
Tuy vậy, ông Khải cũng nhận định AI là một lĩnh vực mới tại Việt Nam. "Khác với các công nghệ trước đây, AI quá mới tại Việt Nam và trên thế giới. Vì vậy chúng ta hiểu rõ hoàn toàn AI để nhận ra cơ hội và tìm kiếm nhân sự cho xu hướng phát triển này", ông Khải nói thêm.
Diễn giả Bạch Hưng Nguyên từ Machine Intelligence Technology Lab, Alibaba chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng AI vào thực tiễn. Theo ông Nguyên, đầu tiên, các kỹ sư phải nhận thức được việc AI của mình tạo ra phải giải quyết nhu cầu nào cho người dùng để tránh lãng phí nguồn lực.
Bên cạnh đó, ông Nguyên cũng nhấn mạnh việc dữ liệu là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng AI. Tuy nhiên việc khai thác dữ liệu người dùng cũng cần được lưu tâm nếu muốn phát triển xa hơn.
Ở chủ đề về công nghệ nhận diện giọng nói, diễn giả Nguyễn Thọ Chương từ Zalo AI Lab cho biết công nghệ nhận diện giọng nói và trích xuất giọng nói trong việc tạo ra trợ lý ảo đã chuyển từ trích xuất âm sang thu thập từng trường hợp cụ thể. Điều này giúp trợ lý ảo có khả năng giao tiếp tự nhiên hơn với ngôn ngữ, ngữ cảnh, âm tiết chính xác.
Trong phần chia sẻ của mình, Nguyễn Vũ Thanh Tùng - Kỹ sư phần mềm cao cấp cho nền tảng AI tại LINE Nhật Bản chia sẻ, ngoài smartphone, loa thông minh cũng là phần cứng quan trọng trong việc đưa trợ lý ảo đến gần người dùng hơn. "Để làm được việc này, loa thông minh cần đầu tư về kiểu dáng và các tính năng gắn với cảm xúc của người dùng thay vì chỉ là thiết bị công nghệ", ông Tùng chia sẻ. Đây cũng chính là cách LINE cạnh tranh với hai gã khổng lồ Google và Amazon ở thị trường Nhật Bản.
Ngoài ra, theo ông Tùng, công nghệ AI đang phát triển mạnh trên toàn thế giới. Các kỹ sư thời đại trí tuệ nhân tạo nên chủ động đề xuất dùng AI để cải thiện các dịch vụ của công ty thay vì chờ cấp trên yêu cầu. "Tài liệu và kho mã nguồn về AI đang sẵn sàng hỗ trợ các kỹ sư phần mềm trở thành kỹ sư AI. Bắt đầu chưa bao giờ là muộn", ông Tùng nói thêm.
Ông Nguyễn Lê Minh, Phó giáo sư tại Viện Khoa học công nghệ cao Nhật Bản (JAIST) lại cho rằng con người cần có những giải pháp ngay từ ban đầu. "Máy tính càng can thiệp sâu vào đời sống con người, chúng ta càng phải có những luật lệ kiểm soát chúng. Tránh trường hợp phân biệt đối xử vì sai lệch dữ liệu đầu vào", ông Minh nói thêm.
Tại sự kiện, ông Phạm Kim Long đã ra mắt trợ lý ảo đầu tiên của Zalo mang tên Ki-Ki. Ki-Ki có khả năng nhận diện khá tốt giọng nói tự nhiên của người Việt. Bên cạnh đó, Ki-Ki cũng trả lời bằng giọng của ba miền gồm Bắc, Trung, Nam khá tự nhiên. Trước mắt, Ki-Ki của Zalo đã có thể thực hiện các tác vụ cơ bản nhưng rất đặc thù nhờ liên kết với các ứng dụng Việt như Zalo, Baomoi, Zing MP3. Người dùng có thể truy xuất thông tin từ công cụ tìm kiếm, soạn thảo tin nhắn, tìm kiếm, phát nhạc, nhờ Ki-Ki đọc tin tức... Đến nửa sau 2019, Zalo có thể ra mắt loa thông minh tích hợp Ki-Ki.
Cuối sự kiện, phần hỏi đáp với các diễn giả thu hút sự quan tâm của người tham gia là các kỹ sư trẻ tại Việt Nam. Nổi bật là câu hỏi "hiện một số công việc trong nước có giá nhân công lao động rẻ hơn chi phí nghiên cứu phát triển AI. Vậy có cần thiết phải làm việc tiêu tốn nguồn lực như vậy?".
Các diễn giả cho rằng, thị trường Trung Quốc trước đây nổi tiếng giá lao động rẻ. Nhưng những năm gần đây, lao động Trung Quốc có giá tăng cao. Do đó, các công ty sẽ dịch chuyển đầu tư sang các thị trường lân cận, trong đó có Việt Nam, dẫn đến việc giá nhân công ở Việt Nam sẽ tăng trong 5-10 năm tới. Việc nghiên cứu và phát triển AI ngay từ bây giờ là hợp lý. Bởi nếu chờ đến lúc giá nhân công tăng sẽ không thể bắt kịp công nghệ thế giới.
Theo Báo Mới
Nhận thức ATTT của nhiều người Việt chưa đủ bảo vệ mình trước những mối đe dọa tấn công mạng Đại diện Cục ATTT, nhận thức về bảo đảm ATTT của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người sử dụng trong cộng đồng hiện nay còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đủ để tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, mối đe dọa về ATTT trong thực tiễn. Nhận thức ATTT của nhiều người Việt chưa đủ bảo vệ...