Các tướng nói về kiến nghị truy phong Đại nguyên soái với Tướng Giáp
Khẳng định việc truy phong quân hàm Đại nguyên soái với Đại tướng Võ Nguyên Giáp là xứng đáng, nhưng một số tướng lĩnh băn khoăn: Có còn cần thiết?
Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 8.10, Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh (HASCON) đã có đơn kiến nghị gửi Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng về việc truy phong quân hàm Đại nguyên soái với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Xung quanh vấn đề này, ngày 16.10, Dân Việt đã trao đổi với Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn) và Thiếu tướng Lê Mã Lương (nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam).
Theo Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, việc truy phong quân hàm Đại nguyên soái (hoặc Nguyên soái) với Đại tướng Võ Nguyên Giáp là rất xứng đáng. Tuy nhiên, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên cũng tỏ ra băn khoăn: “Bản thân tôi đã từng khẳng định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Nguyên soái của các Nguyên soái. Tuy nhiên, việc truy phong quân hàm Đại nguyên soái với Đại tướng vào thời điểm này là không còn cần thiết nữa bởi khi Đại tướng còn sống, nếu việc phong quân hàm được thực hiện thì sẽ có ý nghĩa hơn. Còn vào thời điểm hiện nay, nếu đề nghị, kiến nghị này không trở thành hiện thực có thể sẽ dẫn đến những ý kiến khác nhau”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đồng bào, chiến sĩ dành cho tình cảm đặc biệt. Ảnh: Nguyễn Trọng Nghị / VOV
Khi phóng viên Dân Việt đặt câu hỏi: “Từng gắn bó trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong nhiều chiến dịch và luôn coi Đại tướng như người Anh Cả, Trung tướng đã bao giờ trò chuyện trực tiếp với Đại tướng về việc phong quân hàm Đại nguyên soái?”, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên cho biết: “Tôi chưa bao giờ nói trực tiếp với Đại tướng, nhưng đã nói về vấn đề này rất nhiều lần với đồng đội và các tướng lĩnh khác và họ cũng rất đồng tình”.
Trong khi đó, khi được hỏi về tiêu chí phong quân hàm và ý nghĩa của quân hàm Đại nguyên soái (hoặc Nguyên soái), Thiếu tướng Lê Mã Lương cho biết: “Quân hàm này do mỗi quốc gia đặt ra. Thông thường, khi người sĩ quan chỉ huy khoảng 1 triệu quân nhân thì có thể phong quân hàm Nguyên soái. Có những quốc gia còn gọi cấp bậc này là Thống tướng (như Myanmar-PV). Việc phong quân hàm Nguyên soái khá phổ biến trên thế giới, như CHDCND Triều Tiên có quân hàm Nguyên soái. Tuy nhiên, Việt Nam không có cấp bậc này”.
Đi sâu hơn vào vấn đề, Thiếu tướng Lê Mã Lương cho biết: “Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống, đã có nhiều người gợi ý, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không lưu ý về chuyện này. Sau đó, cũng có nhiều người đề nghị phong quân hàm Nguyên soái đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông vẫn còn sống, nhưng vì trong Luật Sĩ quan dù đã sửa nhiều lần song không có cấp bậc Nguyên soái nên đề nghị vẫn chỉ dừng ở đó”.
Nhận định về khả năng truy phong quân hàm Đại nguyên soái (hoặc Nguyên soái) với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Lê Mã Lương đồng tình với quan điểm của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên khi cho rằng: “Tôi nghĩ việc truy phong sẽ không thành và không còn cần thiết bởi Đại tướng đã đi vào lịch sử, là Đại tướng của nhân dân, người Anh Cả trong quân đội. Việc phong quân hàm với Đại tướng là rất xứng đáng, nhưng cần thực hiện khi Đại tướng còn sống. Bây giờ, khi Đại tướng đã từ trần, vấn đề này không còn cần thiết nữa bởi trên tất cả, cuộc đời, sự nghiệp và tinh thần của Đại tướng đã hòa vào lòng dân, được mọi người dân Việt Nam cũng như bè bạn quốc tế tôn vinh”.
Cũng trong ngày 16.10, trao đổi với Dân Việt xung quanh vấn đề này, TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch HASCON chia sẻ: “Những cơ sở trong việc kiến nghị truy phong quân hàm Đại nguyên soái đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà HASCON đề nghị là rất đầy đủ, cụ thể”.
Ông Phúc nói thêm: “Với tư cách là một công dân nước Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch hội, tôi thấy điều đó là hoàn toàn thỏa đáng bởi Đại tướng Võ Nguyên Giáp xứng đáng được truy phong quân hàm Đại nguyên soái. Đơn kiến nghị của chúng tôi không gửi tới cá nhân Tổng bí thư, Chủ tịch Nước hay Thủ tướng Chính phủ mà gửi tới Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng. Quân đội ta chưa từng có chức danh Đại nguyên soái, nhưng nếu chưa có văn bản quy định thì Đảng sẽ thực hiện và quyết định về vấn đề này”.
Video đang HOT
Ông Phúc cũng cho biết thêm, ông chưa nghiên cứu hay thống kê xem đã có tổ chức, cá nhân nào từng đề nghị, kiến nghị phong quân hàm Đại nguyên soái hoặc Nguyên soái khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn sống. “Theo quan điểm cá nhân của tôi, đây là lần đầu tiên, một tổ chức thể hiện kiến nghị bằng văn bản cụ thể” – ông Phúc nói.
Theo Dân Vệt
Thiếu tướng Lê Mã Lương: "10 phút gặp Đại tướng, tôi ấn tượng cả đời"
Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, thiếu tướng Lê Mã Lương đã xúc động kể lại nhiều hồi ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc giao lưu trực tuyến sáng 23/8 tại Báo điện tử Trí Thức Trẻ.
Thứ Hoàng - Nam 21 tuổi
Thưa Thiếu tướng Lê Mã Lương, nếu có ý tưởng về việc lập một bảo tàng riêng về sự nghiệp, con người của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thì với cương vị từng là GĐ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, ông thấy có đủ lượng tư liệu lịch sử để thực hiện việc này không và ý tưởng này có khả thi không?
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương:
Ý tưởng của bạn rất hay. Tôi cũng đã từng nghĩ đến bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những tư liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng khá phong phú, đa dạng. Có thể lập một bảo tàng riêng về Đại tướng với hàng vạn hiện vật.
Ánh Nga - Nữ 33 tuổi
Thiếu tướng Lê Mã Lương từng nổi tiếng với câu nói "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù", còn với Thiếu Tướng, câu nói nào của Tướng Giáp khiến ông khắc cốt ghi tâm và tại sao?
Thiếu tướng Lê Mã Lương, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Nhà báo Bùi Ngọc Hải, Trung tướng Phạm Hồng Cư, Đại tá Trần Hồng, thầy giáo dạy sử Trần Trung Hiếu trong buổi giao lưu trực tuyến tại tòa soạn báo Trí thức trẻ vào sáng ngày 23/8. Ảnh: Hoàng Hiển
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương:
Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trong một cuộc gặp với các cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên, Đại tướng nói:"Hôm nay chúng ta gặp được nhau tại đây là quý lắm rồi!". Tôi rất tâm đắc với câu nói của Đại tướng. Nó thể hiện tính nhân văn quân sự, văn hoá của một nhà cầm quân lỗi lạc. Điều đó chứng tỏ Đại tướng rất quan tâm đến sinh mệnh chính trị, đến giá trị sống của con người.
Hoàng Hải - Nam 32 tuổi
Thưa Thiếu tướng Lê Mã Lương, biết ông từng làm Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam rất nhiều năm trước khi về nghỉ hưu. Vậy trong bảo tàng hiện nay có còn lưu giữ kỷ vật gì gắn liền với ngày thành Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của vị Đại tướng yêu quý của chúng ta ạ?
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương:
Trong số hàng vạn hiện vật ở bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam thì có hàng chục hiện vật liên quan đến 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và hiện vật liên quan đến trận đánh Khay Phắt 23/12/1944 và trận Nà Ngần 25/12/1944. Trong đó, có những khẩu súng kíp, thanh mã tấu, nồi cơm, bát ăn... của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và những khẩu súng mà Đội thu được trong 2 trận đánh Phay Khắt, Nà Ngần.
Nguyễn Trọng Phú - Nam 53 tuổi
Thưa thiếu tướng Lê Mã Lương, trong chiến dịch Điện Biên Phủ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi cách đánh từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc thắng chắc". Có phải tư tưởng quyết thắng đồng thời hạn chế sự hy sinh của người lính đã đưa Đại tướng đến quyết định quan trọng này? Và theo ông thì tính thời đại của quyết định đó như thế nào?
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương:
Theo tôi đó là 1 quyết định chính xác. Nhưng phải là những con người có tầm vóc lịch sử, có trí tuệ cao siêu, bản lĩnh kiên cường, tính độc lập cao và dám chịu trách nhiệm trước sinh mệnh của những người lính mới thể hiện được 1 quyết định sáng suốt như vậy. Đó chính là bài học cho thế hệ chúng tôi, những người trưởng thành trong chống Mỹ. Khi bước vào những trận đánh, điều trước tiên là quyết tâm giành chiến thắng và tiết kiệm xương máu người lính đến mức tối đa. Đó chính là bài học mà chúng tôi đã rút ra được từ Đại tướng.
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương. Ảnh: Hoàng Hiển
Trần Thúy Loan - Nữ 21 tuổi
Thưa Thiếu tướng Lê Mã Lương, xin ông chia sẻ một vài câu chuyện thú vị trong quá trình bảo quản và trưng bày các hiện vật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam? Ông có kỷ niệm nào đặc biệt với các vị khách tham quan những hiện vật này không?
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương:
Ở bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam trong số hàng vạn hiện vật thì có hàng chục hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong đó đặc biệt có khẩu súng ngắn mà Bác Hồ đã tặng cho Đại tướng năm 1945 và chiếc áo khoác Đại tướng đã dùng suốt từ năm 1946. Với những hiện vật này, việc bảo quản gặp rất nhiều khó khăn vì khí hậu Việt Nam độ ẩm cao, trong khi đó hiện vật đã có tuổi thọ đến nửa thế kỷ. Tuy nhiên bảo tàng đã khắc phục khó khăn, bằng những thiết bị kỹ thuật bảo quản mới nên những hiện vật của Đại tướng vẫn giữ được nguyên trạng và được khách tham quan ghi nhận.
Năm 2005, trong một lần tiếp xúc với nhà sử học người Mỹ - ông vốn là 1 lính thuỷ đánh bộ Mỹ mà tôi đã từng chạm trán đơn vị của ông ở Quảng Trị năm 1968 - khi tôi giới thiệu những hiện vật của Đại tướng, ông rất ngạc nhiên là những hiện vật này vừa có giá trị cao về mặt văn hoá về khoa học, vể lịch sử và nhân văn vẫn còn nguyên vẹn.
Trần Gia Linh - Email: Forever07us@gmail.com
Khi đương chức, trên cương vị Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự, ông đã quan tâm thế nào đến việc sưu tập tư liệu, kỷ vật về tướng Giáp? Còn tư liệu, kỷ vật nào liên quan đến Đại tướng mà ông muốn nhưng chưa tìm được? Ngoài ra, ông có nhớ một kỷ niệm đặc biệt nào khi gặp Đại tướng?
Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Mã Lương:
Trong hơn 1 thập kỷ tôi làm công tác quản lý bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam - 1 trong 7 bảo tàng quốc gia Việt Nam - điều tôi quan tâm nhất là tập hợp, sưu tầm những hiện vật, tư liệu, hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có những hiện vật đã trở thành những bộ sưu tập như sách Đại tướng viết và sách viết về Đại tướng; hình ảnh Đại tướng với lực lượng vũ trang, hình ảnh Đại tướng với Bác Hồ...
Tuy nhiên, có 1 hiện vật mà cho đến hiện nay, bảo tàng vẫn chưa sưu tầm được đó là lá thư của bà Nguyễn Thị Quang Thái - vợ Đại tướng - gửi cho Đại tướng trước khi bước vào hoạt động bí mật. Lá thư đó hiện nay vẫn đang ở Văn phòng Đại tướng.
Về kỷ niệm với Đại tướng thì tôi còn nhớ: Tháng 4/1971 sau chiến dịch Đường 9 Nam Lào, tôi được điều về Bộ Tư lệnh mặt trận để báo cáo thành tích. Tại Sở chỉ huy, tôi đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp 10 phút. Cuộc gặp ấy đã để lại cho tôi ấn tượng suốt cuộc đời mình về 1 nhà cầm quân lừng danh thế giới, một nhà văn hoá lớn nhưng hết sức bình dị.
Theo Soha
Kiến nghị nhân rộng mô hình hoạt động xe điện Chiều 10.10, UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện thí điểm dự án sử dụng phương tiện giao thông sạch phục vụ khách du lịch thăm quan khu phố cổ và quanh hồ Hoàn Kiếm. ảnh minh họa Qua 3 năm triển khai, xe điện đã phục vụ hơn 1,2 triệu lượt khách, ước tính...