Các tỉnh miền Trung thiệt hại nặng do mưa lũ
Vùng áp thấp trên Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 16 giờ ngày 10-10, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 14,3 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách Quảng Nam khoảng 500km, cách Quảng Ngãi khoảng 520km, cách Bình Định khoảng 420km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6 trở lên khoảng 100km tính từ tâm ATNĐ. ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định sau đó suy yếu thành ATNĐ. Đến 16 giờ ngày 11-10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, trên đất liền ven biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Từ ngày 10 đến 13-10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có mưa rất to, có nơi đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Nam từ 500 đến 700mm, có nơi trên 700mm; các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi từ 400 đến 600mm; các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên từ 300-500mm. Ở Nam Hà Tĩnh và khu vực Bắc Tây Nguyên từ 200 đến 300mm.
Sẵn sàng ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ lớn
Để chủ động ứng phó với diễn biến của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ lớn trong những ngày tới, ngày 10-10, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT)-Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã có công điện số 22 yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, các bộ, ngành tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh. Thực hiện kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống. (NGỌC HÀ)
Sư đoàn 968 (Quân khu 4) giúp nhân dân xã Cam Thủy (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị khắc phục hậu quả mưa lũ.
Nhiều xã bị ngập lụt nặng do mưa lũ
Video đang HOT
Theo báo cáo tổng hợp của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT-Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngày 10-10, mưa lũ gây ngập lụt ở 161 xã thuộc 28 huyện, 5 tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên. Cụ thể: Hà Tĩnh 2 xã thuộc huyện Hương Khê; Quảng Bình 28 xã thuộc 6 huyện Minh Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Bố Trạch và thị xã Ba Đồn; Quảng Trị 68 xã thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố: Hướng Hóa, Đa Krông, Cam Lộ, TP Đông Hà, Vĩnh Linh, Gio Linh; thị xã Quảng Trị; Triệu Phong, Hải Lăng; Thừa Thiên-Huế 51 xã, thuộc các huyện, thành phố: huyện Phong Điền; TP Huế, Phú Vang; Quảng Điền và thị xã Hương Trà; Đà Nẵng 12 xã, phường thuộc 7 quận, huyện Hòa Vang, quận Hải Châu; Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn; Sơn Trà, Liên Chiểu, Cẩm Lệ. Quảng Nam, nhiều điểm bị ngập sâu, tuy nhiên, chưa có số liệu thống kê, báo cáo của tỉnh. Các địa phương từ Quảng Bình đến Quảng Nam đã tổ chức sơ tán dân khỏi vùng ngập lũ và khu vực nguy hiểm (chủ yếu theo hình thức tại chỗ) tổng số 8.024 hộ với 26.407 người.
Không chỉ gây ngập lụt nặng cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; mưa lũ còn khiến 10 người chết (Quảng Trị 2, Quảng Bình 2, Quảng Ngãi 3, Quảng Nam 1, Gia Lai 1, Đắc Lắc 1); 13 người mất tích (Quảng Trị 8, Thừa Thiên-Huế 1, Gia Lai 1, Quảng Ngãi 3) và 4 người bị thương; 33.386 ngôi nhà bị hư hỏng, trong đó 4 nhà bị thiệt hại hoàn toàn. Mưa lũ đã khiến 93 điểm trên các tuyến quốc lộ và 2,2km tỉnh lộ ở các địa phương bị sạt lở. Nhiều đoạn tỉnh lộ, huyện lộ bị ngập gây ách tắc giao thông chưa thể thống kê cụ thể. Mưa lũ cũng làm 52ha lúa, 1.957ha hoa màu bị ngập, 772ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 21.620 con gia súc, 34.730 con gia cầm bị nước cuốn trôi. Ngoài ra, mưa lũ còn khiến 30 trường học bị ngập.
Huy động 8.843 người tham gia công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai
Ngày 10-10, Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) có Điện số 59/TK gửi Bộ Tham mưu Quân khu 4,5, Quân chủng Hải quân, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, Biên phòng chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện tham gia giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa, lũ. Các đơn vị của Quân khu 4, 5, Bộ đội Biên phòng đã huy động 8.843 người (bộ đội 1.849, dân quân 6.994), 200 phương tiện (114 ô tô, 86 tàu xuồng) phối hợp với các lực lượng của địa phương ứng cứu, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam sẵn sàng phòng, chống mưa lũ
Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ trên địa bàn tỉnh, Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam đã điều động 20 cán bộ, chiến sĩ hành quân về huyện Đại Lộc thiết lập Sở chỉ huy PCTT và TKCN phía Bắc, sẵn sàng hỗ trợ bà con khi có tình huống bão lũ xảy ra. Bộ CHQS tỉnh sẽ tiếp tục điều động cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 885 khi có yêu cầu sơ tán dân và yêu cầu hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ từ các địa phương. Ngày 10-10, mực nước ở các sông Vu Gia và Thu Bồn chảy qua địa phận huyện Đại Lộc trên báo động 3. Ban CHQS huyện Đại Lộc chủ động lên phương án di dời các hộ dân ở vùng trũng, thấp, bị cô lập sơ tán về Sở chỉ huy tiền phương, bảo đảm an toàn cho bà con nhân dân. Ban CHQS huyện đã tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên 30 gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị cô lập do mưa lũ trên địa bàn các xã: Đại Thắng, Đại Cường, Đại Phong, tổng trị giá các phần quà là 20 triệu đồng.
Đảm bảo thực phẩm, đồ dùng cho 130 học sinh, giáo viên kẹt lại trường do lũ
Do mưa lũ, hơn 130 học sinh và nhiều giáo viên tại xã Trọng Hóa phải ở lại trường. Bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương đang hỗ trợ lương thực, thực phẩm và vật dụng đảm bảo đầy đủ cho các em.
Những ngày qua, mưa lớn kéo dài đã khiến hàng chục ngàn căn nhà tại Quảng Bình bị ngập sâu, nhiều trường học đã chìm trong nước. Một số tuyến đường trọng yếu bị chia cắt không thể qua lại.
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Bình cho biết, thống kê đến 17h ngày 9/10, đã có gần 50% số trường học trên địa bàn tỉnh cho học sinh nghỉ học do mưa lũ diễn biến phức tạp; số học sinh nghỉ học là 115.355 em.
Nhiều trường học tại Quảng Bình chìm trong lũ
Cụ thể, các đơn vị có số trường và học sinh nghỉ học nhiều là: Phòng GD huyện Minh Hóa 51 trường với 13.568 học sinh; Phòng GD huyện Bố Trạch 32 trường học với 15.714 học sinh; Phòng GD huyện Quảng Ninh 49 trường học với 19.232 học sinh; Phòng GD Lệ Thủy có 85 trường với 24.400 học sinh.
Đặc biệt tại., Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa, học sinh được yêu cầu ở lại tránh trú ngay tại trường, không trở về nhà trong thời điểm này bởi nhiều bản làng đã bị chia cắt, nước lũ ở các khe suối đã dâng cao tiềm ẩn nguy hiểm.
Các học sinh phải ở lại trường do mưa lũ được lực lượng BĐBP hỗ trợ đầy đủ lương thực, thực phẩm.
Những ngày qua, dưới sự hỗ trợ của lực lượng Đồn Biên phòng Ra Mai, Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình, các giáo viên và học sinh phải ở lại trường tránh lũ đã được cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm cũng như các vật dụng thiết yếu, không để các em bị đói, rét trong những ngày mưa lũ.
Không chỉ tại Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa, tại các trường và điểm trường ở vùng Lòm của xã Trọng Hóa, nhiều giáo viên cũng đang bị mắc kẹt không thể về nhà do nước lũ chia cắt con đường ra ngoài. Chính quyền xã cũng như những chiến sĩ mang quân hàm xanh cũng đang nỗ lực, hỗ trợ tối đa cho những giáo viên cắm bản này.
Còn tại huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh, nước lũ từ đầu nguồn sông Kiến Giang, Long Đại đổ về nhanh nên có rất nhiều trường học tại 2 địa phương này bị ngập sâu trong nước trên 1m.
Lãnh đạo các phòng GD cho biết, do chủ động các phương án phòng chống lũ lụt, chủ động cho học sinh nghỉ học trước diễn biến mưa lũ nên các trường đều bảo đảm an toàn cho học sinh; trang thiết bị trường học cũng đã được chuyển đến nơi khô ráo, che chắn cẩn thận để tránh hư hại.
Ngoài việc phòng chống lũ, các giáo viên tại Quảng Bình cũng đang hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho học sinh.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh và Sở GD-ĐT Quảng Bình, các trường học, cơ sở giáo dục tại địa phương này đã tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ".
Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và Ban chỉ huy PCTT-TKCN địa phương, các lực lượng chức năng thực hiện hiệu quả công tác phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ; sẵn sàng dọn dẹp vệ sinh môi trường, sắp xếp trường lớp để đón học sinh trở lại học khi nước lũ rút.
Mất liên lạc với các thuyền viên trên tàu gặp nạn Sau 2 ngày tàu Vietship 01 bị mắc cạn, lực lượng chức năng sử dụng nhiều phương án tiếp cận tàu gặp nạn để cứu 10 thuyền viên nhưng chưa thành công. Chiều 9/10, đại tá Lê Văn Phương - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, cho biết phương án sử dụng thợ lặn tiếp cận...