Các tỉnh biên giới chặn dịch tả lợn châu Phi tràn vào Việt Nam
Dịch tả lợn Châu Phi chưa xuất hiện tại Việt Nam, nhưng nguy cơ lây lan sang Việt Nam là rất cao, vì giá lợn trong nước hiện nay cao hơn giá thịt lợn Trung Quốc, người dân và tư thương có thể sang các chợ giáp biên mua lợn về tiêu thụ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành ở Trung Quốc và có nguy cơ rất cao lây lan sang Việt Nam.
Tại Trung Quốc, từ đầu tháng 8 đến nay đã ghi nhận 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Triết Giang, với tổng số hơn 38.000 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy.
Ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Ninh, nơi có đường biên giới dài giáp với Trung Quốc đã ra công điện khẩn chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách chủ động phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.
Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ninh, tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, lượng khách du lịch từ các tỉnh, thành phố của Trung Quốc sang Quảng Ninh rất nhiều, vì thế không loại trừ trường hợp du khách mang theo những sản phẩm chế biến từ thịt lợn sang Việt Nam.
Ông Đông cho biết, trên khu vực biên giới cũng có rất nhiều đường mòn lối mở, cơ quan chức năng đã bắt giữ được các vụ mua bán, vận chuyển lợn sống từ Trung Quốc vào địa bàn TP Móng Cái. Vì vậy, nguy cơ cao bị xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi và công tác phòng chống gặp khó khăn.
Giải pháp hiện nay là phải tăng cường chống buôn lậu lợn và các sản phẩm của lợn từ Trung Quốc vào nội địa, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới tại khu vực biên giới. Bắt giữ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời tiêu hủy lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu qua biên giới không có nguồn gốc.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh yêu cầu đối với các địa phương không có biên giới, tổ chức tuyên truyền đến cộng đồng dân cư để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ; tăng cường công tác chống buôn lậu lợn và các sản phẩm từ lợn của Trung Quốc vào địa bàn.
Video đang HOT
Đối với 3 địa phương có biên giới giáp với Trung Quốc là TP Móng Cái, huyện Hải Hà, huyện Bình Liêu, Sở NN&PTNT tỉnh này đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ lợn và sản phẩm tự lợn nhập lậu qua biên giới; tăng cường giám sát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Khi có dấu hiệu nghi dịch tả lợn châu Phi phải báo ngay cho cơ quan thú y cấp tỉnh cùng phối hợp xác minh, xử lý…
Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra tại các huyện Tiên Yên, Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà, Móng Cái và kiểm tra tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, chợ đường biên, chợ bán gia súc, gia cầm… để kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm này.
Kiểm soát chặt, kể cả quà biếu tặng
Tỉnh Lào Cai vừa ban hành văn bản yêu cầu các lực lượng chức năng và các địa phương trên địa bàn tăng cường ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào nội địa.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tụ điểm tập kết, buôn bán lợn thịt, lợn giống và sản phẩm từ lợn, kể cả quà tặng quà biếu của cư dân biên giới, đặc biệt tại khu vực giáp gianh với Trung Quốc.
Kiểm soát việc vận chuyển lợn. Ảnh: TTXVN
UBND tỉnh Lào Cai cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi để nhân dân biết được tác hại của việc nhập lậu lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, từ đó không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển nhập lậu lợn vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ; vận động người chăn nuôi chỉ mua con giống từ các cơ sở có y tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y.
Theo Tổ chức Thú y thế giới, từ cuối năm 2017 đến ngày 10/9/2018 đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp giáp giữa Châu Âu và Châu Á ghi nhận dịch tả lợn Châu Phi, với tổng số lợn phải tiêu hủy là hơn 500.000 con.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết, khi phát hiện lợn bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh, bị chết, người chăn nuôi và chính quyền địa phương các cấp cần báo ngay cho thú y xã, cơ quan thú y nơi gần nhất. Nếu dấu dịch, giữ lợn bệnh để tự điều trị là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bùng phát, khó khống chế và kiểm soát dịch.
Theo Cục Thú y, dịch tả lợn Châu Phi hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị, gây chết ở lợn với tỷ lệ rất cao. Tuy nhiên, dịch này không gây bệnh trên người.
Cục Thú y khuyến cáo, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng.
Theo H.V/Báo Tin tức
Trung Quốc phát hiện 4 ổ dịch, Việt Nam ra công điện khẩn
Bộ NN&PTNT vừa có công điện khẩn sau khi Trung Quốc phát hiện 4 ổ dịch tả lợn Châu Phi.
Bộ NN&PTNT vừa có công điện khẩn về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam.
Đơn vị này cho biết, theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ngày 1-8, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever - viết tắt là ASF) lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc).
Tính đến ngày 25-8, tổng cộng đã có 4 ổ dịch tả lợn Châu Phi được Trung Quốc báo cáo cho OIE với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là gần 10.000 con. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 12 quốc gia báo cáo có dịch tả lợn Châu Phi.
Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh mở các đợt kiểm tra, phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Internet.
Theo đó, để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của vi rút này vào Việt Nam thông qua buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn nhập lậu, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi và thương mại quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác chống buôn lậu lợn và các sản phẩm của lợn từ nước ngoài vào Việt Nam.
Đồng thời, tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn bất hợp phát qua biên giới, không rõ nguồn gốc, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới. Ngoài ra, kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu lợn, sản phẩm của lợn theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm dịch động vật...
Bộ NN&PTNT cũng giao Cục Thú y chủ động liên hệ với các tổ chức quốc tế (OIE, FAO), các nước để nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình dịch bệnh trên. Đồng thời, đề nghị hỗ trợ và phối hợp tìm các giải pháp chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh...
Bên cạnh đó, chỉ đạo các Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lào Cai, Lạng Sơn và Quảng Ninh chủ động phối hợp, hướng dẫn các Chi cục Chăn nuôi và thú y tham mưu và đề xuất với chính quyền địa phương các tỉnh phía Bắc chỉ đạo tăng cường việc giám sát, phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển bất hợp pháp lợn và các sản phẩm lợn vào Việt Nam.
Ngoài ra, chỉ đạo các Chi cục Thú y vùng và Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương, khẩn trương rà soát năng lực, xây dựng và ban hành quy trình chẩn đoán, xét nghiệm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi để thống nhất áp dụng trong phạm vi toàn quốc. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện, trang thiết bị và các nguyên vật liệu cần thiết để thực hiện chẩn đoán, xét nghiệm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn (gồm cả lợn nhà và lợn hoang dã). Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Đặc biệt, bệnh này gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong cao lên đến 100%.
Vi rút gây ra bệnh dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh.
"Hiện nay, chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan...", Bộ NN&PTNT khẳng định.
VIẾT LONG
Theo PLO
Nguy cơ lây nhiễm cao nhưng dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT): Tính đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn châu Phi chưa xuất hiện tại Việt Nam, song nguy cơ lây nhiễm vào Việt Nam rất cao qua tuyến biên giới. Dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, khả năng gây chết trên đàn lợn cao. Ảnh minh họa....