Các quỹ đầu tư khó chiến thắng thị trường
Biến động cùng chiều với chỉ số VN-Index, giá trị tài sản ròng ( NAV) của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh.
VCBFlà công ty liên doanh giữa Vietcombank và Tập đoàn đầu tư Franklin Templeton Investments (Mỹ) với kinh nghiệm quản lý quỹ hơn 70 năm. Lợi nhuận của Quỹ đầu tư cân bằng chiến lược VCBF đã đạt 18,5% mỗi năm kể từ khi thành lập ngày 24/12/2013 đến ngày 31/12/2017.
VCBF cũng cho biết, Quỹ đạt lợi nhuận 21,7% mỗi năm kể từ khi thành lập ngày 22/8/2014 đến ngày 31/12/2017, đây là tỷ suất lợi nhuận quỹ mở thay đổi hàng năm theo kết quả đầu tư của Quỹ. Dù vậy, tính từ đầu năm 2018 đến ngày 21/11/2018, lợi nhuận của VCBF ghi nhận sụt giảm 3,44%. NAV của VCBF tương đương hơn 19.119 đồng/chứng chỉ quỹ.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Vũ Quang Đông, Tổng giám đốc VCBF cho biết, dù cố gắng nhưng các quỹ đầu tư khó có thể đi ngược lại với biến động của thị trường và con số 3,44% là rất thấp so với mức sụt giảm bình quân của thị trường chứng khoán (TTCK) thời gian qua.
Nhận định về cơ hội trong thời gian tới, ông Đông cho biết, trong ngắn hạn, TTCK Việt Nam đang bị tác động bởi nhiều yếu tố bất định và vẫn trong xu hướng điều chỉnh đi ngang để tạo điểm tích lũy.
Tuy nhiên, về trung hạn, với những nền tảng ổn định từ vĩ mô, triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp, TTCK được nhìn nhận còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng.
“Đối với VCBF, chúng tôi không quan tâm nhiều đến biến động ngắn hạn của thị trường mà có cái nhìn xa hơn, danh mục đầu tư cũng sẽ tập trung đến các doanh nghiệp nền tảng cơ bản tốt. VCBF vẫn đang đi theo chuẩn mực đầu tư của Tập đoàn Franklin Templeton Investments”, ông Đông chia sẻ.
Không riêng VCBF, một số quỹ đầu tư trong nước cũng đang phải chịu thách thức từ sự sụt giảm của TTCK. NAV của Quỹ đầu tư cổ phiếu Techcom (TCEF) do Công ty Quản lý quỹ Kỹ thương quản lý cũng ghi nhận mức sụt giảm hơn 19%.
Khoản đầu tư lớn nhất của TCEF trong kỳ là đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp TCE11721 (lĩnh vực giáo dục) với tỷ trọng chiếm 19,9% tổng giá trị tài sản của Quỹ. Khoản đầu tư lớn tiếp theo cũng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp là MSN11719 (thực phẩm và đồ uống), với tỷ trọng 5%.
Video đang HOT
Khoản đầu tư lớn nhất vào cổ phiếu chiếm tỷ trọng 4,6% là đầu tư vào VNM. Các khoản đầu tư lớn tiếp theo của TCEF là cổ phiếu DHG (4,2%), POW (3,9%), VIB (3,2%)…
Giám đốc một quỹ đầu tư tại Việt Nam cho biết, Quỹ đang phải tái cơ cấu danh mục, trong đó chỉ đầu tư khoảng 60% tài sản vào các cổ phiếu niêm yết, còn lại dành gần 35% đầu tư vào nhóm cổ phiếu OTC có triển vọng sắp niêm yết, một phần nhỏ còn lại sẽ phân bổ vào các công ty cổ phần khác.
Trong khi đó, dù đã phân bổ vốn vào nhiều loại tài sản khác nhau để đa dạng hóa danh mục, song với việc thị trường đi xuống, giá một số các cổ phiếu trong danh mục đầu tư sụt giảm khiến các quỹ đầu tư chuyên nghiệp như Dragon Capital, VinaCapital, Vietnam Holdings Limited, Pyn Elite Fund, Tundra Vietnam Fund… phải chấp nhận NAV thấp hơn so với thời điểm đầu năm. Đặc biệt, NAV của các quỹ ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong tháng 10/2018.
Tại Vietnam Holdings Limited, tính đến cuối tháng 10/2018, NAV giảm 16,4% so với thời điểm đầu năm 2018. Trong đó, riêng tháng 10/2018, NAV của Quỹ giảm 9,2%, mức giảm mạnh nhất trong một năm trở lại đây. Tính đến ngày 31/10, tổng giá trị tài sản ròng của Vietnam Holdings Limited đạt gần 183,5 triệu USD, trong đó tiền mặt chiếm 1,7%. Bên cạnh đó, giá trị tài sản ròng trên chứng chỉ quỹ của Vietnam Holding là 2,86 USD/chứng chỉ quỹ.
Cũng trong tháng 10, quỹ đầu tư Tundra Vietnam Fund đã “bay hơi” đến 12% tổng tài sản và khiến Quỹ chịu thua lỗ 9% kể từ đầu năm. Tổng tài sản của Tundra vào cuối tháng 10 là gần 905 triệu SEK (tương đương gần 100 triệu USD). Nguyên nhân NAV của Tundra giảm đến 12% là do gánh nặng sụt giảm từ cổ phiếu ngành thép, trong đó Thép Nam Kim (NKG) và Tôn Hoa sen (HSG) là 2 khoản đầu tư kém hiệu quả nhất đối với quỹ này.
Hai quỹ đầu tư lớn nhất nhì trên TTCK Việt Nam là VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) và Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) cũng không đứng ngoài vòng xoáy khi NAV giảm gần 10% so với thời điểm đầu năm.
Thực tế, trong danh mục của các quỹ đầu tư, cổ phiếu bluechips thường chiếm tỷ trọng khá lớn. Trong khi đó, biến động của TTCK trong năm 2018 cho thấy, phần lớn cổ phiếu bluechips có chuyển biến theo chiều hướng tăng sốc, giảm sâu nên việc nhiều quỹ tập trung vào nhóm cổ phiếu này chứng kiến NAV giảm mạnh là điều dễ hiểu.
Năm 2018 là năm đầu tiên sau chu kỳ 5 năm tăng điểm của VN-Index, chỉ số này xác lập xu hướng giảm. Sức ép để các công ty quản lý quỹ thể hiện tính hiệu quả và chuyên nghiệp đang ngày một lớn khi chỉ còn 5 tuần nữa là kết thúc năm.
Hoàng Minh
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Hiệu quả đầu tư 9 tháng của các quỹ hàng đầu trên TTCK Việt Nam không bằng đem tiền gửi tiết kiệm
Đa số các quỹ lớn trên TTCK Việt Nam chỉ tăng trưởng dưới 4%, tương đương hoặc kém hơn tăng trưởng của VN-Index.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2018, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 3,3%, từ 984,24 điểm lên 1017,13 điểm. Chỉ số VN30 cũng tăng 2% lên 994,73 điểm. Mức tăng điểm của 2 chỉ số có sự đóng góp rất lớn của cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất Vingroup khi tăng 27% so với cuối năm ngoái.
Trong khi đó, không nhiều quỹ đầu tư lớn nắm giữ VIC với tỷ trọng cao chính vì vậy mà việc "chiến thắng" VN-Index trong 9 tháng đầu năm nay không phải là việc dễ dàng đối với đa số các nhà quản lý quỹ. Bên cạnh đó, biến động tỷ giá cũng tăng thêm "độ khó" cho các quỹ.
Mặc dù từng là một trong những thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt nhất thế giới trong giai đoạn đầu năm thì hiện tại đa số các quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam có hiệu quả hoạt động rất khiêm tốn, thậm chí thua xa lãi suất gửi tiết kiệm.
Lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm hiện dao động quanh mức 6,6% thì sau 9 tháng, tỷ suất lợi nhuận thu về đạt xấp xỉ 5% - hầu hết các quỹ đều không đạt được. Với việc Vn-Index giảm mạnh trong tuần đầu tháng 10 thì không ít quỹ đã tăng trưởng âm.
Thống kê của chúng tôi đối với một số quỹ đầu tư lớn chuyên đầu tư vào Việt Nam cho thấy, quỹ có thành tích tốt nhất là Tundra Vietnam Fund với mức tăng trưởng 12,2% tính theo đồng Krona Thụy Điển (SEK). Tuy vậy, nếu quy đổi sang USD thì thành tích của Tundra Vietnam Fund cũng không quá nổi trội với mức tăng trưởng 3,4%.
Tính đến 30/9, quỹ này có giá trị tài sản gần 117 triệu USD bao gồm 40 khoản đầu tư với những cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất là FPT, Masan, SSI và Đất Xanh Group.
Một quỹ khác cũng đạt được mức tăng trưởng cao là LionGlobal Vietnam Fund, đạt 9,1%.
Các quỹ lại đều có mức tăng từ 3% đổ xuống - tức chỉ tương đương hoặc thấp hơn mức tăng của VN-Index.
VEIL - quỹ đầu tư lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam - ghi nhận mức tăng trưởng chỉ 1,4%, với NAV trên 1 chứng chỉ quỹ tăng từ 7,06 USD lên 7,16 USD. Quỹ VOF thuộc VinaCapital cũng chỉ tăng 1,6%.
Một quỹ có mô tỷ đô khác là KIM Vietnam Growth Equity Fund tăng trưởng 3,4%. Quỹ này được xem như "ngôi sao mới nổi" trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi liên tục rót vốn mạnh vào Việt Nam trong giai đoạn cuối năm 2017 và đầu năm 2018.
Phía tăng trưởng âm có 2 cái tên đáng chú ý là Pyn Elite Fund, giảm 0,7% và Van Eck Vietnam ETF (VNM ETF), giảm 3,4%. Trái ngược với VNM ETF, quỹ FTSE Vietnam ETF đạt được mức tăng trưởng 3%.
Trong số các quỹ nội, 2 quỹ có thành tích tốt nhất là SSIAM VNX50, tăng 7,3% và quỹ TVAM TVGF1, tăng 6%. Đáng chú ý quỹ SSIAM VNX50 cũng là quỹ nội tăng trưởng tốt nhất trong năm 2017.
Hai quỹ tăng trưởng âm là Techcom Capital TCEF (-10,7%) và SSI SCA (-0,9%).
Quỹ nội lớn nhất là VFMVN30 ETF tăng trưởng 1,7% - thấp hơn một chút so với mức tăng 2% của chỉ số VN30. Hai quỹ khác do VFM quản lý là VF1 và VF4 tăng trưởng lần lượt là 1,9% và 1,5%. Ba quỹ này có tổng giá trị tài sản ròng gần 6.800 tỷ đồng, trong đó riêng quỹ VFMVN30 có quy mô gần 4.500 tỷ đồng.
Kiến Khang
Theo Trí thức trẻ
Chuyển động quỹ đầu tư tuần 19-25/11 Số liệu công bố trong tuần qua (19-25/11) chủ yếu là giao dịch chuyển nhượng tại FPT, VPB, America LLC bán vốn PJT,... Quỹ Thái Lan bán vốn FPT Ngày 22/11, The Ton Poh Fund đã thực hiện chuyển quyền sở hữu 4 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần FPT (HOSE: FPT) cho Apollo Asia Fund Ltd. Giao dịch thực hiện qua...