Các quốc đảo nhỏ báo động trước nguy cơ bị xóa sổ trên bản đồ
Các quốc đảo khắp thế giới cảnh báo họ đang phải đối mặt với hậu quả thảm họa, thậm chí biến mất khỏi bản đồ thế giới khi mực nước biển dâng cao.
Một khu vực trên đảo Thulusdhoo gần Male, Maldives năm 2019. Ảnh: Getty Images
Theo NBCNews, Tổng thống Maldives, ông Mohamed Nasheed, nói: “Tình trạng khẩn cấp khí hậu đang gia tăng, chúng ta đang ở trên tiền tuyến”.
Ông Nasheed đưa ra phát biểu trên sau báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC). Liên minh 39 quốc gia duyên hải và có địa hình trũng cho rằng báo cáo của IPCC là lời cảnh báo quan trọng với thế giới và kêu gọi các nước giàu làm tất cả có thể để đạt mục tiêu nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 độ C.
Bà Diann Black-Layne, nhà đàm phán của Liên minh Quốc đảo nhỏ, nói trong một tuyên bố ngày 9/8: “Chúng ta phải thay đổi điều này. IPCC xác nhận những gì mà các quốc đảo nhỏ phải trả qua: bão sẽ mạnh hơn, mực nước biển sẽ tăng, nhưng IPCC cũng xác nhận chúng ta có thể ngăn chặn điều tồi tệ nhất”.
Giữ cho nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C thay vì 2 độ C như mục tiêu trong thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris sẽ tránh kịch bản nước biển tăng 3m về lâu dài. Bà Black-Layne nhấn mạnh: “Đó là tương lai của chính chúng ta”.
Báo cáo của IPCC cảnh báo mức nước biến sẽ tiếp tục dâng cao, khiến các nước ven biển chịu rủi ro lụt lội và bị tàn phá.
Video đang HOT
Liên minh Quốc đảo nhỏ đại diện cho các quốc gia khắp thế giới, trong đó có Singapore, Seychelles, Fiji, Papua New Guinea, CH Dominica, Cuba, Bahamas và Belize.
Quốc đảo Kiribati ở Thái Bình Dương lo lắng tới mức đã có kế hoạch nâng các hòn đảo lên. Kiribati gồm 3 quần đảo thấp mà khi cao nhất cũng chỉ hơn mực nước biển 1,8m.
Phần lớn làng Eita ở Kiribati ngập trong nước. Ảnh: Getty Images
IPCC cho biết chỉ cần nước biển dâng 0,9m là có thể nhấn chìm 2/3 diện tích Kiribati vào cuối thế kỷ này.
Trong khi đó, số phận của Maldives cũng không khá hơn. Maldives là một trong những quốc gia thấp nhất thế giới. Nhiều năm qua, Tổng thống Nasheed đã vận động hành động vì khí hậu và cho rằng tình hình không thể tệ hơn.
Ông Nasheed nói: “Báo cáo là tin tức hủy diệt với phần lớn những quốc gia dễ bị tổn thương trước khí hậu nhất như Maldives. Báo cáo cho thấy chúng ta đang trên bờ diệt vong… Các quốc gia chúng ta đã bị thời tiết cực đoan vùi dập”.
Các chuyên gia cho biết con người có khả năng ngăn chặn toàn cầu ấm lên quá nhanh nhưng kể cả khi chúng ta có ngừng thải carbon vào bầu khí quyển, thì những hiện tượng như nước biển dâng là không thể thay đổi.
Bà Kimberly Nicholas, giáo sư khí hậu tại Đại học Lund ở Thụy Điển cho rằng biến đổi khí hậu phần lớn do các quốc gia lớn và giàu có gây ra, trong khi các quốc gia nhỏ ven biển chịu hậu quả lại nghèo hơn nhiều. Bà cảnh báo sự bất công này sẽ khiến những nước xả thải nhiều nhất lại chịu hậu quả ít nhất.
Báo cáo của IPCC ngày 9/8 cảnh báo các hoạt động của con người đang gây hại cho Trái Đất ở tốc độ báo động, tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến mọi khu vực của thế giới và nếu con người không hành động khẩn cấp để hạn chế sự ấm lên toàn cầu, các đợt nắng nóng, mưa lớn, hạn hán, hay hiện tượng tan chảy băng ở Bắc Cực… sẽ gia tăng.
IPCC nhấn mạnh rằng việc cắt giảm lượng khí thải toàn cầu là vấn đề cấp bách, cần có hành động ngay tức thì để đưa mức khí thải ròng về bằng 0 giữa thế kỷ này. Điều này sẽ mang lại cơ hội tốt để kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C và giúp tránh những tác động tồi tệ nhất của tình trạng biến đổi khí hậu.
Báo cáo được công bố chưa đầy 3 tháng trước khi diễn ra Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại thành phố Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh). Đây được xem là cơ hội vô cùng quan trọng để nhân loại có thể hạn chế những tác động tồi tệ nhất của hiện tượng ấm lên toàn cầu.
LHQ công bố báo cáo 'báo động đỏ với nhân loại'
Nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,5 độ C sớm hơn dự báo, ảnh hưởng tới cuộc sống hàng tỷ người, theo báo cáo được LHQ công bố.
Nhiệt độ trung bình trên bề mặt Trái Đất sẽ tăng 1,5-1,6 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào năm 2030, sớm hơn thời điểm năm 2040 được dự báo trước đó, bất chấp mọi thay đổi về phát thải khí nhà kính trong 10 năm tới, theo báo cáo được Ủy ban Liên chính phủ về Biển đổi Khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp Quốc công bố hôm nay.
"Đây là báo động đỏ với nhân loại. Báo cáo này cần gióng hồi chuông khai tử với nhiên liệu hóa thạch trước khi chúng phá hủy hành tinh của chúng ta. Các nước cần chấm dứt hoạt động tìm kiếm và khai thác nhiên liệu hóa thạch mới, cũng như chuyển dần sang năng lượng tái tạo", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói.
Nhiệt kế cho thấy mức nhiệt kỷ lục 50 độ C ở thành phố Churu, Ấn Độ, hồi năm 2019. Ảnh: AFP .
Báo cáo dài 4.000 trang của IPCC là nghiên cứu quan trọng nhất về khí hậu được tiến hành từ năm 2014, cũng là bản đánh giá chi tiết nhất về khí hậu từng được tiến hành trong lịch sử.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước "hành động ngay lập tức" để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong lĩnh vực năng lượng. "Hồi chuông cảnh báo rất rõ ràng và những bằng chứng là không thể chối cãi. Phát thải khí nhà kính từ đốt nhiên liệu hóa thạch và phá rừng đang bóp nghẹt hành tinh này, đặt hàng tỷ người vào vòng nguy hiểm cận kề", ông nói.
Nồng độ CO2 trong khí quyển đang ở mức cao nhất trong ít nhất hai triệu năm qua, trong khi methane và N2O cũng ở mức cao nhất trong vòng 800.000 năm qua. Bất chấp ô nhiễm carbon giảm mạnh do đại dịch Covid-19 trong năm ngoái, IPCC không ghi nhận sự suy giảm tốc độ tích tụ khí nhà kính.
Thỏa thuận Paris về chống biến đổi hồi năm 2015 đặt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và chạm ngưỡng 1,5 độ C.
Trong dự thảo báo cáo được tiết lộ hồi tháng 6, IPCC cho rằng 14% dân số toàn cầu sẽ phải đối mặt với các đợt sóng nhiệt nghiêm trọng theo chu kỳ 5 năm và mức độ dữ dội cao hơn nhiều nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, cao hơn 0,4 độ so với hiện nay. Thêm 1,7 tỷ người sẽ chịu ảnh hưởng nếu mức tăng chạm ngưỡng 2 độ C.
Chịu tác động nặng nhất sẽ là các đại đô thị ở những nước đang phát triển, từ Karachi đến Kinshasa, Manila đến Mumbai, Lagos đến Manaus.
Dự án cáp viễn thông dưới lòng Thái Bình Dương có nguy cơ 'chìm' Dự án quy mô của Ngân hàng Thế giới với mục tiêu thiết lập đường dây cáp viễn thông tại Thái Bình Dương đã gặp chướng ngại để hiện thực hóa khi Mỹ cảnh báo việc góp mặt của một công ty Trung Quốc đem đến rủi ro an ninh. Phi cơ chở cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo qua Micronesia. Ảnh: Reuters...