Các nước nhập khẩu lúa mì chật vật do giá tăng mạnh
Những nước mua lúa mì ở châu Á, châu Phi và Trung Đông – vốn chiếm 2/3 tổng lượng nhập khẩu lương thực toàn cầu đang gặp tình trạng nguồn cung khan hiếm sau khi thời tiết bất lợi ở Nga và châu Âu bất ngờ đẩy giá lúa mì tăng 30% kể từ tháng Tư.
Cánh đồng lúa mì tại làng Zhovtneve, Ukraine. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Nhiều nhà nhập khẩu lúa mì giai đoạn trước chỉ mua hàng trước 1 – 2 tháng, thay vì 4 – 6 tháng như thường lệ với kỳ vọng rằng nguồn cung sẽ tiếp tục dồi dào. Giờ đây, họ sẽ phải mua ngũ cốc với giá cao hơn và nhiều khả năng sẽ chuyển gánh nặng giá đó sang người tiêu dùng.
Giá thực phẩm cao hơn sẽ tổn thương thêm tâm lý của người tiêu dùng trên toàn cầu, vốn vẫn đang phải tìm cách thích nghi với lạm phát cao hậu đại dịch COVID-19 cùng những tác động từ xung đột Nga – Ukraine.
Trong khi sương giá đã ảnh hưởng đến mùa màng ở nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới là Nga, tình trạng khô hạn hoặc mưa quá nhiều đang có nguy cơ làm giảm sản lượng ở Liên minh châu Âu (EU). Diễn biến này làm dấy lên lo ngại về nguồn cung thấp hơn trong nửa cuối năm, trong khi đây thường là giai đoạn quan trọng đối với sản xuất và thương mại lúa mì toàn cầu.
Video đang HOT
Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế tuần trước đã cắt giảm dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 2024/25 thêm 3 triệu tấn xuống còn 795 triệu tấn.
Giá lúa mì tăng có thể dẫn đến giá bánh mì, mì và mì ống cao hơn cho người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu.
Giá chào bán lúa mì Biển Đen vụ mới giao kỳ hạn tháng 7/2024 tại châu Á đã tăng từ khoảng 250 USD/tấn vào đầu tháng Tư lên khoảng 300 USD/tấn (đã bao gồm chi phí và cước vận chuyển).
Tại Ai Cập, giá lúa mì Nga với hàm lượng protein 12,5% đang được chào bán ở mức 13.000 bảng Ai Cập (275,89 USD) mỗi tấn, tăng so với khoảng 11.500 bảng Ai Cập một tháng trước đó.
Hai thương nhân có trụ sở tại Singapore cho biết Indonesia vẫn chưa đặt mua nhiều lúa mì Biển Đen vụ mới giao kỳ hạn từ tháng Bảy trở đi, chủ yếu do người mua cố gắng tránh biến động thị trường.
Indonesia là một trong số ba nhà nhập khẩu lúa mì hàng đầu thế giới. Theo các thương nhân, vào cùng thời điểm này năm ngoái,
Indonesia đã đặt ít nhất khoảng sáu lô lúa mì, mỗi lô khoảng 60.000 tấn.
Xu hướng này cũng diễn ra tương tự ở các nước nhập khẩu khác ở châu Á, Trung Đông và châu Phi. Hầu hết các nhà nhập khẩu đang tạm dừng mua hàng với hy vọng giá sẽ giảm trong những tháng tới khi vụ thu hoạch bắt đầu ở Nga và các nước sản xuất khác.
Ông Hesham Soliman, một thương nhân có trụ sở tại Cairo và là Chủ tịch của công ty thương mại Mediterranean Star cho biết rất rủi ro cho khu vực tư nhân khi mua lúa mì ở mức giá hiện thời. Ông nhận định giá dự kiến sẽ xuống thấp hơn khi vụ mùa mới bắt đầu vào tháng Bảy, trừ khi xảy ra những diễn biến địa chính trị mới giữa Iran và Israel.
IITFC cấp khoản vay 6 tỷ USD giúp Ai Cập mua lúa mì và các sản phẩm dầu mỏ
Truyền thông Ai Cập ngày 23/11 đưa tin Hạ viện Ai Cập vừa thông qua một thỏa thuận tín dụng trị giá 6 tỷ USD với Tập đoàn Tài chính Thương mại Hồi giáo Quốc tế (IITFC), nhằm giúp nước này đáp ứng nhu cầu về lương thực cơ bản, trong đó có lúa mì, các sản phẩm nhiên liệu và các dẫn xuất dầu mỏ nhập khẩu.
Tàu chở lúa mì của Ukraine cập cảng Djibouti ngày 30/8/2022. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo một báo cáo của Ủy ban Các vấn đề Kinh tế của Hạ viện Ai Cập, thỏa thuận tín dụng trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Ai Cập nhập khẩu các mặt hàng lương thực cơ bản cần thiết, đặc biệt là lúa mì và các sản phẩm dầu mỏ. Báo cáo cho biết thêm theo thỏa thuận, được ký vào tháng 1/2018, IITFC dự kiến ban đầu sẽ cấp khoản vay 3 tỷ USD cho Ai Cập. Tuy nhiên, thỏa thuận đã được sửa đổi vào tháng 6/2022 để nâng khoản vay lên 6 tỷ USD. Báo cáo cho hay khoản vay đã được nâng lên do tác động tiêu cực của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đẩy giá lúa mì, nhiên liệu và các sản phẩm dầu mỏ quốc tế tăng vọt.
Ai Cập có mối quan hệ lâu dài và thành công với IITFC kể từ năm 2008. IITFC luôn sẵn sàng cung cấp hỗ trợ tài chính cần thiết để giúp Ai Cập củng cố các điều kiện kinh tế trong nước. Nghị sĩ Hossam Awad, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng của Hạ viện Ai Cập, nói rằng khoản vay 6 tỷ USD xuất hiện kịp thời nhằm giúp Ai Cập kiềm chế sự gia tăng mạnh mẽ của giá cả các mặt hàng lương thực trên thị trường quốc tế, đặc biệt là lúa mì, do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Là quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, Ai Cập từng phụ thuộc vào 80% lượng lúa mì nhập khẩu từ Nga và Ukraine.
Gần đây, quốc gia Bắc Phi này đã nỗ lực đa dạng hóa các nguồn cung lúa mì nhập khẩu, đồng thời thực hiện các chính sách khuyến khích nông dân trong nước bán lúa mì cho nhà nước. Với mức tiêu thụ lúa mì trung bình 18 triệu tấn mỗi năm, Ai Cập đã gia tăng nguồn cung trong nước thông qua chương trình thu mua lúa mì từ nông dân. Chính phủ Ai Cập thông báo nguồn cung ứng lúa mì từ nông dân trong nước năm 2022 đã đảm bảo được 4,2 triệu tấn, tăng từ 3,5 tấn trong năm 2021.
Mỹ hạn chế nhập khẩu một số gia cầm từ Australia Mỹ đã áp đặt lệnh hạn chế nhập khẩu đối với một số sản phẩm gia cầm và phụ phẩm từ bang Victoria (Australia) sau khi xác định cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) trên gia cầm nuôi ở địa phương này. Cơ quan Kiểm dịch động vật và thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo lệnh hạn chế có...