Các nước kêu gọi bảo đảm chủ quyền và tăng cường năng lực cho Liban
Ngày 10/10, các nhà ngoại giao tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã kêu gọi tăng cường sức mạnh cho quân đội Liban cũng như thực thi nghị quyết năm 2006 của HĐBA về việc phi vũ khí tại khu vực biên giới nước này và Israel.
Toàn cảnh phiên họp khẩn Hội đồng Bảo an LHQ về tình hình Trung Đông, tại New York, Mỹ ngày 2/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu trong cuộc họp của HĐBA, Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood cho rằng cộng đồng quốc tế phải tập trung nỗ lực vào việc tăng cường các thể chế nhà nước của Liban.
Theo ông, “Giải pháp cho cuộc khủng hoảng này… là một Liban mạnh mẽ và thực sự có chủ quyền, được bảo vệ bởi một lực lượng an ninh hợp pháp”.
Đồng tình với quan điểm của Mỹ, Đại sứ Pháp tại LHQ Nicolas de Riviere cho biết Paris muốn tăng cường hỗ trợ cho các thể chế của Liban, đặc biệt là lực lượng vũ trang của nước này về trang bị và kỹ năng. Ông cũng cho biết một trong những mục tiêu của hội nghị mà Pháp dự định tổ chức tại Liban vào ngày 24/10 là đảm bảo chủ quyền của Liban.
Video đang HOT
Về phần mình, quyền Đại sứ Liban tại LHQ Hadi Hachem cho rằng “chỉ có các giải pháp ngoại giao và việc thực hiện các nghị quyết quốc tế, cam kết với luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế mới là phương tiện để chấm dứt cuộc chiến”.
Trong khi đó, Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Danny Danon nhấn mạnh nghị quyết 1701 phải được thực thi, cùng với nghị quyết 1559 năm 2004 về việc giải tán và giải giáp tất cả các lực lượng không chính quy ở Liban.
Cũng phát biểu tại cuộc họp, người đứng đầu lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ Jean-Pierre Lacroix cho biết Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Liban (UNIFIL) sẵn sàng hỗ trợ mọi nỗ lực hướng đến một giải pháp ngoại giao, song nhấn mạnh các bên phải tự thực hiện các điều khoản của nghị quyết 1701.
Nghị quyết 1701, được thông qua vào năm 2006, nhằm hỗ trợ quân đội Liban giữ cho khu vực biên giới phía Nam với Israel không có vũ khí hoặc lực lượng vũ trang nào khác ngoài lực lượng của Chính phủ Liban. Nghị quyết này cũng cấm tất cả các bên vượt qua Đường Xanh – đường do LHQ lập bản đồ phân cách Liban với Israel và Cao nguyên Golan do Tel Aviv kiểm soát – bằng đường bộ hoặc đường hàng không. Tuy nhiên, nghị quyết này thường xuyên bị vi phạm từ cả hai phía.
Liban khẳng định ngoại giao là giải pháp duy nhất
Ngày 29/9, Thủ tướng lâm thời của Liban Najib Mikati nêu rõ nước này không có lựa chọn nào khác ngoài giải pháp ngoại giao để ngăn chặn leo thang xung đột giữa lực lượng Hezbollah ở miền Nam và Israel.
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel tại Khiam, Liban, ngày 25/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Trong một trả lời phỏng vấn trên truyền hình ngày 29/9, ông Miati cũng lo ngại xung đột lần này sẽ gây ra làn sóng di dời lớn nhất từ trước tới nay tại Liban. Nhà lãnh đạo này ước tính có khoảng 1 triệu người dân Liban đã phải sơ tán trong tuần qua. Ông đã rút ngắn chuyến công tác dự Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Liban (Mỹ) trong bối cảnh tình hình trở nên nghiêm trọng hơn sau cái chết của thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah.
Cùng ngày 29/9, Bộ trưởng Thông tin Liban Ziad Makary cho biết các nỗ lực ngoại giao để tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn tại biên giới với Israel đang được tiến hành.
Cụ thể, trong phiên họp nội các cùng ngày, Bộ trưởng Ziad Makary khẳng định chắc chắn là chính phủ Liban muốn ngừng bắn. Các nỗ lực ngoại giao để đạt được lệnh ngừng bắn vẫn đang diễn ra nhưng tiến trình này không dễ dàng.
Trong khi đó, quân đội Liban đã cảnh báo người dân tránh những hành động có thể gây rối loạn trật tự công cộng tại quốc gia này sau khi Israel thông báo Hassan Nasrallah, thủ lĩnh của nhóm Hezbollah, thiệt mạng trong các cuộc không kích của lực lượng nước này ngày 27/9.
Đến ngày 29/9, Israel cho biết đã tiến hành các cuộc không kích mới vào hàng chục mục tiêu của Hezbollah ở Liban đồng thời thông báo hai nhân vật cấp cao khác của Hezbollah là Nabil Kaouk và Nabil Qaouq đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công nhưng phía Hezbollah chưa xác nhận thông tin này.
Trước những diễn biến trên, quân đội Liban kêu gọi người dân bảo vệ sự thống nhất quốc gia và không bị lôi kéo vào những hành động có thể ảnh hưởng đến ổn định trật tự quốc gia "ở giai đoạn nguy hiểm và nhạy cảm này". Ngay khi có thông tin thủ lĩnh Hezbollah thiệt mạng, Thủ tướng Mikati đã kêu gọi người dân nước này đoàn kết để bảo vệ trật tự dân sự.
Tương tự, trong bài đăng trên mạng xã hội X ngày 29/9, điều phối viên đặc biệt của LHQ tại Liban Jeanine Hennis-Plasschaert cũng kêu gọi đoàn kết. Theo đó, bà chỉ ra đây là thời điểm quan trọng đối với Liban khi sự bất ổn đang lan tràn và đất nước cần tập trung vào lợi ích chung đoàn kết người dân.
Trong diễn biến liên quan, ngày 29/9, chương trình Lương thực thế giới (WFP) thông báo đã triển khai hoạt động khẩn cấp để cung cấp bữa ăn cho 1 triệu người bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột leo thang ở Liban. Trong thông báo mới đưua ra, cơ quan có trụ sở tại Rome (Italy) cho rằng xuộc xung đột tiếp tục leo thang vào cuối tuần này càng cho thấy nhu cầu phải có phản ứng nhân đạo ngay lập tức.
Theo đó, WFP phân phối khẩu phần ăn sẵn, bánh mì, bữa ăn nóng và bưu kiện thực phẩm đến nhiều địa điểm tạm trú trên khắp quốc gia Bắc Phi. Theo Giám đốc quốc gia của WFP tại Liban, Matthew Hollingworth, cơ quan của Liên hợp quốc đang chuẩn bị hỗ trợ cho 1 triệu người cả tiền mặt và lương thực, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế huy động 105 triệu USD để tài trợ cho hoạt động này cho đến hết năm.
Lực lượng Liên hợp quốc tại Liban không rời vị trí bất chấp đề nghị của Israel Ngày 5/10, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) tại Liban cho biết họ sẽ không rời khỏi các vị trí ở miền Nam nước này, bất chấp yêu cầu "rời đi" của phía Israel. Xe của Lực lượng lâm thời LHQ tại Liban (UNIFIL) di chuyển trên cao tốc phía Nam thành phố Tyre, Liban. Ảnh tư liệu:...