Các nước hỗ trợ người dân vượt qua khủng hoảng chi phí sinh hoạt như thế nào
Đại dịch COVID-19, giá thực phẩm và giá nhiên liệu tăng cao, cũng như tình hình xung đột Nga-Ukraine đã giáng một đòn mạnh vào cuộc sống của người dân trên khắp thế giới.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Belsize Park, phía Bắc thủ đô London, Anh. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Từ quyết định hủy bỏ khoản nợ cho sinh viên vay cho đến tăng lương tối thiểu…, nhiều chiến lược khác nhau đang được chính phủ các nước đưa ra nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đối với người dân và các doanh nghiệp.
Tại Mỹ, hàng triệu cựu sinh viên đã được xóa bỏ các khoản vay để trang trải chi phí học tập mà họ chưa thể hoàn trả, với tổng số tiền lên tới 10.000 USD. Hồi tháng trước, Washington cũng công bố Đạo luật Giảm lạm phát trị giá 430 tỷ USD, trong đó bao gồm cắt giảm giá thuốc kê đơn và tín dụng thuế nhằm khuyến khích người dân sử dụng năng lượng hiệu quả. Tổng thống Joe Biden cũng đã đề xuất một kế hoạch trả nợ dựa trên thu nhập, theo đó giới hạn các khoản vay dành cho những người có thu nhập thấp trong tương lai, đồng thời điều chỉnh chương trình xóa nợ cho các nhân viên làm việc cho chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận.
Tại Brazil, chính phủ nước này đã cắt giảm thuế nhiên liệu và tăng chi trả phúc lợi xã hội. Petrobras – công ty dầu mỏ lớn nhất nước này – hồi tuần trước đã thông báo cắt giảm 7% giá xăng dầu, lần giảm thứ 4 liên tiếp kể từ giữa tháng 7 vừa qua.
Cũng trong tháng 7, Chile đã công bố kế hoạch viện trợ 1,2 tỷ USD, bao gồm trợ cấp lao động và khoản thanh toán 1 lần trị giá 120 USD/người cho 7,5 triệu người trong tổng số 19 triệu dân.
Video đang HOT
Còn tại châu Á, Nhật Bản đã tăng lương tối thiểu lên mức kỷ lục 3,3% trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2023. Chính phủ cũng đang nỗ lực kiểm soát để không tăng giá lúa mì xuất khẩu. Đây là những biện pháp nằm trong gói hỗ trợ trị giá 103 tỷ USD được nước này thông qua vào tháng 4 vừa qua.
Indonesia sẽ phân bổ lại 24,17 nghìn tỷ rupiah (tương đương 1,6 tỷ USD) ngân sách trợ cấp nhiên liệu cho chi tiêu phúc lợi, bao gồm cả phát tiền mặt cho 20,6 triệu hộ gia đình. Chính phủ cũng sẽ chỉ thị cho các cơ quan quản lý khu vực trợ cấp giá vé vận tải.
Cách đây 4 tháng, Ấn Độ cũng đã áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm, trong đó bao gồm cả lúa mì và đường, chiếm gần 40% chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đồng thời cắt giảm thuế nhập khẩu dầu ăn.
Trong khi đó, Chính phủ Malaysia dự kiến sẽ chi khoản tiền trợ cấp cao kỷ lục 77,3 tỷ ringgit (17,25 tỷ USD) và viện trợ tiền mặt cho người dân trong năm nay nhằm giảm bớt tác động của tình trạng giá cả leo thang.
Tại khu vực châu Phi và Trung Đông, Nam Phi hồi tháng 7 vừa qua đã thông báo giảm giá bơm nhiên liệu, trong khi Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã tăng chi tiêu phúc lợi xã hội. Cụ thể, UAE đã tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính cho các gia đình có thu nhập thấp, còn Saudi Arabia phân bổ 20 tỷ riyals (5,33 tỷ USD) cho các hộ nghèo.
Tại châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tăng lương tối thiểu thêm khoảng 30%, sau khi đã tăng 50% vào cuối năm ngoái.
Trong khi đó, Pháp đã “chốt” giá khí đốt ở mức giá của tháng 10/2021 và giới hạn mức tăng giá điện ở mức 4% cho đến ít nhất là cuối năm nay. Chính phủ nước này cũng đã hỗ trợ 100 euro (tương đương 99,5 USD) cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình để giúp họ trang trải hóa đơn
Trong tháng 9 này, Chính phủ Đức đã cung cấp khoản hỗ trợ 1 lần trị giá 300 euro cho tất cả những người làm việc thường xuyên. Sinh viên và những người hưởng phúc lợi xã hội cũng đã được nhận gấp đôi khoản trợ cấp thông thường của họ để chi trả phí sưởi ấm tại nhà.
Tây Ban Nha sẽ cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với khí đốt từ 21% xuống còn 5% trong 3 tháng cuối năm nay, nhằm giúp người dân thanh toán hóa đơn năng lượng.
Hồi tháng 6 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch 8,4 tỷ euro của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nhằm giảm giá điện bán buôn tại bán đảo Iberia bằng cách giới hạn giá khí đốt được sử dụng để sản xuất điện. Được xem như một khoản tài trợ trực tiếp cho các nhà sản xuất điện, kế hoạch này sẽ giúp các hộ gia đình tiết kiệm từ 15-20% trị giá hóa đơn năng lượng.
Ở Ba Lan – quốc gia phụ thuộc nhiều vào than để sưởi ấm, chính phủ đã công bố khoản thanh toán một lần 3.000 złotys (tương đương 627 USD) cho mỗi hộ gia đình sử dụng than, trong khi các khoản trợ cấp ở mức thấp hơn sẽ được chi trả cho các loại nhiên liệu sưởi ấm khác.
Hà Lan đang cung cấp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp nhất khoản trợ cấp năng lượng một lần trị giá 1.300 euro, tăng mức lương tối thiểu và giảm thuế VAT đối với năng lượng xuống mức 9%.
Na Uy đã giới hạn hóa đơn tiền điện ở mức 7 NKr (tương đương 0,7 USD) cho mỗi kWh, trong đó nhà nước hiện chi trả 80% và sẽ tăng lên 90% vào tháng 10 tới.
Lạm phát ở Indonesia sẽ tăng lên mức 6,6% - 6,8% do tăng giá nhiên liệu
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, người đứng đầu Cơ quan Chính sách Tài khóa (BKF) thuộc Bộ Tài chính Indonesia, ông Febrio Kacaribu dự báo rằng quyết định tăng giá nhiên liệu mới đây sẽ đẩy lạm phát ở quốc gia này trong năm nay lên mức 6,6%-6,8%.
Một trạm xăng ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 5/9, ông Kacaribu cho biết theo tính toán của BKF, tỷ lệ lạm phát có thể tăng do tác động của việc điều chỉnh giá nhiên liệu vừa qua và dao động từ 6,6% đến 6,8% trong năm nay, vượt mục tiêu của chính phủ là từ 4%-4,8%. Trong khi đó, Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) cho hay lạm phát tính đến tháng 8/2022 ở mức 4,69%, giảm so với mức 4,94% trong tháng 7. Ông Kacaribu cho rằng chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực kiềm chế lạm phát đến cuối năm nay để duy trì ở mức dưới 7% thông qua chính sách phân phối có kiểm soát và bình ổn giá thực phẩm.
Trước đó vào ngày 3/9, Chính phủ Indonesia đã quyết định tăng giá xăng nhãn hiệu Pertalite (A90) từ 7.650 rupiah lên 10.000 nghìn rupiah/lít, giá dầu diesel nhãn hiệu Solar từ 5.150 rupiah lên 6.800 rupiah/lít, và giá xăng Pertamax (A92) từ 12.500 rupiah lên 14.500 rupiah/lít. Động thái tăng giá được đưa ra sau khi chính phủ kết chuyển ngân sách trợ cấp nhiên liệu còn lại của năm 2022 sang trợ cấp xã hội trong bối cảnh ngân sách trợ cấp và bù lỗ năng lượng đã tăng gấp 3 lần lên mức 502.400 tỷ rupiah (khoảng 34 tỷ USD).
Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh rằng tăng giá nhiên liệu là "lựa chọn cuối cùng" của chính phủ, đồng thời tuyên bố rằng ngân sách nhà nước cần được ưu tiên để trợ cấp cho những người yếu thế.
WB dự báo giá năng lượng, thực phẩm sẽ leo cao trong 3 năm Cuộc chiến tại Ukraine sẽ khiến giá thực phẩm và năng lượng đắt đỏ trong vòng 3 năm tới, làm dấy lên quan ngại rằng nền kinh tế toàn cầu đang hướng đến vòng xoáy tăng trưởng kém và lạm phát cao của thập niên 1970. Người dân tiếp nhiên liệu cho xe tại một trạm xăng ở British Columbia, Canada ngày 20/4/2022....