Các nước Baltic trừng phạt Tổng thống Belarus
Litva, Latvia và Estonia sẽ công bố lệnh trừng phạt đi lại đối với khoảng 30 quan chức Belarus, gồm Tổng thống Alexander Lukashenko, vào cuối ngày hôm nay.
Tổng thống Litva Gitanas Nauseda nói với các phóng viên rằng lệnh trừng phạt nhằm vào quan chức bị các nước Baltic cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tháng này và đóng vai trò “trong bạo lực đối với người biểu tình phản đối kết quả bầu cử”.
Ông Nauseda cho biết danh sách này là bước khởi đầu và có thể được mở rộng về sau.
“Chúng tôi nói cần đối thoại hòa bình và thỏa thuận giữa chính phủ và các tầng lớp xã hội, nhưng chúng tôi thấy chính phủ Belarus chưa sẵn sàng cho điều đó”, Nauseda nói. “Chúng tôi thấy cần phải tiến thêm một bước và làm gương cho các nước khác”.
Tổng thống Litva Gitanas Nauseda tại hội nghị trực tuyến về Covid-19 với Liên minh châu Âu tại Vilnius, Litva hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.
Video đang HOT
Liên minh châu Âu (EU) cũng đang thảo luận về danh sách cá nhân ở Belarus để nhắm mục tiêu với các lệnh trừng phạt tương tự.
Ba quốc gia Baltic, hai trong số đó có biên giới với Belarus, kêu gọi châu Âu hành động mạnh mẽ để hỗ trợ phe đối lập ở Belarus. Litva đã tiếp nhận ứng viên đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya, người rời khỏi Belarus sau cuộc bầu cử ngày 9/8.
Các cuộc biểu tình nổ ra ở Belarus sau khi ông Lukashenko, 65 tuổi, tuyên bố tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ sáu với hơn 80% phiếu bầu. Phe đối lập ở Belarus và EU không công nhận kết quả bầu cử, cho rằng cuộc bỏ phiếu bị gian lận.
Những người phản đối Lukashenko tái đắc cử đã tổ chức đình công và biểu tình trong thời gian qua, yêu cầu ông từ chức. Hàng chục nghìn người biểu tình hôm 30/8 tập trung tại trung tâm thủ đô Minsk, tìm cách tiếp tục gây áp lực buộc ông Lukashenko phải từ chức. Bộ Nội vụ Belarus cho biết ít nhất 140 người đã bị bắt vì các hành vi bạo lực.
Tổng thống Lukashenko bác bỏ ý tưởng tổ chức bầu cử lại cũng như những lời kêu gọi từ chức, đồng thời cáo buộc phe đối lập âm mưu giành chính quyền. Ông tuyên bố sẵn sàng đối thoại với các tầng lớp lao động, sinh viên và các thành viên “hiểu lý lẽ” của phe đối lập, nhưng nói rằng điều đó sẽ không xảy ra dưới áp lực của các cuộc biểu tình.
Nga, đồng minh thân thiết của Belarus, liên tục cảnh báo phương Tây rằng hành động can thiệp vào công việc nội bộ hoặc gây áp lực với các lãnh đạo Belarus là “không thể chấp nhận được”. Putin và ông Lukashenko dự kiến gặp mặt trong vài tuần tới ở Moskva.
Trong cuộc điện đàm ngày 16/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Lukashenko rằng Nga sẵn sàng hỗ trợ quân sự theo hiệp ước quốc phòng tập thể nếu cần thiết để trợ giúp Belarus “giải quyết các vấn đề” nảy sinh từ cuộc bầu cử tổng thống. Nga cho rằng “sức ép từ bên ngoài” đang gây ra tình trạng bất ổn với các cuộc biểu tình chống Lukashenko.
Belarus: Tổng thống đề cập kịch bản "cách mạng màu" trong các cuộc biểu tình
Tổng thống Belarus cáo buộc các thế lực bên ngoài kích động biểu tình ở nước này. Ông nhấn mạnh đến kịch bản "cách mạng màu".
Hôm 23/8, các cuộc biểu tình tại Belarus với quy mô lớn tiếp diễn ngày thứ 13 liên tiếp. Trước tình hình này, Tổng thống Belarus đã cáo buộc các thế lực bên ngoài kích động biểu tình đồng thời tuyên bố sẽ thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Biểu tình ở Belarus. Ảnh: Time.
Phát biểu trong chuyến thị sát thao trường quân sự Grodno, Tổng thống Belarus Lukashenko nhấn mạnh, kịch bản "cách mạng màu" có sự can thiệp của yếu tố bên ngoài đang được sử dụng để chống lại đất nước Belarus, đồng thời cũng lên án việc phương Tây ủng hộ phe đối lập Belarus trên phương diện quân sự, với bằng chứng là việc điều động quân đội các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến biên giới Belarus. Tổng thống Lukashenko coi sự ủng hộ của các nước phương Tây đối với phe đối lập là sự can thiệp trực tiếp vào tình hình ở Belarus.
"Mỹ đang lên kế hoạch và chỉ đạo mọi thứ và một số nước châu Âu đang cố gắng theo đuổi điều đó. Một số nhà lãnh đạo phương Tây muốn hòa giải tình hình tại Belarus. Tôi biết điều đó, nhưng họ nên giải quyết công việc của nước mình trước"
Tổng thống Lukashenko cũng yêu cầu lãnh đạo Bộ Quốc phòng thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đặc biệt là phần biên giới phía Tây của nước này.
Trong khi đó, từ quốc gia láng giềng Litva, chính trị gia đối lập chính, bà Sviatlana Tsikhanouskaya cùng ngày cho rằng, người dân Belarus muốn một cuộc bầu cử mới được tổ chức tự do và công bằng.
"Bạo lực nên chấm dứt, các tù nhân chính trị nên được trả tự do và một cuộc bầu mới mới nên được tổ chức một cách tự do, trung thực và minh bạch. Đây là điều mà người dân Belarus yêu cầu. Tôi rất hy vọng và tôi tin rằng các nhà chức trách sẽ lắng nghe người dân "
Dự kiến vào ngày mai, chính trị gia đối lập Belarus này sẽ có cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun, người sẽ dừng chân tại Litva trên đường tới thăm Nga vào tuần tới. Chuyến thăm Nga lần này của Thứ trưởng ngoại giao Mỹ cũng sẽ tập trung vào tình hình căng thẳng hiện nay tại Belarus.
Bất ổn tại Belarus diễn ra từ sau cuộc bầu cử tổng thống. Theo kết quả chính thức do Ủy ban Bầu cử trung ương công bố, Tổng thống Lukashenko tái đắc cử với 80,1% số phiếu ủng hộ. Tiếp đến là bà Tsikhanouskaya nhận được 10,12% số phiếu. Bà Tsikhanouskaya tuyên bố không chấp nhận kết quả bầu cử. Ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu sơ bộ, các cuộc biểu tình đông người đã diễn ra tại các thành phố và biến thành xô xát với cảnh sát. Hơn 6.700 người đã bị bắt giữ và hàng trăm người bị thương, trong đó có hơn 120 nhân viên thực thi pháp luật.
NATO sắp diễn tập hải quân quy mô lớn gần Nga Cuộc diễn tập BALTOPS 2020 được tổ chức trên biển Baltic với sự tham gia của 19 quốc gia, 3.000 binh sĩ và nhiều tàu chiến máy bay. Cuộc diễn tập Các chiến dịch Baltic (BALTOPS) sẽ diễn ra từ ngày 7-16/6 trên biển Baltic với các nội dung bắn đạn thật, hiệp đồng phòng không và săn ngầm, kiểm soát đường biển...