Các nội dung dự kiến trong Thông điệp Liên bang của ông Obama
Vào 21 giờ 00 ngày 20/1 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đọc Thông điệp Liên bang năm 2015 trước lưỡng viện quốc hội.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (ảnh: AFP/TTXVN)
Dù Nhà Trắng và một số lãnh đạo đảng Cộng hòa nhiều lần tuyên bố muốn tìm tiếng nói chung và nhân nhượng thỏa hiệp, song người đứng đầu Nhà Trắng được dự báo sẽ trình bày một loạt đề xuất chính sách khó có thể được Quốc hội thông qua trong hai năm cuối nhiệm kỳ.
Thông điệp Liên bang năm nay được đông đảo chính giới và dư luận Mỹ chờ đợi vì đây là lần đầu tiên Tổng thống Obama trình bày các chương trình nghị sự và các đường hướng chính sách của chính phủ trước Quốc hội do đảng Cộng hòa toàn quyền kiểm soát.
Phát biểu trên chương trình “Gặp gỡ báo chí” của kênh tin tức NBC, người phát ngôn Nhà Trắng Dan Pfeiffer cho biết chủ đề chính của thông điệp là “kinh tế của tầng lớp trung lưu” và cách thức cải thiện vấn đề tiền lương cũng như kích thích kinh tế.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo của nước Mỹ cũng sẽ công bố một loạt đường hướng đối nội và đối ngoại của chính quyền trong năm 2015, trong đó có cả những vấn đề bị các nghị sỹ Cộng hòa nhiều lần đe dọa ngăn chặn tại cơ quan lập pháp.
Về đối nội, các đề xuất kinh tế sẽ là trọng tâm trong Thông điệp Liên bang năm nay. Dự kiến, Tổng thống Obama sẽ đề nghị tăng thuế đối với thiểu số những người giàu để giúp tầng lớp trung lưu, theo đó tầng lớp giàu có nhất tại Mỹ, đặc biệt là giới tài phiệt Phố Wall, sẽ phải đóng thuế nhiều hơn khi bán các khoản đầu tư hoặc tài sản.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết kế hoạch này sẽ giúp mang về 320 tỷ USD trong vòng 10 năm tới và số tiền này sẽ được rót vào các quỹ an sinh xã hội để phục vụ tầng lớp trung lưu, người nghèo. Kế hoạch cũng bao gồm việc mở rộng chính sách chăm sóc trẻ em và miễn thuế đào tạo cho những người có thu nhập trung bình. Tổng thống Obama cũng có thể nhắc lại chương trình cải cách nhập cư, vấn đề gây chia rẽ sâu sắc giữa chính quyền và quốc hội thời gian qua.
Video đang HOT
Sau một số vụ tấn công mạng táo bạo nhằm vào hãng giải trí Sony Pictures và đặc biệt là tài khoản mạng xã hội Twitter của Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENCOM) quân đội Mỹ, Tổng thống Obama dự kiến cũng sẽ kêu gọi Quốc hội thông qua dự luật mới cho phép chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ dễ dàng chia sẻ thông tin về các mối đe dọa an ninh mạng. Đây có thể là đề xuất hiếm hoi trong Thông điệp Liên bang sẽ nhận được sự tán thành của phe Cộng hòa.
Trước đó, cả thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell và Chủ tịch Hạ viện John Boehner đều lên tiếng ủng hộ đề xuất này.
Về giáo dục, ông Obama có thể sẽ nhắc lại lời kêu gọi mới đây về việc miễn học phí hai năm cho sinh viên các trường cao đẳng cộng đồng nhằm giảm gánh nặng chi phí học đường, cũng như tạo cơ hội cho những gia đình nghèo và thu nhập thấp. Theo tính toán, đề xuất trên sẽ giúp mỗi sinh viên tiết kiệm được trung bình 3.800 USD/năm và có tới 9 triệu sinh viên tại Mỹ được hưởng lợi từ chương trình này.
Ngoài ra, Tổng thống Obama cũng sẽ đề xuất thực thi chương trình nghỉ phép được hưởng lương có tổng kinh phí 2 tỷ USD nhằm khuyến khích các bang xây dựng chương trình phúc lợi mới để trả lương tạm thời và chăm sóc y tế cho các lao động buộc phải nghỉ việc 7 ngày/năm vì gia đình có người bệnh nặng hoặc mới sinh con.
Về đối ngoại, trong Thông điệp Liên bang 2015, Tổng thống Obama sẽ nêu bật các kế hoạch bình thường hóa quan hệ với Cuba và hối thúc Quốc hội nhanh chóng dỡ bỏ lệnh cấm vận mà ông cho là “đã lỗi thời” nhằm vào quốc đảo này. Ông Obama cũng sẽ kêu gọi Quốc hội không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran. Theo Nhà Trắng, siết chặt trừng phạt vào thời điểm này sẽ hủy hoại các kết quả đàm phán hạt nhân đạt được mới đây giữa Iran với Nhóm P5 1.
Trong bối cảnh tiến trình đàm phán về hai hiệp định thương mại tự do với châu Á và châu Âu đang tiếp diễn và còn nhiều khó khăn, Tổng thống Obama cũng sẽ hối thúc quốc hội gia hạn Quyền xúc tiến thương mại (TPA) để trao cho chính phủ “quyền đàm phán nhanh” trong lĩnh vực thương mại. Đề xuất này nhiều khả năng cũng sẽ được phe Cộng hòa ủng hộ.
Đối với cuộc chiến chống khủng bố, Tổng thống Obama sẽ tiếp tục hối thúc Quốc hội cho phép ông sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết mối đe dọa bắt nguồn từ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq. Sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu mới đây tại Sydney (Australia) và Paris (Pháp), giới phân tích nhận định ông Obama sẽ nhận được sự ủng hộ của Quốc hội trong vấn đề trên.
Ngoài ra, Tổng thống Obama có thể sẽ nhắc lại chủ trương đóng cửa nhà tù của quân đội Mỹ tại Vịnh Guantanamo của Cuba, đồng thời hối thúc dỡ bỏ các rào cản trong vấn đề chuyển tù nhân khỏi trung tâm giam giữ gây tranh cãi này.
Đây là Thông điệp Liên bang đầu tiên của Tổng thống Obama kể từ khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11/2014. Bài phát biểu là tâm điểm của đời sống chính trị nước Mỹ đầu năm 2015 và có thể sẽ định hình chương trình nghị sự của chính quyền và đảng Dân chủ từ nay tới cuộc bầu cử tổng thống 2016, cũng như định hình những di sản mà ông Obama sẽ để lại sau tám năm làm ông chủ Nhà Trắng./.
Theo (TTXVN/Vietnam )
Giải mã thông điệp của Putin?
Ngày 4/12, Tổng thống Nga Putin đã đọc Thông điệp Liên bang trước quốc hội. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, nước Nga lại đang đối đầu ác liệt với phương Tây xung quanh vấn đề Ukraina thì những quan điểm và quyết sách của người đứng đầu nước Nga là gì?
Tổng thống Putin đọc Thông điệp Liên bang ngày 4/12 trước Duma quốc gia
Thông điệp Liên bang năm nay gắn gọn hơn mọi năm, chỉ kéo dài khoảng 1 giờ, bao quát toàn bộ các vấn đề về đối nội và đối ngoại của nước Nga.
Về đối ngoại, Tổng thống Putin lên án cuộc đảo chính lật đổ Chính phủ ở Ukraina đầu năm 2014 và bảo vệ việc bán đảo Crưm sáp nhập vào lãnh thổ Nga hồi tháng 3. Theo nhà lãnh đạo Nga, Crưm có ý nghĩa thiêng liêng với nước Nga và người Nga sẽ mãi mãi nhìn nhận khu vực này theo cách đó. Nước Nga đã chứng minh mình có đủ khả năng bảo vệ đồng bào của mình. Bạo lực ở đông nam Ukraina cho thấy con đường của nước Nga là đúng đắn.
Tổng thống Nga tuyên bố không ai có thể có được sức mạnh và ưu thế quân sự như nước Nga, nhưng Nga không có ý định tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang. Ông Putin chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây đang gây tổn hại cho "tất cả mọi người, không riêng gì những người bị họ áp đặt".
Ông Putin nói: "Các biện pháp trừng phạt này không chỉ là một phản ứng căng thẳng của Mỹ và các đồng minh trước lập trường của Nga liên quan đến các sự kiện ở Ukraina. Thậm chí không liên quan đến Crưm. Tôi muốn nhấn mạnh với tất cả mọi người ở đây rằng ngay cả khi sự kiện Crưm không xảy ra thì họ sẽ đưa ra một lý do khác để tìm ảnh gây ảnh hưởng với Nga nhằm đạt được được mục đích của mình".
Tổng thống Putin cho biết Nga không chọn con đường bị cô lập hay tự tìm kiếm kẻ thù. Nga sẽ sử dụng các tiềm năng phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ cùng châu Âu, bất chấp cuộc khủng hoảng Ukraina. Ông cũng khẳng định các lệnh trừng phạt của phương Tây càng thôi thúc các doanh nghiệp Nga phát triển và Nga vẫn mở cửa cho nước ngoài đầu tư.
Ngoài ra, Tổng thống Nga cũng cho rằng an ninh toàn cầu là một vấn đề lớn, trong đó có Ebola, cũng như việc Mỹ mở rộng và phổ biến hệ thống vũ khí trên toàn cầu.
Về đối nội, Thông điệp Liên bang nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt từ bên ngoài là động lực để Nga đạt mục tiêu đề ra, trong đó trong năm tới cần thoát khỏi mức tăng trưởng bằng 0, đuổi kịp và vượt mức tăng trưởng của thế giới, hạ mức lạm phát xuống dưới 4%. Tăng đầu tư vào nền kinh tế Nga đến 2018 lên 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tăng xuất khẩu sản phẩm thành phẩm cao lên 1,5 lần trong 3 năm tới.
Trong bối cảnh Nga chịu rất nhiều lệnh trừng phạt từ phía Mỹ và EU, ông Putin đưa ra loạt biện pháp cụ thể nhằm kích thích sản xuất trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp, như: tăng mua sắm công từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, thành lập trung tâm điều phối tìm kiếm các đơn hàng lớn về cho các doanh nghiệp Nga. Trong đó, việc triển khai chương trình thay thế nhập khẩu một cách hợp lý được ông Putin coi là ưu tiên dài hạn của Nga...
Khác với mọi năm, Thông điệp Liên bang của Tổng thống Putin năm nay bao gồm cả Thông điệp ngân sách, vốn từ trước tới nay vẫn được công bố riêng. Trên thực tế thì giải quyết vấn đề ngân sách lúc này là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Tổng thống Nga.
Kết thúc bản Thông điệp liên bang, ông Putin cho rằng phía trước nước Nga là chặng đường khó khăn, căng thẳng và phải trông cậy nhiều vào hành động của người dân Nga. Và để vượt qua mọi thách thức hiện tại, Thông điệp Liên bang năm nay nhấn mạnh tới tinh thần và sức mạnh đoạn kết của người Nga. Đây rõ ràng là con đường duy nhất cho nước Nga vào thời điểm này. Thực tế, Tổng thống Putin đã nói rõ yêu cầu này đối với người dân Nga vào ngày Đoàn kết dân tộc hôm 4/11.
Ông nói: "Năm nay chúng ta buộc phải đối mặt với những thách thức khó khăn và nước Nga đã chứng minh rằng mình có thể bảo vệ lợi ích quốc gia, và không chỉ một lần, dân tộc chúng ta đã trả lời những thử thách của lịch sử bằng sự đoàn kết, bằng sự vươn lên của những tư tưởng đạo đức và tinh thần. Mong muốn hướng về công lý, về sự thật luôn là điều Nga trân trọng và không có bất cứ mối đe dọa nào có thể buộc chúng ta từ bỏ những giá trị và lý tưởng của mình".
Theo Nh.Thạch (tổng hợp)
PetroTimes
Putin mong muốn gì từ Thông điệp Liên bang Giữ lập trường cứng rắn trước những mối bất đồng với phương Tây nhưng trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang, Tổng thống Putin vẫn để ngỏ một cánh cửa hợp tác. Tổng thống Putin phát biểu Thông điệp Liên bang. Ảnh: AP Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 4/12 đưa ra Thông điệp Liên bang hàng năm trước quốc hội, nội...