Các nhà lãnh đạo G7 nhất trí về nền tảng hỗ trợ tài chính cho Ukraine
Ngày 12/12, các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã tiến hành họp trực tuyến thảo luận về việc phối hợp giải quyết các thách thức toàn cầu, theo đó đã nhất trí về một nền tảng hỗ trợ tài chính cho Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tham dự cuộc họp trên. Cuộc họp diễn ra ngay trước thềm một hội nghị thượng đỉnh về hỗ trợ tái thiết Ukraine hậu xung đột, dự kiến diễn ra tại Paris (Pháp).
Toàn cảnh hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tại Elmau, Đức ngày 27/6/2022. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết tại cuộc họp trực tuyến, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí về các yếu tố chủ chốt của một nền tảng phối hợp hỗ trợ tài chính cho Ukraine.
Thủ tướng Đức nêu rõ: “Mục tiêu bây giờ là xây dựng nền tảng này một cách nhanh chóng với sự tham gia của Ukraine, các tổ chức tài chính quốc tế và các đối tác khác”. Ông Scholz cho rằng việc tái thiết Ukraine có thể “tương đương Kế hoạch Marshall” do Mỹ thúc đẩy để tái thiết châu Âu sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Video đang HOT
Tuyên bố chung đăng trên trang web của Đức – nước Chủ tịch G7 hiện nay – nêu rõ: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine đáp ứng các nhu cầu trong mùa Đông, tiếp tục hỗ trợ người dân Ukraine và sẽ tăng cường hơn nữa nỗ lực chung về vấn đề này tại hội nghị quốc tế về tái thiết Ukraine dự kiến diễn ra trong ngày13/12 tại Paris”.
Theo tuyên bố, dựa trên các cam kết của mình, các nước G7 sẽ tiếp tục huy động sự hỗ trợ quốc tế để giúp giải quyết các nhu cầu tài chính cấp bách của Ukraine.
Để đạt được mục tiêu này, các bộ trưởng tài chính G7 sẽ triệu tập họp ngay lập tức để thảo luận cách tiếp cận chung nhằm phối hợp hỗ trợ ngân sách trong năm 2023. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ là trung tâm của nỗ lực này. Theo đó sẽ thành lập “Nền tảng Điều phối tài trợ”.
Nền tảng này sẽ được sử dụng để giám sát các hỗ trợ ngắn hạn và dài hạn, cụ thể là “hỗ trợ tài chính ngắn hạn – điều phối nguồn tài trợ và chuyên môn quốc tế, đồng thời khuyến khích chương trình cải cách của Ukraine cũng như kinh tế tư nhân dẫn dắt tăng trưởng.
Một ban thư ký cho nền tảng này sẽ được thành lập và các đại diện cấp cao của chính phủ sẽ được chỉ định giám sát việc thành lập nền tảng. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G7 cũng cam kết đáp ứng các nhu cầu của Ukraine về tăng cường năng lực quân sự.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thống Ukraine Zelensky đã đề xuất 3 bước để “đẩy nhanh quá trình tiến tới hòa bình” tại quốc gia này.
Bước đầu tiên ông Zelensky đề xuất là “lực lượng mới”, trong đó đề cập sự hỗ trợ quốc phòng của các nước cho Ukraine, bao gồm xe tăng, pháo phản lực và tên lửa tầm xa. Bước thứ hai là “khả năng phục hồi mới”, hướng tới sự ổn định về tài chính, năng lượng và xã hội của Ukraine trong năm 2023 thông qua những hỗ trợ tài chính quốc tế. Bước cuối cùng là “ngoại giao mới”, với các biện pháp ngoại giao để chấm dứt khủng hoảng tại Ukraine.
Tổng thống Zelensky đề nghị triệu tập Hội nghị thượng đỉnh Công thức Hòa bình toàn cầu để thảo luận về kế hoạch 10 điểm mà Kiev đã đề xuất tháng trước nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine.
Mỹ, EU tiếp tục hỗ trợ Ukraine tái thiết
Ngày 5/12, Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ-Liên minh châu Âu (EU) cho biết Mỹ và EU cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine tái thiết và bảo vệ cơ sở hạ tầng.
Thủ đô Kiev, Ukraine bị mất điện, ngày 10/11/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuyên bố chung cho hay Mỹ và EU sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine trong việc bảo vệ, duy trì và tái thiết cơ sở hạ tầng, trong đó có cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet. Tuyên bố cũng lưu ý rằng tình hình ở Ukraine một lần nữa cho thấy "nhu cầu cấp thiết phải xác định và giải quyết các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng".
Cuối tháng trước, Mỹ đã công bố khoản viện trợ trị giá 53 triệu USD cho Ukraine để mua sắm các trang thiết bị cho mạng lưới truyền tải điện năng trong bối cảnh hệ thống hạ tầng năng lượng ở Ukraine bị hư hỏng do xung đột.
Cùng ngày 5/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tình hình khó khăn do mất điện vẫn diễn ra ở 7 khu vực của Ukraine. Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, Tổng thống Zelensky nêu rõ, tính đến tối 5/12 (theo giờ địa phương), các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng mất điện là Vinnytsia, Kiev, Zhytomyr, Dnipropetrovsk, Odessa, Khmelnytsky và Cherkasy. Nhiều khu vực đã phải chuyển sang chế độ ngừng cung cấp điện khẩn cấp để ổn định hệ thống.
Trong khi đó, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho hay các cơ sở hạ tầng điện ở 3 khu vực của Ukraine là Kiev, Vinnytsia và Odessa bị hư hỏng do xung đột, song lưới điện quốc gia vẫn nguyên vẹn và hoạt động.
Ukrenergo - công ty điều hành lưới điện quốc gia Ukraine, cảnh báo khả năng xảy ra ngừng cung cấp điện khẩn cấp trên khắp nước này. Thông báo của Ukrenergo cho biết, để duy trì sự cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ điện, chế độ ngừng hoạt động khẩn cấp sẽ được áp dụng ở tất cả các khu vực của Ukraine. Điện sẽ được ưu tiên cung cấp cho các cơ sở hạ tầng quan trọng.
EP chưa thể thông qua gói hỗ trợ Ukraine trị giá 18 tỷ euro Ngày 24/11, Nghị viện châu Âu (EP) đã chấp thuận gói hỗ trợ tài chính của Liên minh châu Âu (EU) dành cho Ukraine trong năm 2023 với trị giá 18 tỷ euro (18,7 tỷ USD). Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn chưa được thông qua do vấp phải sự phản đối của Hungary. Người dân tại Mariupol, Ukraine, ngày 12/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN...