Các nhà bán lẻ linh hoạt mô hình kinh doanh khi tái mở cửa
Ghi nhận sau một tuần việc Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo phương châm “triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả từng biện pháp trên từng địa bàn cụ thể” từ ngày 0 giờ ngày 16/9 đến hết ngày 30/9/2021, nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ tại “vùng xanh”, cũng như một số nhóm ngành hàng được phép mở cửa bán buôn đã triển khai linh hoạt mô hình kinh doanh để bắt nhịp với xu hướng tiêu dùng mới trên thị trường.
Người dân Thành phố Hồ Chí Minh mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN
Sẵn sàng quay lại thị trường
Theo đó, hầu hết đơn vị kinh doanh đều tuân thủ quy định bán buôn với hình thức “bán mang về” và đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19; đồng thời, để từng bước quay trở lại hoạt động kinh doanh trong bối cảnh mới của thị trường, các đơn vị kinh doanh đều tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là chuyển hướng sang kênh bán hàng online, nhận đặt hàng qua điện thoại…
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, anh Tùng Minh, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh ngành hàng trái cây nhập khẩu trên đường Nguyễn Thị Thập ở Quận 7 cho hay, việc đầu tiên tái mở cửa hoạt động là phải bắt tay vào đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng mạng lưới khách hàng tiềm năng trên thị trường online. Trong đó, cửa hàng bắt đầu kênh bán hàng online bằng hình thức nhận đơn đặt hàng qua điện thoại, website…
Theo anh Tùng Minh, để tiếp cận được khách hàng tiềm năng, thì cửa hàng kết nối chặt chẽ với khách hàng thân thiết và thông qua nhóm này để giới thiệu, tiếp thị sản phẩm đến những người thân, bạn bè và địa bàn dân cư – nơi họ cư trú. Bên cạnh đó, cửa hàng thực hiện số hóa hình ảnh, thông tin giá cả và nguồn gốc sản phẩm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi người tiêu dùng “đi chợ online”.
Tương tự, anh Thanh Tâm, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh ngành hàng thực phẩm chế biến, đóng gói tại huyện Củ Chi cho biết, cửa hàng nằm trên địa bàn “vùng xanh” nên đã mở cửa kinh doanh được khoảng gần một tuần nay. Tuy nhiên, cửa hàng cũng không duy trì mô hình kinh doanh như trước mà chuyển sang hình thức nhận đơn đặt hàng qua điện thoại và khách hàng có thể đến nhận hàng hoặc nhận hàng tại nhà, thực hiện thanh toán trả sau.
“Với hình thức nhận đơn đặt hàng qua điện thoại, cửa hàng có thể giới thiệu những mặt hàng có sẵn hoặc không có nguồn cung cho hàng khách hàng dễ dàng mua sắm hơn. Tiếp theo, cửa hàng chuẩn bị và soạn sẵn đơn hàng, xuất hóa đơn, thông báo giá trị đơn hàng trước nên khá tiện lợi cho khách hàng trong quy trình thanh toán, cũng như thực hiện giãn cách mua sắm, đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19″, anh Thanh Tâm chia sẻ thêm.
Ở lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống, những cơ sở đáp ứng đầy đủ điều kiện an toàn thực phẩm và công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng bắt đầu quay lại thị trường. Điển hình, cửa hàng Starbucks Reserve Bar Hàn Thuyên (Quận 1) là cửa đầu tiên trong chuỗi thương hiệu này đã mở cửa tái hoạt động.
Cửa hàng Starbucks Reserve Bar Hàn Thuyên hoạt động với mô hình “bán mang về” nên khách hàng hiện nay chủ yếu là đội ngũ người giao hàng (shipper). Ngoài ra, cửa hàng này, triển khai tổ chức kinh doanh tuân thủ biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nên một số khách hàng phải xếp hàng khá lâu để đến lượt mua và chỉ phục vụ trong khung thời gian theo đúng quy định của chính quyền địa phương.
Trong khi đó, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống tại “vùng xanh”, cũng đã sẵn sàng trở lại thị trường nhưng vẫn khá thận trọng. Cụ thể, những đơn vị này chỉ mở cửa phục vụ chủ yếu vào buổi sáng trong ngày và chuẩn bị hàng hóa đủ đáp ứng nhu cầu một số khách hàng nhất định, hoặc đơn đặt hàng trước.
Song song với mở cửa hàng phục vụ khách hàng mua sắm trực tiếp, hầu hết đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống đều tiếp tục duy trì và đẩy mạnh kênh bán hàng online trên các ứng dụng công nghệ, mạng xã hội, đầu mối mua chung… Đồng thời, không ngừng nỗ lực kết nối lại chuỗi cung ứng nguồn cung nguyên vật liệu, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu… để tăng số lượng và chất lượng phục vụ khách hàng sau thời gian dài tạm ngưng bán buôn.
Video đang HOT
Theo chị Liên Hương, chủ cửa hàng phở trên đường Điện Biên Phủ (Quận 3), trong giai đoạn giãn cách xã hội, khách hàng chia sẻ khó khăn với đơn vị kinh doanh nên họ không yêu cầu cao về chất lượng và sẵn sàng “bỏ qua” nếu thiếu một số nguyên liệu nào đó. Tuy nhiên, hiện nay ngành thương mại Tp. Hồ Chí Minh đang từng bước mở cửa an toàn trở lại, nên khách hàng sẽ yêu cầu chất lượng và năng lực phục vụ như thời điểm bình thường, cũng như tốt hơn.
Cùng quan điểm, chị Cát Nguyên, tại quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, ở góc độ người tiêu dùng thì cũng phải mấy tháng chờ đợi mới được thưởng thức những món ngon khi các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống quen thuộc mở cửa trở lại. Do đó, nếu đơn vị kinh doanh tái mở cửa hoạt động mà không đảm bảo chất lượng thì có thể bị mất khách hàng và gây tâm lý thất vọng cho người tiêu dùng.
Đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới
Những yêu cầu mới của thị trường và đòi hỏi của người tiêu dùng, không chỉ đặt ra bài toán khó cho đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, mà ngay cả doanh nghiệp, nhà bán lẻ lớn hay mạng lưới chợ truyền thống cũng phải không ngừng nỗ lực để “lấy lại” khách hàng. Trong đó, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đang tăng cường hàng loạt xe buýt “Chuyến xe mua chung – Bình ổn giá” để kịp thời giao hàng đến người tiêu dùng.
Theo phân tích của bà Võ Thị Ngọc Hường, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Co.op Food, điểm mới của mô hình này, là có bổ sung thêm khâu vận chuyển giao hàng tận nơi phân bổ hàng hóa đến tay người dân được nhanh chóng hơn. Trong đó, chính quyền địa phương chỉ cần có đầu mối tổng hợp thông tin và chuyển đơn hàng cho Co.op Food, thay vì vừa phải tung lực lượng trực tiếp đi siêu thị mua từng đơn hàng cho người dân, vừa phải tổ chức vận chuyển và tổ chức đưa hàng hóa đến từng hộ dân.
Mặt khác, đảm bảo mục tiêu điều tiết tốt lượng khách và thực hiện việc kiểm soát quy định về phòng chống dịch COVID-19 thêm hiệu quả, hệ thống siêu thị “vùng xanh” của Saigon Co.op chưa phục vụ khách vãng lai tự do, mà chỉ phục vụ khách hàng cá nhân có giấy giới thiệu hoặc phiếu đi chợ do chính quyền địa phương cấp; đồng thời, một số siêu thị còn thực hiện thêm phương thức đi chợ theo yêu cầu và giao cho khách tại cửa siêu thị (pick & ship), sẵn sàng phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân thành phố.
Còn Satramart – siêu thị Sài Gòn (Quận 10, Tp. Hồ Chí Minh) đã kết hợp Công ty cổ phần Be Group để đưa “siêu thị thu nhỏ” của mình xuất hiện ở mục “đi chợ” trên ứng dụng Be. Trong đó, Satramart đưa vào dịch vụ giao hàng kết hợp với Be Group với 12 combo được thiết kế sẵn. Ngoài bán hàng theo combo trên ứng dụng Be, Satramart – siêu thị Sài Gòn cũng bán những combo này trên ứng dụng G1 Mart.
Trong lĩnh vực cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại địa bàn dân cư, vừa mới đây, UBND Quận 5 cũng phối hợp với một số đơn vị khác, mở “Phiên chợ dã chiến” tại khu vực ngã tư Trần Bình Trọng – Nguyễn Trãi thuộc phường 3. Những người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 được phát phiếu đi chợ, mua sắm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu hàng ngày.
“Phiên chợ dã chiến” này, hoạt động tập trung vào mỗi buổi sáng đến 12 giờ cùng ngày, dự kiến phục vụ khoảng 500 hộ gia đình với tiêu chí phi lợi nhuận, trợ giá cho người dân; đồng thời, trước mắt “Phiên chợ dã chiến” sẽ ưu tiên tổ chức luân phiên ở những khu phố, phường thuộc “vùng xanh” trên địa bàn Quận 5.
Đánh giá về thị trường Tp. Hồ Chí Minh, một số chuyên gia cho rằng, nhìn chung ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh đã và đang từng bước mở lại hoạt động giao dịch, kinh doanh đảm bảo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch COVID-19 về hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố để đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo đời sống an sinh xã hội.
Chính vì vậy, người tiêu dùng nên lựa chọn doanh nghiệp, nhà bán lẻ uy tín để vừa ủng hộ những đơn vị kinh doanh chung tay cùng chính quyền Tp. Hồ Chí Minh bình ổn thị trường, vừa tránh trở thành “nạn nhân” của những đối tượng buôn bán trục lợi và đẩy giá cả hàng hóa trong bối cảnh thị trường biến động nguồn cung hàng hóa.
Sẵn sàng cho cuộc sống 'bình thường mới' - Bài 2: Chắt chiu, củng cố từng thành quả đạt được
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song hoạt động phòng, chống dịch Thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực: Mở rộng được vùng an toàn, vùng xanh; cơ bản bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên; công tác điều trị từng bước được hoàn thiện, số ca tử vong đang giảm dần...
Vượt qua những khó khăn, thử thách ban đầu khi khi số ca nhiễm liên tục tăng cao lên đến hàng ngàn ca mỗi ngày kéo theo đó là số ca tử vong rất lớn cũng như rất nhiều vấn đề phát sinh về an sinh xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, TP Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ tích cực của Trung ương và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp đã từng bước củng cố đội hình, điều chỉnh các chiến lược nhằm sớm kiểm soát được dịch COVID-19.
Những kết quả tích cực
Chốt kiểm soát dịch trên tuyến đường ở phường Tân Hưng Thuận, Quận 12. Ảnh minh họa: Mạnh Linh/Báo Tin tức
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song hoạt động phòng, chống dịch Thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực: mở rộng được vùng an toàn, vùng xanh; cơ bản bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên; công tác điều trị từng bước được hoàn thiện, số ca tử vong đang giảm dần...
Với việc tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, quán triệt phương châm mỗi xã, phường, thị trấn là một "pháo đài", mỗi người dân là một "chiến sĩ", vận động nhân dân thực hiện triệt để "ai ở đâu ở yên đó", lưu lượng trên đường đã giảm 90% so với thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị 16, góp phần hạn chế tối đa lây lan của dịch bệnh.
Việc tổ chức thu dung, phân loại, phát thuốc điều trị ngày càng kịp thời tại cộng đồng; tập trung chuyển trọng tâm điều trị xuống cơ sở, thành lập 512 trạm y tế lưu động, tổ chức cung ứng túi thuốc A, B, C kịp thời, qua đó đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu điều trị tại cộng đồng, hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, góp phần giảm thấp nhất các ca chuyển nặng, nguy kịch chỉ còn mức dưới 2% và số ca tử vong.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện số ca F0 tử vong trên địa bàn đang có xu hướng giảm. Số bệnh nhân nặng mới nhập viện giảm rất nhiều ở các tầng. Các y, bác sĩ đang nỗ lực cứu những trường hợp nặng; hy vọng trong thời gian tới, số ca bệnh nặng giảm đáng kể. Trước đó, số ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh rất cao như ngày 22/8 là 340 ca và duy trì mức trên 300 ca ngày, tuy nhiên trong những ngày qua giảm xuống dưới 200 ca/ngày, ngày 20/9 còn 182 ca.
Trước diễn biến dịch lây lan nhanh, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ cơ sở đến thành phố, cùng với sự đồng tình, ủng hộ của người dân, nhiều địa phương tại TP Hồ Chí Minh, nhất là các khu phố đã triển khai mô hình giữ vững, mở rộng các "vùng xanh" an toàn với dịch COVID-19 do các lực lượng, người dân tại chỗ tham gia, hình thành các tổ tự quản, thay nhau túc trực, canh gác ở các điểm chốt vào khu dân cư. Đến nay, Thành phố có hơn 60% khu phố, tổ dân phố là "vùng xanh", trong đó có 3 quận, huyện gồm Quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ cơ bản đạt tiêu chí kiểm soát dịch COVID-19. Tại các khu vực "vùng xanh", một số hoạt động kinh tế, di chuyển, đi chợ... đã từng bước được nới lỏng.
Sau nhiều tháng bị "đóng băng" nhằm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, ngày 19/9, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và UBND các huyện Cần Giờ, Củ Chi đã tổ chức các tour du lịch về nguồn với các du khách đầu tiên chính là lực lượng tuyến đầu, tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố suốt thời gian qua.
Mang tính chất thí điểm với sự tham gia rất hạn chế của du khách, các chương trình "Hành trình xanh về vùng Đất Thép", "Cần Giờ - Thiên nhiên tươi đẹp" là những minh chứng quan trọng, mang rất nhiều ý nghĩa trong việc kiểm soát dịch COVID-19 của thành phố mang tên Bác trong hơn 100 ngày căng mình chống dịch.
"Thông qua hoạt động này, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh mong muốn tạo thêm niềm tin vững chắc cho nhân dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đây còn là lời cảm ơn thiết thực cũng như phần nào chăm sóc sức khỏe tinh thần đối với lực lượng tuyến đầu chịu nhiều căng thẳng, áp lực bởi tình hình dịch COVID-19 thời gian qua", bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Về thực hiện chiến lược căn cơ, phủ kín vaccine phòng COVID-19, cùng với sự quan tâm, phân bổ vaccine từ Bộ Y tế với tinh thần ưu tiên tối đa sự cho thành phố, chính quyền TP Hồ Chí Minh cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm nguồn vaccine. Đây là minh chứng cho nỗ lực rất lớn của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua để sớm đưa cuộc sống trở lại "bình thường mới" trong điều kiện nguồn vaccine phòng COVID-19 rất hạn chế hiện nay. Đến ngày 21/9, Thành phố đã bao phủ vaccine phòng COVID-19 được hơn 90 % mũi 1 và gần 20 % mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên với hơn 8,7 triệu mũi tiêm, trong đó có hơn 2 triệu người tiêm mũi 2.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đánh giá, TP Hồ Chí Minh đã đi được những bước rất dài trong công tác phòng, chống dịch và sẽ còn một giai đoạn nữa, tính bằng tuần, để tiến tới kiểm soát được dịch bệnh. Do đó, Thành phố cần xác định lại "bản đồ" đánh giá nguy cơ dịch bệnh đến tận tổ dân phố, khu phố và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với từng tổ dân phố, từng khu phố đó.
"Từ nay đến cuối tháng 9, Thành phố sẽ tập trung các hoạt động củng cố các kết quả đạt được, trong đó tập trung tiêm vaccine, để mũi 1 đạt tỷ lệ cao nhất và đẩy nhanh tiêm mũi 2. Đây là điều kiện để nhanh chóng mở của lại các hoạt động bình thường cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội", Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Còn nhiều thách thức ở phía trước
Bà Đào Thị Khang (85 tuổi, Quận 12, TP Hồ Chí Minh) được tổ y tế lưu động đến tận nhà tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức
Việc kiểm soát dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh tuy đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên diễn biến dịch vẫn còn rất phức tạp, đối mặt với nhiều thách thức ở phía trước, nhất là trong bối cảnh biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, phải thay đổi chiến lược sống chung trong môi trường có dịch, không thể quét sạch COVID-19 cùng với đó là sức chịu của người dân, doanh nghiệp đã tới ngưỡng.
Con số ca mắc COVID-19 mỗi ngày ở TP Hồ Chí Minh vẫn còn ở mức cao, trung bình trên dưới 5.000 ca/ngày. Ghi nhận trong ngày 21/9, Thành phố vẫn có tới hơn 6.500 ca bệnh COVID-19. Cùng với đó, số trường hợp nhập viện với tình trạng nặng cần hỗ trợ hô hấp vẫn còn cao; tỷ lệ tử vong tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, với trên 150 ca/ngày.
Trong công tác điều trị, Thành phố cũng đã triển khai rất nhiều giải pháp, tăng cường nguồn lực giúp công tác chăm sóc và quản lý người F0 tại cộng đồng, tại nhà tốt hơn, nhất là hoạt động thăm khám và cấp cứu F0 tại nhà. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều trường hợp F0 chưa tiếp cận được thuốc kịp thời và khó liên hệ nhân viên y tế khi cần trợ giúp, làm tăng nguy cơ nhập viện trong bệnh cảnh rất nặng hoặc tử vong sớm ngay khi nhập viện.
Về công tác an sinh xã hội, trải qua thời gian giãn cách kéo dài, số người dân khó khăn cũng gia tăng rất cao. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố, trên địa bàn hiện có hơn 2 triệu hộ với gần 6,9 triệu nhân khẩu trong hộ có hoàn cảnh khó khăn (bao gồm cả hộ nghèo, hộ cận nghèo) và hơn 1,3 triệu người lao động có thu nhập hoặc giảm sâu thu nhập, bị giãn cách, đời sống gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo dự báo của các cơ quan chức năng, kéo theo đó là rất nhiều vấn đề phát sinh, diễn biến phức tạp về tình hình an ninh trật tự xã hội, giải quyết việc làm...
Trước diễn biến phức tạp của dịch trên địa bàn, nhiều hoạt động nhiều hoạt động kinh doanh, sản xuất gặp khó khăn khi tạm ngưng hoạt động, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điển hình, số lượng giấy phép và vốn đăng ký cấp mới của doanh nghiệp trong 15 ngày đầu tháng 8/2021 đạt mức rất thấp, chỉ có 265 doanh nghiệp thành lập với vốn đăng ký là 6.646 tỷ đồng; so với tháng cùng kỳ năm trước thì số giấy phép giảm đến 85,5% và số vốn cũng giảm 95,4%.
Liên quan đến vấn đề này, trong một nghiên cứu về chỉ số kinh doanh trong môi trường phong tỏa và giãn cách xã hội do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố đầu tháng 9/2021 cho biết: Do phong tỏa và giãn cách xã hội kéo dài, 18% doanh nghiệp trong ngành sản xuất đã chuyển dịch một phần nhu cầu sản xuất, đơn hàng sang các nước khác. Bên cạnh đó, 16% doanh nghiệp cũng đang cân nhắc chuyển dịch sản xuất. "Nếu các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tiếp tục kéo dài hơn nữa, các dự án đầu tư mới có thể gặp rủi ro và các công ty có thể xem xét di chuyển tới các nơi khác trong khu vực", ông Alain Cany, chủ tịch EuroCham cho biết.
Về phần mình, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: Khi tình thế cấp thiết buộc TP Hồ Chí Minh phải thực hiện biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, những khó khăn phiền phức tăng lên, thậm chí nhiều lần. Tình hình càng kéo dài thì sự lo âu, căng thẳng càng tăng, thử thách với thành phố càng lớn.
Phú Yên áp dụng giãn cách xã hội theo mức độ khác nhau Tối 19/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên đã ban hành Văn bản số 4319 về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh. Kiểm soát người ra vào địa bàn xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh...