Các nguy cơ đe dọa an ninh mạng tại Việt Nam trong năm 2015
Các nguy cơ từ mã độc, tấn công từ chối dịch vụ, xu hướng “Internet of Things” (khái niệm chỉ các thiết bị kết nối được với nhau và kết nối với Internet) là “mồi ngon” của tin tặc… sẽ đe dọa tình hình an ninh mạng tại Việt Nam trong năm 2015.
Thông tin trên được ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Công ty Bkav chia sẻ trong thông báo phát đi vào chiều 13/1.
Tổn thất bình quân 1.230.000 đồng/người
Theo ông Tuấn Anh, trong năm 2014, người dùng Việt Nam phải chịu tổn thất do các sự cố từ virus máy tính ước tính khoảng 8.500 tỷ đồng. Đây là kết quả được đưa ra từ chương trình khảo sát do Bkav thực hiện vào tháng 12/2014.
Con số trên được tính dựa trên mức thu nhập của người sử dụng máy tính và thời gian công việc của họ bị gián đoạn do các trục trặc gây ra bởi virus máy tính. Theo đó, bình quân mỗi người sử dụng máy tính tại Việt Nam đã bị thiệt hại 1.230.000 đồng. Với ít nhất 6,98 triệu máy tính (theo Sách Trắng về Công nghệ Thông tin Truyền thông) đang được sử dụng trên cả nước thì mức thiệt hại do virus gây ra trong năm lên tới hơn 8.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, thống kê của Bkav cũng chỉ ra rằng, trong năm 2014, 90% người dùng thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền, gần gấp đôi con số của năm 2013. Bên cạnh tin nhắn rác, người sử dụng cũng phải đối mặt với nguy cơ bị mã độc “móc túi” hằng ngày.
(Ảnh minh họa. Nguồn: foxbusiness.com)
Video đang HOT
Trong năm 2014, nghiên cứu của Bkav chỉ ra, WiFi miễn phí tại tất cả các thành phố của Việt Nam tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh an toàn thông tin; 85% máy tính từng nhiễm virus lây lan qua USB (giảm 10% so với năm 2013).
Bên cạnh đó, các ứng dụng giả mạo trên di động cũng là một mối lo không nhỏ cho người dùng. Nguyên nhân của tình trạng này là người sử dụng đang khá “thoải mái” trong cài đặt phần mềm trên điện thoại. Theo khảo sát, chỉ có 13% người dùng xem thông tin nhà sản xuất khi quyết định tải một phần mềm trong khi đây được xem là yếu tố quan trọng nhất để phân biệt ứng dụng “xịn” và ứng dụng giả mạo.
Tuy nhiên, năm 2014 cũng ghi nhận người dùng đã cẩn trọng hơn trong môi trường Internet. Khảo sát của Bkav chỉ ra rằng 40% người dùng có thói quen chỉ mở file nhận được qua Internet sau khi đã xác nhận trực tiếp với người gửi hoặc mở file theo chế độ chạy an toàn; 73% người dùng khẳng định họ thỉnh thoảng hoặc thường xuyên khóa (lock) máy khi rời khỏi bàn làm việc…
Hacker sẽ tấn công ở mức độ tinh vi hơn
Ông Ngô Tuấn Anh cũng cho biết, trong năm 2015, mã độc trên di động sẽ tiếp tục tấn công một số lượng không nhỏ người dùng. Bên cạnh đó, các “cơn mưa” link độc hại tiếp tục được kẻ xấu phát tán trên mạng xã hội.
Ngoài ra, các phần mềm gián điệp, mã độc tấn công có chủ đích nguy hiểm hơn khi có sự tùy biến đa dạng theo từng đối tượng tấn công. Khởi đầu với một backdoor (cửa hậu) xâm nhập máy tính của nạn nhân nhằm thu thập các thông tin về hệ thống, định danh nạn nhân, và gửi về máy chủ điều khiển. Sau đó, dữ liệu này sẽ được khai thác, phân tích và lựa chọn để cập nhật các thành phần độc hại với tính năng tùy biến thích hợp với từng nạn nhân. Kiểu tấn công vô cùng tinh vi này sẽ là hình thức đa hình có chủ đích của phần mềm gián điệp thế hệ mới.
Được dự báo là năm Internet of Things bùng nổ, ông Ngô Tuấn Anh cho biết điều này sẽ tạo “thị trường” béo bở cho hacker. Bên cạnh đó, nguy cơ tấn công từ chối dịch vụ DDoS sẽ vẫn còn hiện hữu.
Theo nhận định của các chuyên gia Bkav, tấn công DDoS không xâm nhập được vào hệ thống, không lấy được dữ liệu nhưng lại có thể khiến dịch vụ của nạn nhân bị ngưng trệ hoàn toàn, đồng thời việc triển khai cũng đơn giản hơn so với tấn công xâm nhập. Do đó, xu hướng tấn công DDoS sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2015 trong bối cảnh hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp đang rất phụ thuộc vào Internet./.
Theo NTD
Bất cẩn, lơ là, website dễ bị tấn công
Đó là cảnh báo của chuyên gia an ninh mạng trước sự cố hàng loạt website của các báo và trang tin điện tử bị tấn công vừa qua. Sự cố hiện vẫn đang được khắc phục.
Thủ phạm chưa lộ diện
Sự việc bắt đầu từ ngày 13-10, khi toàn bộ các sản phẩm của VCCorp và các báo điện tử mà công ty này đang vận hành kỹ thuật như: Dân trí, Người lao động, Gia đình và xã hội... không thể truy cập được. Nhận định ban đầu được đưa ra là do sự cố ở Trung tâm Dữ liệu. Mọi việc "êm xuôi" khi các website được khôi phục sau đó ít ngày nhưng đến ngày 17 và 18-10, tên miền Sohapay.com của Cổng thanh toán Soha do VCCorp quản lý và trang Dân trí điện tử (dantri.com.vn) đồng loạt bị chuyển hướng đến một trang blog đăng tải các bài viết tường thuật chuyện "thâm cung bí sử" của VCCorp. Các trang Kênh 14.vn, CafeF.vn, VnEconomy.vn, Người lao động (nld.com.vn)... đều từ chối truy cập. Đến chiều 19-10, nhiều website đã hoạt động ổn định trở lại nhưng Sohapay.com vẫn chuyển đến blog "VCCorp tự truyện".
Mặc dù, số liệu thiệt hại chính thức do đợt tấn công này gây ra chưa được công bố, nhưng giới chuyên môn ước tính vào khoảng 1,5-2,5 tỷ đồng/ngày. Trao đổi với báo chí, lãnh đạo VCCorp mới đây đã khẳng định: "Đây là một cuộc tấn công vào Trung tâm Dữ liệu của VCCorp. Đối tượng tấn công là những người có chuyên môn".
Ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Công ty Bkav cho rằng, đây là cuộc tấn công có chủ đích vào hệ thống của VCCorp. "Chưa thể khẳng định thủ phạm ở nội bộ công ty hay ở ngoài nhưng nguyên tắc chung là kẻ tấn công đều để lại dấu vết, dù họ muốn che giấu hành vi. Cuộc tấn công này đã vi phạm pháp luật. Vì vậy, sẽ không quá khó để truy tìm thủ phạm sau khi đã xác định được chính xác nguyên nhân"- ông Ngô Tuấn Anh nói.
Được biết, VCCorp đã mời Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và Công ty Bkav tham gia điều tra.
Bảo mật kém dễ bị tấn công
Liên quan đến cách thức tấn công trong vụ việc trên, các chuyên gia an ninh mạng cho biết, tấn công mạng thường diễn ra dưới 2 hình thức. Một là dựa trên lỗ hổng của website hoặc ứng dụng do lập trình bất cẩn khiến hacker lợi dụng. Theo thống kê của Bkav mới đây, tại Việt Nam, 40% website đang hoạt động có lỗ hổng.
Điều này đồng nghĩa với việc cứ 10 website thì hacker dễ dàng thay đổi, đánh cắp thông tin của 4 website. Tỷ lệ này ở Việt Nam rất lớn so với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước công nghệ thông tin phát triển. Hình thức tấn công thứ hai là sử dụng virus, phần mềm độc hại để thực hiện tấn công có mục đích. Đây là xu hướng tấn công trong thời gian gần đây ở một số nước trên thế giới như: Mỹ, Pháp... mà điển hình là vụ việc hacker dùng mã độc tấn công 114 triệu tài khoản của eBay. Ở Việt Nam, vụ việc tấn công vào VCCorp được coi là có quy mô lớn. Theo ông Ngô Tuấn Anh, các đơn vị sở hữu website cần rà soát, cập nhật định kỳ lỗ hổng an ninh để vá lỗi kịp thời, tránh trường hợp hacker biết mà quản trị mạng không biết.
Với những hệ thống công nghệ thông tin lớn thì riêng an ninh mạng cần dành kinh phí khoảng 5-10% tổng chi phí đầu tư đồng thời, cần quan tâm vào yếu tố con người để đảm bảo an ninh. Theo đánh giá của giới chuyên gia, nhân lực công nghệ thông tin ở Việt Nam hiện vẫn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vì vậy, để ứng phó với các sự cố an ninh mạng lớn, trước mắt các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này nên phối hợp, huy động tiềm lực của các bên, từ đó nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và khắc phục sự cố. Bên cạnh đó, các tổ chức, đơn vị cần cài đặt phần mềm diệt virus bản quyền để hạn chế sự tấn công của mã độc, tránh thiệt hại khi tấn công xảy ra.
68% dịch vụ giao dịch trực tuyến tại Việt Nam dính lỗ hổng SSL 3.0
Ngày 21-10, Công ty An ninh mạng Bkav Security cho biết, 2/3 dịch vụ giao dịch trực tuyến ở Việt Nam có lỗ hổng SSL 3.0. Đây là lỗ hổng được Google công bố ngày 14-10, có thể cho phép tin tặc chiếm tài khoản ebanking, tài khoản chứng khoán và thương mại điện tử của nạn nhân. Lỗ hổng nằm trong giao thức SSL 3.0, được sử dụng phổ biến để mã hóa và bảo vệ dữ liệu trao đổi giữa các website ebanking, chứng khoán và thương mại điện tử với người dùng. Tuy đa phần các website đã chuyển sang giao thức mới TLS 1.2, nhưng vẫn đứng trước nguy cơ bị tấn công do các web server đều tương thích ngược với SSL 3.0.
Theo Bkav Sercurity, đa số các ngân hàng đã khắc phục xong lỗ hổng, người dùng có thể giao dịch một cách an toàn. Tuy nhiên, Bkav vẫn khuyến cáo quản trị viên các website kiểm tra hệ thống và vô hiệu hóa SSL 3.0. Người dùng cũng có thể tự đảm bảo an toàn cho mình bằng cách cập nhật trình duyệt lên phiên bản mới nhất.
Theo_An ninh thủ đô
Con đường tơ lụa trên biển: Bóc mẽ mưu đồ Trung Quốc Đăng ký con đường tơ lụa trên biển: TQ đang dùng khoa học vào mục đích chính trị phi lý. Đó là quan điểm của PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội khảo cổ học VN trước việc Trung Quốc đang lập một cơ sở khảo cổ dưới nước cấp quốc gia và bổ sung hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận...