Các Ngoại trưởng G7 ra tuyên bố mạnh mẽ về tình hình Biển Đông
Ngoại trưởng Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đã ra tuyên bố mạnh mẽ về tình hình Biển Đông, biển Hoa Đông, vấn đề tự do hàng hải và bảo vệ môi trường ở các vùng biển quốc tế.
Các Ngoại trưởng Nhóm G7 thảo luận tại hội nghị ở Toronto, Canada. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trong tuyên bố chung đưa ra sau Hội nghị Ngoại trưởng và An ninh G7 tại Canada đầu tuần này, các ngoại trưởng G7 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tự do hàng hải và việc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tuyên bố viết: “Chúng tôi tái khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác quản lý hàng hải quốc tế để duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật định của luật pháp quốc tế và quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) nhằm xây dựng lòng tin và đảm bảo an ninh; đồng thời quản lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp mà không đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có hành động cưỡng chế, phù hợp với luật pháp quốc tế thông qua các cơ chế giải quyết tranh chấp đã được công nhận và cơ chế trọng tài.”
Cũng theo tuyên bố, các ngoại trưởng G7 tái khẳng định cam kết đối với tự do đi lại trên biển, bao gồm tự do tàu thuyền và máy bay, và các quyền khác, bao gồm các quyền và thẩm quyền của các quốc gia ven biển trong sử dụng các vùng biển theo đúng luật pháp quốc tế.
Các quốc gia G7 hiểu rõ tầm quan trọng của việc duy trì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do dựa trên pháp quyền, đồng thời mong muốn làm việc với ASEAN và các nước khác trong nỗ lực này.
Video đang HOT
Liên quan trực tiếp đến vấn đề Biển Đông và Hoa Đông, các Ngoại trưởng G7 nhấn mạnh “sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động đơn phương nào làm leo thang căng thẳng và suy yếu ổn định khu vực cũng như trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, chẳng hạn như đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, cải tạo đất đai quy mô lớn, xây dựng các tiền đồn và sử dụng chúng cho mục đích quân sự.”
Các Ngoại trưởng G7 kêu gọi “tất cả các bên tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và thực hiện đầy đủ và hiệu quả các cam kết trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) một cách toàn diện.”
Các Ngoại trưởng G7 nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc đàm phán đang diễn ra đối với một bộ quy tắc ứng xử hiệu quả, đồng thời hoan nghênh một thỏa thuận không vi phạm quyền của các bên theo luật quốc tế, hoặc không làm ảnh hưởng đến quyền của bên thứ ba.
Theo các Ngoại trưởng G7, để đảm bảo ổn định trong khu vực, những nỗ lực ngoại giao như vậy sẽ dẫn đến việc phi quân sự hóa các điểm tranh chấp và duy trì một Biển Đông hòa bình, cởi mở theo luật pháp quốc tế.
Các Ngoại trưởng G7 coi phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc là cơ sở hữu ích cho những nỗ lực tiếp theo để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, các Ngoại trưởng G7 tái khẳng định quan tâm đối với việc phá hủy các hệ sinh thái biển ở Biển Đông đe dọa sự bền vững và trữ lượng cá trong khu vực. G7 cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm tăng cường bảo vệ môi trường biển và tăng cường hợp tác quốc tế hơn nữa về an ninh, an toàn hàng hải, bảo vệ và quản lý bền vững môi trường biển.
Theo TTXVN/VIETNAM
Hội nghị Ngoại trưởng G7 giải quyết nhiều "hồ sơ nóng" của thế giới
Ngoài xem xét quan hệ với Nga, Hội nghị Ngoại trưởng G7 còn thống nhất quan điểm trong xử lý các vấn đề Syria, hạt nhân Iran và Triều Tiên.
Với 9 phiên thảo luận kéo dài trong hai ngày, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) hôm 23/4 đã kết thúc tại Toronto, Canada với sự thống nhất của các nước đối với nhiều vấn đề "nóng" của thế giới, trong đó có việc chỉ trích các "hành vi"của Nga gần đây, cam kết duy trì sức ép đối với Triều Tiên hay việc thực thi nghiêm túc thỏa thuận hạt nhân Iran.
Hội nghị G7 đề cập nhiều "hồ sơ nóng" trên thế giới. Ảnh minh họa : bundesregierung.de.
Tại hội nghị, Ngoại trưởng các nước G7 tiếp tục chỉ trích Nga với những cáo buộc "không mới" như can thiệp bầu cử tại một số nước, tấn công hóa học tại Anh cũng như sự ủng hộ "không công bằng" của Moscow đối với Chính phủ của Syria.
Quyền Ngoại trưởng Mỹ John Sullivan và Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nhắc lại cáo buộc Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tại một số nước, trong đó có Mỹ vào năm 2016. Đại diện Ngoại giao hai quốc gia này cam kết sẽ hành động để ngăn chặn hành vi "tương tự" từ phía Nga trong tương lai, đồng thời kêu gọi G7 đoàn kết và thống nhất hơn để đối mặt với sự can thiệp từ bên ngoài đối với "nền dân chủ".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson khẳng định, các nước G7 đã nhất trí sẽ thận trọng và cảnh giác trong mối quan hệ với Nga, đồng thời cho biết sẽ đề xuất thành lập một nhóm "nghiên cứu đặc biệt" về cách ứng xử của Nga sau những căng thẳng giữa Nga với phương Tây gần đây. Đề xuất này sẽ được các Ngoại trưởng G7 trình lên lãnh đạo của mình để phê chuẩn trong cuộc họp thượng đỉnh của Nhóm, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 6 tới.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói:"Hôm 23/4, chúng tôi đã quyết định sẽ thành lập một nhóm G7, chuyên nghiên cứu các vấn đề về Nga, cách ứng xử của Nga trong tất cả các vấn đề, cho dù đó là tấn công mạng, đưa thông tin sai sự thật, hay bất kể mọi điều gì xảy ra. Nhóm này sẽ chỉ ra tất cả mọi điều này".
Về vấn đề Syria, Ngoại trưởng các nước G7 kêu gọi Nga nên hành động mang tính xây dựng hơn trong việc thiết lập một nền hòa bình lâu dài cho quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, Ngoại trưởng các nước G7 cũng không thể phủ nhận vai trò của Nga trong vấn đề này. Bởi trên thực tế, Nga mới là nước duy nhất hành động quân sự hợp pháp tại Syria theo lời đề nghị của Chính phủ Tổng thống Syria Al Assad trong việc hỗ trợ chống khủng bố.
Bên cạnh các vấn đề liên quan đến Nga, Hội nghị Ngoại trưởng G7 còn thống nhất quan điểm trong cách thức giải quyết các vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên.
Về vấn đề Triều Tiên, dù tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện đang có nhiều chuyển biến tích cực khi sắp diễn ra hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều, song các nước G7 vẫn muốn duy trì sức ép tối đa đối với Triều Tiên cho tới khi bán đảo này được phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Cũng tại Hội nghị, bất chấp trước sức ép phải sửa đổi một số điều khoản được cho là còn nhiều "sai sót" của thỏa thuận hạt nhân Iran từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, các quốc gia Châu Âu gồm Anh, Pháp và Đức vẫn cam kết thực hiện đúng thỏa thuận này như một hành động "duy trì" ổn định cho khu vực vốn đã quá nhiều bất ổn. Thay vì đàm phán sửa đổi, các quốc gia này đang cố gắng thuyết phục Mỹ ở lại thỏa thuận với Iran.
Hội nghị Ngoại trưởng G7 lần này, do Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland chủ trì, là bước chuẩn bị cuối cùng cho chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến diễn ra tại Charlevoix ở tỉnh Quebec, Canada, trong 2 ngày 7 và 8/6 tới.
Theo Đình Nam
VOV
Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện ở biển Đông bất chấp các vụ đâm va của tàu chiến Những vụ va chạm tàu chiến Mỹ diễn ra gần đây ở vùng biển châu Á-Thái Bình Dương sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động "tự do hàng hải" của Mỹ tại biển Đông, 1 quan chức cấp cao cho biết. Tàu khu trục USS John S. McCain (Ảnh: Reuters) Theo Reuters, tại buổi họp báo ngày 25/8 diễn ra ở Kuala Lumpur,...