Các ngân hàng đã trả nợ dân hơn 100 tấn vàng
Tính đến đầu tháng 5, các tổ chức tín dụng đã tất toán trên 80% số dư huy động vốn bằng vàng (hơn 100 tấn), tạo nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Hơn 100 tấn vàng vừa được ngân hàng trả về cho người dân (ảnh minh họa).
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 3/5/2013, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tất toán trên 80% số dư huy động vốn bằng vàng (hơn 100 tấn) tạo nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Theo đánh giá từ Ngân hàng Nhà nước, việc các ngân hàng trả nợ một khoản vàng lớn huy động từ dân cư đã “loại trừ cơ bản rủi ro về huy động và cho vay vốn bằng vàng trong hoạt động của hệ thống TCTD, từ đó loại trừ khả năng đổ vỡ TCTD, làm ảnh hưởng dây chuyền đến toàn hệ thống có nguồn gốc từ hoạt động huy động và cho vay bằng vàng”.
Thực tế trên, theo dẫn chứng từ Ngân hàng Nhà nước là đã được chứng minh qua sự kiện người dân ồ ạt rút vàng ra khỏi ACB và một số TCTD khác vào giữa năm 2012, góp phần kiềm chế đầu cơ và tình trạng “vàng hóa”.
Ngoài ra, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, hiện tại, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán về cơ bản đã chấm dứt. Sau gần một năm thực hiện khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng nói chung và Nghị định 24 nói riêng, quyền sở hữu, tích trữ, mua, bán vàng miếng hợp pháp của người dân được bảo vệ; thị trường vàng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản và ngăn chặn được ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát, tăng Dự trữ ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo đánh giá của trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam Sanjay Kalra, trong suốt giai đoạn 2011-2013, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp liên quan đến thị trường vàng. Các biện pháp này bắt đầu từ tháng 4/2011 bằng việc chấm dứt cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng. Tiếp đó, tháng 4/2012, Chính phủ ban hành nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Video đang HOT
Các biện pháp đã thực hiện của Chính phủ Việt Nam, theo đánh giá của đại diện IMF, được thúc đẩy bởi một số yếu tố nhằm nâng cao khả năng vận hành của thị trường.
Thứ nhất là tăng cường ổn định tài chính bằng cách giảm mức độ rủi ro của các ngân hàng liên quan đến tài sản nợ và có bằng vàng trên bảng cân đối tài sản của mình. Thứ hai, giảm mức độ biến động trên thị trường ngoại hối và vàng và qua đó nâng cao hiệu quả của chính sách tiền tệ.
Thứ ba là giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Thứ tư, về lâu dài, kỳ vọng là thị trường vàng và ngoại hối ổn định hơn, và ổn định kinh tế vĩ mô nói chung sẽ góp phần giảm mức độ nắm giữ vàng, cải thiện cán cân vãng lai và chuyển đổi từ vàng sang các tài sản “phục vụ sản xuất”.
Theo Dantri
Gần một tấn vàng SJC "nhà nước" bán hết veo trong phiên đấu giá thứ 2
Sáng 4/4, Ngân hàng Nhà nước đã chào bán 26.000 lượng vàng cho các doanh nghiệp thông qua phiên đấu thầu thứ 2 với mức giá khởi điểm 43,23 triệu đồng/lượng, rẻ hơn giá vàng giao dịch trên thị trường hơn 200.000 đồng/lượng.
Đấu thầu vàng miếng nhằm ổn định thị trường.
25.700 lượng vàng "khớp lệnh" thành công
Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu thứ 2 để chào bán 26.000 lượng vàng (tương đương 1 tấn vàng quy chuẩn). Dù giá tham chiếu cho đợt đấu thầu này được Ngân hàng Nhà nước công bố chiều qua là 43,61 triệu đồng/lượng nhưng trên thực tế, mức giá khởi điểm được cơ quan này "chốt" ở 43,23 triệu đồng/lượng.
Lý giải cho mức giá tham chiếu lên tới 43,61 triệu đồng/lượng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đó là mức giá chỉ phục vụ việc tính đặt cọc trước phiên đấu thầu.
Trong phiên đấu thầu sáng nay, Ngân hàng Nhà nước không khống chế giá trần, chỉ công bố giá sàn, là mức khởi điểm để các doanh nghiệp bỏ thầu.
Với mức giá 43,23 triệu đồng/lượng, giá sàn hôm nay thấp hơn mức đặt cọc thông báo hôm qua 380.000 đồng/lượng. Phiên đấu thầu thu hút 22 đơn vị tham gia, nhiều hơn 1 đơn vị so với phiên đấu thầu đầu tiên diễn ra hôm 28/3.
Mức giá chào sàn sáng nay mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho các đơn vị tham gia đấu thầu cũng thấp hơn giá vàng giao dịch trên thị trường hơn 200.000 đồng/lượng. Lúc 11h sáng nay, giá vàng SJC giao dịch trên thị trường ở mức 43,35 triệu đồng/lượng (mua vào) - 43,45 triệu đồng/lượng (bán ra).
Kết thúc phiên đấu thầu, 20/22 đơn vị trúng thầu với tổng khối lượng là 25.700 lượng. Giá trúng thầu thấp nhất bằng mức khởi điểm là 43,23 triệu đồng/lượng, còn cao nhất là 43,37 triệu đồng/lượng. Đơn vị trúng thầu nhiều nhất là 3.000 lượng.
Giá vàng SJC cao hơn thế giới 3,9 triệu đồng/lượng
Trao đổi với báo giới, nhiều đơn vị tham gia đấu thầu cho biết họ hài lòng với mức giá trên. Theo bà Võ Thị Ngọc Tuyết, Phó giám đốc Công ty Kim Ngọc Phú (Hồ Chí Minh), mức giá sàn mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra phiên đấu thầu hôm nay so với giá trong nước đang chào bán khá là tốt.
Ông Phạm Anh Dũng, Phó giám đốc Vietinbank Gold cũng cho rằng, giá cả trong phiên đấu thầu được đưa ra khá hợp lý, bám sát thị trường.
Do Ngân hàng Nhà nước đưa ra mức giá sàn hợp lý nên những thông tin tốt từ cuộc đấu thầu đã có ảnh hưởng khá lớn trên thị trường. Tính đến 14h hôm nay, giá vàng SJC điều chỉnh giảm mỗi chiều 50.000 đồng/lượng so với lúc 11h sáng, xuống còn 43,3 triệu đồng/lượng - 43,4 triệu đồng/lượng. Cùng với việc điều chỉnh giám giá, khoảng cách chênh lệch giữa vàng SJC và giá vàng thế giới quy đổi được rút ngắn về mức 3,9 triệu đồng/lượng, thay cho mức 4,5 triệu đồng/lượng vào đầu giờ sáng nay.
Đề cập đến khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, cũng như xu hướng giá vàng thời gian tới, bà Võ Thị Ngọc Tuyết cho rằng: Giá vàng tăng giảm là do cung - cầu thị trường quyết định, nếu nhu cầu người mua cao thì giá vàng không thể xuống nhanh và bám sát với giá vàng thế giới quy đổi.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không thể nào phá bán giá quá thấp mà phải giữ cân bằng thị trường. Và với 25.700 lượng vàng vừa "khớp lệnh" thành công, thị trường sẽ có thêm một lượng cung vàng lớn. Do đó, trước mỗi đợt biến động lớn từ thị trường vàng thế giới, người dân không cần phải nôn nóng xếp hàng mua vàng giá cao.
Chia sẻ với Dân trí, đại diện một doanh nghiệp vàng tại Hà Nội cho biết: "Chúng tôi sẽ tham gia phiên đấu thầu vàng sắp tới mà Ngân hàng Nhà nước tổ chức. Là doanh nghiệp vàng, chúng tôi hy vọng giá trong nước giảm nhanh hơn nữa để bám sát với giá thế giới. Nhưng với thực tế hiện nay, chúng ta không thể ngay lập tức kéo giảm khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới mà cần thời gian, phải cung vàng ra thị trường nhiều hơn thì giá mới xuống".
Còn nhớ, sau khi kết thúc phiên đấu thầu đầu tiên, lý giải việc 24.000 lượng vàng bị ế ẩm do mức giá chào sàn quá cao, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước khẳng định: "Mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đấu thầu bán vàng miếng là tăng cung vàng miếng trên thị trường để can thiệp bình ổn thị trường vàng,không nhằm mục tiêu bình ổn giá vàng và đặc biệt không bù lỗ cho bất cứ đối tượng nào trên thị trường".
Cũng theo vị đại diện này: "Việc xác định mức giá sàn bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào nhiều yếu tố nhằm đảm bảo nhiều yêu cầu và bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước, vì vàng miếng Ngân hàng Nhà nước bán là tài sản của Nhà nước".
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục tổ chức nhiều phiên đấu thầu bán vàng miếng trong tháng 4/2013 để tăng cung vàng miếng nhằm bình ổn thị trường vàng. Dự kiến, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu tiếp theo vào ngày mai 5/4/2013 và có thể thực hiện 3 phiên đấu thầu trong tuần tới tùy theo diễn biến của thị trường.
Theo Dantri
"Người dân có quyền được biết chuyện gì xảy ra với nền kinh tế" "Những con số báo cáo về thực trạng nền kinh tế cứ như là được cài đặt vậy! Điện lực, xăng dầu lúc nào cũng bảo lỗ, ai biết thực hư thế nào? Quốc hội phải biết, người dân có quyền được biết", đại biểu Nguyễn Văn Hiến nói. Hôm nay 30/5, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về đánh giá...