Các lãnh đạo TP.HCM ở đâu trong cơn “đại hồng thủy” vừa qua?
Ngày 29/9, UBND TP.HCM tổ chức buổi họp báo định kỳ để thông tin về tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm. Do TP vừa trải qua cơn mưa lớn liên tục trong 3 ngày nên chủ đề này vẫn nhận được sự quan tâm lớn.
Các lãnh đạo TP.HCM ở đâu trong cơn “đại hồng thủy” vừa qua?
Tại cuộc họp báo, ông Võ Văn Hoan – Chánh văn phòng UBND TP đã chia sẻ về “hoàn cảnh” của mình trong cơn mưa lịch sử chiều tối ngày 26/9.
Theo lời ông Võ Văn Hoan, vào buổi chiều 26/9, TP.HCM có buổi làm việc với Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về cải cách hành chính tại trụ sở UBND TP (86 Lê Thánh Tôn, Quận 1).
(Tại đây có mặt gần như tất cả lãnh đạo cao nhất của TP.HCM như Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, các Phó chủ tịch và hàng chục vị là Giám đốc các sở ngành, đơn vị liên quan – PV).
Khi bắt đầu cuộc họp vào lúc 14h bầu trời vẫn đầy nắng. Tuy nhiên đến khoảng 16h thì ngồi trong phòng họp cũng nghe được tiếng mưa dội vào từng hồi, bầu trời lúc này cũng tối sầm lại, khuôn viên của UBND TP cũng phải bật đèn.
Lúc 18h khi mọi người bước ra và nhìn thấy bầu trời thì ngay cả Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng phải thốt lên “Chắc kiểu này không về Hà Nội được rồi!”, còn bản thân ông Võ Văn Hoan cũng nghĩ rằng chắc UBND TP cũng ngập dù nơi này là một khu đất khá cao.
“Tôi chạy ra thấy đường này chắc chết, chạy vòng qua chỗ Lê Lợi (Quận 1) chui vô cũng chết, qua Lê Thị Riêng tính quẹo về Cách Mạng Tháng 8 cũng chết, quay chạy xuống Trần Hưng Đạo tính chạy về Chợ Lớn cũng chết.
Tôi quay vòng vòng về tới chỗ Bình Hưng Hòa (Quận Bình Tân) để về nhà thì nước lủm chủm, tất cả các khu vực trên đó là ngập hết. Từ 18h mà tới 21h tôi mới về đến nhà” – ông Hoan kể lại.
Trước đó, trao đổi với PV Infonet, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng chia sẻ, khi ra khỏi phòng họp ông đã biết TP sẽ ngập nặng vì cơn mưa quá lớn.
Video đang HOT
Qua báo chí ông cũng gửi lời chia sẻ tới người dân vì phải gánh chịu tình cảnh như vậy.
Ông Võ Văn Hoan – Chánh Văn phòng UBND TP.HCM.
Khi có PV cho rằng TP đã không có biện pháp kịp thời để thông báo đến người dân nhằm chủ động phòng tránh trận mưa lớn, ông Hoan thừa nhận rằng TP “đã không lường được” và coi cơn mưa vừa rồi là “sự kiện lịch sử”.
Ông Hoan cho biết mình đã có cơ hội qua Australia và thấy rằng những tin tức như mưa bão, cháy rừng, hạn hán được thông báo tới người dân hàng ngày với mức độ rất chính xác.
Chính vì vậy ông kỳ vọng với mục tiêu xây dựng một “Thành phố thông minh” thì tới đây TP.HCM sẽ làm được điều này.
“Vừa rồi Chủ tịch TP đề nghị Trung tâm chống ngập và trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn phải xây dựng kịch bản, bản đồ lưu vực rồi đưa ra các tiêu chí, sau đó 2 bên phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông để công bố cho người dân biết.
Tôi nghĩ bằng công nghệ thông tin sẽ làm được hết” – ông Hoan nhận định.
Ông Hoan cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng qua trận mưa vừa qua đã thấy có nhiều “khuyết tật” trong quản lý nhà nước, cũng như quản lý dự án của từng doanh nghiệp và cho rằng mỗi nhà đầu tư, mỗi cơ quan đều nên rút ra bài học để có giải pháp ứng phó.
Vị Chánh Văn phòng UBND TP cũng cho biết những ngày vừa qua lãnh đạo UBND TP đã đi thực địa để xử lý những vị trí bị chiếm dụng như họng thu, cửa xả và đã chỉ đạo xử lý cụ thể.
“Vấn đề khảo sát thiệt hại mênh mông quá, chắc cái này Trung tâm chống ngập nghiên cứu đề xuất Ủy ban thôi. Khảo sát thiệt hại không có nghĩa là mình bồi thường, vì nó là cái bất khả kháng.
Khảo sát thiệt hại là để xem 1 trận như thế thì chúng ta “thua” bao nhiêu, từ đó tìm cách khắc phục, còn nói bồi thường thì rất khó để xem xét” – Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nói.
Theo Infonet
Mục tiêu 500.000 doanh nghiệp, được không?
Bí thư Đinh La Thăng đánh giá mục tiêu này phù hợp xu hướng quốc tế: Ở các nước phát triển bình quân cứ 10 dân có một doanh nghiệp. Ở nước ta hiện là 200 người có một doanh nghiệp.
Sáng 3-7, lãnh đạo TP.HCM và đại diện của hơn 150 doanh nghiệp (DN), hội ngành nghề đã gặp gỡ, trao đổi kế hoạch thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN.
"Lãnh đạo rất mong nhận được sự góp ý thẳng thắn, chân tình của các DN, bởi kế hoạch này phục vụ cho sự phát triển của chính DN" - Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng bày tỏ.
Lo ngại doanh nghiệp li ti
Trong dự thảo kế hoạch, TP.HCM đặt ra mục tiêu có 500.000 DN hoạt động vào năm 2020. "Mục tiêu này dựa trên thống kê của nhiều nước, cứ 20 người dân là có một DN. Dự báo dân số TP.HCM năm 2020 là 12 triệu dân. Như vậy với mục tiêu này, tính ra 24 người dân sẽ có một DN, một giám đốc" - ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP, lý giải.
Để đạt mục tiêu trên, Sở KH&ĐT TP cho hay sẽ cùng các UBND quận, huyện rà soát các hộ kinh doanh cá thể. Hộ nào đủ điều kiện sẽ khuyến khích, hỗ trợ họ chuyển đổi lên thành DN.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, góp ý ngay: "Mục tiêu 500.000 DN là rất khó thực hiện. Tính ra cứ bốn gia đình lại có một hộ kinh doanh và điều này cực kỳ không hợp lý".
Ông Anh phân tích thêm: Theo nhận định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), càng ngày các DN Việt càng li ti cả về vốn và doanh thu. "Li ti luôn chứ không chỉ nhỏ và vừa nữa. Trong khi lẽ ra các DN càng ngày càng phải lớn mạnh lên, càng phải hợp lực lại chứ. Theo quan điểm của tôi, không nên đặt mục tiêu thế này, mà đặt mục tiêu những DN đang hoạt động phải lớn mạnh lên" - ông Anh nói.
Tới đây, các hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện sẽ khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi lên thành DN. Ảnh: HTD
Quyết tâm thì không viển vông
Tuy nhiên, Bí thư Đinh La Thăng đánh giá mục tiêu này phù hợp xu hướng quốc tế: "Đương nhiên chúng ta phải xây dựng DN mạnh, DN đầu tàu. Nhưng ở các nước phát triển bình quân cứ 10 dân có một DN. Ở nước ta hiện là 200 người có một DN".
Ông Thăng phân tích thêm: Muốn đạt mục tiêu 1 triệu DN trên cả nước, TP.HCM phải chiếm nửa số này, bởi hiện TP cũng đang chiếm nửa số DN của cả nước rồi. "Hiện tại TP có khoảng 250.000 hộ kinh doanh cá thể. Ta phải tạo mọi điều kiện để chuyển các hộ này thành DN. Phải là DN như nhau thì mới bình đẳng, công khai, minh bạch trong mọi vấn đề. Nếu ta quyết tâm thì mục tiêu này hoàn toàn không viển vông, không mơ hồ" - Bí thư Thăng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định thêm ngoài việc phát triển số lượng DN, mục tiêu xây dựng chất lượng DN lớn mạnh cũng được đặt ra. Đến năm 2020, cả nước phấn đấu có 15-20 tập đoàn, trong đó có năm tập đoàn hàng đầu châu Á.
Cải thiện thủ tục hành chính
Dự thảo kế hoạch cũng đặt ra nhiều mục tiêu khác về cải cách thủ tục hành chính. Như 100% quận, huyện và 80% sở, ngành ứng dụng công nghệ thông tin; 70% các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 30% các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4; phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm khắc các hành vi nhũng nhiễu gây phiền hà DN, người dân của cán bộ, công chức...
Nhiều DN đồng thuận với các mục tiêu cải cách này. Ông Nguyễn Quốc Anh cho biết DN của ông từng mất năm tuần để chờ một văn bản trả lời. Lý do là sự liên thông giữa các sở với nhau và giữa các sở với các quận, huyện hiện rất yếu. "Tôi cần văn bản trả lời của một sở, theo quy trình thì chỉ năm ngày thôi nhưng sở cần lấy ý kiến huyện. Sở làm nhanh, mất năm ngày ra văn bản và gửi đi. Văn bản chạy từ sở về huyện mất tới một tuần lễ. Huyện cũng tích cực xử lý lắm, một tuần sau có văn bản hồi đáp. Nhưng văn bản này cũng mất một tuần đi theo đường công văn mới lên đến sở. Sở nhận xong, mất một tuần để ra văn bản nữa... Không ách tắc, vướng mắc gì cả nhưng chạy đi chạy về kiểu văn thư như thế, tôi mất năm tuần chờ đợi".
Tiếp thu các góp ý, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh sắp tới TP sẽ tổ chức khảo sát để DN tham gia đánh giá, góp ý tinh thần và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, chất lượng ban hành văn bản...
Samco sản xuất được xe buýt dùng nhiên liệu sạch (CNG), tiết kiệm 30%-40% so với chạy bằng dầu. Nếu có chính sách chuyển đổi toàn bộ phương tiện công cộng sang dùng CNG thì TP sẽ xanh, sạch hơn, ngành công nghiệp hỗ trợ cho xe CNG cũng phát triển theo. Ông TRẦN QUỐC TOẢN, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (Samco) Lãnh đạo TP nói "có tình trạng đưa hàng vào siêu thị thì phải "chạy". TP đã chỉ đạo Saigon Co.op tách riêng bộ phận chọn hàng và bộ phận quyết định mua hàng vì ông vừa chọn vừa quyết định luôn sẽ dễ sinh tiêu cực". Tôi thấy chỉ đạo này rất sát với nguyện vọng của DN. Cần tạo điều kiện cho hàng Việt vào siêu thị. Ông TRẦN ANH THUY, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Rượu Phú Lễ 200 DN ra đời mỗi ngày và không có DN giải thể, ngừng hoạt động thì TP.HCM mới đạt được mục tiêu có 500.000 DN hoạt động vào năm 2020. Hiện nay TP có khoảng 170.000 DN. Theo số liệu quý I-2016, mỗi ngày tại TP.HCM có khoảng 100 DN thành lập mới và 11 DN giải thể.
QUỲNH NHƯ
Theo Phapluat