Các giải pháp phòng chống UAV của Nga
Tại Diễn đàn kỹ thuật quân sự – Army 2021 năm nay, công ty cổ phần Roselectronics trực thuộc tập đoàn kỹ thuật công nghệ khổng lồ Rostec của Nga đã giới thiệu với nhóm phóng viên chúng tôi các giải pháp xây dựng hệ thống phòng chống máy bay không người lái ( UAV) của đối phương.
Súng chế áp điện từ Pishchal nặng 3,5kg. Ảnh: Duy Trinh
Trong những năm gần đây, những nỗ lực đảm bảo phòng không truyền thống là chưa đủ trong bối cảnh vai trò ngày càng tăng của các phương tiện bay không người lái (UAV) trong các cuộc xung đột cũng như nguy cơ cao lực lượng khủng bố có thể sử dụng UAV cỡ nhỏ để tấn công các mục tiêu quan trọng.
Trước tiên, theo quan điểm của giới chuyên gia Nga, UAV được chia làm các loại khác nhau căn cứ theo trong lượng, loại UAV nhỏ nhất có trọng lượng 15kg; loại UAV cỡ trung nặng từ 15-100kg; loại hạng nặng có trọng lượng từ 100-1.500kg, và loại siêu nặng có trọng lượng lớn hơn. Căn cứ theo trọng lượng của các UAV sẽ đưa ra các giải pháp phòng chống khác nhau cho hiệu quả và hợp lý trên phương diện kinh tế.
Các dòng UAV hạng nhẹ và trung là mục tiêu dễ dàng của hệ thống phòng không. Tuy nhiên việc sử dụng các tên lửa có điều khiến đắt giá là tốn kém và không hiệu quả. Các dòng UAV này được điều khiển bằng vô tuyến hay thông qua hệ thống vệ tinh. Vì vậy có thể sử dụng sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử để vô hiệu quá khả năng điều khiển UAV. Trong khi đó các dòng UAV hạng nặng và siêu nặng có các tính năng kỹ thuật cao hơn nhiều nên các hệ thống tác chiến điện tử khó có thể áp chế và cần sử dụng tên lửa phòng không tiêu diệt cho hiệu quả hơn.
Video đang HOT
Tên lửa vác vai Verba, hệ thống tên lửa-cao xạ phòng không Pantsir-S1M, hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2, hệ thống tên lửa phòng không Viking là những vũ khí hiệu quả để đối chọi với các dòng UAV hạng nặng và siêu nặng. Như vậy có thể kết hợp các hệ thống này với hệ thống chế áp điện tử để vô hiệu hóa UAV hạng trung và hạng nhẹ, chúng ta sẽ có một hệ thống phòng không hoàn chỉnh để chống lại mọi loại UAV. Cần lưu ý rằng các hệ thống chế áp điện tử là phương tiện hiệu quả nhất chống lại UAV hạng nhẹ và hạng trung. Chúng có khả năng chống lại một cuộc không kích quy mô lớn của UAV nhờ chế áp các kênh chỉ huy và dẫn đường.
Hệ thống tác chiến điện tử “Repellent-Patrol”, do Công ty cổ phần “Các Hệ thống Phòng thủ” phát triển và sản xuất, có thể sử dụng để áp chế UAV ở khoảng cách lên đến 20 km. Các hệ thống Kupol và Rubezh-Avtomatika của công ty Avtomatika, giúp giám sát liên tục và tạo ra một mái vòm bảo vệ. Đây là rào cản không thể vượt qua, có thể đẩy lùi cuộc tấn công không chỉ của UAV riêng lẻ mà cả khi UAV được sử dụng với số lượng lớn, tiến vào từ các hướng và độ cao khác nhau trong bán kính ít nhất 3 km. Tại Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự Quốc tế – Army-2021 lần này, Roselectronics cũng giới thiệu súng chế áp điện từ Pishchal – một trong những mẫu súng nhẹ nhất trên thị trường với trọng lượng chỉ khoảng 3,5 kg, có thể chế áp các kênh điều khiển và dẫn đường của UAV trong phạm vi 2 km.
Để hạ UAV trong khuôn khổ hệ thống này, công ty Rosoboronexport đề xuất các hệ thống phòng không tầm ngắn, đặc biệt là hệ thống tên lửa-cao xạ phòng không Pantsir-S1M tầm bắn đã tăng lên 30km, độ cao 18km của Cục thiết kế công cụ (KBP) hoặc hệ thống phòng không Tor-M2E của Almaz-Antey có phạm vi tiêu diệt mục tiêu trên không tối đa 15km, độ cao 10km. Giải pháp phòng không của tuyến phòng thủ cuối sẽ được đảm bảo tốt hơn nhờ các hệ thống tên lửa vác vai (MANPADS) “Verba” hoặc “Igla-S”, cũng như xe phòng không “Gibka-S”, có khả năng bắn tên lửa vác vai “Verba” hoặc “Igla-S”. Phạm vi tiêu diệt mục tiêu tối đa của các MANPADS này là 6 km, ở độ cao 3,5 km.
Có thể thấy việc sử dụng các hệ thống phòng không và tác chiến điện tử toàn diện, kết hợp với hệ thống trinh sát đường không đối phương và ứng dụng các phương tiện tự động hóa điều khiển sẽ cho phép đưa ta các biện pháp đối phó hiệu quả với UAV thuộc bất kỳ lớp nào.
Nga giới thiệu vali chế áp máy bay không người lái
Lần đầu tiên công ty cổ phần Ruselectronics trực thuộc tập đoàn kỹ thuật công nghệ khổng lồ của Nga Rostec đã giới thiệu hệ thống chống máy bay không người lái (UAV) di động Zashchita (Bảo vệ) tại Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự Quốc tế - Army-2021.
Hệ thống chống máy bay không người lái (UAV) di động Zashchita. Ảnh: Rostec
Nhờ ứng dụng công nghệ định vị đồng pha thụ động, hệ thống có khả năng "tàng hình" trước các radar đối phương và có thể chống nhiễu sóng vô tuyến. Hệ thống được chứa trong một số va li và có thể đưa vào vận hành sau 30 phút.
Tổ hợp mới có thể "phát hiện" các vật thể bay ở phạm vi 360 độ và ở khoảng cách lên tới 12 km đồng thời định dạng chúng là máy bay, trực thăng, hay máy bay chuyển đổi. Zashchita có khả năng xác định vị trí thiết bị điều khiển của UAV và phá sóng kênh liên lạc với UAV.
Để làm điều này, hệ thống phụ trợ Serp (liềm) sẽ cung cấp tần số chồng chéo liên tục trong dải từ 400 đến 6200 MHz, vốn được sử dụng để điều khiển UAV. Đồng thời với việc triệt tiêu các kênh điều khiển của UAV, một hệ thống con sẽ triệt tiêu tín hiệu dẫn đường của các hệ thống vệ tinh toàn cầu.
Nhờ radar đồng pha thụ động, radar của Zashchita không chiếu xạ mục tiêu mà sử dụng tín hiệu do các máy phát của bên thứ ba bên ngoài phát đi, ví dụ, sóng vô tuyến kỹ thuật số, phản xạ từ mục tiêu.
Việc không có thiết bị định vị hoạt động cho phép hệ thống giữ được trạng thái vô hình trước các thiết bị đánh chặn khác, điều này làm giảm đáng kể khả năng bị nhiễu sóng vô tuyến. Ngoài ra, radar thụ động không đòi hỏi việc sử dụng các kênh tần số vô tuyến, giúp nó dễ sử dụng hơn trong lĩnh vực dân sự.
"Hệ thống mới phát hiện và loại bỏ các UAV xâm nhập theo nhóm, không giống như các hệ thống mái vòm, nó có thể sử dụng để chế áp các UAV mục tiêu cụ thể. Đây là một trong những ưu điểm chính của Zashchita, cho phép nó được sử dụng tại các cơ sở sử dụng UAV để giám sát lãnh thổ.
Chúng tôi đã có một số khách hàng tiềm tàng, kể cả khách hàng nước ngoài, và chúng tôi muốn giới thiệu khả năng của hệ thống tại Diễn đàn lần này", ông Vyacheslav Mikheev, Tổng giám đốc công ty con Vega cho biết.
Hệ thống Zashchita do Viện Nghiên cứu Khoa học Vector trong thành phần của Vega, phát triển.
UAV Trung Quốc liên tiếp áp sát Nhật Bản Nhiều máy bay không người lái Trung Quốc, gồm cả phiên bản vũ trang, liên tục di chuyển qua eo biển Miyako, buộc Nhật Bản điều tiêm kích giám sát. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cho biết các máy bay không người lái (UAV) Trung Quốc liên tục hoạt động trên vùng trời ở biển Hoa Đông và eo biển Miyako suốt...