Các đường bay kết nối Việt Nam Trung Quốc sẽ được mở lại như thế nào?
Các hãng hàng không Việt Nam đều có kế hoạch nâng tần suất hoặc mở thêm các đường bay mới sau khi Trung Quốc có những điều chỉnh kiểm dịch y tế, xuất nhập cảnh kể từ ngày 8/1/2023.
Ảnh minh họa.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông – Vận tải về tình hình khai thác thị trường Trung Quốc của các hãng hàng không Việt Nam kể từ sau ngày 8/1/2023 – thời điểm Trung Quốc chính thức áp dụng những điều chỉnh về kiểm dịch y tế, xuất nhập cảnh.
Cụ thể, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục khai thác các đường bay hiện tại (Hà Nội – Nam Kinh/Thượng Hải; TP.HCM – Thâm Quyến/Hàng Châu/Thượng Hải/Tứ Xuyên/Quảng Châu) với tổng 6 chuyến bay/tuần. Bắt đầu từ tháng 3/2023, Vietnam Airlines sẽ bắt đầu tăng dần tần suất khai thác đến các điểm Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, ưu tiên các đường bay thường lệ (3 chuyến bay/tuần lên 5 chuyến bay/tuần).
Vietjet sẽ tiếp tục khai thác các đường bay TP.HCM – Thâm Quyến/Hàng Châu/Thượng Hải/Tứ xuyên/Vũ Hán với tổng 6 chuyến bay/tuần. Kể từ 23/1/2023, Vietjet có kế hoạch bắt đầu khai thác thêm các đường bay từ Cam Ranh đến Tràng Sa, Thành Đô, Hạ Phì (Trung Quốc). Bắt đầu từ Lịch bay mùa Hè 2023, Vietjet dự kiến khai thác 85 đường bay, trong đó có 60 đường bay đã có slot.
Pacific Airlines hiện đang khai thác các đường bay Hà Nội-Hàng Châu/Nam Ninh với tần suất 2 chuyến bay /tuần. Hãng này có kế hoạch khai thác thêm đến Quảng Châu và Phúc Châu từ Lịch bay mùa Hè 2023.
Bamboo Airways đang khai thác đường bay Hà Nội – Thiên Tân với tần suất 1 chuyến bay/tuần và chưa có kế hoạch khai thác cụ thể cho giai đoạn tiếp theo. Dự kiến từ Lịch bay mùa Hè 2023, Bamboo Airways sẽ khai thác thêm 6 đường bay mới.
Vietravel Airlines chưa khai thác đường bay nào tới Trung Quốc nhưng sẽ khai thác các chuyến bay thuê chuyến từ Cam Ranh và Đà Nẵng đi Hàng Châu.
Video đang HOT
Cục Hàng không Việt Nam đánh giá thị trường vận tải hàng không quốc tế đang ở giai đoạn phục hồi từ từ, các thị trường hành khách trọng điểm của Vietnam Airlines là Hàn Quốc và Nhật Bản mới chỉ phục hồi được khoảng 60%.
Thị trường Trung Quốc cũng không ngoại lệ do các khó khăn nội tại (tâm lý e ngại dịch bệnh quay lại, kinh tế khó khăn, khoản cắt giảm chi phí đi lại, du lịch sẽ là khoản cắt giảm đầu tiên đối với đa số người dân), nhu cầu đi lại chủ yếu trong giai đoạn tới vẫn sẽ là khách công vụ, thương nhân, thăm thân và du học sinh.
Do vậy, trong giai đoạn ngắn hạn, thị trường hàng không Việt Nam – Trung Quốc chưa thể phục hồi như thời điểm trước dịch. Bên cạnh đó, việc cấp visa du lịch của Trung Quốc và Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, chưa thực sự hỗ trợ cho khách du lịch của cả hai bên.
Trong giai đoạn đầu khôi phục hoàn toàn các đường bay tới Trung Quốc, cụ thể là Lịch bay Mùa Hè 2023 (26/3/3023-28/10/2023), việc duy trì hoạt động khai thác với tần suất như giai đoạn trước dịch, đặc biệt là đến các điểm như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu để giữ được slot lịch sử cho Mùa Hè 2024 là bài toán khó đối với các hãng hàng không Việt Nam.
Mặc dù Cục Hàng không Trung Quốc (CAAC) có nêu việc sử dụng slot để duy trì slot lịch sử sẽ dựa trên cơ sở có đi có lại, nhưng chưa nêu nguyên tắc cụ thể.
Theo quy định của Trung Quốc, kể từ ngày 1/8/2023, người muốn nhập cảnh Trung quốc cần làm xét nghiệm PCR trong vòng 48 tiếng trước khi khởi hành, có kết quả âm tính thì được nhập cảnh. Người muốn nhập cảnh không cần phải xin mã sức khỏe từ Đại sứ quán Trung Quốc tại nước ngoài nhưng phải điền kết quả xét nghiệm và Thẻ xin mã sức khỏe nhập cảnh hải quan. Nếu kết quả hiển thị dương tính, người nhập cảnh cần đợi kết quả âm tính mới được nhập cảnh.
Về kiểm dịch khi nhập cảnh, Trung Quốc bỏ quy định xét nghiệm PCR với toàn bộ hành khách nhập cảnh. Người có khai báo sức khỏe hợp lệ theo quy định kiểm dịch của Cơ quan hải quan cửa khẩu sẽ được phép nhập cảnh không cần cách ly. Người có khai báo sức khỏe không hợp lệ, có dấu hiệu, triệu chứng sốt… sẽ được Cơ quan hải quan tiến hành xét nghiệm kháng nguyên. Các trường hợp xét nghiệm dương tính, triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng có thể cách ly điều trị tại nhà, tại khu cách ly hoặc tự điều trị, các trường hợp khác phải đến cơ sở y tế điều trị.
Đối với chuyến bay chở khách quốc tế, Trung Quốc hủy bỏ các quy định hạn chế về số lượng chỗ đối với các chuyến bay chở khách quốc tế, tăng số lượng chuyến bay theo giai đoạn, hành khách cần phải thực hiện các yêu cầu về xét nghiệm kiểm dịch liên quan và đeo khẩu trang trên máy bay.
Nhu cầu bay tăng mạnh, cấp phép hãng bay mới?
Cục Hàng không Việt Nam (CHKVN - Bộ GTVT) vừa có công điện thông báo tới các hãng hàng không, nhà khai thác máy bay trên toàn thế giới việc Việt Nam dỡ bỏ toàn bộ các hạn chế về việc vận chuyển hàng khách bằng đường hàng không.
Nhu cầu tăng đột biến
Theo công điện, các hãng hàng không Việt Nam và quốc tế được phép khai thác bay với tần suất, đường bay giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ trên cơ sở các thỏa thuận tại hiệp định hàng không song phương, đa phương đã ký kết. Nhà chức trách hàng không của các quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong danh sách thị trường bay thí điểm giai đoạn đầu và từ ngày 15/2/2022 có thể khôi phục các đường bay quốc tế thường lệ chở khách đến Việt Nam.
Hành khách quốc tế khi nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay quốc tế thực hiện các quy định hiện hành về nhập cảnh và phòng chống dịch.
Nhu cầu bay tăng mạnh, cấp phép hãng bay mới? Ảnh: TTXVN.
Liên quan đến tình hình vận chuyển nội địa, giai đoạn Tết Nguyên đán vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam thống kê, nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến, một số thời điểm đã xảy ra ùn tắc quá tải tại Tân Sơn Nhất, Nội Bài. Tuy nhiên, đây là tín hiệu đáng mừng của ngành Hàng không trong điều kiện thích ứng linh hoạt theo chủ trương của Chính phủ, khi mật độ tiêm vacccine được phủ rộng, ý thức phòng chống dịch của người dân được nâng cao.
Bên cạnh đó, ngành Hàng không và các doanh nghiệp hàng không đã chuẩn bị sẵn sàng từ giữa năm 2021 để có thể khai thác trở lại từ quý IV/2021. Theo thống kê, trước khi mở lại các đường bay quốc tế thường lệ, trung bình khách quốc tế đi/đến Việt Nam khoảng từ 40.000 - 50.000 khách/tháng. Kể từ thời điểm thí điểm mở lại các đường bay quốc tế từ tháng 1/2022, lượng khách quốc tế đi/đến Việt Nam tăng lên hơn 103.000 khách trong tháng 1/2022 và cập nhật đến hết ngày 14/2/2022 là 153.000 khách.
Còn theo Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp bàn mới đây về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch, Phó Thủ tướng đã đồng ý với ý kiến đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19" từ ngày 15/3/2022.
Tiếp tục cấp phép khai thác hãng hàng không mới?
Trước nhu cầu bay tăng cao, CHKVN vừa có Công văn số 462/CHK-VTHK gửi Bộ GTVT về đánh giá lại việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho các hãng hàng không mới.
Liên quan đến cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho hãng hàng không mới, theo CHKVN, tại Văn bản số 5833/VPCP-CN ngày 17/7/2020, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Bộ GTVT nêu tại Công văn số 4620/BGTVT-VT ngày 14/5/2020: Việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022).
Cuối tháng 5/2021, CHKVN đã kiến nghị Bộ GTVT về việc chỉ thành lập hãng hàng không kinh doanh vận chuyển hàng không vận chuyển hành khách đến sau năm 2024 và xem xét cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vận chuyển hàng hóa, với quy mô đội máy bay không quá 10 chiếc.
Thực tế, hiện dịch COVID-19 đã từng bước được kiểm soát và dần đi vào ổn định. Thị trường hàng không tại Việt Nam và các nước có đường bay thẳng tới Việt Nam đã bắt đầu hồi phục. Để có đủ cơ sở xem xét, đánh giá về việc thành lập mới các hãng hàng không trong thời gian tới, Bộ GTVT yêu cầu CHKVN khẩn trương đánh giá lại tình hình thị trường và đề xuất phương án.
Trước đó, theo kiến nghị của CHKVN tại Công văn số 1572/CHK-VTHK ngày 21/4/2020, "giai đoạn từ nay đến năm 2022, tạm thời chưa xem xét cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không cho các hãng hàng không mới", Bộ GTVT có Văn bản số 4620/BGTVT-VT ngày 14/5/2020 về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm những hãng hàng không trong tình hình mới, nhằm đảm bảo quản lý Nhà nước về hàng không, phát triển bền vững.
Tại văn bản trên, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: "Trước mắt, tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động; việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022)".
Tháng 1/2022, CHKVN tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép thành lập hãng bay mới.
Còn đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho hay, mặc dù thị trường hàng không đã có nhiều tín hiệu phục hồi, nhưng việc có xem xét cấp phép lập thêm hãng bay mới hay không vẫn cần nhận được ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.
Đến ngày 31/12/2021, cả nước có 6 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không: Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và 4 đơn vị có giấy phép kinh doanh hàng không chung là Công ty Cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt, Công ty Cổ phần Hàng không Hành tinh xanh, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam và Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu.
Quảng Ninh: Sẵn sàng đón khách du lịch Trung Quốc Trước việc Trung Quốc dỡ bỏ chính sách "zero COVID-19" và cho công dân nước này đi du lịch, tỉnh Quảng Ninh đã lên các phương án sẵn sàng cho việc đón khách du lịch Trung Quốc ghé thăm trong dịp tết Nguyên đán Liên quan việc đón khách du lịch Trung Quốc trở lại khi quốc gia này dỡ bỏ chính sách...