Các địa phương tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ
Hiện nay, mặc dù mưa lũ đã giảm nhưng các lực lượng trên địa bàn các huyện biên giới tỉnh Gia Lai vẫn đang được huy động tối đa cùng vật tư, phương tiện tại chỗ khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa lớn gây ra; trợ giúp hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, nước uống, chăm sóc y tế… cho người dân vùng thiệt hại.
Tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, ngành khẩn trương khắc phục thiệt hại; chủ động sử dụng nguồn ngân sách, tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá xác định thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ gây ra, đề xuất giải pháp để khắc phục thiệt hại.
Huyện Đác R’lấp, Đác Nông hỗ trợ thân nhân các nạn nhân trong vụ sạt lở đất đá tại xã Đăk Sin.Ảnh: PHAN TUẤN
* Ngày 11-8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Đác Nông cho biết, tổng thiệt hại do đợt mưa lớn kéo dài (từ ngày 6 đến 11-8) trên địa bàn tỉnh là gần 135 tỷ đồng. Toàn tỉnh có năm người chết do mưa lũ; gần 150 nhà dân bị ngập lụt, tốc mái, sạt lở; hơn 20 km đường giao thông bị sạt lở, ngập nước; 14 cây cầu nông thôn bị hư hại; ba công trình thủy điện (Đăk Kar, Đăk Sin 1, Đăk Ru) bị hư hỏng. Tổng diện tích cây trồng bị ngập lụt, ngã đổ do mưa lũ là gần 1.500 ha. Đác R’Lấp là huyện bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ này.
* Chiều 11-8, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Đồng Nai cho biết, đã tìm thấy thi thể nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi tại xã Phú Thịnh, huyện Tân Phú vào tối ngày 8-8. Qua đó, xác định thi thể là ông Phạm Văn Lâm (58 tuổi). Tính đến trưa 11-8, mưa lũ đã làm hai người chết, ngập gần 3.000 ha đất nông nghiệp, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
* Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT ngày 11-8, mặc dù mực nước các hồ ở Tây Nguyên đang giảm nhưng nguy cơ rủi ro còn tiềm ẩn. Do đó, đề nghị các địa phương trong khu vực tiếp tục theo dõi tình hình mưa, sẵn sàng duy trì lực lượng nếu tiếp tục có mưa lớn và mực nước hồ tăng cao nhằm bảo đảm an toàn cho đập và vùng hạ du. Ngoài ra, đề nghị tỉnh Kiên Giang tiếp tục triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả ngập lụt tại huyện đảo Phú Quốc. Tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tổ chức lực lượng, khẩn trương tìm kiếm người mất tích, cứu trợ, khôi phục giao thông, thông tin liên lạc cho các khu vực bị lũ quét, bố trí nơi ở cho người dân bị mất nhà cửa; khôi phục sản xuất.
* Sáng 11-8, đoàn công tác của huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã đi thăm và hỗ trợ người dân hai huyện Quan Sơn và Mường Lát khắc phục hậu quả lũ lụt do bão số 3 gây ra. Để hỗ trợ, giúp đỡ người dân sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, huyện Tĩnh Gia đã trao 100 triệu đồng ủng hộ đồng bào huyện Quan Sơn và trao 50 triệu đồng ủng hộ đồng bào huyện Mường Lát.
* Do độ mặn tăng cao kết hợp nắng nóng kéo dài làm hàng trăm héc-ta ngao giống và thương phẩm chết hàng loạt tại hai xã Đông Minh và Nam Thịnh (Tiền Hải, Thái Bình). Riêng tại xã Đông Minh có 285 hộ nuôi ngao với diện tích khoảng 450 ha. Hiện tại, ngao giống tỷ lệ chết từ 60 đến 70%, ngao thương phẩm chết từ 20 đến 30%. Nhằm bảo vệ môi trường vùng nuôi, người dân trên địa bàn đang tập trung nhân lực thu gom vỏ ngao, vệ sinh vây lưới tránh ảnh hưởng đến các đầm nuôi liền kề.
* Ngày 11-8, Văn phòng UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đã công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang, đến ngày 7-8, đã có 10 địa phương thực hiện công bố dịch; gồm: TP Long Xuyên, thị xã Tân Châu, các huyện Tịnh Biên, Thoại Sơn, Tri Tôn, Chợ Mới, Châu Phú, An Phú, Phú Tân và Châu Thành. Tổng số lợn đã tiêu hủy trên địa bàn tỉnh là hơn 13 nghìn con, với tổng trọng lượng hơn 800 tấn.
Video đang HOT
* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, ngày hôm qua (11-8), nắng nóng đã xảy ra diện rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ với nền nhiệt độ phổ biến từ 35 đến 370C. Dự báo, hôm nay (12-8), ở Bắc Bộ và các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa có nắng nóng, riêng các tỉnh bắc và trung Trung Bộ có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến trong khoảng từ 35 đến 370C, có nơi hơn 380C. Đợt nắng nóng này có khả năng kéo dài hai đến ba ngày ở Bắc Bộ; ở Trung Bộ nắng nóng có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: Cấp 1.
* Trong ngày và đêm 11-8, ở Tây Nguyên và Nam Bộ vẫn tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to; riêng các tỉnh Đác Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai có mưa to. Từ hôm nay (12-8), mưa trên khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng giảm dần. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.
* Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam, hôm nay (12-8), trên các vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái-lan có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, vịnh Thái – lan, khu vực giữa và nam Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Sóng biển cao từ 2 đến 3 m. Biển động.
* Sáng 11-8, tàu cá QB-92838TS do ông Phạm Xuân Túy, ở xã Hòn Lão, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cùng sáu ngư dân đang hoạt động đánh bắt hải sản trên vùng biển cách phía đông bắc bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng khoảng 90 hải lý thì bị phá nước, có nguy cơ bị chìm. Nhận được tin, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã điều động tàu 366 đang làm nhiệm vụ trên biển nhanh chóng đi cứu nạn tàu cá. Đến trưa cùng ngày, tàu 366 đã tiếp cận được tàu bị nạn và đưa toàn bộ ngư dân lên tàu an toàn.
PV VÀ CTV
Theo NDĐT
Phú Quốc bị ngập nặng
Hôm nay (11/8), Phú Quốc tiếp tục có mưa, so với những ngày trước nhỏ hơn, hiện nước đã rút nhiều nhưng một số nơi nước còn ngập nửa người, sinh hoạt của người dân vẫn gặp nhiều khó khăn.
Phú Quốc chìm trong biển nước sau trận mưa liên tục . (Ảnh: Thuận Thắng)
Do ảnh hưởng của bão số 3 đã gây mưa lớn trong những ngày qua ở Phú Quốc (Kiên Giang), làm cho nhiều tuyến đường, nhà dân ở huyện đảo Phú Quốc ngập sâu, có nơi ngập sâu gần 2m và hơn 8.000 căn bị ngập trong nước.
Báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Quốc, ngập tại Phú Quốc bắt đầu diễn ra từ ngày 5/8, mưa liên tục đến chiều 9/8 đã làm cho 63km đường giao thông trên toàn huyện đảo Phú Quốc bị ngập với độ sâu ngập trung bình 0,7m, nơi ngập sâu nhất lên đến 2m.
Nước ngập cao, giao thông bị chia cắt, ách tắc nghiêm trọng, các hoạt động sinh hoạt, buôn bán đình trệ. Một số nhà dân bị nước ngập gần nóc nhà khiến người dân phải di dời đồ đạc và khẩn cấp tìm nơi trú ẩn, bỏ lại toàn bộ đồ đạc trong nhà.
Theo UBND huyện Phú Quốc, trước đó địa bàn huyện xảy ra tình trạng ngập cục bộ, nước chưa rút hết nhưng mưa vẫn diễn ra liên tục. Lượng mưa lớn kỷ lục, cùng với nước biển dâng lên, trong khi hệ thống thoát nước đã lỗi thời, tình trạng tự ý xây dựng lấn chiếm sông suối... là những nguyên nhân khiến đảo Phú Quốc ngập lụt nặng những ngày qua.
Hậu quả là 63km đường trên toàn huyện đảo bị ngập; 23 căn nhà bị tốc mái, sập, sụp nứt và 8.424 căn bị ngập trong nước. Gần 2.000 người dân được sơ tán đến nơi tránh trú. Tổng thiệt hại ước tính hơn 107 tỉ đồng.
Chính quyền phải huy động 1500 cán bộ, công an, quân đội cùng với trên 750 phương tiện ô tô, xuồng cao tốc, phao bè cứu sinh vào cuộc hỗ trợ gần 2.000 người dân đến nơi tránh trú an toàn. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện cung cấp các suất cơm miễn phí cho người dân; UBND các xã, thị trấn đã nhận viện trợ từ các mạnh thường quân gần 40 tấn gạo, 3.800 thùng mì và 224 triệu đồng tiền mặt cùng các nhu yếu phẩm khác.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh cho biết: Trước diễn biến bất thường của thời tiết trong những ngày qua, cả hệ thống chính trị của huyện phối hợp với sự hỗ trợ của các lực lượng đóng trên địa bàn cùng với nhân dân khẩn trương, quyết liệt ứng phó ngập nước nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Các nhiệm vụ được triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân, không để người dân thiếu lương thực, quần áo, thuốc men trong suốt thời gian thiên tai xảy ra.
Huyện Phú Quốc đang tập trung lực lượng, phương tiện nạo vét, khơi thông cống rãnh, dòng chảy thông thoáng cho nước rút nhanh; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa bão để chủ động ứng phó kịp thời, nhất là đề phòng mưa lớn kéo dài có thể xảy ra; tiếp tục triển khai các phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ".
Huyện chỉ đạo ngành chức năng theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh phát sinh; tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng và phòng chống dịch bệnh; huy động các lực lượng, nguồn lực hỗ trợ người dân bị thiệt hại khắc phục hậu quả thiên tai, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Ghi nhận của phóng viên hôm nay (11/8), Phú Quốc tiếp tục có mưa, so với những ngày trước nhỏ hơn, hiện nước đã rút nhiều nhưng một số nơi nước còn ngập nửa người, sinh hoạt của người dân vẫn gặp nhiều khó khăn.
Nước ngập vào mọi ngõ ngách ở Phú Quốc (Ảnh: Thuận Thắng)
Ngập đến tận trong nhà hộ dân (Ảnh: Thuận Thắng)
Các nơi đều bị ngập sâu trong nước (Ảnh: Thuận Thắng)
Nhiều tuyến đường cùng nhiều nhà cửa bị ngập (Ảnh: Thuận Thắng)
Người dân chịu cảnh sống chung với ngập giữa đảo khơi (Ảnh: Thuận Thắng)
Thuận Thắng - PC
Theo ĐCSVN
Mưa lũ ở Đồng Nai khiến 2 người thiệt mạng Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai cho biết: Đến 12 giờ ngày 11/8, mưa lớn cùng với Thủy điện Đồng Nai 5 xả lũ đã làm 2 người tử vong, ngập gần 3.000 ha đất nông nghiệp, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng ở tỉnh Đồng Nai. Đến sáng 9/8/2019,...