Các cuộc đàm phán sơ bộ chuẩn bị cho COP28 vẫn chưa đạt đột phá
Các cuộc đàm phán sơ bộ nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ( COP28) đã kết thúc ngày 31/10 tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), mà chưa đạt được bất kỳ đột phá lớn nào.
Chủ tịch COP28 ông Sultan Al Jaber phát biểu tại một hội nghị ở Nairobi, Kenya, ngày 5/9/2023. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Khoảng 70 bộ trưởng của các nước trên thế giới đã tham gia các cuộc đàm phán sơ bộ tại khu nghỉ dưỡng sang trọng Emirates Palace ở Abu Dhabi nhằm vạch ra các chi tiết trước khi COP28 dự kiến diễn ra vào tháng tới.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP (Pháp), đại biểu Ai Cập tham dự đàm phán, ông Mohamed Nasr, cho biết “gần 80% nội dung văn bản” đã được đồng ý. Trong khi đó, theo nhà đàm phán của Đức về khí hậu, bà Jennifer Morgan, các cuộc đàm phán sơ bộ có nhiều thiện chí, sự tham gia mang tính xây dựng. Các bộ trưởng đã có những cuộc tranh luận lớn và đã cố gắng tìm giải pháp, song “vẫn còn nhiều việc phải làm trong 28 ngày tới”. Một nhà đàm phán châu Phi nhận định sẽ diễn ra “các cuộc chiến thực sự” tại COP28.
Video đang HOT
Về phần mình, Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher cho rằng “trọng tâm chính lúc này là Quỹ tổn thất và thiệt hại” dành cho các quốc gia nghèo hơn, bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Việc COP27 diễn ra năm 2022 tại Ai Cập nhất trí thành lập quỹ này được coi là thành tựu lịch sử. Tuy nhiên, các bên tham dự COP27 thống nhất sẽ thảo luận sau về chi tiết cụ thể của quỹ này.
Một loạt cuộc đàm phán đã được tổ chức trong năm nay nhằm đạt đồng thuận về các nguyên tắc cơ bản như cơ cấu, các bên thụ hưởng và các bên đóng góp.
Vòng đàm phán hồi giữa tháng 10 cũng kết thúc trong thất bại. Theo kế hoạch, trong thời gian từ ngày 3-5/11 tới, sẽ diễn ra nhiều cuộc đàm phán khác tại Abu Dhabi.
Năm 2009, các quốc gia giàu có trên thế giới đã cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2020 để giúp các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu, song thực tế mục tiêu này đã bị bỏ lỡ. Hiện có nhiều kỳ vọng mục tiêu này sẽ đạt được trong năm nay.
Theo kế hoạch, COP28 cũng sẽ đưa ra đánh giá chính thức đầu tiên về nỗ lực của nhân loại trong việc tôn trọng Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và tham vọng giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Khí hậu toàn cầu trong vài năm qua đã ấm lên khoảng 1,2 độ C, kéo theo hàng loạt thảm họa thiên nhiên. Vì vậy, trong bài phát biểu kết thúc các cuộc đàm phán ngày 31/10, Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber kêu gọi các nước duy trì nỗ lực tìm ra “điểm chung” bởi thực tế “không có thời gian để trì hoãn” và cần tận dụng từng ngày từ nay cho đến khi COP28 diễn ra để có thể đạt được tiến triển trên tất cả các mặt.
EU cảnh báo khó khăn trong đàm phán về khí hậu tại COP28
Việc đạt được thỏa thuận để giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu đang cấp thiết hơn bao giờ hết, nhưng cũng khó khăn hơn bao giờ hết trong bối cảnh tình hình địa chính trị ảnh hưởng đến hợp tác quốc tế.
Ủy viên phụ trách hành động khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Wopke Hoekstra. Ảnh: AFP/TTXVN
Ủy viên phụ trách hành động khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Wopke Hoekstra đã đưa ra cảnh báo trên ngày 30/10, bên lề cuộc họp sơ bộ tại Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE) trước thềm Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) - dự kiến diễn ra tại Dubai vào tháng sau.
Theo ông Hoekstra, EU sẽ không chấp nhận kết quả đạt được tại COP28 chỉ là những thỏa thuận về những vấn đề ít gây tranh cãi hơn - như tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo - nếu hội nghị không giải quyết được những vấn đề gai góc hơn như dần từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Ông Hoekstra cho rằng các nước đang đứng trước thách thức lớn chưa từng thấy để đạt được đồng thuận về vấn đề khí hậu khi cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine đang leo thang, trong khi cuộc xung đột tại Ukraine và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn. Theo ông, trong giai đoạn đầy thách thức về địa chính trị hiện nay, việc đạt được một thỏa thuận về khí hậu khó khăn hơn bao giờ hết, nhưng cũng vô cùng cấp thiết.
Các nhà khoa học cho rằng nhiệt độ Trái Đất tăng lên do sử dụng nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm nay và Trái Đất đang trên đà ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục. Hồi giữa tháng này, EU đã nhất trí quan điểm đàm phán chung của khối này tại COP28 là thúc đẩy mục tiêu loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch đạt đỉnh trong thập niên này.
Ngoài ra, EU cũng sẽ kêu gọi loại bỏ "sớm nhất có thể" các khoản trợ cấp đối với các nhiên liệu hóa thạch không nhằm mục đích ứng phó tình trạng thiếu năng lượng hoặc đảm bảo "sự chuyển đổi công bằng", song không đặt ra thời hạn cụ thể cho quá trình này.
Mỹ sẵn sàng tăng cường hợp tác với Trung Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu Trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc, Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ, ông John Kerry ngày 18/7 đã có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Bắc Kinh, trong đó nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng tăng cường hợp tác với Trung Quốc để cùng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Đặc phái viên của Tổng...