Các cuộc chiến thương mại khiến kinh tế toàn cầu lâm vào tình cảnh ‘lung lay’
Theo báo cáo công bố ngày 26/9 của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu có dấu hiệu lung lay với các cuộc chiến thương mại và nguy cơ bất ổn sâu hơn.
Tổng Thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi. Ảnh: theabujatimes.com
Báo cáo năm 2018 về “Thương mại và phát triển: Quyền lực, nền tảng và ảo tưởng thương mại tự do” đã cảnh báo kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục hoạt động dưới mức tiềm năng. Một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các nước đã thất bại trong việc thay đổi chính sách để ngăn ngừa nguy cơ khủng hoảng tái diễn, thay vào đó cho phép nợ và các thể chế chính khổng lồ phát triển một cách thiếu kiểm soát.
Báo cáo nêu rõ, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang là dấu hiệu xuống cấp của hệ thống kinh tế và cơ chế đa phương. Đây được xem là vòng luẩn quẩn về bất bình đẳng và sự gắn bó mật thiết giữa quyền lợi chính trị và tiền bạc của các tập đoàn.
Tổng Thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi nhận định, kinh tế toàn cầu đang chịu nhiều áp lực, bao gồm việc tăng thuế quan, các dòng tài chính bất ổn. Tuy nhiên, đằng sau các mối đe dọa sự ổn định toàn cầu này là thất bại lớn hơn trong việc giải quyết bất bình đẳng và mất cân bằng trong một thế giới đang ngày càng toàn cầu hóa.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008, thay vì giải quyết gốc rễ nguyên nhân, thế giới đã cho phép các thể chế tài chính lớn mạnh hơn, trong khi các ngân hàng “ngầm” tăng trưởng lên tới 160.000 tỷ USD, gấp đôi quy mô kinh tế toàn cầu. Báo cáo chỉ ra rằng cổ phiếu nợ đã tăng lên gần 250.000 tỷ USD, gấp 3 lần tổng thu nhập của thế giới và cao hơn 50% so với giai đoạn xảy ra khủng hoảng.
Video đang HOT
Người đứng đầu mảng chiến lược phát triển và toàn cầu hóa UNCTAD Richard Kozul-Wright cảnh báo lịch sử đã chứng minh các bong bóng do nợ gây nên đều luôn dẫn tới những hậu quả rất tồi tệ. Nợ cao gắn liền với sự gia tăng bất bình đẳng khi mà ảnh hưởng của các thể chế tài chính cũng tăng lên và số lượng doanh nghiệp lớn giảm đi. Ông Kozul-Wright đánh giá 1% số các tập đoàn lớn kiểm soát hơn 50% giao dịch thương mại thế giới. Điều này là rất đáng quan ngại vì các “đại gia” chính là nguồn cơn gây ra sự bất bình đẳng trong thế giới tài chính hóa ngày nay.
Trong khi đó, lòng tin vào hệ thống lại suy giảm nghiêm trọng khi các thể chế tài chính gây ra khủng hoảng lại không phải chịu trách nhiệm và thậm chí kiếm thêm lợi nhuận từ việc này. Ông Kozul-Wright tin rằng chiến tranh thương mại đã phản ánh sự thiếu lòng tin trên khắp hệ thống chính trị. Trong khi đó, UNCTAD cảnh báo rằng các đòn đáp trả thương mại gần đây sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng không chỉ với thương mại.
Đặng Ánh (TTXVN)
Nguy cơ VND "rơi bẫy" tác động kép tỷ giá
Giá USD tại hệ thống ngân hàng ngày 26/9 bất ngờ tăng vọt trước thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố...
Giá USD tuần này đã tăng khá mạnh từ 160-168 đồng/USD - Ảnh: K.Linh
Giá USD tại hệ thống ngân hàng ngày 26/9 bất ngờ tăng vọt trước thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố biên bản cuộc họp chính sách tháng 9 đẩy Việt Nam đồng (VND) trước nguy cơ phải chịu tác động kép nếu đồng nhân dân tệ được Trung Quốc phá giá do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Giá USD tăng mạnh
Chiều 26/9, giá USD trên hệ thống Vietcombank và BIDV cùng là 23.310-23.390 đồng/USD, tăng 10 đồng so với sáng nay và tăng 15 đồng so với ngày hôm trước. Tại Techcombank, giá USD cũng được đẩy lên mức cao 23.280-23.390 đồng/USD. Tại Dong A Bank, giá USD kể từ ngày 25/9 là 23.310-23.390 đồng/USD; Tại Sacombank là 23.307-23.398 đồng/USD, tăng 5 đồng so với ngày hôm trước và chạm trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước... So với tuần trước ở quanh mức 23.234 đồng/USD, giá USD tuần này đã tăng khá mạnh 160-168 đồng/USD.
Ngày 26/9 , giá USD trên thị trường tự do ngược chiều giảm từ 23.500 đồng/USD về 23.400 đồng/USD. Đây cũng là mức giá duy trì trong cả tuần trước.
Diễn biến đồng USD tại thị trường Việt Nam được liên hệ với thị trường thế giới ngay trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), kết thúc tối 26/9 theo giờ Mỹ. Bởi đến 15h ngày 26/9 giờ Việt Nam, chỉ số USD trên thị trường thế giới giảm nhẹ 0,02 điểm còn 94,14 điểm.
Sự sụt giảm của đồng USD ngay khi đang diễn ra cuộc họp của FED được giới phân tích lý giải là do khả năng cơ quan này sẽ lùi lại lộ trình tăng lãi suất bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang leo thang. Còn trong khả năng FED vẫn tăng lãi suất cơ bản theo đúng lộ trình, có thể thêm 0,25 điểm phần trăm, giá USD cũng khó tăng mạnh trên thị trường thế giới bởi những quan ngại về điều này đã được phản ánh vào giá trong suốt 1 tháng trước khi cuộc họp này diễn ra.
Về mặt lý thuyết, nếu USD tăng giá cũng đồng nghĩa với các tài sản được định giá bằng USD được định giá lại theo hướng rẻ đi, ví dụ như vàng. Điều này cũng có nghĩa là VND sẽ tăng giá và rơi vào tình trạng tăng kép nếu nhân dân tệ (CNY) cũng được Trung Quốc hạ giá để đối phó với Mỹ. Còn nếu USD giảm giá, CNY tăng giá, lúc đó nhà điều hành sẽ phải tính toán để giá VND biến động ở mức hợp lý nhất trong bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện nay. Trên thực tế, giá đồng CNY ngày 26/9 trên thị trường ngân hàng Việt Nam đã đồng loạt giảm: Tại BIDV giá CNY giảm 3 đơn vị còn 3.360 - 3.442 đồng/CNY, Techcombank giảm giá CNY tới 8 đồng, còn 3.342 - 3.455 đồng/CNY...
Rủi ro nền kinh tế gia tăng vì biến động tỷ giá
Trong buổi cập nhật tình hình kinh tế châu Á và Việt Nam ngày 26/9, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng châu Á (ADB) cho biết: Một trong các thách thức từ nay tới cuối năm của Việt Nam là vấn đề tỷ giá. Cụ thể, trước diễn biến thương mại toàn cầu, kể từ tháng 7 đồng Việt Nam đã được điều chỉnh yếu đi khoảng 1% (tỷ giá VND/USD tăng lên - PV).
Từ nay tới cuối năm, ông Cường cho rằng, lãi suất USD sẽ tiếp tục được FED điều chỉnh theo hướng tăng lên và nếu CNY tiếp tục mất giá như thời gian qua thì đồng Việt Nam sẽ tiếp tục chịu tác động kép từ hai phía. "Chính vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần thận trọng hơn với các chính sách của mình, do rủi ro với triển vọng kinh tế có xu hướng gia tăng", chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cảnh báo.
Còn theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh, từ nay đến cuối năm, tỷ giá VND/USD dự kiến không có biến động mạnh. Tuy nhiên, nếu xảy ra cuộc chiến tiền tệ hệ quả từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thì đồng Việt Nam tất nhiên sẽ chịu tác động. Và khi đó, ông Nghĩa cho rằng Việt Nam cần phải có những biện pháp ngay từ bây giờ như giảm bớt thâm hụt thương mại phi chính thức với Trung Quốc, ổn định tỷ giá để duy trì đầu tư nước ngoài cũng như tránh tình trạng rút vốn như đang diễn ra với Trung Quốc.
Những lo lắng của TS. Lê Xuân Nghĩa được giải toả như ghi nhận của ADB do VN tăng mạnh xuất khẩu nên cán cân thanh toán của Việt Nam đã thặng dư ước tính bằng 8,4% GDP trong 6 tháng đầu năm nay. Chính nhờ thặng dư thương mại hàng hóa trong nửa đầu năm nên tài khoản vãng lai đạt mức thặng dư ước tính bằng 5,0% GDP (trong khi cùng kỳ năm trước thâm hụt 1,1%). Nhờ đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam theo tính toán của ADB đã chính thức tăng từ mức tương đương 2,7 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2017 lên mức tương đương 3 tháng nhập khẩu vào tháng 6 năm nay, giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm "thực lực" khi điều hành tỷ giá.
Cao Sơn
Theo baogiaothong.vn
Đầu tư căn hộ nghỉ dưỡng: Pháp lý luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu Nếu chỉ tính riêng "bài toán tài chính" thì có không ít những dự án ưu việt để đầu tư tại thị trường Nha Trang. Thế nhưng xét trên "bài toán kết hợp", thoả mãn cả 2 yêu cầu về một sản phẩm: đầu tư dài hạn - sở hữu an tâm thì lại không dễ tìm được "đáp án". Pháp lý luôn...