Các công ty tại châu Á đang có ít rủi ro về cổ tức hơn châu Âu
Theo giới quan sát, các công ty châu Á dường như được chuẩn bị tốt và có thể chi trả mức cổ tức ổn định hơn so với các công ty phương Tây.
Các công ty châu Á có khả năng chịu đựng tác động của dịch bệnh tốt hơn so với các đối tác phương Tây. (Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters)
Khi các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu đang đẩy lãi suất xuống gần bằng 0, các nhà đầu tư đang săn lùng các tài sản mang lại thu nhập ổn định. Và họ đang để mắt tới các công ty tại châu Á.
Theo giới quan sát, các công ty châu Á dường như được chuẩn bị tốt và có thể chi trả mức cổ tức ổn định hơn so với các công ty phương Tây. Điều này là do các công ty Âu-Mỹ đang bị hạn chế bởi các bảng cân đối có tỷ lệ đòn bẩy cao, cũng như nhu cầu bảo toàn dòng tiền mặt khi phải đối phó với tác động từ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Một phân tích của hãng tin Reuters cho thấy gần 70 trong số 600 công ty niêm yết hàng đầu ở châu Âu đã thông báo cắt giảm hoặc tạm dừng thanh toán cổ tức từ ngày 24/2 đến ngày 31/3.
Tuần trước, ngân hàng Goldman Sachs đưa ra dự báo mức cổ tức của các công ty thuộc nhóm S&P 500 sẽ giảm 25% vào năm 2020. Vì một số ngành công nghiệp thường có mức trả cổ tức lớn tại Mỹ đang đặc biệt dễ bị tổn thương trước cú sốc kinh tế từ dịch COVID-19.
Trong một ghi chú mới gửi tới khách hàng, ông Jim McCafferty, một nhà nghiên cứu cấp cao tại công ty tài chính Nomura, nói rằng nhờ tính bền vững trong các khoản mục liên quan tới dòng tiền như chi tiêu cho sản xuất và thanh toán cổ tức, các công ty châu Á có khả năng chịu đựng tác động của dịch bệnh tốt hơn so với các đối tác phương Tây.
Video đang HOT
Ông cho rằng điều này bắt nguồn từ thực tế là châu Á đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng hơn phương Tây trong những năm gần đây.
Theo phân tích của Nomura, chỉ có 18% trong số 100 công ty phi tài chính hàng đầu của Mỹ là có dòng tiền mặt vượt mức nợ, trong khi tỷ lệ này ở Vương quốc Anh là 21%. Để so sánh, tỷ lệ này là 48% đối với các công ty Trung Quốc và 50% đối với các công ty Nhật Bản.
Giới chuyên gia nói rằng dù các công ty châu Á cũng chịu áp lực từ việc phải đóng cửa các nhà máy và nhu cầu giảm trong năm nay, dòng tiền lớn của họ có thể giúp duy trì việc thanh toán cổ tức.
Số liệu từ công ty phân tích Refinitiv cho thấy tỷ lệ cổ tức của các công ty ở Australia, Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore thuộc hàng cao nhất trên thế giới.
Refinitiv cũng đánh giá các công ty tại châu Á-Thái Bình Dương có tỷ lệ dòng tiền tự do (FCF) thuộc hàng đầu thế giới. Đây là tỷ lệ đo lường lượng tiền mặt mà một công ty tạo được để đáp ứng việc thanh toán nợ, cổ tức và các nghĩa vụ khác.
Điều này cho thấy các công ty châu Á sẽ giữ đủ nguồn tài chỉnh để phục vụ cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm lợi nhuận./.
H.Thủy
Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 8/4
Thông tin lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 8/4 về các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.
* DHG: Ngày 11/5 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức đợt 1 năm 2019 của CTCP Dược Hậu Giang (DHG - HOSE), ngày đăng ký cuối cùng là 12/5. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 30%, thanh toán bắt đầu từ ngày 05/6/2020.
* TVS: Ông Phan Thanh Diện, người có liên quan đến ông Phan Minh Tâm - Thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Thiên Việt (TVS - HOSE) đã bán ra 100.000 cổ phiếu TVS trong ngày 06/4 theo phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch, ông Diện đã giảm sở hữu tại TVS xuống còn hơn 1,6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2%.
* PHR: CTCP Cao su Phước Hòa (PHR - HOSE) thông báo kết quả kinh doanh quý I/2020 với doanh thu công ty mẹ hơn 334,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 172,4 tỷ đồng. Trong quý II/2020, PHR đặt mục tiêu doanh thu 480 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng.
* CTI: Bà Đầu Thị Huyền, vợ ông Đới Hùng Cường - Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận Idico (CTI - HOSE) đăng ký bán toàn bộ 2 triệu cổ phiếu CTI sở hữu, tỷ lệ 3,17%. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 14/4 đến 13/5 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* CAV: CTCP Thiết bị điện Gelex, Công ty mẹ của CTCP Dây cáp điện Việt Nam (CAV - HOSE) đã mua vào hơn 1,02 triệu cổ phiếu CAV từ ngày 17/3 đến 23/3 theo phương thức thỏa thuận. Sau giao dich, Gelex đã nâng sở hữu tại CAV lên hơn 55,08 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 95,64%.
* SVC: Probus Opportunities, cổ đông lớn của CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (SVC - HOSE) đã bán ra hơn 1,69 triệu cổ phiếu SVC trong ngày 1/4. Sau giao dịch, cổ đông trên đã giảm sở hữu tại SVC xuống còn 125.000 cổ phiếu, tỷ lệ 0,6%.
* ITD: Ông Nguyễn Vĩnh Thuận, Thành viên HĐQT CTCP Công nghệ Tiên Phong (ITD - HOSE) đăng ký mua 400.000 cổ phiếu ITD từ ngày 10/4 đến 09/5 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Dự kiến giao dịch thành công, ông Thuận sẽ nâng sở hữu tại ITD lên hơn 1,04 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 5,5%.
* PGC: MB Capital, cổ đông lớn của Tổng CTCP Gas Petrolimex (PGC - HOSE) đăng ký mua 500.000 cổ phiếu PGC từ ngày 10/4 đến 08/5 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Dự kiến giao dịch thành công, cổ đông trên sẽ nâng sở hữu tại PGC lên hơn 5,81 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 9,6%.
* MWG: Ông Trần Huy Thanh Tùng, Trưởng Ban kiểm soát CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG - HOSE) đã mua vào 300.000 cổ phiếu MWG từ ngày 27/3 đến 07/4 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Sau giao dịch, ông Tùng đã nâng sở hữu tại MWG lên hơn 6,57 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1,45%.
* DNM: Tổng CTCP Y tế Danameco (DNM - HNX) thông qua phương án sửa chữa, cải thiện Phân xưởng thuộc Nhà máy Sản xuất vật tư Y tế Quảng Nam trị giá 20 tỷ đồng và đầu tư thêm 80 tỷ đồng vào dây chuyền sản xuất khẩu trang tự động tại Nhà máy này. Thời gian thực hiện trong các tháng 4, 5, 6/2020.
* HJS: CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện, cổ đông lớn, tổ chức có liên quan đến bà Phạm Thị Thu Hà - Ủy viên HĐQT CTCP Thủy điện Nậm Mu (HJS - HNX) đăng ký bán thoái vốn toàn bộ hơn 5,11 triệu cổ phiếu HJS sở hữu, tỷ lệ 24,38%. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 08/4 đến 07/5 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* VHL: SSIAM SIF, cổ đông lớn, tổ chức có liên quan đến ông Nguyễn Đức Minh - Thành viên Ban kiểm soát CTCP Viglacera Hạ Long (VHL - HNX) đã bán thoái vốn toàn bộ hơn 3,85 triệu cổ phiếu VHL sở hữu, tỷ lệ 15,41%. Giao dịch đã thực hiện từ ngày 31/3 đến 03/4.
* VKC: Ông Đỗ Ngọc Nam, Phó tổng giám đốc CTCP Cáp nhựa Vĩnh Khang (VKC - HNX) đăng ký mua 200.000 cổ phiếu VKC từ ngày 09/4 đến 07/5 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Hiện tại, ông Nam chưa nắm giữ bất kỳ cổ phiếu VKC nào.
Lạc Nhạn
Điện Quang lùi ngày thanh toán cổ tức vì Covid-19 Điện Quang sẽ thay đổi ngày thanh toán cổ tức từ ngày 9/4 sang ngày 31/12. Công ty chưa xác định thời điểm kiểm soát được dịch bệnh, mong nhận được sự chia sẻ của cổ đông. Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang (HoSE: DQC) thông báo thay đổi thời gian tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2019 bằng tiền...