Các cơ quan tố tụng Trung ương đã thực hiện tốt Quy chế phối hợp
Các cơ quan đã phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả trong việc tham mưu chỉ đạo xử lý và trực tiếp xử lý kết thúc 49 vụ án, 45 vụ việc trên phạm vi toàn quốc đúng pháp luật; đẩy nhanh tiến độ kết thúc điều tra, đưa một số vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm ra truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.
Ban Nội chính Trung ương vừa tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thực hiện Quy chế phối hợp cấp vụ, cục giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng TAND tối cao, Ban cán sự đảng VKSND tối cao và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.
Báo cáo cho thấy, trong năm 2019 và 2020, công tác phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với các cơ quan cơ bản được triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, kịp thời, đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật.
Cụ thể, đã phối hợp thực hiện tốt và hoàn thành 11 đề án lớn do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao; phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm trong việc tham mưu chuẩn bị đầy đủ tài liệu phục vụ 3 Phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo), 4 cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, các cuộc họp của Ban Chỉ đạo 110 và Thường trực Ban Bí thư.
Bên cạnh đó, các cơ quan đã phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả trong việc tham mưu chỉ đạo xử lý và trực tiếp xử lý kết thúc 49 vụ án, 45 vụ việc trên phạm vi toàn quốc đúng pháp luật; đẩy nhanh tiến độ kết thúc điều tra, đưa một số vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm ra truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật với các mức án vừa nghiêm khắc nhưng cũng vừa nhân văn, có lý, có tình, có tác dụng răn đe, giáo dục lớn, qua đó khẳng định quyết tâm của Đảng là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai” trong phòng, chống tham nhũng.
Các cơ quan cũng đã thực hiện tốt cơ chế phối hợp theo tinh thần của Ban Chỉ đạo; phát huy tốt trách nhiệm, thẩm quyền của cấp chuyên viên, giảm áp lực cho lãnh đạo liên ngành và Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo; phối hợp cấp vụ, cục có nhiều chuyển biến mới; việc giải quyết vụ án, vụ việc bảo đảm đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan sai người vô tội.
Video đang HOT
Ngoài ra, các cơ quan còn phối hợp tích cực trong việc nghiên cứu, đề xuất, tham mưu về cơ chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả; kịp thời phát hiện, kiến nghị Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, địa phương khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về kinh tế – xã hội góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo sự ổn định để phát triển kinh tế đất nước.
Quang cảnh Hội nghị Hội nghị sơ kết công tác thực hiện Quy chế phối hợp giữa các cơ quan. (Ảnh: noichinh.vn)
Theo Ban Nội chính Trung ương, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với các cơ quan phối hợp nói chung; giữa các đơn vị vụ, cục chức năng nói riêng trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp còn một số hạn chế, như: Việc phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ trong chương trình công tác năm 2019, 2020 của Ban Chỉ đạo có lúc, có việc còn chậm so với kế hoạch đề ra; tổ chức các cuộc họp liên ngành tư pháp Trung ương địa phương theo đề nghị của một số cơ quan tố tụng địa phương, nhất là hướng dẫn nghiệp vụ về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, diện đối tượng xử lý để thống nhất đường lối xử lý đối với một số vụ án tham nhũng, kinh tế có khó khăn, vướng mắc còn chậm.
Đồng thời, công tác phối hợp trao đổi thông tin, cung cấp tài liệu có việc vẫn còn chậm so với yêu cầu; chất lượng báo cáo và thông tin trao đổi trong một số trường hợp chưa kịp thời, đầy đủ; việc phối hợp để đôn đốc xử lý khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản ở một số vụ án chưa đạt yêu cầu…
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác thực hiện Quy chế phối hợp cấp vụ, cục giữa Ban Nội chính Trung ương với các cơ quan, đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đã nhấn mạnh và đề nghị thời gian tới các cơ quan cần tiếp tục phối hợp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhằm đáp ứng kịp thời cho công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; phối hợp thực hiện và theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện các chủ trương của đảng, pháp luật của nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.
Phối hợp giúp lãnh đạo các cơ quan phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc và các vụ án, vụ việc thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý theo đúng tiến độ, kế hoạch của Ban Chỉ đạo đã đề ra.
Đồng thời, chủ động thông tin về kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm; đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; xử lý nghiêm việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt, gây nghi ngờ trong xã hội; phối hợp giúp cơ quan phối hợp nắm chắc tình hình và tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo chỉ đạo hiệu quả các vấn đề nổi lên về an ninh, trật tự…
Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng
Ngày 9-1, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ngành nội chính Đảng năm 2020, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021.
Dự hội nghị tại điểm cầu chính ở Hà Nội có đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư. Tham dự tại điểm cầu TPHCM có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM.
Đồng chí Trần Lưu Quang tham dự hội nghị tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2020, ngành nội chính Đảng đã làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho Đảng triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, định hướng lớn, từng bước hoàn thiện thể chế, pháp luật về nội chính, phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp.
Toàn ngành đã tích cực, chủ động, tham mưu có hiệu quả với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và cấp ủy địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, với phương châm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ", "bất kể người đó là ai", tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng.
Ban Nội chính Trung ương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng; là "đầu mối" giúp Ban Chỉ đạo điều hòa, phối hợp, huy động lực lượng trong phòng chống tham nhũng và phát hiện, xử lý tham nhũng; chủ động tham mưu, đề xuất nhiều cơ chế, cách làm hay, thiết thực, hiệu quả. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp tham mưu Ban Chỉ đạo xử lý 128 vụ án, 91 vụ việc, trong đó có 74 vụ án với 667 bị cáo đã được đưa ra xét xử sơ thẩm.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Trần Quốc Vượng đánh giá cao và biểu dương những thành tích mà toàn ngành nội chính Đảng đã đạt được thời gian qua. Những thành tựu mà Đảng ta, đất nước ta đạt được có sự đóng góp quan trọng của các cơ quan Đảng trong đó có ngành nội chính Đảng.
Đồng chí Trần Quốc Vượng chỉ rõ, năm 2021 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm mở đầu cho một thập niên mới, năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; tiếp tục thi hành nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp về đẩy mạnh việc phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Tình hình tội phạm trong đó có tội phạm tham nhũng, kinh tế vẫn diễn ra tinh vi, phức tạp, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp, ngành nội chính Đảng cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo hơn nữa để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trong thời gian tới.
Đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị ngành nội chính Đảng phải tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế để công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục là dấu ấn nổi bật và có bước đột phá mới trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Trước mắt, toàn ngành tập trung tham mưu chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, kinh tế đã khởi tố theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở.
Sở Ngoại vụ tăng cường công tác tuyên truyền về biên giới, hải đảo Những năm qua, Sở Ngoại vụ đã phối hợp với các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng của tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia trên biển, hải đảo, đất liền cho Nhân dân,...