Ngành kiểm sát giảm 550 biên chế/năm
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng việc giảm biên chế 10% đã tạo ra áp lực lớn về công việc cho ngành kiểm sát, cần phải xem lại.
Tại phiên họp ngày 12-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và thảo luận về báo cáo nhiệm kỳ công tác 2016-2020 của VKSND Tối cao và TAND Tối cao. Một nội dung đáng chú ý là Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đã báo cáo, giải trình về công tác cán bộ, về biên chế mà theo ông đây là vấn đề trăn trở của ông và Ban cán sự Đảng VKSND Tối cao.
Đ ã g iảm 171 phòng thuộc VKSND cấp tỉnh
Theo ông Lê Minh Trí, VKSND Tối cao rất coi trọng công tác cán bộ, coi đây là khâu đột phá, là nhiệm vụ quan trọng có tính quyết định nhằm bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát.
K iểm sát viên phát biểu tại một phiên tòa hình sự. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG
Theo đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban cán sự Đảng, viện trưởng VKSND Tối cao đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác cán bộ; chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý, nhất là lãnh đạo cấp chiến lược của ngành theo phương châm “động và mở”.
Đồng thời, chú trọng luân chuyển, điều động, biệt phái từ cấp tối cao về địa phương và ngược lại nhằm đào tạo, rèn luyện, thử thách để tạo nguồn cán bộ.
VKSND Tối cao cũng đã có nghị quyết chọn cán bộ trong nguồn quy hoạch cán bộ chiến lược bố trí tại một số vị trí, lĩnh vực công tác trọng yếu và các địa bàn trọng điểm nhằm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách.
Cạnh đó, ngành kiểm sát mạnh dạn giao việc để thử thách, phát hiện được những nhân tố mới; điều chuyển, thay đổi vị trí công tác để tạo môi trường mới, tạo động lực phấn đấu cho cán bộ và phòng ngừa sự trì trệ, tiêu cực, nhất là những vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực…
Đáng chú ý, ngành kiểm sát đã thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Trong hai năm 2019-2020, VKSND các cấp đã tinh giản 10,32% biên chế; đã sáp nhập, giảm 171 phòng thuộc VKSND cấp tỉnh (giảm 23,5%).
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đánh giá VKSND Tối cao đã chú trọng và thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ kiểm sát viên nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng ngành kiểm sát đã thực hiện nghiêm Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng giảm đầu mối, tinh gọn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ… Cạnh đó, VKSND Tối cao đã chú trọng đổi mới công tác thanh tra , tăng cường kỷ luật , kỷ cương và trật tự nội vụ trong toàn ngành; xử lý nghiêm những trường hợp để xảy ra vi phạm. “Nhìn chung chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ VKSND các cấp ngày càng được nâng cao” – báo cáo thẩm tra đánh giá.
Chấp hành giảm nhưng rất trăn trở
“Về biên chế, đã có một năm tôi cắt không đặt vấn đề này nữa. Nhưng suy đi nghĩ lại, hết một nhiệm kỳ thì đây vẫn là trăn trở của Ban cán sự Đảng và của viện trưởng nên tôi nói lại vấn đề này” – ông Trí mở đầu phần giải trình thêm.
Theo ông Trí, trong xu thế phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, áp lực công việc đối với mọi ngành, nghề đều tăng lên. Riêng lĩnh vực tư pháp, quyền con người được bảo đảm nên đặt ra rất nhiều nhiệm vụ, yêu cầu, chưa kể tội phạm cũng phát triển tăng theo. Trong bối cảnh đó, ngành kiểm sát vẫn chấp hành rất nghiêm chủ trương tinh giản biên chế, mỗi năm giảm mạnh 550 người.
“Chúng ta cố gắng ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến lề lối làm việc và nhiều động tác khác nhằm nâng cao chất lượng cán bộ nhưng cũng phải có lộ trình chứ không thể nào thực hiện ngay được trong hai năm này. Vì vậy nên anh em rất áp lực, làm việc không tính ngày, tính giờ” – ông Trí nói và lo ngại những cố gắng này không kéo dài mãi được.
Ông Trí nói tiếp: “Chúng ta cứ cào bằng hết ở mức 10% thì khó, cũng có ngành cố gắng được, có ngành giảm nhưng chỉ ở mức độ nào đó thôi. Ở đây nói về mặt khoa học hợp lý, tôi kiến nghị coi lại, không riêng ngành kiểm sát, tòa án, mà các ngành khác, ngành đặc biệt quá, liên quan đến trách nhiệm pháp lý nặng quá thì chúng ta cũng phải quan tâm đến anh em”.
“Nếu không nói ra thì cảm giác có áp lực rất mạnh như thế mà chúng ta lại không dám nói hoặc nói nửa vời, không hết. Tôi nói để các đồng chí có sự chia sẻ với ngành. Còn cấp có thẩm quyền cho thì tốt, không cho phải chịu, chúng tôi vẫn chấp hành nghiêm” – vẫn lời ông Trí.
Viện trưởng VKS cũng phải "kiêng nể" địa phương, đừng nói kiểm sát viên!
"Án hành chính ở tỉnh mang ra xử, kiểm sát viên phát biểu về Chủ tịch tỉnh mà mạnh quá thì sau khó xin đất, trụ sở. Đến Viện trưởng VKS nhiều khi cũng phải "kiêng nể", đừng nói kiểm sát viên"...
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí bộc bạch là "cần nói thẳng thắn như vậy" tại phiên thảo luận của UB Thường vụ Quốc hội đánh giá nhiệm kỳ công tác khóa XIV (2016 - 2021) của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao diễn ra hôm nay, 12/1/2021.
Tại cuộc làm việc, vấn đề nhận nhiều quan tâm là về chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa.
UB Thường vụ Quốc hội thảo luận, đánh giá nhiệm kỳ công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao trong phiên họp thứ 52.
E ngại, nể nang lãnh đạo địa phương
Báo cáo của TAND tối cao do Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, trong nhiệm kỳ vừa qua, TAND tối cao tổ chức xét xử theo đúng tinh thần cải cách tư pháp với việc thực hiện ngày càng đầy đủ nguyên tắc tranh tụng. Các phiên tòa đã thực hiện nghiêm chỉ thị của Chánh án TAND tối cao về việc không hạn chế thời gian tranh tụng, căn cứ vào kết quả tranh tụng để đưa ra phán quyết.
Trong khi đó, báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao khẳng định, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, VKSND tối cao đã thực hiện nhiều biện pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa. Chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa từng bước được nâng lên.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng nhận định, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Bên cạnh đó, trách nhiệm công tố của kiểm sát viên tại các phiên tòa được nâng lên. Nhiều kiểm sát viên đã chủ động tham gia xét hỏi, tranh tụng để làm rõ nội dung vụ án, đặc biệt là tại nhiều phiên tòa xét xử các vụ án lớn được cử tri ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, ở mặt khác, Chủ nhiệm UB Tư pháp chỉ ra vấn đề, chất lượng thực hành quyền công tố trong một số vụ án chưa đáp ứng yêu cầu, còn để xảy ra các trường hợp bị truy tố oan; truy tố sai tội danh, sai khung hình phạt; VKSND phải rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa.
"Chất lượng tranh tụng của một số kiểm sát viên tại phiên tòa còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa chủ động tranh luận, đối đáp, đi đến cùng các ý kiến của người bào chữa nên chưa thuyết phục. Một số kháng nghị thiếu căn cứ, sau đó VKSND cấp trên phải rút kháng nghị của VKSND cấp dưới", bà Nga nêu rõ.
Bên cạnh đó, bà Nga đánh giá, một số kiểm sát viên còn có sự e ngại, nể nang nhất định đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong một số vụ án hành chính khi thực hiện chức năng kiểm sát xét xử và kiểm sát thi hành án hành chính.
Kiểm sát viên phát biểu mạnh, sau khó xin đất, trụ sở!
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí phát biểu tại phiên họp.
Nêu ý kiến thảo luận, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị lãnh đạo TAND và VKSND bổ sung thêm nội dung báo cáo, làm rõ hơn về tranh tụng tại các phiên tòa, vì cho rằng đây là một trong những nội dung đổi mới trọng tâm của công tác tư pháp trong nhiệm kỳ vừa qua.
Trao đổi lại, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, cải cách tư pháp là một nhiệm vụ được đặc biệt chú trọng, trong đó có chủ trương đẩy mạnh tranh tụng tại tòa. "Tranh tụng là con đường đi đến công lý, chúng tôi xác định như vậy", ông Bình nói.
Tuy vậy, theo Chánh án TAND tối cao, chủ thể tranh tụng tại các phiên tòa không phải là tòa án mà là Viện kiểm sát và luật sư, bên buộc tội và gỡ tội. Tòa án chỉ là cơ quan tạo điều kiện tối đa cho tranh tụng và sử dụng kết quả tranh tụng này để tuyên án.
Thông tin về ngành mình, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí khẳng định, đối với các vụ án hình sự, đặc biệt là ở cấp Trung ương, công tố viên hiện có nhiều tiến bộ, chuyện tranh tụng tại tòa không phải băn khoăn. Tuy nhiên, ông Trí thừa nhận, ở cấp huyện, tỉnh, hoạt động tranh tụng của kiểm sát viên trong các phiên tòa dân sự và hành chính thì vẫn còn vấn đề.
"Một kiểm sát viên công tác ở VKSND cấp huyện, tỉnh ra tòa mà phát biểu mạnh về ông Chủ tịch tỉnh thì chắc sau khó xin đất, xin trụ sở được. Tất nhiên, xin đất, xin trụ sở là công việc thôi nhưng không có mối quan hệ tốt thì khó lắm. Kiểm sát viên muốn nói mạnh mà ông viện trưởng bảo "nói vừa vừa thôi" thì kiểm sát viên cũng không dám nói. Phải nói thật như vậy. Viện trưởng VKSND tối cao cũng phải dùng cách thuyết phục là nhiều chứ có phải lúc nào cũng nói thẳng ra được đâu. Ngay cả Viện trưởng cũng có lúc phải kiêng nể chứ một cán bộ bình thường mà đòi hỏi không kiêng nể gì hết thì rất khó. Tất nhiên, kiêng nể cũng phải có nguyên tắc", ông Trí phân trần.
Viện trưởng VKSND tối cao chia sẻ: "Tính tôi bộc trực nên nói thẳng, có phê bình, có tiếp thu, nên tôi nói rằng, trong hệ thống chúng ta tính "cả nể" còn lớn chứ không phải riêng ở lĩnh vực tư pháp", ông Trí nói thêm.
7 người nộp lại quà tặng 305 triệu và một cơ quan nhận quà trái quy định 7 người nộp lại quà tặng cho đơn vị với giá trị là 305 triệu đồng. Qua thanh tra phát hiện một cơ quan nhận quà tặng không đúng quy định, đã thu hồi số tiền vi phạm 210 triệu đồng. Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 chiều 12/1, Thanh tra Chính phủ...