Các chuyên gia nói về chính sách “cắt lát xúc xích” của Trung Quốc
Giáo sư Philippines: chính sách “cắt lát xúc xích” của Trung Quốc đang làm giảm sút vai trò của ASEAN trong việc giải quyết những vấn đề an ninh khu vực
Xói mòn lòng tin giữa các quốc gia khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt giữa Trung Quốc với các nước khác đang và sẽ hủy hoại tương lai của cả khu vực. Mỗi nước cần có quyết tâm thực hiện các biện pháp tổng hợp nhằm ngăn chặn sự xói mòn đó để xây dựng lòng tin giữa các quốc gia.
Đây là ý kiến của được nhiều chuyên gia đưa ra tại cuộc Hội thảo quốc tế “Xây dựng lòng tin ở Châu Á” vừa diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do Viện nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp cùng Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức đã thu hút sự tham gia của khoảng 50 đại biểu, trong đó có các chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế đến từ Nhật Bản, Philippines, Singapore và Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu cùng thống nhất quan điểm rằng các hoạt động đơn phương gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là việc cải tạo đất xây đảo nhân tạo quy mô lớn tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang khiến lòng tin của các quốc gia trong khu vực đối với Trung Quốc bị xói mòn nghiêm trọng.
Tiến sĩ William Choong, thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Singapore cho rằng các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông tạo ra một hiểm họa hiện hữu đối với các nước ASEAN và vai trò chủ chốt của ASEAN trong các vấn đề khu vực.
Trung Quốc cũng không quan tâm đến sự kêu gọi của ASEAN về việc tuân thủ các quy định của pháp luật, thể hiện qua sự miễn cưỡng của Bắc Kinh trong việc làm rõ các đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông dựa theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)
Video đang HOT
Sự thất bại của ASEAN trong việc thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử cũng như việc không đưa ra được tuyên bố chung trong Hội nghị Bộ trưởng ASEAN năm 2012 tại Campuchia là minh chứng cho chiến lược “cắt lát xúc xích” của Trung Quốc đối với ASEAN.
Theo giáo sư Renato Cruz De Castro thuộc Đại học De La Salle, Philippines, căng thẳng gia tăng trong việc cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn trong khu vực, cùng chính sách “cắt lát xúc xích” của Trung Quốc đang làm giảm sút vai trò của ASEAN trong việc giải quyết những vấn đề an ninh khu vực. Ông Renato cảnh báo các nước ASEAN có thể trở thành con rối của những nước lớn nếu không có biện pháp hữu hiệu.
Giáo sư Mie Oba cho rằng ASEAN cần phối hợp với các nước liên quan thuyết phục Trung Quốc tham gia vào các cơ chế xây dựng lòng tin.
Tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh thuộc Bộ tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam cũng đề cập đến việc đối xử nhân đạo với ngư dân các nước như một biện pháp xây dựng lòng tin giữa các quốc gia. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh khẳng định Cảnh sát biển Việt Nam luôn quán triệt chính sách nhân đạo với ngư dân các nước thông qua các biện pháp nhắc nhở, giáo dục ngư dân nước ngoài đánh bắt trái phép trên vùng biển của Việt Nam.
Liên quan đến việc xây dựng lòng tin giữa Việt Nam và Trung Quốc, trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV, giáo sư Shin Kawashima khẳng định Việt Nam không thể và không nên lựa chọn đứng về phía bên nào trong hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Ông Kawashima cho rằng Việt Nam đã cho thấy sự khôn ngoan của mình khi thể hiện sự rõ ràng giữa kiên quyết đấu tranh về chủ quyền và hợp tác về kinh tế với Trung Quốc. Theo ông, mặc dù quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc khá căng thẳng trong thời gian gần đây nhưng Việt Nam lại có nhiều lợi thế hơn các nước khác khi đối thoại với Trung Quốc
“Việt Nam có một vị thế đặc biệt. Giữa Việt Nam và Trung Quốc có 3 kênh tiếp xúc quan trọng giữa đảng, chính phủ và quân đội. Điều đó giúp Việt Nam có thể đối thoại với Trung Quốc dễ hơn rất nhiều các nước khác. Việt Nam cần tận dụng ưu thế này để xây dựng lòng tin với Trung Quốc” ông Kawashima nói. “Ngoài ra, bên cạnh quan hệ song phương với Trung Quốc, Việt Nam cũng nên tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước để các nước trên thế giới hiểu rõ lập trường của Việt Nam. Thêm nữa, bản thân Việt Nam cũng cần phát triển hơn nữa, trở thành một quốc gia hùng cường để có thể thay đổi mối quan hệ với Trung Quốc. Theo tôi, đó là con đường tốt nhất cho Việt Nam”, ông Kawashima nhấn mạnh./.
Theo VOV Online
Cả thế giới đang theo dõi Trung Quốc hành xử ở Biển Đông
Ngày 22/11, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố "cả thế giới đang theo dõi" xem liệu Trung Quốc có hành xử như một cường quốc có trách nhiệm trong tranh chấp lãnh hải hay không.
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Đông Á ở Kuala Lumpur, ông Aquino nêu rõ: "Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ giữ lời và tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Cả thế giới đang theo dõi và cũng kỳ vọng không kém từ một quốc gia hàng đầu có trách nhiệm trên thế giới".
Philippines là nước lớn tiếng nhất trong việc thách thức Trung Quốc. Theo Tổng thống Aquino, hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo mà Bắc Kinh tiến hành là "hoàn toàn không đếm xỉa tới luật pháp quốc tế" và Bắc Kinh đã hung hăng "tới mức mà chúng tôi nay đã không còn được phép đi vào những khu vực nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của mình". Ông Aquino nhấn mạnh cần sử dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 để giải quyết tranh chấp này.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 27 diễn ra ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 21/11. Ảnh: AP
Nhật Bản ủng hộ tàu chiến Mỹ di chuyển trên Biển Đông
Cũng trong ngày 22/11, Nhật Bản đã tuyên bố ủng hộ các tàu chiến Mỹ di chuyển gần lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông, song khẳng định Tokyo không có kế hoạch triển khai lực lượng tới hỗ trợ hoạt động này.
Phát biểu sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne và Ngoại trưởng Julie Bishop tại Sydney, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nói: "Chúng tôi luôn chủ động đóng góp vào sự ổn định trong khu vực, song theo tôi biết thì hiện Nhật Bản không có kế hoạch trở thành một phần của hoạt động tự do đi lại của Mỹ. Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật (ở Manila), tôi tin rằng Thủ tướng Abe đã bày tỏ lập trường này với Tổng thống Obama".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Fumio Kishida nói: "Cộng đồng quốc tế cần phải phối hợp với nhau để giải quyết tình hình. Đối với Mỹ, việc họ tiến hành các hoạt động nhằm đảm bảo tự do đi lại là dựa trên luật pháp quốc tế... Nhật Bản ủng hộ Mỹ về mặt này".
Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc đối thoại ở Sydney, Nhật Bản và Australia đã kêu gọi "tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ngừng những hoạt động bồi lấn đất đai và xây dựng quy mô lớn cũng như việc sử dụng vì các mục đích quân sự" trên Biển Đông, đồng thời hối thúc các bên "kiềm chế, có những bước đi xoa dịu căng thẳng và tránh các hành động khiêu khích có thể làm leo thang tình hình".
Theo Báo Tin Tức
ASEAN sẽ đồng thuận phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông? Ngày 13/11, báo Washington Times đã đăng bài phân tích về việc liệu ASEAN có thành công trong việc xóa bỏ sự ngăn cách trong vấn đề Biển Đông hay không. Theo bài viết, còn quá sớm để nói tới chiến thắng của Philippines tại vụ kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc về các tuyên bố chủ...